Thường Niên – Tuần XXIX -Năm A

0
342

Chúa Nhật – Ngày 22 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Bài đọc 1 : Is 45,1.4-6

Bài đọc 2 : 1Tx 1,1-5b

Tin Mừng : Mt 22,15-21

Khi ấy, những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu

phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê, đến nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” Nhưng Đức Giêsu biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xêda.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

BỔN PHẬN

Thuế là một nguồn rất quan trọng để giúp xây dựng và phát triển đất nước, cũng là nguồn lực để góp phần nâng cao đời sống của người dân thông qua những công trình phúc lợi xã hội nếu được sử dụng cách hợp lý. Nó cũng nói lên quyền lợi và trách nhiệm của mọi người đối với cộng đồng xã hội nơi mình đang sinh sống.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu nói đến cuộc gặp gỡ của các môn đồ nhóm Biệt Phái và những người phái Hêrôđê với Chúa Giêsu để hỏi về vấn đề nộp thuế. Mục đích của hai nhóm này là để gài bẫy Chúa Giêsu với câu hỏi, “có được nộp thuế cho Xêda hay không?”. Nếu Đức Giêsu nói “có” thì mang tội phản quốc và bị dân chúng lên án vì đã đồng lõa với ngoại bang; còn nếu Ngài nói “không” thì chính quyền Rôma sẽ không tha cho Ngài vì Ngài dám chống lại đế quốc Rôma. Câu trả lời khôn ngoan của Đức Giêsu đã làm thất bại âm mưu thâm độc của họ, đồng thời Ngài cũng khẳng định vai trò quan trọng của tiền thuế như là cái nói lên sự công bằng xã hội và đóng góp để xây dựng đất nước và thăng tiến xã hội. Nó nói lên tương quan về lợi ích và trách nhiệm của công dân đối với xã hội.

Thuế mang tính đòi buộc mọi người dân phải thực thi. Người dân nộp thuế cho nhà cầm quyền để được hưởng các phúc lợi của công ích, và chính quyền có thu thuế cũng là để có ngân sách phục vụ ích chung. Nộp thuế do đó là biểu hiện của luật công bằng, không chỉ trong lãnh vực đời mà cả trong việc đạo. Mọi người Do Thái đều phải nộp thuế đền thờ, và vì thế Đức Giêsu cũng đã chấp hành nghiêm chỉnh (x. Mt 17,24-27).

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống trong tâm tình con thảo và thực thi lời dạy của Chúa, để biết đáp lại lời kêu gọi trả về cho Chúa nhân ái những gì của Ngài.

Giuse Nguyễn Quốc Đại

Thứ Hai – Ngày 23 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Bài đọc : Rm 4,20-25

Tin Mừng : Lc 12,13-21

Khi ấy có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

HÃY TÌM KIẾM KHO TÀNG TRÊN TRỜI

Ở đời, người ta thường lo làm ra nhiều của cải để tích trữ cho bản thân cũng như cho gia đình. Điều đó tốt, nhất là phòng khi thất nghiệp, cất dành cho tuổi già hoặc phòng thân trong lúc bệnh tật. Ngược lại, nhiều người lại tham lam vơ vét thật nhiều của cải về cho mình, để ăn chơi phung phí vào những việc thất đức. Lòng trí lúc nào cũng nghĩ đến việc kiếm cho được nhiều của cải, còn những việc khác chẳng hề quan tâm.

Tin Mừng hôm nay kể về việc một người thanh niên đến xin Chúa can thiệp việc chia tài sản cho anh. Nhân đó, Ngài đã đưa ra dụ ngôn về người phú hộ giàu có, chuyên thu góp tài sản mà không làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn cảnh cáo những ai tham lam của cải, vật chất trần gian này, mà không lo tích trữ kho tàng trên trời, nơi mối mọt không thể đục khoét được.

