Bài Ðọc I: Hc 35, 15b-17. 20-22a
“Lời cầu nguyện của người khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây”.
Trích sách Huấn Ca.
Chúa là quan án, Người không xem sao vinh quang loài người. Chúa không vì nể kẻ nghịch với người nghèo khó, và Người nhậm lời kẻ bị áp bức kêu cầu. Người không khinh rẻ kẻ mồ côi khẩn nguyện, cũng không khinh rẻ người goá bụa, khi nó bày tỏ lời than van.
Nỗi hồn đắng cay, của lễ được nhận, và tiếng kêu oan kíp thấu tầng mây. Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho đến khi lời nguyện nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Ðấng Tối Cao đoái nhìn. Chúa sẽ không trì hoãn, Người sẽ xét đoán những người công chính và sẽ ra lời phán quyết.
Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 17-18. 19 và 28
Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).
Xướng: 1) Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Thiên Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. – Ðáp.
2) Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. – Ðáp.
3) Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Người, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Người, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 2 Tm 4, 6-8. 16-18
“Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy; nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện.
Lần đầu tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân ngoại được nghe: vậy cha đã thoát khỏi miệng sư tử. Chúa đã giải thoát cha khỏi mọi sự dữ và cứu lấy cha để đưa vào nước Người trên trời. Nguyện chúc Người được vinh quang muôn đời! Amen.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 18, 9-14
“Người thu thuế ra về được khỏi tội”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
Bài giảng chủ đề: HAI NHÂN VẬT – HAI SỰ ĐỐI LẬP
Giuse Nguyễn Xuân Long,SVD
Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra cho chúng ta hai nhân vật rất đối lập nhau;đối lập về tính cách, thái độ, cung cách cầu nguyện cũng như cái nhìn. Nếu người Pharisêu được coi là chuẩn mực, là đạo đức, là khuôn mẫu cho xã hội lúc bấy giờ, thì người thu thuế được coi như người tội lỗi, người cấu kết với ngoại bang để sống trên xương máu của đồng bào. Đó là cái nhìn rất thực của người đời. Còn Đức Giêsu, Đức Giêsu nhìn họ như thế nào? Đức Giêsu nhìn họ hoàn toàn khác biệt so với mọi người, khác biệt đến nỗi đảo chiều hoàn toàn: “Tôi nói cho các ông biết: người này (thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (pharisêu) thì không?” (18,14a). Tại sao Đức Giêsu lại có cái nhìn khác biệt như vậy? Tiêu chuẩn của Đức Giêsu có đáng để chúng ta học hỏi hay không?
Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về cung cách và thái độ của Người Pharisêu khi cầu nguyện:“Người Pharisêu đứng thẳng và nguyện thầm” (Lc 18,11). Đứng thẳng là thái độ của người hiên ngang, tự tin vào chính khả năng của mình. Không chỉ đứng thẳng, người Pharisêu còn đứng riêng ra một mình để tách biệt với người thu thuế tội lỗi, người bị coi như thấp kém hơn trước mặt Chúa, để khỏi bị ô uế. Đứng thẳng và đứng tách biệt khỏi người khác làm cho những lời nguyện của ông trở thành lời tán dương và ca ngợi chính bản thân mình. Chính vì thái độ quá đề cao bản thân của người Pharisêu mà ông vô tình làm cho Thiên Chúa không vui lòng.
Mở đầu lời nguyện, ông thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa…”. Một lời mở đầu quá tuyệt vời. Tuy nhiên, chính trong sự quá “tuyệt vời” đó, nó lại ẩn chứa nhiều điều tự cao. Ông quy mọi việc ông làm cốt để vinh danh chính ông. Lời nguyện của ông đã đưa ông vào trung tâm để loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài và vùi dập người anh em. Ông đem những việc ông làm để so sánh với tên thu thuế kia. Ông đi tìm cho mình một vị Thiên Chúa khác, vị Thiên Chúa của cái tôi. Ông tự đặt chính ông vào vị trí của Thiên Chúa.
