Bài Ðọc I: 2 Sb 36, 14-16. 19-23
“Cơn thịnh nộ và lòng từ bi của Chúa được tỏ bày qua sự lưu đày và giải phóng của dân tộc”.
Trích sách Sử Biên Niên quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giêrusalem.
Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân Người và đền thờ của Người. Nhưng họ nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa, và nhạo báng các tiên tri, đến nỗi, sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người, và vô phương cứu chữa. Quân thù đã đốt đền thờ Chúa, phá huỷ tường thành Giêrusalem, phóng hoả tất cả các lâu đài và thiêu huỷ mọi đồ vật quý giá. Nếu có ai thoát khỏi lưỡi gươm, thì bị dẫn về Babylon để làm nô lệ nhà vua và con cái vua, cho đến thời vua nước Ba-tư thống trị; như thế ứng nghiệm lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia mà phán, cho đến khi đất nước được mừng ngày Sabbat; vì trong tất cả những ngày xáo trộn, họ sẽ không giữ được ngày Sabbat trọn bảy mươi năm trường.
Năm thứ nhất triều đại Cyrô, vua xứ Ba-tư, để lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia phán trước được thực hiện, thì Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: “Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6
Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).
Xướng: 1) Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi. – Ðáp.
2) Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: “Hãy vui mừng; hãy hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion!”. – Ðáp.
3) Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét. – Ðáp.
4) Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Ep 2, 4-10
“Anh em chết bởi tội và được cứu rỗi bởi ân sủng”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi; Người đã cho chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô? Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 3, 16
Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Mình, để tất cả những ai tin Con Ngài, sẽ được sống đời đời.
Phúc Âm: Ga 3, 14-21
“Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề
SỰ SỐNG MUÔN ĐỜI (Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD)
Con người chúng ta luôn mong muốn được sống lâu, sống trường thọ. Nhưng phũ phàng thay, phận người cũng chỉ “tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi” (Tv 89,10) mà thôi. Đích thực rằng cây cối có gốc có ngọn; sự việc thì có đầu có cuối. Vòng đời của con người chúng ta cũng vậy, có sinh ắt có tử, có lúc cất tiếng khóc chào đời cũng có khi phải nhắm mắt xuôi tay mà rời khỏi thế gian này. Tuy nhiên, là người Kitô hữu chúng ta luôn xác tín một điều rằng sau cái chết con người vẫn có một cuộc sống thiêng liêng mà ta quen gọi là “đời sau” hay “sự sống muôn đời.” Vậy, để được hưởng hạnh phúc muôn đời cùng Thiên Chúa trên thiên quốc, chúng ta phải làm gì bây giờ? Liệu rằng những thói quen truyền thống như ăn ngay ở lành; làm lành lánh dữ đã đủ chưa hay chúng ta còn phải đáp ứng điều kiện gì nữa không? Ví như đặt niềm tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa chẳng hạn?
Chắc hẳn chúng ta đều biết rằng Thiên Chúa thể hiện tình yêu của mình với nhân loại một cách minh nhiên qua công trình sáng tạo: Chim muông trên trời, thú vật ngoài đồng hay muôn sinh vật dưới biển khơi. Tất cả đều là phúc lộc mà Thiên Chúa ân ban cho con người hưởng dùng, để cuộc sống của họ được hạnh phúc ngay ở đời này. Trọn hảo hơn, Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài cho thế gian để nhờ tin vào Người Con đó mà họ được hưởng sự sống viên mãn ở đời sau (x. Ga 3,16). Ngày xưa, tổ phụ Abraham đã vâng lời Đức Chúa, hiến dâng con trai độc nhất của mình là Isaác làm của lễ toàn thiêu tiến dâng Chúa (x. St 22,2-13). Một điều rất hay là thay vì phải sát tế con mình, Ábraham đã được Chúa ban cho một con dê để làm của lễ tiến dâng. Chúa đã bảo toàn mạng sống người con là Isaác. Ngài chỉ thử lòng tin của người cha mà thôi. Như vậy, lòng tin và sự vâng phục của Abraham làm đẹp lòng Chúa. Thế nên, tổ phụ được Thiên Chúa ban nhiều ơn lành, phúc trường thọ. Hóa ra, lòng tin và sự vâng phục là của lễ đẹp nhất mà Thiên Chúa mong chờ nơi mỗi con người. Cũng vậy, Thiên Chúa đã ban Người Con duy nhất của mình cho nhân loại, con người chỉ cần tin vào Người Con đó thì được sống muôn đời. Lời hứa này Thiên Chúa đã thiết lập với con người từ ngàn xưa.