Đối với Chúa Giêsu, kho tàng quý giá nhất, của cải chắc chắn nhất của đời người không phải là vật chất ở đời này mà là Nước Trời, là được sống hạnh phúc muôn đời. Đó mới thật là thứ của cải mà con người nên kiếm tìm, sở hữu và cất dành cho mai sau.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết từ bỏ những gì cản bước chúng con trên đường theo Chúa; xin cho chúng con biết đầu tư vào những của cải bền vững Trên Trời là hạnh phúc thật mai sau.

Antôn P. Nguyễn Văn Khoát

Thứ Ba – Ngày 24 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Bài đọc : Rm 5,12.15b.17-19.20b-21

Tin Mừng : Lc 12,35-38

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.”

TỈNH THỨC TRONG TIN YÊU

Một cha xứ nọ trong giờ giáo lý hỏi các em thiếu nhi: Nếu tận thế đến con sẽ làm gì? Một em trả lời, “Con sẽ vô nhà thờ cầu nguyện”; em khác, “Con sẽ tìm linh mục để xưng tội”… Thấy cậu bé Đaminh Saviô đang mỉn cười, cha xứ hỏi, “Còn con, Đaminh Saviô?” Cậu trả lời, “Nếu con đang chơi thì con vẫn vui chơi!”

Tỉnh thức là một đòi hỏi không thể thiếu với con người, nhất là những Kitô hữu; trong niềm tin, chúng ta cần luôn trong tư thế sẵn sàng, để khi Chúa đến, chúng ta cùng được dự phần vinh phúc với Người (x. Lc 12,37-38). Nhưng con người vốn mỏng dòn, yếu đuối, thế nên có nhiều khi con người không tỉnh thức đủ, nghĩa là con người đang sống trong tội lỗi. Thật buồn cho những ai khi Chúa đến mà tâm hồn chưa sẵn sàng. Cho nên, dù làm việc gì chúng ta cũng phải chuẩn bị để đón chờ Đức Lang Quân; phải sẵn sàng vì chẳng biết lúc nào Ngài sẽ đến (x. Lc 12,39-40).

Song, thái độ sẵn sàng như thế nào mới đúng? Liệu lúc nào chúng ta cũng ăn chay, cầu nguyện, ở trong nhà thờ để chờ Chúa? Không! Đó là thái độ tỉnh thức trong thụ động. Cần có thái độ tỉnh thức chủ động hơn, tức là luôn đặt mình dưới lòng nhân từ và tình yêu của Chúa; luôn sống chính trực, ngay thẳng, và biết chạy đến với lòng thương xót Chúa, biết ăn năn hối cải… Có như thế, chúng ta sẽ không còn lo sợ ngày giờ Chúa viếng thăm. Và như thế, giống như thánh Đaminh Saviô, dù tận thế đến, chúng ta không còn lo âu, vì biết rằng, đó là lúc chúng ta được gặp Chúa.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết tỉnh thức, biết sẵn sàng trong thái độ tích cực, để khi Chúa đến, chúng con có thể thưa lên rằng: Trong tình yêu Chúa, con đã sẵn sàng.

Giuse Nguyễn Công Lai

Thứ Tư – Ngày 25 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Bài đọc : Rm 6,12-18

Tin Mừng : Luca 12,39-48

… “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”

CÔNG BẰNG

Tin Mừng hôm nay cho ta thấy Thiên Chúa như một ông chủ công bằng trong cách đối xử với các đầy tớ làm trái ý mình cũng như việc đưa ra mức độ đòi hỏi khác nhau giữa kẻ được cho nhiều và cho ít.

Công bằng ở đây không phải là cào bằng ai cũng như ai theo kiểu “xào chung một chảo”, nhưng là dựa trên mức độ hiểu biết của đầy tớ để đưa ra hình phạt xứng hợp với hành vi sai trái của họ: biết ý chủ mà không làm theo thì bị đòn nhiều; không biết ý chủ mà làm sai thì bị đòn ít; cho nhiều sẽ bị đòi nhiều. Cách xử phạt công minh của ông chủ làm người ta phải tâm phục khẩu phục, không thể lấy bất cứ lý do nào để bao biện hòng trốn tội.

