Chúa Nhật – Ngày 26 – Tháng 2
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VIII
Bài đọc 1 : Is 49,14-15
Bài đọc 2 : 1 Cr 4,1-5
Tin Mừng : Mt 6,24-34
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được. “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?[…]
CHỌN LỰA
Tu sĩ Antôn P. Nguyễn Tất Bính, SVD
Hơn bao giờ hết, hiện nay nhân loại đang sống trong một thế giới đề cao sự giải phóng để được tự do. Chế độ nô lệ tưởng chừng đã là chuyện dĩ vãng, chuyện mù khơi xa tắp… thế nhưng, thực sự con người ngày nay đang sống trong những hình thức nô lệ mới. Có thể người ta không muốn làm nô lệ cho ai, nhưng người ta lại làm nô lệ cho những thói quen của chính mình. Có thể người ta không chấp nhận sự lệ thuộc Đấng Tạo Hóa, nhưng lại trở nên nô lệ cho các thụ tạo do mình tạo ra.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đặt chúng ta trước một chọn lựa: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24). Giữa Thiên Chúa và tiền của, chúng ta chỉ chọn một mà thôi. Nếu chọn của cải chóng qua thì ta cũng sẽ nhận được hạnh phúc giả tạo, chóng tàn. Nếu Chọn Thiên Chúa, ta có được hạnh phúc đích thực, hạnh phúc bền vững. Chỉ khi đặt Thiên Chúa lên trên hết mọi sự ta mới thực sự tự do.
Một khi đã chọn Thiên Chúa để gắn bó đời mình với Ngài thì chúng ta “không phải lo”. Chúa Giêsu nhiều lần khuyên các môn đệ đừng lo. Thế nhưng làm người ai chẳng phải lo? Thế giới chẳng phải có biết bao người vật vã vì cơm áo gạo tiền đó sao? Con người có thể sống vô tư, vô lo ư? Không! Hoàn toàn Không! Chúa Giêsu không có ý đó. Ngài không dạy ta sống vô trách nhiệm, phó mặc hay lười biếng. Cái lo mà ta nên tránh là cái lo sợ của kẻ kém lòng tin. Không tin rằng Thiên Chúa quý con người hơn mọi thụ tạo khác. Lo âu đó chi phối quá nhiều nên người ta cứ loay hoay tự hỏi ta phải ăn gì, uống gì, mặc gì… Lo âu này khiến người ta bất an, sợ hãi. Họ quên rằng mình có Thiên Chúa biết rõ những nhu cầu thiết yếu của họ.
Lạy Chúa, xin cho con luôn tin tưởng phó thác cuộc đời con trong tay Ngài.
Thứ Hai – Ngày 27 – Tháng 2
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VIII
Bài đọc : Hc 17,24-29
Tin Mừng : Mc 10,17-27
Khi ấy, Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức
Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải…
NIỀM VUI KHÔNG TRỌN VẸN
Tu sĩ Phêrô Hán Duy Hạp, SVD
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc anh thanh niên giàu có đến với Chúa Giêsu để hỏi Người về cách thức để được sự sống đời đời. Sau khi Chúa Giêsu trưng dẫn những điều răn mà anh phải tuân giữ, anh thanh niên hớn hở, phấn khởi thưa với Chúa rằng những điều đó anh đã tuân giữ từ nhỏ. Thật tuyệt vời làm sao! Chúa đã nhìn anh cách trìu mến và mời gọi anh lên một bậc cao hơn: “Anh chỉ thiếu có một điều là hãy bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21).
Niềm vui của anh không trọn vẹn. Anh chỉ vui tới đây thôi. Sau khi nghe Chúa nói vậy, anh “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi”. Và lý do là vì anh có nhiều của cải. Điều này cho thấy rằng, có từ bỏ chính mình, có từ bỏ những vướng bận và bám víu của mình vào của cải vật chất thì mới theo Chúa trọn vẹn và có sự sống đời đời làm gia nghiệp được.