Như thế, điều kiện để được hưởng sự sống muôn đời là con người phải tin vào Đức Giêsu Kitô, Con Một của Thiên Chúa, Đấng được sai đến thế gian để ban ơn cứu độ cho con người. Quả thật, tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại thật đặc biệt, thật lớn lao. Đây là điều con người không ai dám chối cãi. Nhiệm vụ còn lại hoàn toàn nằm trong bàn tay của con người là đón nhận hay chối từ tình yêu đó, tức là quyết định tin hay không tin mà thôi. Tin Đức Kitô là vâng nghe lời Người mời gọi; là bước đi trong ánh sáng của chân lý sự thật; là từ bỏ những gì của thế gian, của bóng tối tội lỗi để vác thập giá đi theo Người. Tin vào Đức Kitô là sống kết hợp mật thiết với Chúa làm chứng nhân của tình yêu giữa cộng đồng, với tha nhân: vui với người vui để tình thương được lan tỏa; khóc với người khóc để giọt nước mắt bớt đi vị chát đắng. Nếu chúng ta đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô, ánh sáng đích thực soi đường cho nhân loại thì không bị kết án nữa vì đã có Người chịu chết đền tội thay ta.
Tóm lại, là con cái Chúa, chúng ta hoàn toàn tin có cuộc sống mai sau cùng với Thiên Chúa trên Thiên Đàng. Tuy nhiên, sau khi chết không phải tất thảy mọi người đều được sống ở bến bờ hạnh phúc. Nhưng chỉ “những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau” (Lc 20,35) mới được hưởng ơn phúc đó. Để được như vậy, ngoài những thói quen chúng ta vẫn thường làm như tu thân tích đức; ăn ngay ở lành; làm việc bác ái yêu thương. Chúng ta còn phải đáp ứng điều kiện quan trọng là đặt niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống. Như lời Đức Giêsuđã đảm bảo với chúng ta “ai tin vào Ta sẽ được sự sống muôn đời” (Ga 6,40). “Sự sống đời đời” có lẽ nhấn mạnh đến phẩm tính hơn là trường độ của thời gian. Tức là sự sống của Đức Kitôtrong chúng ta, chứ không phải vì chúng ta không thể đánh mất nó. Sự sống ấy bắt đầu ngay lúc chúng ta tin vào Đức GiêsuKitô. Nguồn cội của sự sống ấy bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Như vậy, tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, con người chỉ cần chìa tay ra và đón lấy như một món quà là đủ. Nhiệm vụ này xem ra không mấy khó khăn. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều người đã đơn phương từ chối món quà tình yêu được trao tặng từ trời cao, buồn thay! Bởi thế, họ bị xét xử vì hành động ngu dại của mình. Họ tự mình đánh mất ân lộc là sự sống vĩnh cửu. Trái lại, chỉ cần tin tình yêu trọn hảo mà Thiên Chúa nhân lành đã tỏ lộ nơi Đức Giêsu chắc hẳn chúng ta sẽ không phải diệt vong, nhưng được sự sống muôn đời như lời Chúa đã hứa khi xưa.
Nhịp sống nhanh, ồn ào của xã hội hiện đại kéo con người sa vào lối sống coi trọng của cải vật chất. Nhiều khi chúng ta loay hoay không biết phải tin như thế nào và làm thế nào để giữ vững đức tin của mình. Hơn nữa, bản tính con người vốn dĩ yếu đuối, ta thích bóng tối của mê muội hơn là ánh sáng của chân lý, đôi lúc chúng ta tin Chúa một cách lấp lửng, nửa vời. Đức tin của chúng ta vì thế ngày một èo uột và yếu dần đi. Chất lượng cuộc sống cũng giảm theo ngày tháng; tâm hồn bất an lo lắng vì cuộc đời chúng ta thiếu Chúa. Bởi thế, mỗi ngày một giây phút thinh lặng, một khoảnh khắc nhớ đến Chúa có thể làm tươi mát tâm hồn, lòng chúng ta sẽ trở nên an lành hơn chăng?
