Bài Ðọc I: Is 60, 1-6
Trích sách Tiên Tri Isaia.
1 Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. 2 Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. 3 Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. 4 Ðưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông. 5 Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. 6 Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Ðức Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 2-5
Ðáp: Âm thanh họ truyền khắp địa cầu.
Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. – Ðáp.
2) Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. Chúa căng lều cho thái dương tại đó. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 1Tm 2,1-8
Trích Thư Thánh Phaolô Tông Ðồ Gửi Tín Hữu Timôthê.
1 Vậy tiên vàn mọi sự, tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi người, 2 cho vua Chúa và hết các người quyền cao chức trọng, ngõ hầu ta được qua một đời yên hàn, ổn định, trong đạo đức vẹn toàn và nghiêm chỉnh. 3 Ðó là điều tốt lành, đẹp lòng Thiên Chúa, Cứu Chúa của ta. 4 Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật. 5 Vì chỉ có một Thiên Chúa và cũng chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại: 6 một người, là Ðức Yêsu, Ðấng đã thí mình làm giá chuộc thay cho mọi người; chứng đã tuyên ra vào chính thời chính buổi, 7 mà tôi đã được đặt làm lệnh sứ, làm tông đồ — và tôi nói thật, chứ không nói dối — làm tấn sĩ dân ngoại, trong đức tin, trong sự thật.
8 Vậy tôi muốn nam nhân cầu nguyện mọi nơi thì giăng lên những bàn tay lành thánh, không nóng giận, không cãi cọ.
Hoặc đọc bài đọc sau đây:
Bài Ðọc II: Act 1, 3-8
Trích sách Công Vụ Tông Ðồ.
Sau khi Chúa Giêsu sống lại, 3 Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. 4 Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Ðồ, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5 đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.
6 Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?” 7 Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất”.
Alleluia: Mt 28, 19-20
Alleluia, alleluia! – Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 16,15-20
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
15 Và Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội. 17 Những dấu lạ này sẽ tháp tùng kẻ tin: nhân danh Ta, chúng sẽ trừ quỉ, nói các thứ tiếng, 18 Chúng sẽ cầm rắn trong tay, và dẫu có uống nhằm thuốc độc, thuốc độc cũng chẳng hại được chúng; chúng sẽ đặt tay cho kẻ liệt lào và họ sẽ được an lành mạnh khỏe”.
19 Vậy sau khi đã nói với họ rồi, Chúa Yêsu được nhắc về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động, và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo.
Hoặc đọc bài Phúc Âm sau đây:
Phúc Âm: Mt 28, 16-20
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
16 Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Bài giảng:
Lm.Antôn Nguyễn Văn Tôn,SVD
Hiến Pháp của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời mở đầu với một niềm xác tín rất mạnh mẽ: “Cuộc sống của Ngài là cuộc sống của chúng ta. Sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta…”. Theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu luôn ưu tiên cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mình là đến với người nghèo, người tội lỗi, người bị bỏ rơi…, Cha Thánh Arnold Janssen cũng đưa ra một phương châm sống cho cuộc đời của mình: “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất”.