Người Việt của chúng ta vẫn thường tìm mọi cách để biện minh cho hành vi sai trái của mình, câu nói cửa miệng ta thường nghe là “thông cảm cho tôi vì tôi không biết”, mà “cái gọi là không biết” chỉ nhằm mục đích “không có tội”. Thậm tệ hơn, người ta còn dám “qua mặt” cả thần thánh, hả hê với sự ngu muội: “vô sư vô sách, quỷ thần bất trách”. Chúa không phải là ông chủ hà khắc cứ dựa trên mức độ sai phạm để phạt, nhưng căn cứ vào thái độ, nếu là kẻ hiểu biết nhưng cố tình thì đáng bị phạt nặng hơn vì kẻ được cho nhiều sẽ bị đòi nhiều. Sự công bằng này của Thiên Chúa xem ra khác xa với lối suy nghĩ của người đời.

Lạy Chúa, nhiều lúc trong cuộc sống, chúng con thường tìm mọi cách để biện minh cho những hành vi sai trái của mình. Thay vì nhìn nhận những hạn chế của mình để cố gắng hoàn thiện, thì chúng con lại đổ thừa và tìm cách chạy tội. Xin Chúa thương thứ tha và giúp cho chúng con biết đổi mới bản thân để trở thành những tôi tớ khôn ngoan sớm nhận ra ý chủ và mau mắn thi hành.

Giuse Nguyễn Văn Linh

Thứ Năm – Ngày 26 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Bài đọc : Rm 6,19-23

Tin Mừng : Lc 12,49-53

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”

PHẢI CHI LỬA ẤY BÙNG LÊN

Tinh thần Tin Mừng đòi hỏi sự dứt khoát, đó là thách thức thường nhật với những ai lựa chọn tin và sống theo Lời Chúa. Chỉ khi dứt khoát sống chân lý Chúa dạy, tôi mới có thể cảm nhận được sức nóng ấm và nguồn nhiệt từ tình yêu Thiên Chúa dẫn bước đường đời.

Lửa là biểu tượng của sự thanh tẩy, dấu chỉ ơn thánh. Lửa Thánh Thần làm cho các Tông Đồ xưa can đảm đương đầu với mọi nỗi sợ hãi. Tôi phải làm sao để ngọn lửa của Chúa Giêsu có thể soi sáng con đường đi của tôi? Tôi có dám để ngọn lửa Tin Mừng cứu độ thiêu đốt những đam mê thấp hèn quen phạm? Tôi có dám để Chúa Giêsu kéo tôi ra khỏi những ù lì chai đá tâm hồn nhục dục? Nhiều lúc, tôi ủ mình chiều theo chúng, những lúc ấy, tôi sống trong sự thỏa hiệp với tội. Lời Chúa chiếu sáng vào tăm tối hồn tôi, làm cho tôi nhận ra những lúc tôi thỏa hiệp với bóng tối.

Sống tinh thần Tin Mừng là dám cắt đứt với những thói quen ù lì, dám để cho lửa thiêu cháy những vấn vương u tối; để từ đó tôi được lửa thanh tẩy, và qua đó, tôi mới cảm nhận được ơn thánh Chúa luôn tuôn tràn trên tôi.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã không ngừng dạy dỗ con bằng Tin Mừng mạnh mẽ thánh thiêng. Xin Chúa thanh tẩy con và cho con dám lan truyền ngọn lửa yêu thương Chúa ban.

Gioan B. Phan Lĩnh

Thứ Sáu – Ngày 27 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Bài đọc : Rm 7,18-25a

Tin Mừng : Lc 12,54-59

Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: ‘Mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: ‘Trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.”