Lạy Thiên Chúa từ bi và nhân hậu, chúng con cảm tạ Chúa vì món quà tình yêu mà Ngài đã tặng ban cho nhân loại này. Xin Chúa giúp chúng con ăn ở công minh chính trực; xin ban thêm sức mạnh để chúng con can đảm và quyết liệt bám vào Con của Ngài, hầu xứng đáng được hưởng phúc Thiên Đàng mai sau. Amen.
HÃY CHỌN ÁNH SÁNG (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD)
Mùa Chay, mùa của sám hối, biến đổi và yêu thương. Bài Tin Mừng hôm nay, qua trình thuật của thánh Gioan, một lần nữa nhắc nhớ chúng ta về điều đó. Nhắc nhớ cho chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, mà tột đỉnh là cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Thập giá của Chúa Giêsu không chỉ giải thoát con người khỏi ách tội lỗi, nhưng còn mang lại cho con người sự sống đời đời. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người quả là cao vời và kỳ diệu.
Quả thế, trong ba năm công khai rao giảng Tin Mừng Nước Trời, để minh chứng cho tình yêu của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã thực hiện biết bao phép lạ chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền và xua đuổi ma quỷ khỏi con người. Vì tình yêu mà Chúa Giêsu luôn muốn con người được sống trong bình an và đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu. Và để đạt được điều đó, Chúa Giêsu đòi hỏi nơi con người một sự đáp trả, không chỉ là niềm tin, nhưng còn là thái độ để sống đức tin đó. Nghĩa là phải biết sống thánh thiện, ghét những điều gian ác, phải biết chọn ánh sáng thay vì bóng tối.
Lời mời gọi đáp trả của Chúa Giêsu đáng để cho chúng ta phải suy nghĩ; là Kitô hữu, hàng ngày chúng ta tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Thế nhưng, chúng ta đã sống niềm tin đó như thế nào? Đời sống thường ngày của chúng ta đã là ánh sáng cho người khác chưa? Hay là chúng ta lại thích bóng tối hơn ánh sáng, thích làm điều xấu hơn là điều thiện. Thiết nghĩ, bóng tối đó chính là những thói hư tật xấu, những đam mê quyến rũ của tính xác thịt. Điều xấu đó chính là sự đố kỵ, ghen ghét, hận thù và gian dối trong đời sống thường ngày. Chính bóng tối và những điều xấu đó, làm cho con người xa rời Thiên Chúa, làm cho hình ảnh của Thiên Chúa nơi mỗi người chúng ta trở nên mờ nhạt. Chúng ta chỉ biết chăm lo cho con người xác thịt của mình, mà bỏ quên đời sống đức tin và mối tương quan với người khác. Một khi sống với thái độ như thế, là chúng ta đã đi ngược lại với những điều mà Chúa Giêsu truyền dạy. Chúng ta đã phung phí tình yêu và hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta.
Chúa Giêsu thấu hiểu những yếu đuối và bất toàn của phận người, nên Ngài đã đi bước trước làm gương cho chúng ta. Ngài đã vâng lời Chúa Cha, mà từ bỏ ý riêng của mình. Ngài đã vượt thắng ba cơn cám dỗ trong sa mạc. Ngài dùng chính tình yêu và lòng thương xót để đến với con người. Và cuối cùng chấp nhận hiến thân mình trên thập giá để mang lại ơn cứu độ cho con người. Là môn đệ của Chúa Giêsu, Ngài vẫn luôn mời gọi chúng ta bước theo con đường đó. Nghĩa là hãy biết sống đức tin của mình bằng những hành động thiết thực. Với bản thân thì hãy biết sửa mình và canh tân lại đời sống mỗi ngày. Hãy học biết sống hy sinh, khiêm nhường và hiền hậu nhiều hơn. Với người khác thì luôn yêu thương, tha thứ và quảng đại đón nhận những người mà chúng ta gặp gỡ, cho dù đó là những người luôn làm cho chúng ta thấy bất an và khó chịu. Chính lối sống đó là mối dây liên kết chúng ta lại với nhau, giúp chúng ta dễ dàng chia sẻ và nâng đỡ nhau trong đời sống thường ngày; nhất là những lúc gặp gian nan thử thách, những lúc phải đối diện với sóng gió của cuộc sống. Đời sống trần gian của chúng ta chỉ có giá trị và ý nghĩa, khi mỗi người biết sống thân mật với Thiên Chúa và thân tình với con người. Một khi sống được như thế là chúng ta đang làm chứng niềm tin của mình vào Chúa, chúng ta chọn ánh sáng, chọn sống theo sự thật và đang tích luỹ kho tàng cho mình ở trên trời.
