Lời Chúa + Bài giảng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu – Năm C

0
573

Bài Ðọc I: Ed 34, 11-16

“Ta sẽ săn sóc đoàn chiên Ta và sẽ kiểm soát chúng”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: “Này chính Ta săn sóc đoàn chiên Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán. Ta sẽ dẫn chúng ra khỏi các dân tộc, sẽ tụ họp chúng từ khắp mặt đất, và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các miền núi Israel, dọc theo các bờ suối, và trong những miền có dân cư. Ta sẽ thả chúng ăn trên những ngọn núi cao Israel, chúng nghỉ ngơi trong những đồng cỏ xanh tươi, và chúng ăn trong đồng cỏ màu mỡ trên miền núi Israel. Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta; chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem về con chiên lạc, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3. 4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – Ðáp.

2) (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. – Ðáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. – Ðáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 5, 5-11

“Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người Ðối với chúng ta “.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta. Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.

Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô. Và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: GA 10,14

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 15, 3-7

“Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các người biệt phái và luật sĩ dụ ngôn này rằng: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: ‘Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!’ Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

TÌNH YÊU ĐIÊN RỒ

Lm. Giacôbê Trì Văn Pháp, SVD

“Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn êm ái dịu dàng …” (Huyền Linh, Thánh Tâm Chúa Giêsu). Nói đến Thánh Tâm Chúa Giêsu, thì chúng ta nói đến tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho con người qua trái tim “chịu” đâm thâu.

Trái tim chịu đâm thâu của Chúa là dấu chứng cho thấy sự “thèm khát” yêu thương mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Sự “thèm khát” yêu thương được thể hiện rõ nét và cao quý hơn khi Ngài tuôn đổ “nguồn suối sự sống” cho nhân loại. Tình yêu đó còn thể hiện cách độc đáo khi Ngài rời bỏ 99 con mà đi tìm một con duy nhất, diễn tả “cách yêu điên rồ” của Thiên Chúa mà chúng ta cần chiêm ngưỡng, khám phá và cảm nhận nơi bản thân.

  1. Trái tim chịu đâm thâu – “thèm khát”[1] yêu thương

“Thèm khát” yêu thương cũng có thể là thèm khát được yêu, và cũng có thể là thèm khát bày tỏ tình yêu. Ở đây, xin chia sẻ khía cạnh thứ hai, đó là “thèm khát” bày tỏ tình yêu.

Bài đọc thứ nhất, trích sách ngôn sứ Êdêkien, diễn tả hình ảnh Thiên Chúa chăm sóc dân của Ngài như vị mục tử chăn dắt đoàn chiên: Ngài sẽ sửa dạy và kiểm điểm chúng. Ngài sẽ băng bó những vết thương và chữa lành chúng. Ngài sẽ đưa chúng về khi chúng lạc đường. Ngài sẽ dẫn đưa chúng đến đồng cỏ xanh tươi, để cho chúng nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Tình Yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi người mục tử tốt lành. Một mục tử tận tụy vì đoàn chiên: Chăm lo cho chúng được an toàn; lo cho chúng từng miếng ăn, giấc ngủ; lo cho chúng khi chúng ốm đau và chữa lành chúng khi bị tật nguyền; lo tìm kiếm chúng, khi chúng đi lạc. Đó là một mục tử xả thân vì đoàn chiên, coi trọng chiên hơn bản thân mình.

Đây là nỗi “thèm khát” để phục vụ, nhằm tỏ lộ tình yêu cho chúng ta. Tình yêu ấy còn mãnh liệt hơn khi trao tặng cho chúng ta “nguồn suối sự sống”.

  1. Trái tim chịu đâm thâu – tuôn trào “nguồn suối sự sống”

Đây là điểm quan trọng và cao quý đối với chúng ta về lĩnh vực đức tin, vì “thèm khát” yêu thương trần thế, nên “Thiên Chúa đã ban tặng Con Một” để tuôn trào “nguồn suối sự sống” cho thế gian (x. Ga 3,16).

Điều này đã được thánh Phaolô trình bày rất rõ nét trong bài đọc thứ hai. Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh nhân đã nói: “Thiên Chúa đã đổ[2] tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà người ban cho chúng ta” (Rm 5,5b). Tình yêu ấy được tỏ bày nơi Đức Kitô, Đấng đã chết cho chúng ta là những tội nhân, nhằm hòa giải con người với Thiên Chúa, và cũng nhờ cái chết ấy mà làm cho kẻ tin được nên công chính.

Thánh Phaolô đã sử dụng động từ “đổ” ở thể bị động, thì hoàn thành, nhằm diễn tả một hành động Thiên Chúa không hối tiếc, không do dự khi ban phát tình yêu của Ngài cho chúng ta. Sự ban phát ấy không giới hạn. Ngài không những tuôn tràn tình yêu của Ngài trên những người tin mà còn trên những người chưa tin, chưa biết, chưa yêu Ngài. Chính cái chết và trái tim chịu đâm thâu ấy cho chúng ta cảm nhận và khám phá ra tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho bản thân mình. Khi trái tim đã bị đâm thâu, thì nguồn ân sủng tuôn trào trên chúng ta, làm lành những vết thương trong tâm hồn và cho cả nhân loại “được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10,10).

  1. Trái tim chịu đâm thâu – chiêm ngắm một “tình yêu điên rồ”

Người ta thường chiêm ngắm và tôn vinh một tình yêu bao dung và nhân hậu, một tình yêu biết hy sinh và chết cho người mình yêu, hay nói cách khác: chiêm ngắm trái tim chịu đâm thâu – tuôn trào “nguồn suối sự sống”, chứ có ai đi chiêm ngắm một “tình yêu điên rồ” bao giờ!