BIẾT SUY XÉT ĐỂ NHẬN RA THÁNH Ý THIÊN CHÚA

Trong cuộc sống, ai cũng phải đứng trước những chọn lựa, chọn lựa đúng đem lại hiệu quả tốt, chọn lựa sai đem lại những hậu quả xấu không mong muốn. Để tránh đi những hệ quả xấu, người ta phải suy xét xem điều nào là tốt, điều nào là phải.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu trách người Do Thái không biết nhận xét thời đại, không tự mình xét xem cái gì là phải, cái gì là cần thiết. Thật vậy, thời đại Đức Giêsu đã hiển hiện qua những dấu chứng rõ ràng bằng các phép lạ. Đáng lẽ họ cần phải suy xét qua những dấu chứng ấy mà nhận ra thời Nước Thiên Chúa đã gần để có lòng ăn năn sám hối và đón nhận ơn cứu độ, nhưng họ lại bưng tai bịt mắt chẳng thèm nghe. Sự cứng lòng này sẽ khiến họ phải trả giá, giống như việc họ thiếu khôn khéo làm hòa với đối phương trước khi ra tòa và hậu quả là họ phải chịu án phạt của quan tòa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết nhạy cảm trước những dấu chỉ của thời đại, trước những biến cố trong đời sống hằng ngày. Từ đó, chúng con có thể suy xét một cách tường tận để nhận ra và vâng theo thánh ý Chúa.

Gioan B. Phan Tuấn Thể

Thứ Bảy – Ngày 28 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA, TÔNG ĐÒ. Lễ kính (Đ)

Bài đọc : Ep 2,19-22

Tin Mừng : Lc 6,12-19

Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Simôn mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simôn biệt danh là Quá Khích, Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Ítcariốt, người đaỵ trở thành kẻ phản bội. Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

CẦU NGUYỆN NHƯ CHÚA DẠY

Cầu nguyện là điều quan trọng và cần thiết vì là lương thực và sức sống cho đời sống tâm linh của mỗi người. Cầu nguyện chính là sợi dây nối kết ta với Chúa. Để có đời sống cầu nguyện sốt mến, ta cần noi theo Đức Giêsu là mẫu gương cầu nguyện tuyệt vời.

Qua Tin Mừng ta thấy Chúa Giêsu luôn cầu nguyện trước khi Ngài quyết định hay làm một việc gì đó. Ngài đã luôn đề cao và tin vào những lời cầu nguyện với Chúa Cha. Qua lời cầu nguyện, Chúa Giêsu muốn tìm thánh ý và phó thác mọi việc cho Chúa Cha. Không những thế Ngài còn dạy các môn đệ cầu nguyện và làm gương để các ngài noi theo. Như trong bài Tin Mừng hôm nay, trước khi tuyển chọn các Tông Đồ, Chúa Giêsu cũng đã thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Chúa Giêsu muốn phó thác và Ngài cũng cần nguồn trợ lực từ Chúa Cha để tuyển chọn và hướng dẫn các môn đệ của mình.

Cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng có biết bao điều phải lựa chọn và quyết định. Trước những lựa chọn và quyết định quan trọng, ta thường đắn đo và suy nghĩ… Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hướng đến điều cao siêu hơn đó chính là lời cầu nguyện. Cầu nguyện cùng Thiên Chúa trong mọi việc, để phó thác và tìm thánh ý Ngài, đặc biệt là trước những lựa chọn và quyết định quan trọng. Có như vậy, những dự định và quyết định của ta mới được Thiên Chúa chúc phúc và nâng đỡ.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết chuyên chăm cầu nguyện, biết dâng lên cho Ngài những lựa chọn và quyết định của mình, hầu tìm thấy thánh ý Ngài trong cuộc sống.

Phêrô Nguyễn Văn Thìn

Bài trướcĐi Lang Thang
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 29 Thường Niên – A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.