Ngang qua Lời Chúa trong ngày Chúa Nhật IV Mùa Chay, Giáo Hội tha thiết mời gọi mỗi người chúng ta, hãy nhìn lên thập giá Chúa Giêsu và siêng năng đến với Ngài nhiều hơn, không chỉ là để suy gẫm mầu nhiệm Tình yêu, nhưng còn là nhìn lại hành trình đức tin của mình. Chắc hẳn hành trình đó đã và đang trải qua những gian nan và thách đố. Có những lúc chúng ta mạnh mẽ trong đức tin, nhưng cũng biết bao lần chúng ta yếu đuối và vấp phạm. Xin cho mỗi người chúng ta luôn ý thức được điều đó, để biết quyết tâm và nỗ lực trau dồi đời sống đức tin của mình, biến đổi con người mình mỗi ngày. Để qua đời sống của mỗi người chúng ta, mọi người sẽ nhận ra hình ảnh của một Thiên Chúa tình yêu và đầy sự tốt lành; chứ không phải là hình bóng của một con người trần thế với biết bao điều xấu xa và tội lỗi.
Xin Chúa luôn ban ơn và đồng hành để mỗi người chúng ta có thể vượt qua những cám dỗ và yếu đuối của tính xác thịt, nhất là trong Mùa Chay thánh này, hầu xứng đáng là một Kitô hữu như lòng Chúa mong muốn. Amen.
NIỀM VUI CHO NGƯỜI TIN (Lm. Giuse Vũ Thiên Trường, SVD)
Phụng vụ của Giáo Hội cho phép thay đổi màu sắc của ngày chủ nhật hôm nay từ màu tím của mùa chay thành màu hồng, màu được dùng trong những ngày lễ của tình yêu và biểu tượng sự hạnh phúc. Bởi lẽ, điểm nổi bật nhất của Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Chay chính là tình yêu của Thiên Chúa : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đây là lời mạc khải rất quan trọng của Đức Giêsu, tóm lược một cách ngắn gọn và đầy đủ nội dung và ý nghĩa của toàn bộ Tin Mừng. Đồng thời, đây cũng là bằng chứng cho mỗi người chúng ta tin tưởng vào tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta.
- Tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa
Thật vậy, Chúa Giêsu đã đến thế gian và mạc khải cho chúng ta biết về tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho thế gian. Tình yêu đó có đủ cả chiều kích không gian lẫn thời gian, một tình yêu xuyên suốt dòng lịch sử của nhân loại và “chan hòa đầy mặt đất” (Tv 5). Tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua hành động tạo dựng con người nên giống hình ảnh của Ngài, là việc ký kết giao ước với con người để con người được sống tự do và hạnh phúc, và hơn hết, đó là cho đi chính cái cao quý nhất của mình là sai Người Con Một yêu dấu đến thế gian để cứu con người khỏi tội lỗi và sự chết.
Cuộc trò chuyện của Đức Giêsu với ông Nicôđêmô trong bài Tin Mừng, đã giúp Nicôđêmô hiểu rõ hơn về tình yêu của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã nhắc lại câu chuyện con rắn đồng ngày xưa. Đây không phải là một câu chuyện ngẫu nhiên nhưng là chương trình cứu độ đã được Thiên Chúa hoạch định từ ngàn xưa. Con rắn đồng được treo lên trong sa mạc để ai bị rắn cắn mà nhìn lên đó sẽ được chữa lành là hình ảnh tượng trưng, là điềm tiên báo về Đấng Cứu Độ nhân loại cũng sẽ bị giết chết và treo lên như vậy “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (Ga 3,14). Ngày xưa Dân Chúa nhìn lên rắn đồng với tất cả lòng tin là được cứu khỏi chết. Còn ngày nay, những ai tội lỗi, dù là tội lỗi thế nào, mà biết nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên thập giá với tất cả lòng cậy tin cũng được thứ tha và được cứu độ. Vì chính Đức Giêsu, sau khi đã dạy cho nhân loại chúng ta biết về con đường cứu độ, đã chịu đóng đinh và bị treo trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại, chứ không phải để lên án thế giới con người. [1]
Bài đọc I cho thấy sự yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân Do Thái khi dân này bất trung: Không phải chỉ có dân chúng, mà còn cả hàng tư tế, cũng tỏ ra gàng bướng bất trung (2Sb 36,14). Bao nhiêu thói hư tật xấu, bao nhiêu tội ác khủng khiếp mà dân ngoại đã làm, thì bây giờ điều đó lại xảy ra trong chính đền thờ Giêrusalem; làm cho đền thờ trở nên dơ bẩn hổn tạp, mở đường cho ngoại bang xăm chiếm. Và rồi cũng thêm một lần nữa, chúng ta nhìn thấy được lòng trung thành yêu thương của Thiên Chúa : Người đã dùng triều đại Vua Kyrô để xây dựng lại đền thờ và khôi phục vương quốc Israen.
