LỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 4 TN)

0
279
Photo: Shutterstock.com

Tin mừng: Mc 6, 30-34

30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.

31 Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.

32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.

34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

—– SUY NIỆM —–

CHẠNH LÒNG THƯƠNG (Tu sĩ  G. B. Nguyễn Văn Huân, SVD)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô tóm tắt chân dung của Đức Giêsu trong câu nói: “Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương”. Chúa Giêsu chạnh lòng thương vì Người đã thấu cảm được nỗi mệt nhọc và đói khát của dân chúng khi đi theo và tìm kiếm Người.

Dân chúng tìm kiếm và đi theo Người không chỉ thiếu thốn của ăn vật chất mà quan trọng hơn chính là lương thực tinh thần, thiêng liêng cho tâm hồn. Người chạnh lòng thương “vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”, nghĩa là họ bơ vơ, lạc lõng không có người nâng đỡ, hướng dẫn tinh thần, dẫn lối đưa đường trong cuộc sống, đặc biệt đời sống tìm về với Chúa. Chúa Giêsu đã nhận thấy sự đói khát của ăn nuôi sống phần hồn của dân chúng. Bởi vậy, Người đã “bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Chúa Giêsu đã khoả lấp được sự trống vắng trong tâm hồn họ, ban tặng cho họ thứ lương thực thiêng liêng để nuôi sống đời sống đức tin, đem lại niềm bình an và hạnh phúc trong tâm hồn họ. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đang chứng kiến biết bao người đang bơ vơ lạc lõng không người dẫn dắt cần sự giúp đỡ của chúng ta, nhưng lắm lúc chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ hay khó chịu vì họ làm mất thời gian của mình.

Nhưng ngược lại, khi có người giàu có, kẻ sang trọng đến, chúng ta lại niềm nở tiếp đón, ân cần dẫn dắt và chỉ bảo tận tình bất cứ lúc nào. Thử hỏi, thái độ và cách hành xử của chúng ta như thế đã đẹp lòng Chúa chưa? Có xứng là môn đệ của Thầy Giêsu chưa? Ước gì chúng ta học được nơi mẫu gương của Chúa Giêsu trong trình thuật Lời Chúa hôm nay để biết quên mình, không phân biệt giàu nghèo và biết “chạnh lòng thương” đối với mọi người, đặc biệt là những cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con có trái tim biết nhạy bén trước nhu cầu của anh chị em và có lòng quảng đại để biết chia sẻ với người khác những gì mình có. Amen.


TRỞ VỀ VỚI CÕI LẶNG (Tu sĩ Antôn Ngô Văn Lâm, SVD)

 

Cuộc sống con người luôn bận rộn với biết bao lo toan của  công  việc. Công việc vừa là niềm vui, nhưng cũng là bổn phận mà mỗi người cần phải chu toàn. Gánh nặng cơm áo, gạo tiền, công việc,… nhiều lúc làm con người mệt mỏi. Vì thế, cần phải có thời gian để cho thân xác được nghỉ ngơi, cũng là cơ hội để tâm hồn được trở về với cõi thinh lặng nghỉ ngơi bên Chúa.

Tin Mừng hôm nay cho ta thấy, Chúa Giêsu rất tinh tế và quan tâm đến những người môn đệ của mình sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt nhọc: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31). Ngài không nói các ông về thăm gia đình, đi mua sắm, hoặc đi chơi ở những nơi công cộng ồn ào, nhưng là “hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi”. Quả thế, hành trình đi theo Chúa của người môn đệ là hành trình của hai nhịp sống: làm việc và cầu nguyện trong thinh lặng. Sau một ngày được đồng hành với Thầy tiếp đón dân chúng, Chúa thấu hiểu nỗi vất vả của các ông. Chúa muốn các ông được nghỉ ngơi, nhưng là nghỉ ngơi trong sự vắng vẻ, thinh lặng thay vì đến những chốn ồn ào, xô bồ và náo nhiệt.

Thực tế cho ta thấy, con người thường soi vào gương để thấy rõ khuôn mặt của mình, thì việc trở về trong cõi thinh lặng được ví như chiếc gương để ta soi chiếu tâm hồn. Trong thinh lặng, ta đối diện với thực tại con người nhỏ bé, mỏng giòn, yếu đuối. Và, chỉ có trong thinh lặng, ta được gặp gỡ Chúa, được kín múc nguồn ân sủng của Chúa, giúp ta có đủ sức mạnh cho một hành trình mới ở phía trước.