Của cải vật chất, tự nó không xấu, và Chúa cũng không lên án tiền của và những người có tiền của. Nhưng nếu chúng ta bám víu và lệ thuộc vào nó thì con đường nên trọn lành của chúng ta thật khó thành, chẳng khác gì “con lạc đà chui qua lỗ kim”. Vậy nên, bài Tin Mừng hôm nay chính là lời nhắc nhở, cảnh báo cho chúng ta: đừng để của cải chiếm hữu lòng ta để rồi giống như anh thanh niên kia đã chọn của cải thay vì làm môn đệ Chúa.
Lạy Chúa, xin Chúa ban ơn trợ lực cho mỗi người chúng con, để chúng con biết tiền bạc chỉ là tôi tớ phục vụ chúng con trên con đường trở nên trọn lành, chứ không là ông chủ sai khiến cuộc đời chúng con. Xin Chúa giúp sức để khi đứng trước chọn lựa giữa Chúa và tiền của, chúng con luôn mau mắn chọn lấy Chúa.
Thứ Ba – Ngày 28 – Tháng 2
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VIII
Bài đọc : Hc 35,1-12
Tin Mừng : Mc 10,28-31
Khi ấy, ông Phêrô lên tiếng thưa với Đức Giêsu rằng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”
PHẦN THƯỞNG ĐÍCH THỰC
Tu sĩ Gioan B. Trần Vui, SVD
“Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” là câu thành ngữ ám chỉ đến việc hy sinh một cái gì đó để hy vọng đổi lại cái khác có giá trị hơn. Đó cũng là tư tưởng của các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.
Có lẽ các môn đệ đã đi theo Chúa Giêsu trong một thời gian dài mà chưa thấy Người mạc khải cho điều mà họ mong muốn, nên thánh Phêrô mới bạo dạn nói với Đức Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Nhân cơ hội này Người cho họ biết rằng: tất cả những gì mà các môn đệ từ bỏ đời này sẽ nhận lại gấp trăm, ngoài ra họ còn được một phần thưởng lớn lao hơn nhiều, giá trị hơn tất cả, đó là “sự sống vĩnh cửu”.
Nếu chỉ một phần thưởng là “sự sống vĩnh cửu” đã có giá trị hơn tất cả những phần thưởng khác, thì những phần thưởng gấp trăm ở đời này là sự nếm hưởng trước phần thưởng ở đời sau ấy. Vì phần thưởng ấy quả là quá lớn lao và quá tuyệt vời, không thể so sánh được với bất kỳ thứ gì, nên người môn đệ dám hy sinh tất cả mọi thứ khác, kể cả mạng sống của mình khi cần thiết để có sự sống vĩnh cửu. Và bị ngược đãi cũng là một điều kiện để đạt được phần thưởng ấy.
Chúng ta, những môn đệ theo Đức Kitô hôm nay, cũng mong muốn có được phần thưởng ở đời này và đời sau. Vậy chúng ta đã thực sự hy sinh những thứ không cần thiết để đạt được phần thưởng Chúa hứa chưa?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết hy sinh tất cả để đạt tới phần thưởng cao quí nhất là Chúa, vì chính Chúa mới là sự sống đời đời, là gia nghiệp của chúng con.
Thứ Tư – Ngày 01 – Tháng 3
LỄ TRO – MÙA CHAY
Giữ chay và kiêng thịt
Bài đọc 1 : Ge 2,12-18
Bài đọc 2 : 2 Cr 5,20-6,2
Tin Mừng : Mt 6,1-6.16-18
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh […]
CÁC MỐI TƯƠNG QUAN TRONG MÙA CHAY
Lm. Giuse Trần Thanh Hải, SVD
Tin Mừng hôm nay nói đến ba mối tương quan: Tương quan với Chúa, tương quan với tha nhân và tương quan với chính mình. Ba mối tương quan này được thể hiện qua ba việc làm đạo đức và thiết thực nhất của Mùa Chay là cầu nguyện, bố thí và ăn chay.
Cầu nguyện là chiều kích hướng thượng. Cầu nguyện giúp ta khám phá ra quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, cũng như nhận ra bản tính mỏng giòn, yếu đuối nơi chính mình để từ đó luôn biết khiêm nhường và tín thác vào Chúa.