Thiên Chúa đã nhiều lần biểu lộ tất cả tình thương của Ngài cho chúng ta, và nhất là “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian” (Ga 3,17), tình yêu được biểu lộ cụ thể nơi chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tình yêu từ trời xuống con người và đưa sẽ đưa con người lên trời. Tất cả những ân sủng và tặng phẩm dành cho con người bắt nguồn từ Thiên Chúa tình yêu.[2] Tình yêu của Ngài không ở trên mây trên gió, nhưng được thể hiện qua hành vi “trao ban”. Điều quí nhất của Người Cha là Người Con. Thế mà Thiên Chúa đã muốn trao ban cho nhân loại chính Con Một dấu yêu của Ngài.[3] Ngài đã cho chúng ta tất cả. Đức Giêsu chính là quà tặng lớn nhất Thiên Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại. Việc trao ban này trước tiên được biểu lộ qua việc Ngài sai Con Người và cuối cùng qua việc nộp Con Một cho loài người treo lên thập giá. Đó là lúc Thiên Chúa trao ban Con Một của Ngài cho loài người một cách trọn vẹn nhất, dứt khoát nhất. Bởi vậy, chính lúc đó là lúc Thiên Chúa đã đặt Con của Ngài làm Đấng ban sự sống cho loài người, để ai tin vào Người Con ấy thì được sống đời đời. Vì Con của Ngài đến không phải để kết án, luận phạt, nhưng để cứu loài người khỏi chết và cho thông phần vào cuộc Phục Sinh vinh quang của Ngài. Như trong bài đọc II thánh Phao lô đã nói : “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô”. (Ep 2, 4-5). Và tất cả đều nhờ ân sủng của Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Nếu Thiên Chúa cứ tội mà xét xử thì chẳng còn mấy ai được sống hạnh phúc với Ngài.
- Lòng tin của con người vào tình yêu Thiên Chúa
Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, nhưng chúng ta phải thể hiện lòng tin của mình như thế nào? Thánh Giacôbê tông đồ quả quyết rằng : “Đức tin không có việc làm là đức tin chết.” (Gc 2:17) Nghĩa là một đức tin đúng nghĩa phải là một đức tin được hòa quyện giữa lý trí và việc làm. Dĩ nhiên là có nhiều phương cách thể hiện lòng tin của mình.
Mỗi người chúng ta hãy bình tâm và thinh lặng một lát để xem lời mạc khải của Chúa hôm nay đã thấm vào tâm hồn ta như thế nào ? Chúng ta có cảm thấy được tình yêu của Chúa trong cuộc đời của chúng ta hay không? Hay chúng ta chỉ thấy mở mắt ra là chỉ có công việc, tiền bạc, những vất vả, bươn chải lo cho cuộc sống hằng ngày, những lo toan cho bản thân, cho cuộc sống, cho gia đình,… Tất cả mọi thứ luôn quay đi quẩn lại trong vòng xoáy cuộc đời của chúng ta và chúng ta phải đương đầu với chúng. Còn Tình yêu của Chúa dường như xảy ra một lần nào đó trong quá khứ của chúng ta, rồi dừng lại ở đó, và hiện tại chúng ta lại không thể nhớ gì… Hơn nữa cũng thật là khó để có thể cảm nghiệm cái gì là Tình Yêu của Chúa, khi cuộc đời của mỗi người chúng ta chỉ toàn là những khó khăn và thất bại: Khi cuộc sống gia đình đi vào ngõ cụt, luôn có những mâu thuẫn bất đồng ý kiến, khi những căn bệnh nan y như tai biến, ung thư luôn ở ngay bên cạnh và không lùi bước trước bất cứ ai: già có, trẻ có, khỏe mạnh có, ốm yếu cũng có. Và nếu chúng ta là những nạn nhân của nhóm Hồi Giáo quá khích IS hiện nay, hay những nạn nhân của virút Ebola, thì chúng ta có nghĩ đó chính là tình yêu của Chúa trong đời chúng ta hay không? Và đó cũng chính là nỗi lòng của mỗi người chúng ta với Chúa. Trước những khó khăn, chúng ta thường kêu than trách “Sao Chúa im lặng hoài? Chúa không thấy gia đình chúng con khốn khổ sao?”.