Bài Tin Mừng cho thấy hình ảnh người chăn chiên bỏ 99 con chiên béo tốt mà đi tìm cho bằng được con chiên bị mất. Đây là “cái lạ” khi Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn này. Ngài làm cho người nghe cảm thấy bất ngờ. Phải chăng có điều gì đó ngược đời, khờ khạo ở đây! Tuy vậy, đây lại là điều kỳ diệu khi chúng ta nghiền ngẫm đoạn tin Mừng hôm nay.

Dân gian có câu: “yêu quá hóa dại” nhằm để nói đến những người vì quá yêu, và để chứng tỏ tình yêu dành cho đối phương, họ đã có những hành động dại dột gây ra những tang thương, nhưng nơi Thiên Chúa không có “yêu quá hóa dại” theo lối suy nghĩ ấy. Tình yêu nơi Thiên Chúa diễn tả một chiều kích khác.

Người chăn chiên trong bài Tin Mừng là hình ảnh Thiên Chúa yêu con người, mà đặc biệt là người tội lỗi. Vì yêu điên cuồng, nên đã từ bỏ địa vị (x. Pl 2,6-7), rời bỏ cả đàn để đi tìm cho bằng được một con chiên “mất nết” bị mất. Vì yêu điên cuồng, nên khi tìm thấy nó, thì “mừng rỡ vác nó lên vai”, rồi về nhà mở tiệc ăn mừng, mà không có một câu trách phạt.

Đây là một hành động tuyệt đẹp phát xuất từ trái tim của người chăn chiên mà chúng ta cần chiêm ngắm, đặc biệt là hành động mừng rỡ khi tìm thấy con chiên “mất nết” lạc lối ấy và vác nó lên vai của mình. Vác nó trên vai không những để nâng niu trong hân hoan mà còn để lắng nghe tiếng lòng của nó. Niềm vui ấy còn thể hiện lớn hơn khi mở tiệc ăn mừng để chia sẻ.[3]

Như vậy, khi chiêm ngắm tình yêu kỳ diệu này, chúng ta cảm nghiệm được điều gì trong cuộc sống của mình?

  1. Khám phá và cảm nghiệm

Trước hết, chúng ta cần phải khám phá tình yêu ấy dành cho chính bản thân. Nhìn lại các bài đọc, chúng ta nhận thấy rằng, vì “thèm khát” yêu thương, Thiên Chúa đã đến để tuôn đổ “suối nguồn sự sống” cho chúng ta. “Suối nguồn sự sống” đó chính là tình yêu, một tình yêu vừa phổ quát vừa cá vị. Thiên Chúa không những ban phát tình yêu của Ngài cho toàn thể nhân loại một cách chung chung, mà Ngài ban cho một cá nhân cụ thể, chỉ riêng mình tôi. Ngài đã bỏ cả đàn để quan tâm đến riêng cá nhân tôi là con chiên “mất nết” lạc lối. Một tình yêu cá vị. Hãy cảm nghiệm!

Tìm thấy hắn, vui mừng, vác lên vai, về nhà, mở tiệc, mời bạn bè, chia sẻ niềm vui; bảy hành động nhưng không hề có hành động trách móc. Điều ấy cho thấy rằng, nơi Thiên Chúa không có khái niệm tha thứ, trái lại nơi Người duy chỉ có yêu thương.[4] Như vậy, sự tha thứ hay bất kỳ điều gì khác trong mối tương quan giữa “kẻ đi lạc” và “Đấng đi tìm” thì hệ tại nơi “kẻ đi lạc” mà thôi. “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7). Hãy cảm nghiệm!

[1] Thèm khát: theo từ điển tiếng Việt, thèm đến mức thiết tha, thôi thúc vì đang cảm thấy rất thiếu (thường nói về nhu cầu tình cảm, tinh thần), điều này không có nghĩa là nơi Thiên Chúa có những khiếm khuyết cần được lấp đầy. Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không có một khuyết phạp nào. Cho nên, khi nói đến Thiên Chúa “thèm khát’ yêu thương là diễn tả một tình yêu mãnh liệt; Thiên Chúa “thèm khát” yêu con người không phải để cho Ngài được thỏa mãn mà cho chính con người được no thỏa và được sống. Nơi Thiên Chúa, tình yêu có “Eros”, sự dung hòa giữa Agapê và Eros nơi Thiên Chúa (x. Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp “Deus Caritas Est”).

[2] Đổ: tiếng Hylạp ἐκκέχυται phát xuất từ động từ ἐκχέω diễn tả hành động tuôn đổ đầy tràn, vung vãi, một hành động không tiếc. Động từ ἐκχέω còn sử dụng một số chỗ trong Thánh Kinh như Mt 26,28; Mc 14,24;  Lc 11,50; 22,20; Cv 10,45 …

[3] Xc. Bản tiếng Việt Chân Ngôn, Chú giải Tin Mừng các Chúa Nhật và đại lễ Năm C, Học viện Đa Minh, 2010, tr. 303; cũng xem Hugues Cousi, bản Việt ngữ Tin Mừng Luca, Chú Giải Mục Vụ, không rõ dịch giả, không rõ nơi xuất bản, không rõ năm xuất bản, tr. 306-307.

[4] Câu nói này cũng có thể hiểu: trong tình yêu luôn bao hàm sự tha thứ. Nhưng người viết muốn nhấn mạnh hơn. Người viết muốn loại hẳn từ tha thứ ra khỏi ý niệm về Thiên Chúa. Nơi Người duy chỉ có tình yêu, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8,16).

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (Ngày 24 Tháng 6)
Bài tiếp theoBà Cố Matta Cao Thị Hoà, Thân Mẫu của Lm. Phêrô Hoàng Văn Hiến, SVD – Macao

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây