HIỂU VÀ THI HÀNH SỨ VỤ GIEO LỜI CHÚA (13/6, CHÚA NHẬT XI TN-B)

0
356

Các bài đọc: Ed 17,22-24; 2Cr 5,6-10;

Tin Mừng: Mc 4, 26-34

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.

Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tùy sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

 

Chia sẻ Tin Mừng                                   Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD

Đức Giêsu đến trần gian mang trong mình một sứ vụ vĩ đại là quy tụ muôn dân nước vào cùng đàn chiên duy nhất. Ngài thực thi các phép lạ, dùng các dụ ngôn để giúp mọi người hiểu và sẵn sàng gia nhập đàn chiên đó. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng tiếp tục dùng các dụ ngôn như là phương cách loan báo về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, để rồi nhờ nghe hiểu cách đơn sơ về mầu nhiệm này mà mọi người sẽ đi vào “chính lộ ngàn đời của Đức Chúa”. Thật vậy, hai dụ ngôn “hạt giống tự mọc lên” và “hạt cải nhỏ bé được gieo vào lòng đất” thật sinh động. Nó giúp mọi người đều có thể hiểu được cách sơ khởi về Nước Thiên Chúa, nhất là những người xuất thân bần nông. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không chỉ nhắm đến việc hiểu hai dụ ngôn về mầu nhiệm Nước Trời mà Người còn muốn nhấn mạnh đến khía cạnh loan báo Lời Chúa. Vậy, qua hai dụ ngôn này, chúng ta phải hiểu và thi hành nó như thế nào?

Ngay ở dụ ngôn hạt giống tự mọc lên ta nhận ra một hình ảnh Nước Thiên Chúa với sức mạnh từ trong chính nó chứ không phụ thuộc yếu tố bên ngoài. Thật vậy, hạt giống được gieo vào lòng đất, nó sẽ tự mọc lên. Những yếu tố bên ngoài từ tự nhiên, con người chỉ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng mà thôi. Tự hạt giống, nó sẽ ẩn mình và tích tụ dưỡng chất rồi vươn lên. Không ai nhìn thấy hoạt động trao đổi chất của nó. Mặc dù là hạt giống nhỏ bé nhưng nó lớn lên và vươn đến sự viên mãn với năng suất “trĩu nặng”. Điều này thật giống với lời Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Êdêkien mà chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất. Thật thế, Đức Chúa đã tuyên bố với dân rằng Người sẽ “ngắt một chồi non” và trồng trên núi. Từ một chồi non xem ra chẳng có tác dụng gì, lại được trồng trên núi đá, nhưng Thiên Chúa vẫn làm từ chồi non đó phát triển thành một cây hương bá huy hoàng.

Tiếp nối với dụ ngôn về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu tiếp tục dùng dụ ngôn hạt cải lớn thành cây để nói về hình ảnh Nước Trời. Đây là hình ảnh Nước Trời tự tăng trưởng nhưng theo chiều rộng. Một hạt cải nhỏ bé, sau khi được gieo vào lòng đất thì nó lớn lên, “vượt mặt” mọi giống rau củ, trở thành cây to lớn. Cây cải toả bóng trên các loài sinh vật khác và các loài chim chóc có thể đến làm tổ trú ngụ.

Hai hình ảnh đẹp nhưng đơn giản về Nước Trời được Đức Giêsu sử dụng đã giúp mọi người hiểu về Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu đến trần gian với chính mục đích đó. Ngài dùng lời rao giảng đơn giản, đi vào thực tế đời sống để chính người dân có thể hiểu về ý định của Thiên Chúa Cha. Ngài biết rằng Lời mà Ngài gieo hôm nay sẽ như hạt giống, tự Lời sẽ có một sức mạnh nội tại để lớn lên và đủ sức lan toả. Và thực tế đã minh chứng điều đó. Lời của Đức Giêsu, ban đầu chỉ được một nhóm nhỏ là các Tông Đồ và các môn đệ biết đến mà nay đã thành một Hội Thánh đông đảo. Dù trải qua biết bao biến cố, có lúc tưởng như Lời Chúa sẽ bị dập tắt, phá huỷ, nhưng Lời Chúa vẫn cứ âm ỉ cháy để rồi ngày hôm nay Hội Thánh đã trở nên nhà, nơi mà mọi dân có thể đến trú ngụ và được chở che.

Thật vậy, nhờ Lời mà Đức Giêsu gieo khi xưa mà ngày nay hình ảnh Nước Trời đẹp đẽ với chim chóc muôn phương trở về làm tổ đang hiển hiện trong ngôi nhà chung Hội Thánh, hình ảnh Nước Trời tại trần gian. Hội Thánh ngày nay đã đạt được một thành quả viên mãn: số lượng tín hữu không ngừng tăng và Hội Thánh đang bước đi vững chắc trên “chính lộ” của Thiên Chúa … Để đạt được thành tựu đó, chúng thấy bao tấm gương hy sinh để tiếp nối sứ vụ gieo Lời Chúa mà Đức Giêsu để lại. Bởi họ biết rằng cứ gieo Lời Chúa vào mảnh đất nhân loại này rồi Thiên Chúa sẽ làm cho hạt giống đó tự khắc biết lớn lên. Tin tưởng như thế mà thánh Phaolô mới có thể can đảm ra đi khắp nơi gieo Lời Chúa. Thánh nhân biết rằng dù phải khổ đau hay chết chóc, nhưng nhờ tấm gương hy sinh của mình như là hạt giống bé nhỏ gieo vào lòng người chưa biết Chúa, để rồi một ngày nào đó Hội Thánh sẽ được hình thành. Thực tế đã minh chứng điều đó khi ta thấy nơi nào thánh nhân rao giảng đều đã hình thành nên một cộng đoàn tín hữu. Đạt được điều đó là bởi trong tâm trí thánh nhân, ngài luôn tâm niệm rằng: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Thật vậy, mọi sự đều do Thiên Chúa quan phòng.