Như thế, chúng ta cũng không hơn gì dân Do Thái kho xưa là mấy và có khi lại còn tồi tệ hơn. Bởi lẽ chúng ta cũng đã được ánh sáng của Đức Kitô chiếu dọi và dẫn đường, chúng ta đã được Đức Kitô chịu đóng đinh và chịu treo trên thập giá để cứu độ chúng ta, chúng ta đã được cứu ra khỏi cảnh nô lệ tội lỗi bằng các bí tích. Nhưng chúng ta vẫn không thể vững lòng tin và muốn tìm cách quay lưng lại giáo lý của Chúa như là Dân Chúa ngày xưa vậy.
Nhìn lại cuộc sống, có lẽ chúng ta sẽ nhận thấy rằng: Chúng ta thật đáng trách, bởi nhiều khi ta sống một cách thờ ơ trước tình yêu mà Thiên Chúa đang thể hiện nơi bản thân ta và chung quanh ta. Chúng ta chỉ mới tin yêu Chúa cách đại khái thôi, nên chúng ta thường tìm trăm ngàn lý do để biện minh, thoái thác hoặc lần lữa không thực thi những điều Chúa dạy. Qủa thật, nếu chúng ta thực sự tin yêu vào tình thương của Chúa và xác quyết rằng: Thiên Chúa đã làm mọi sự chỉ vì thương yêu chúng ta, thì chúng ta đã nhiệt tình vâng theo và thi hành những đều Chúa đã dạy.
“Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3, 18). Thiên Chúa kêu gọi chúng ta tin yêu Ngài để có thể cứu sống được mình. Thiên Chúa không kết án chúng ta ở đời này, mà chính chúng ta tự làm quan toà cho mình, khi chúng ta đón nhận hay từ chối ánh sáng cứu rỗi của Chúa. Vì thế, Những ai luôn tin tưởng và phó thác vào Đức Giêsu thì sẽ không bị xét xử.[4] Và khi đã tin yêu Chúa thực sự thì chúng ta không còn so đo tính toán hơn thiệt cho bản thân mình, cũng như không còn do dự, nhát đảm trong việc dấn thân phụng thờ Chúa và phục vụ anh chị em.
Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta tin tưởng vào tình thương của Chúa mà ăn năn hối lỗi và trở về cùng Chúa. Sám hối không chỉ là cứ chiếu theo giới luật để xem ta sai phạm chỗ nào để xin lỗi Chúa, nhưng một cách tích cực hơn, sám hối là nhìn lại và củng cố mối tương quan của con người với Thiên Chúa là Cha. Xin Chúa tăng thêm đức tin cho chúng ta, để chúng ta luôn sống trong tin yêu phó thác vào Chúa và biết đem ánh sáng cứu độ của Chúa đến cho mọi người./.
[1] Doyle Frank, Suy Niệm Lời Ngài – Năm B, Mai Tá dịch, NXB Tôn Giáo, 2011, tr.98.
[2] Chân Ngôn – Chú giải Tin Mừng các Chúa Nhật năm B, Học viện Đa Minh, 2011, tr.110
[3] Lm.Nguyễn Hữu An, Nhìn lên Thánh Giá, http://thanhlinh.net/node/21491, truy cập ngày 20/09/2014
[4] Chân Ngôn – Chú giải Tin Mừng các Chúa Nhật năm B, Học viện Đa Minh, 2011, tr.111