Lạy Chúa Giêsu, giữa những ồn ào, xô bồ của đời sống hiện đại, chúng con dễ dàng bị cuốn hút và chiều theo những đam mê. Xin cho chúng con biết ý thức rằng, chỉ có thinh lặng và trở về trong thinh lặng, chúng con mới thực sự gặp gỡ chính mình, gặp gỡ Chúa là nguồn sức mạnh của chúng con. Amen.


 

NGHỈ NGƠI (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

NGHỈ NGƠI BÊN CHÚA (Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD)

Cuộc sống không thể tránh khỏi những bận rộn và lo toan, chính những bận rộn và lo toan ấy đã cuốn con người vào vòng xoáy của tiền tài và danh vọng. Điều cần thiết hơn bao giờ hết lúc này và để cân bằng cuộc sống chính là dành thời gian nghỉ ngơi bên Chúa.

Bài Tin Mừng ngày hôm nay, Đức Giêsu nói với các Tông Đồ: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31a). Và Người cũng muốn nhắn nhủ với mỗi người chúng ta rằng, sau những bộn bề lo toan của một ngày sống thì hãy dành thời gian nghỉ ngơi bên Chúa. Đến bên Chúa để được Người thêm sức, để được ủi an, để vơi bớt lo toan, quên đi gánh ưu sầu và để nói lời cảm ơn vì một ngày sống trong bình an như lời Người đã nói: “Hãy đến với Ta, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Chúng ta sẽ không còn lấy làm lạ khi nghe về những danh từ như tĩnh tâm năm, linh thao, tĩnh tâm tháng, hay năm phút Lời Chúa mỗi ngày,… tất cả là những phương thế, là cơ hội để con người nghỉ ngơi bên Chúa; nạp lại năng lượng cho đời sống tâm linh sau một năm, một tháng hay một ngày làm việc với bao bon chen, vất vả.

Nghỉ ngơi bên Chúa là dùng thời gian ngồi lại với Chúa, chỉ cần thing lặng và ngắm nhìn, cảm nhận theo từng nhịp thở. Cuối cùng hãy thốt lên rằng: “Tạ ơn Chúa vì muôn ngàn đời Ngài vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1).

Lạy Chúa! xin cho con biết dành những thời gian trong ngày để nghỉ ngơi với Chúa, để bồi dưỡng đời sống tâm linh, vì chính Ngài là nguồn sức mạnh và là nơi chúng con ẩn náu. Xin cho con biêt kín múc nguồn năng lượng sống nơi Ngài và như thế con sẽ không bị gục ngã trên dòng đời xuôi ngược. Amen.


ĐỨC GIÊSU VỊ THẦY CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT (Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD)

Cựu Ước đề cập đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với Dân Người như là tình yêu của người Cha, nhưng dường như tình cha đó lại có một khoảng cách xa vời vợi. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cho ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa gần gũi đến nỗi con người có thể đụng chạm được.

Thánh Máccô tường thuật lại việc Đức Giêsu quan tâm đến sức khỏe của các môn đệ, khi Người mời gọi các ông rút lui vào một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, bởi vì các ông vừa mới hoàn thành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho dân chúng. Còn đối với dân, Người không hề thấy đám đông là phiền toái khi họ cứ đến và quấy rầy trong lúc Người và các môn đệ nghỉ ngơi, ngược lại Người chạnh lòng thương họ. Người là một Thiên Chúa đến ở giữa dân và sống với dân. Người như là Vị Mục Tử luôn sống cùng, sống với các con chiên của mình. Qua hai chi tiết này, thánh sử Máccô cho ta thấy lòng thương xót của Đức Giêsu không những đã đụng chạm đến các môn đệ mà còn cả đám đông dân chúng nữa. Nơi Đức Giêsu, họ cảm nhận được Thiên Chúa không còn xa cách; một vị Thiên Chúa không còn phán từ trời cao như trong Cựu Ước, nhưng một Thiên Chúa giàu “lòng thương xót”, đến sống và chết cho con người.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã trao ban cho chúng con Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. Người là một vị Thiên Chúa luôn ở bên chúng con, đồng hành với chúng con. Người luôn luôn lắng nghe, cảm thông và thấu hiểu những nỗi thống khổ mà chúng con đang gánh chịu.

Xin cho chúng con cũng biết học nơi Đức Giêsu biết dấn thân phục vụ tha nhân; biết thực thi lòng thương xót đối  với hết mọi người nhất là những ai đang khao khát tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Amen.

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật V Thường Niên, Năm B (Mc 1,29-39)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 5 Thường Niên – Năm B