Bố thí là chiều kích hướng tha. Bố thí giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với tha nhân, xem người đồng loại như chính mình, từ việc trao ban của cải đến việc trao ban chính bản thân mình. Việc trao ban chỉ bắt đầu sau khi cảm nghiệm được sự tha thứ và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Chay tịnh hướng chúng ta sống theo ý Chúa. Chay tịnh là biểu hiện kỷ luật, kiểm soát và hy sinh. Nó mang lại sự thống nhất cho con người, giữa thân xác và linh hồn, nhờ đó giúp ta xa tránh tội lỗi và lớn lên trong tình liên đới với Chúa và tha nhân.
Đó là những việc làm tốt đẹp mà Giáo hội muốn mời gọi các Kitô hữu thực thi trong Mùa Chay này. Đặc biệt, qua bài Tin Mừng, Đức Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: việc cầu nguyện, bố thí và ăn chay nên biểu lộ một cách thực sự ở trong tâm hồn, tức phải làm trong âm thầm và kín đáo, chứ không phải là một sự giả vờ dối trá, phô trương và thổi phồng công đức trước mặt người khác, để tìm kiếm danh lợi cá nhân.
Lạy Chúa, hôm nay, chúng con ăn chay hãm mình để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khổ chế, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần (Các Giờ Kinh Phụng Vụ, lời nguyện Thứ Tư Lễ Tro).
Thứ Năm – Ngày 02 – Tháng 3
Thứ Năm Sau Lễ Tro
Bài đọc : Đnl 30,15-20
Tin Mừng : Lc 9,22-25
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?
TỪ BỎ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Chín, SVD
Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Nhưng để lựa chọn thì chúng ta phải học sống tinh thần từ bỏ, bỏ cái xấu để trở nên tốt hơn. Mùa Chay là dịp thuận tiện để chúng ta xét lại mình về những lựa chọn của bản thân. Chúa Giêsu cho ta biết rõ con đường Chúa đi là con đường từ thập giá tới vinh quang Phục Sinh. Muốn được hưởng vinh quang với Chúa chúng ta phải vác thập giá hằng ngày.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Là những Kitô hữu, chúng ta không thể đi con đường khác mà phải bước đi trên con đường của sự từ bỏ. Từ bỏ chính mình để vác thập giá.
Từ bỏ chính mình là từ bỏ những nết xấu, tội lỗi, từ bỏ những đam mê của bản thân vì Chúa và vì tha nhân. Con người ta sinh ra vốn ích kỷ, muốn quên mình để sống vì Chúa, vì tha nhân thật không dễ chút nào. Chúng ta cần có ơn Chúa, cần chạy đến với Chúa và Lòng Thương Xót của Chúa. Mặt khác, từ bỏ chính mình cũng có nghĩa là vác thập giá. Thập giá của chúng ta không chỉ là những rủi ro, bệnh hoạn, những bất hạnh trong cuộc sống mà còn là những cuộc chiến chống lại mọi khuynh hướng tội lỗi trong con người chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra những yếu đuối, bất toàn của bản thân để chúng con khiêm tốn sống từ bỏ mà vác thập giá Chúa trao mỗi ngày trong cuộc đời.
Thứ Sáu – Ngày 03 – Tháng 3
Thứ Sáu Sau Lễ Tro
Bài đọc : Is 58,1-9a
Tin Mừng : Mt 9,14-15
Khi ấy, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.