Có thể nói, qua mọi thời, mọi nơi, sứ mạng truyền giáo luôn là nỗi ưu tư hàng đầu của Giáo Hội. Thế nhưng, khi đi sâu vào thực tế, mệnh lệnh truyền giáo của Đức Giêsu dường như vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu. Bởi vì giữa lý tưởng truyền giáo và thực tế vẫn còn khoảng cách rất xa nhau. Tuy nhiên, có rất nhiều lý do khác nhau nhưng thiết nghĩ rằng, lý do quan trọng và căn bản nhất phải chăng là phần đông người Kitô hữu chúng ta chưa ý thức đủ vai trò và trách nhiệm truyền giáo của mình. Thật vậy, khi nói đến truyền giáo, đa số các Kitô hữu quan niệm rằng đó là sứ vụ của những người có ơn gọi riêng biệt như các giáo sĩ, tu sĩ, các vị thừa sai hay của những người rảnh rỗi, chứ không phải là việc của giáo dân. Chúng ta dễ quên rằng, qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, tất cả chúng ta được mời gọi rao giảng và làm chứng cho ánh sáng Tin Mừng của Thiên Chúa mà chúng ta đã được đón nhận như một ân ban. Hơn nữa, tự bản chất ơn gọi của người Kitô hữu là truyền giáo. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng nhấn mạnh: Sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Giáo Hội” vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, số 2 ). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói trong thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế: “Sứ vụ truyền giáo liên hệ tới mọi Kitô hữu, mọi Giáo phận và Giáo xứ, mọi cơ quan đoàn thể trong Giáo hội” (RM, số 2). Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh trong sứ điệp truyền giáo của ngài: “Ngày nay vẫn còn rất nhiều người không nhận biết Chúa Giêsu Kitô. Thế nên, sứ mạng ad gentes vẫn còn hết sức cấp bách. Mọi thành viên của Hội Thánh được kêu gọi tham gia sứ mạng này, vì Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo: Hội Thánh được sinh ra để “đi ra”…” (Sứ điệp truyền giáo năm 2014).
Như vậy, trách nhiệm của mỗi Kitô hữu chúng ta là đem Đức Giêsu Kitô, mang Tin Mừng của Thiên Chúa đến cho mọi người, nhằm làm cho “hạt giống Lời Chúa” được hiện diện nơi các tập tục, văn hóa của từng địa phương, cũng như trong mọi sinh hoạt xã hội, tôn giáo mà chúng ta đang sống và hiện diện. Nhờ đó, mọi người có thể nhận biết Đức Giêsu Kitô, biết Tin Mừng của Người và đón nhận đức tin.
Vì thế, trong ngày khánh nhật truyền giáo, Giáo Hội là mẹ chúng ta muốn gửi đến cho tất cả con cái của mình thông điệp cấp bách về sứ vụ cao cả: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).Đây là một lệnh truyền đòi buộc tất cả mọi Kitô hữu chúng ta phải thi hành. Như Thánh Phaolô đã khẳng định: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).
Vậy, chúng ta phải truyền giáo như thế nào? Một lần nữa, chúng ta có thể khẳng định lại: việc truyền giáo không chỉ dành riêng cho các linh mục, các tu sĩ nhưng là nhiệm vụ bất khả chối từ của mỗi Kitô hữu chúng ta. Thế nhưng chúng ta có thể làm được gì để trở nên nhân chứng cho Tin Mừng ngay nơi mình đang sống, trong giáo xứ, trong mỗi họ đạo, trong các cơ quan xí nghiệp, nơi các trường học… đặc biệt là cho những cận thân chưa nhận biết Chúa đang sống chung quanh mỗi gia đình chúng ta.
Trong thực tế, những người lương dân không thể nhận biết Chúa, cũng không biết Tin Mừng nói gì, dạy gì; họ chỉ có thể nhìn thấy chúng ta và đánh giá về Đạo Chúa qua cách sống và thể hiện niềm tin của mỗi người chúng ta. Ngoài việc thành lập các hiệp hội truyền giáo, các tổ chức làm việc bác ái từ thiện, công lý hòa bình…, thiết nghĩ rằng những cử chỉ nhỏ như nhặt những vật cản trên đường, bỏ rác gọn gàng đúng nơi đúng chỗ, chào hỏi và đón nhận người nghèo với nụ cười niềm nở, tặng một chút ve chai cho người đi thu gom…, tuy đơn sơ nhưng lại mang một hình ảnh rất đẹp trong ánh mắt của người đời.
Việc truyền giáo còn được thực hiện trong đời sống cá nhân, gia đình hay tập thể. Chẳng hạn như mọi người trong gia đình quy tụ lại bên nhau, hợp nhau trong lời kinh hằng ngày để cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng được lan rộng khắp nơi trên thế giới. Cầu nguyện cho ơn gọi truyền giáo, cầu cho những ai chưa biết Chúa được nghe và đón nhận Tin Mừng, được ơn trở lại với Chúa. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng đã nuôi ước vọng đem Tin Mừng đến cho mọi dân tộc, hầu cứu rỗi các linh hồn. Thế nhưng thánh nữ đã thực hiện được điều đó bằng lời cầu nguyện của một nữ tu khép mình trong bốn bức tường của Dòng Kín. Và thánh nữ đã được Giáo Hội đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo, trong khi thánh nữ chưa hề bước ra khỏi khuôn viên của Tu Viện. Có thể nói, cầu nguyện thì bất cứ ai cũng có thể làm được, thế nhưng chúng ta có thực hiện được điều đó hay không?
