Bài Ðọc I: Cv 4, 32-35
“Họ đồng tâm nhất trí”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Lúc bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 16ab -18. 22-24
Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. – Ðáp.
2) Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần. – Ðáp.
3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Ga 5, 1-6
“Mọi cái sinh ra bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, ai tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Ðấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Ðấng đó. Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái Thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người. Vì chưng, lòng yêu mến Thiên Chúa là chúng ta tuân giữ giới răn Người, và giới răn của Người không nặng nề.
Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Ðấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Ðức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa, có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 20, 29
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 20, 19-31
“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA
Lm. Phêrô Lê Xuân Huy, SVD
Chúa Nhật II Phục Sinh hôm nay là Chúa Nhật kết thúc Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh. Bài Tin Mừng Thánh Gioan có thể được xem như là: một tổng kết về mầu nhiệm Phục Sinh và là một tổng kết con đường đức tin của các tông đồ, từ ngày được gọi theo Đức Giêsu cho đến giây phút được củng cố đức tin bởi quyền năng của Đấng Phục Sinh. Chính quyền năng của Đức Giêsu Phục Sinh đã đổi mới con người và cuộc sống của các tông đồ, để các ông có thể làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh và chu toàn sứ mạng Ngài trao phó.
Ngôi mộ trống không đủ bằng chứng thuyết phục các Tông đồ tin Đức Giêsu Phục Sinh. Vì chưa tin nên các Tông đồ còn sợ hãi, đã giam mình trong căn phòng đóng kín cửa. Vì chưa tin nên Tôma đòi “phải nhìn tận mắt, sờ tận tay” (Ga 20,25). Vì thế, Đức Kitô Phục Sinh đã đích thân hiện ra đứng giữa các Tông đồ, cầu chúc bình an cho các ông, sai các ông ra đi với sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha và thông ban Thánh Linh và ơn tha tội cho các ông, để các ông làm chứng cho sự phục sinh của Ngài: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cần giữ” (Ga 20,23). Đồng thời, Đức Giêsu Phục Sinh mời gọi Tôma sờ vào những vết thương của Ngài: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27).
Tôma đã cứng lòng tin, trước chứng cứ của cả nhóm Tông đồ đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với họ. Nhưng khi đã tin, thì niềm tin của Tôma được thể hiện một cách mạnh mẽ, không chỉ bằng lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28), mà Tôma còn thể hiện niềm tin, bằng cả cuộc sống chứng tá và nhất là bằng cái chết tử đạo của mình. Chính nhờ sự cứng lòng tin của Tôma, mà chúng ta được chúc phúc “phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Chính nhờ lời tuyên tín cùng với cuộc sống và cái chết của Tôma, mà niềm tin của chúng ta được củng cố. Ngày nay, chúng ta không còn được thấy và sờ vào thân xác của Đức Giêsu Phục Sinh, để tin Ngài đã sống lại, nhưng chúng ta tin vào Đức Giêsu Phục Sinh qua thế giá của Kinh Thánh, của Giáo hội và của các bậc tiền nhân. Chúng ta không thấy Đức Giêsu sống lại, nhưng chúng ta tin, vì Kinh Thánh đã nói về việc Ngài Phục Sinh và lòng tin của Giáo hội hơn 2.000 năm qua. Chúng ta tin Đức Giêsu Phục Sinh đang sống và đang đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc sống như Ngài đã nói: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Con người ngày nay đang sống trong thời đại khoa học thực nghiệm, nên không dễ dàng chấp nhận điều mà họ chưa kiểm nghiệm: “Trăm nghe không bằng mắt thấy”. Hơn nữa, trong một xã hội “vàng thau lẫn lộn” quá nhiều mưu mô, lừa đảo, nên cần phải có những chứng nhân thực sự, không chỉ bằng lời nói, nhưng là sống niềm tin bằng những hành động cụ thể. Vì thế, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nghe người khác nói hay chính chúng ta cũng nói như Tôma: “Nếu tôi không thấy thì tôi không tin”, hoặc “Tôi thấy, tôi mới tin”. Nhưng có lẽ chúng ta không để ý hay không biết điều chúng ta đòi hỏi hoặc yêu cầu là mâu thuẩn và vô nghĩa. Bởi vì bản chất của tin là không thấy. Nếu thấy rồi thì không phải là tin nữa. Vì tin là chấp nhận một quả quyết của người khác là đúng sự thật mà mình không thấy và không chứng kiến. Tin là chấp nhận một điều gì chúng ta không thấy, nhưng chúng ta vẫn chấp nhận, vì điều đó hợp lý, hợp tình, dựa vào một thế giá nào đó như: sách vở, nhân chứng, sự kiện…
Chẳng hạn chúng ta không thấy vua Quang Trung, không thấy tổ tiên chúng ta, không thấy tình yêu hay sự thù ghét của người khác, nhưng chúng ta vẫn tin và không thắc mắc gì cả. Bởi vì có sách vở ghi lại, có người khác kể lại hay có dấu hiệu bên ngoài làm chứng. Do đó, niềm tin trong đạo của chúng ta cũng thế. Có những mầu nhiệm vượt qúa sức hiểu biết của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn tin, vì có Kinh Thánh ghi lại, có Giáo hội tông truyền thuật lại và có những bằng chứng của biết bao người đã sống trước chúng ta hoặc đang sống với chúng ta.
Sự kiện Đức Giêsu Phục Sinh là một trong những chân lý đức tin, và là một mầu nhiệm lớn nhất trong Đạo. Đây là chân lý nền tảng cho cuộc sống đức tin của nhười Kitô hữu chúng ta, như Thánh Phaolô đã xác quyết: “Nếu Đức Giêsu đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Nhưng Đức Giêsu đã chổi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai an giấc ngàn thu”. (1Cr 15, 14-20).
Chân lý đức tin này giúp chúng ta có cái nhìn mới về Thiên Chúa, về chính mình, về cuộc đời, về sự sống, sự chết, đời này và đời sau, về lịch sử và những biến cố thăng trầm trong cuộc sống. Nhưng chính mỗi người chúng ta phải cảm nghiệm được những cái nhìn mới này, để hướng dẫn và giúp chúng ta sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Vì thế, đừng bao giờ chúng ta hài lòng với một đức tin lý thuyết và hình thức, nhưng phải sống với một đức tin chân thật và nhân ái. Chính đời sống tốt đẹp của chúng ta, như thực thi các việc đạo đức, sống hài hòa, công bình bác ái, quảng đại, phục vụ, yêu thương mọi người. Nếu chúng ta sống được như thế là chúng ta đang thể hiện niềm tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu và sự phục sinh của chính chúng ta.
Chúng ta đã tin, đã được chúc phúc và được mời gọi tiếp tục làm chứng cho niềm tin Phục Sinh, bằng chính con người và cuộc sống của chúng ta. Nhưng làm sao chúng ta có thể nói cho người khác tin vào một mầu nhiệm khó hiểu và khó tin trong thời đại khoa học ngày nay, nếu chúng ta không có một đời sống đức tin trưởng thành và kiên vững, được thể hiện qua đời sống bác ái, yêu thương, quảng đại, can đảm dấn thân, hy sinh phục vụ vì Chúa và vì anh chị em chúng ta.
Đức Kitô đã chết, đã phục simh vinh hiển và đã hiện ra với các môn đệ, để củng cố niềm tin cho các ông. Xin Đức Giêsu Phục Sinh củng cố niềm tin yếu kém của chúng ta, để chúng ta có thể mạnh dạn tuyên xưng Đấng Phục Sinh bằng chính con người và cuộc sống của chúng ta mọi nơi, mọi lúc. Xin cho chúng ta được trở nên những sứ giả của Đấng Phục Sinh, để đem yêu thương, an bình và niềm vui đến cho những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày. Amen