Nhìn vào lịch sử Hội Thánh tại Việt Nam, như để tiếp nối sứ mạng của thánh Phaolô, ta thấy các nhà truyền giáo đã đến và gieo vào mảnh đất Việt Nam hạt giống Lời Chúa. Khởi đầu với đời sống chứng nhân, qua những câu kinh kệ, những câu giáo lý và những bài chia sẻ Lời Chúa vắn gọn … nhưng Hội Thánh tại Việt Nam đã hình thành và phát triển tốt. Thêm vào đó, máu của các thánh tử đạo Việt Nam đã đổ xuống như là những hạt giống chứng nhân gieo vào lòng người dân Việt Nam. Nhìn Hội Thánh Việt Nam hôm nay, chúng ta nhận ra được sức mạnh thật sự của Lời Chúa. Lời Chúa đến và thấm dần vào đời sống văn hoá, đời sống tinh thần và đời sống công việc của người Việt. Mọi sự bành trướng nhằm dập tắt Lời Chúa không những không thể làm Lời Chúa ngừng lan toả, mà thay vào đó, Lời Chúa vẫn tồn tại, tăng trưởng.

Tiếp nối sứ mạng gieo hạt giống Lời Chúa của Đức Giêsu và những người kế thừa sau này, chúng ta phải làm gì? Như qua các bài đọc Lời Chúa, nhất là qua hai dụ ngôn mà Đức Giêsu dạy, chúng ta nhận ra rằng mọi người không nên quá nôn nóng mà phải kiên nhẫn. Không nên nôn nóng đạt được số lượng người trở thành Kitô hữu mà hãy kiên nhẫn “gieo hạt giống Lời Chúa”. Bởi như lời Chúa Giêsu dạy, hạt giống Lời Chúa sẽ tự phát triển không phụ thuộc vào ý định của chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là thi hành sứ vụ gieo Lời Chúa, còn hạt giống sẽ tự tăng trưởng và làm biến đổi con người. Vì thế, chúng ta hãy dành hết khả năng Thiên Chúa ban mà gieo vào lòng người khác Tin Mừng về Đức Giêsu Phục Sinh.

Hẳn nhiên rằng sứ vụ này không hề đơn giản. Chính thánh Phaolô đã phải trả giá đắt là chính mạng sống mình khi đi gieo Lời Chúa. Những khó khăn, thất bại, yếu đuối … luôn vây bủa đời sống và sứ vụ của thánh nhân. Tuy nhiên, thành quả mà thánh nhân đạt được sau những ngày tháng miệt mài gieo Lời Chúa đó là một niềm vui khôn tả. Các cộng đoàn tín hữu do ngài thiết lập được vững mạnh và gia tăng về mặt số người tin theo Chúa Giêsu. Rồi đến các thánh tử đạo của đất Việt cũng thế. Các ngài đã được gieo vào trong tâm trí hạt giống Lời Chúa, và đến khi hạt giống đó đủ lớn, thì các ngài đã ra đi làm chứng cho Đức Giêsu. Các ngài đã dùng chính máu của mình để gieo Lời Chúa vào lòng con dân Việt.

Đến lượt chúng ta, chắc chắn việc hiểu sứ mạng của Đức Giêsu là gieo Lời và ra đi bước theo Người trên con đường rao giảng Lời là điều không dễ. Khó khăn đến từ nhiều phía. Có thể là khách quan bởi sự ngăn cản của người khác hay bởi một yếu tố tự nhiên nào đó. Nguyên nhân lớn hơn nữa là do chính người thụ hưởng. Họ cố tình không hiểu hoặc không muốn thi hành sứ mạng gieo Lời mà Đức Giêsu sai phái. Và để vượt qua những khó khăn, chúng ta phải tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta có đầy đủ động lực và sức mạnh để đi ra gieo Lời Chúa. Chúa Giêsu đến là để gieo Lời của Người và làm cho Lời ấy trở nên suối nguồn ơn cứu độ cho mọi dân. Chúng ta tiếp tục sứ vụ đó qua đời sống chứng nhân, qua việc học hiểu Lời Chúa và nhiệt thành trong việc đem Lời Chúa gieo vào nhân gian. Chúng ta cứ gieo hạt giống Lời Chúa với hết khả năng của mình, còn việc cho hạt giống Lời Chúa lớn lên, đi vào tâm hồn mọi người là việc của Thiên Chúa.

Ước gì qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay chúng ta hiểu rõ hơn về mầu nhiệm Nước Trời khôn sánh ví. Và từ việc hiểu các dụ ngôn về Nước Trời đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được vương quốc Nước Trời, nơi chúng ta sẽ được tham dự mai sau. Nhờ việc hiểu về Nước Trời chúng ta sẽ vững bước đi gieo hạt giống Lời Chúa như chính Đức Giêsu đã làm. Cho dù ra đi gieo hạt giống Lời Chúa “trong nước mắt” nhưng những thành tựu sẽ đạt được trong tương lai là một Hội Thánh lan rộng khắp nơi. Đó là lời bảo đảm của Đức Giêsu. Vì vậy, hãy gắng ra đi gieo Lời và, trên hết, hãy dùng chính đời sống mình làm hạt giống gieo trên mọi nẻo đường ta bước đi. Amen.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 10 TN)
Bài tiếp theoNgày 13/06 – MỪNG LỄ THÁNH ANTÔN PAĐÔVA