Thêm vào đó, trong lời nguyện, ông dùng liên tiếp 4 từ “con”: “con không…”; “con không như…”; “con ăn chay…”; “con dâng…” để so sánh với người khác. Ông đặt mình làm tiêu chuẩn, làm thước đo cho sự thánh thiện. Ông đem mình để so sánh với người thu thuế, người bị coi như thuộc thành phần tội lỗi nhất của người Do Thái. Ông chỉ biết nhìn xuống để khinh chê người khác. Ông xây một bức tường kiên vững để tách biệt người tội lỗi ra bên ngoài. Có thể vì ông đang đứng ở một địa vị quá cao, cả trong xã hội, thuộc giới pharisêu, cũng như chỗ ông đứng cầu nguyện trong đền thờ. Ông quên mất rằng, trên ông còn có một vị Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng, Toàn Tri.
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng nhận thấy rất nhiều điều tốt nơi người Pharisêu: “cầu nguyện thầm”, “không trộm cắp”, “không bất chính”, “không ngoại tình”… Nếu nhìn dưới khía cạnh này, chúng ta nhận thấy người Pharisêu là người rất tốt. Ông khiêm tốn, ông không khoa trương vì ông chỉ nguyện thầm, chỉ ông và Chúa biết. Ông làm điều tốt, điều bác ái nhiều hơn luật buộc: “ăn chay mỗi tuần 2 lần”; “dâng cho Chúa một phần mười thu nhập”. Ông cũng không xin Chúa điều gì vì ông có mọi thứ ông cần.
Thứ đến, chúng ta cùng tìm hiểu đôi chút về hành vi và cung cách cầu nguyện của người thu thuế:“Người thu thuế đứng đàng xa, chẳng dám ngước mắt lên” (Lc 18,13). cũng Như người Pharisêu,người thu thuế cũng đứng để cầu nguyện, nhưng lý do của hai người rất khác nhau. Nếu vị Pharisêu cảm thấy mình là người mẫu mực trước mặt Chúa thì người thu thuế cảm thấy xấu hổ. Ông chẳng biết cầu nguyện thế nào ngoài đấm ngực thú nhận “con là kẻ tội lỗi”. Người thu thuế nhìn nhận tội lỗi của mình.Ông biết mình đang ở dưới đáy của hố sâu, vì thế, điều duy nhất ông có thể làm là nại đến lòng thương xót của Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (18,13). Ông chẳng dám kể bất kỳ một công trạng nào, vì ông đâu có gì để kể; cái ông có duy nhất lúc này là bám víu vào lòng thương xót của Chúa.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải biết rằng, Đức Giêsu không hề có ý ca ngợi những hành động và việc làm của người thu thuế, nhưng Người chỉ đề cao thái độ khiêm tốn, thái độ đấm ngực thú nhận của ông. Vì theo Tin Mừng Luca, Đức Giêsu chẳng đả động gì đến sự hoán cải tận căn của người thu thuế. Người thu thuế chẳng dâng tài sản của mình cho người nghèo, hay đền trả gấp bốn của chiếm đoạt như ông Dakêu (Lc 19,8). Công việc, hành vi của ông chỉ như đám mây mù ngăn cách giữa ông và Thiên Chúa. Chính vì nhận ra sự yếu đuối, bất lực và tội lỗi của mình nên ông chỉ còn biết đấm ngực thú nhận để nại đến lòng thương xót của Chúa. Và sự tự hạ đó đủ để ông đụng chạm vào lòng Chúa xót thương.
Qua bài Tin Mừng, ta thấy hai con người, hai cung cách hoàn toàn trái ngược nhau. Một người được coi như là người đạo đức, thánh thiện bỗng chốc hóa ra không, chỉ vì sự tự mãn tự kiêu. Người thu thuế, với quá khứ ngập tràn tội lỗi đã tự đánh mất đi sự công chính của mình, thì nay với hành động khiêm nhường, nhìn nhận ra sự yếu hèn, tội lỗi lại lập tức được xem là người công chính trước mặt Chúa.
Lạy Chúa, hình ảnh người Pharisêu và người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay như nhắc nhớ từng người trong chúng con rằng: Thiên Chúa cứu rỗi chúng con chẳng do công trạng của chúng con nhưng do ân sủng của Chúa. Vì thế, chúng con chẳng có lý do gì để tự hào về bản thân cũng như coi thường anh em chúng con. Xin cho mỗi chúng con biết lấy Chúa làm tiêu chuẩn để chúng con nhận ra rằng chúng con chỉ là những conngười mỏng giòn và yếu đuối. Chỉ như thế chúng con mới đụng chạm đến được lòng thương xót vô biên của Chúa. Amen.