Truyền giáo bằng đời sống chứng nhân. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, đã nói: “con người của thời đại thích nghe các chứng nhân hơn là những nhà giảng thuyết, và nếu họ có nghe những nhà giảng thuyết là chỉ vì những nhà giảng thuyết ấy đã là những chứng nhân”. Thật vậy, không có lời rao giảng nào có sức thuyết phục cho bằng sự hiệp nhất yêu thương, bác ái từ trong gia đình, trong các họ đạo, các khu phố… như lời Đức Giêsu đã nói: “Chính ở điểm này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Trong một cuộc hội thảo về đề tài “truyền giáo” của giới trẻ Công Giáo tham dự trại hè quốc tế năm 2000, một trong những câu hỏi được đưa ra để bàn thảo là tranh luận và thăm dò những cách thức truyền bá Tin Mừng mới. Cuộc tranh luận được kéo dài với nhiều ý kiến khác nhau, gồm cả ý kiến dùng các phương tiện truyền thông tân tiến, các sách vở báo chí, các phim ảnh hấp dẫn … để phổ biến Tin Mừng cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Cuối cùng, một bé gái người Phi Châu giơ tay xin phát biểu: “ở nước chúng tôi, khi muốn truyền bá Tin Mừng cho một làng ngoại đạo, người ta không gửi các sách vở, báo chí, phim ảnh tới, mà người ta gửi đến đó một gia đình Công Giáo tốt sống giữa họ, vì gương sáng của gia đình đó là lời rao giảng sống động cho Tin Mừng, hơn tất cả những cuốn sách trên thế giới”(R.D. Wahrheit, Ánh Sáng Hy Vọng, tr 208).
Tất cả mỗi người Kitô hữu chúng ta đều có sứ mạng rao giảng Tin Mừng, đặc biệt là bằng cách sống của mình. Vì rao giảng Tin Mừng được bắt đầu bằng việc loan báo và sống sự hòa giải, tha thứ, bình an và hiệp nhất trong tình yêu của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, không ai có thể cho người khác cái mình không có. Do đó, để trở nên nhân chứng cho Tin Mừng, trở nên người giới thiệu “Đức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6) cho người khác, trước tiên và trên hết chúng ta phải để cho Lời Chúa huấn luyện chúng ta trước đã. Tức là chúng ta phải để cho Tin Mừng của Đức Giêsu trở thành xương, thành thịt, thành máu trong con người chúng ta, để rồi cuộc sống chúng ta là một lời rao giảng sống động về Tin Mừng. Một nhà triết gia Trung Hoa đã nói: “Nước có ở trên cao mới có thể chảy xuống chỗ thấp được”. Thật vậy, để có khả năng thuyết phục được người khác tin vào Đức Giêsu, thì đời sống Kitô hữu chúng ta cũng phải thấm nhuần Tin Mừng trước đã.
Ước gì mỗi Kitô hữu chúng ta cũng trở nên lời chứng sống động cho Tin Mừng giữa đời, để có thể nói được với những người chưa nhận biết Chúa như anh chị em Công giáo Hàn Quốc đã nói với những người dự tòng: “anh chị em cứ nhìn chúng tôi sống như thế nào thì anh chị em cứ bắt chước mà sống như thế”.
Xin Chúa thánh hóa và ban ơn giúp sức, để chúng ta sống xứng đáng với sứ mệnh đã lãnh nhận qua bí tích Rửa Tội là rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng giữa trần gian này. Xin Chúa sử dụng chúng ta như khí cụ bình an của Chúa. Amen.