TÂM TÌNH ĂN CHAY
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD
Ăn chay là hình thức phổ biến trong nhiều tôn giáo, và mỗi hình thức ăn chay mang ý nghĩa cũng khác nhau. Trong Do Thái Giáo, việc ăn chay là hình thức hãm mình, khổ chế, đền tội và thường mang nặng tính khắt khe của luật.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không chống lại việc ăn chay, nhưng ở đây Người phân biệt ra hai thời kỳ ăn chay: lúc chàng rể đang hiện diện và thời chàng rể bị đem đi. Chúa Giêsu dùng hình ảnh trong tiệc cưới để trả lời một cách rất thực tế rằng không ai lại buồn rầu, khóc lóc khi chàng rể đang vui và ở bên họ, vì thời gian này phải mừng vui là điều hợp lý và chỉ khi nào chàng rể bị đem đi, lúc đó mới ăn chay. Từ hình ảnh đó, Chúa Giêsu đã nhận mình là chàng rể, đã mặc khải cho người Do Thái và các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả biết Đấng Mêsia đã đến và đang ở giữa họ. Hãy hân hoan mừng vui, hãy cảm nếm tình thương của Thiên Chúa đang hiện diện chính trong cuộc sống họ. Tình thương đó thể hiện qua Người Con đang sống giữa họ bằng xương bằng thịt, có thể đụng chạm tới bằng giác quan của con người. Hình ảnh chàng rể bị đem đi cũng là một sự tiên báo của Chúa Giêsu về sự đau khổ, cái chết và phục sinh vinh quang của Người.
Ăn chay là việc tốt, có ích cho đời sống tâm linh. Tuy nhiên, ăn chay chỉ vì phải giữ luật thì việc đó sẽ mất hết ý nghĩa thiêng liêng và điều đó chỉ như cái “xác không hồn”. Nên khi ăn chay hãy mặc lấy tâm tình thống hối, ăn năn vì những tội lỗi của mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa, đến anh chị em…
Lạy Chúa, nhiều khi chúng con ăn chay chỉ vì phải giữ luật mà quên đi ý
nghĩa đích thực mà việc ăn chay hướng tới. Xin cho con luôn ý thức mỗi lần ăn chay phải biết mặc lấy tâm tình yêu thương của Chúa và hướng đến tha nhân.
Thứ Bảy – Ngày 04 – Tháng 3
Thứ Bảy Sau Lễ Tro
Thánh Casimirô
Bài đọc : Is 58,9b-14
Tin Mừng : Lc 5,27-32
Khi ấy, Đức Giêsu trông thấy một người thu thuế, tên là Lêvi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. Ông Lêvi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. Những người Pharisêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giêsu rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” Đức Giêsu đáp lại họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”
YÊU THƯƠNG – THA THỨ
Tu sĩ Gioan Đinh Quốc Tĩnh, SVD
Yêu thương và tha thứ là con đường ngắn nhất để đưa người tội lỗi trở về. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã kêu gọi ông Lêvi, một người thu thuế, tội lỗi. Trong mắt người Do Thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa. Tiền của những người thu thuế khi dâng cúng vào đền thờ không được nhận. Người thu thuế dường như không có giá trị khi làm thẩm phán hoặc chứng nhân. Tất cả những gì tiếp xúc với họ đều bị coi là ô uế, là dơ bẩn.
Đó là cách nhìn của con người chứ không phải là cách nhìn của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài là Thiên Chúa của tình yêu. Ngài đến là để kêu gọi những người tội lỗi. Tình thương đó đã được biểu hiện qua các dụ ngôn về lòng thương xót: con chiên lạc, đồng tiền bị đánh mất, người cha nhân hậu… Trong những dụ ngôn này, ta thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết dường nào, không một tình yêu nào có thể sánh được. Chính vì vậy, Thiên Chúa muốn chúng ta quay về với Ngài để chúng ta được hòa giải, được yêu thương và được tha thứ. Cho dù chúng ta tội lỗi thế nào đi chăng nữa thì Thiên Chúa vẫn luôn tha thứ, miễn là chúng ta thật tâm quay trở về.
Tin Mừng hôm nay một lần nữa mời gọi mỗi người phải biết từ bỏ tội lỗi mà trở về sống trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Không gì an ủi hơn bằng việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với con người. Đó là người Cha yêu thương, sẵn sàng lên đường để đi tìm một con chiên lạc; và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về cùng đàn chiên. Hình ảnh đó không còn là biểu tượng, vì đã trở nên thực tế trong trường hợp của ông Lêvi hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cũng biết xót thương người khác như Ngài đã xót thương con.