Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 13 Thường Niên – Năm A

0
366

Bài Ðọc I: Gr 20, 10-13

“Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ta đã nghe nhiều người thoá mạ và chế nhạo rằng: “Người này gieo khủng bố khắp nơi: Hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó”. Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: “Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó”. Nhưng Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và kiệt sức: Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời, không bao giờ quên được. Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Ðấng xét xử người công chính, thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù nó cho con, vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa. Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 8-10. 14 và 17. 33-35

Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi (c. 14c).

Xướng: 1) Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người cùng con một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con. – Ðáp.

2) Nhưng, lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi xin nhìn đến tấm thân con. – Ðáp.

3) Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân Người bị bắt cầm tù. Hãy ngợi khen Chúa, hỡi trời và đất, biển khơi và muôn vật sống động bên trong. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 5, 12-15

“Không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Trước khi có lề luật, đã có tội trên thế gian; nhưng tội không bị bắt lỗi, khi không có lề luật. Nhưng từ Ađam cho đến Môsê, sự chết ngự trị cả trên những kẻ không phạm tội giống như sự lỗi phạm của Ađam, hình ảnh của người đến sau.

Nhưng không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu, vì nếu do tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ơn nghĩa của Thiên Chúa và ân huệ ban do ơn một người là Ðức Giêsu Kitô, làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 26-33

“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.

“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.

“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

BÌNH AN TRONG NỖI SỢ

Tu Sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Một hoạ sĩ lừng danh nọ tổ chức một cuộc triển lãm về các hoạ phẩm mà ông đã dày công sáng tạo trong suốt nhiều năm. Khu vực triển lãm được thiết kế khá đẹp mắt với nhiều tác phẩm được trưng bày. Điều làm các lãm khách tò mò là có một gian phòng chỉ trưng bày duy nhất một bức tranh. Theo như người hướng dẫn giới thiệu thì đó là bức tranh nói về chủ đề bình an. Với sự hiếu kỳ, rất đông khách tham quan đều ghé qua gian phòng này để thưởng ngoạn. Song, điều làm mọi người ngạc nhiên là bức tranh về chủ đề bình an nhưng khi nhìn thoáng qua lại gây nên một trạng thái “bất an”. Vốn là bức tranh vẽ khung cảnh một thung lũng được bao bọc bằng những dãy núi cao chót vót, những dòng thác chảy cuồn cuộn, phía trên là mây đen bao phủ, và xa xa một chú chim nhỏ đang thản nhiên tìm mồi trên vách đá cheo leo. Trước sự thắc mắc của mọi người, vị hoạ sĩ mỉm cười giải thích: Các bạn hãy xem chú chim kia! Dù bị bao bọc trong một không gian đầy nguy hiểm, thế mà chú vẫn ung dung kiếm mồi, chẳng mảy may để ý đến những bất trắc cận kề. Đó chẳng phải là chú đang rất bình an hay sao!

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã thấu hiểu nỗi lo lắng, nỗi sợ hãi của các môn đệ. Họ cũng là con người, mà đã là kiếp người làm sao thoát khỏi những lo toan thường trực trong đời sống! Đức Giêsu thấy được viễn cảnh những gian nan mà những người theo Chúa sẽ phải đối diện, thậm chí vì Tin Mừng, họ sẽ phải hy sinh cả mạng sống mình. Vì thế, Người đã tiếp thêm sức mạnh cho họ, trấn an họ: “Anh em đừng sợ” (Mt 10,26). Câu này được Đức Giêsu lặp lại ba lần với cường độ liên tiếp (x.Mt 10,26.28.31) nói lên một sự đảm bảo chắc chắn, một lời hứa sắt son, một niềm an ủi thật lớn lao! Trong Kinh Thánh, theo Bernard Mischke, sứ điệp trấn an “đừng sợ” từ Thiên Chúa được sử dụng hơn 300 lần.[1]“Đừng sợ! Vì Ta ở với ngươi; đừng sợ, Ta là Chúa” (Gr 1,8). Khi Đức Giêsu đi trên mặt nước, Ngài phán: Thầy đây, đừng sợ (x.Ga 6,16-21). Thiên thần Gabrien nói với Đức Maria: “Đừng sợ”(Lc 1,30). Câu này cũng được nói với thánh Giuse:“Đừng sợ nhận Maria về nhà làm bạn mình”(Mt 1,20). Và từ này cũng được lặp lại sau ngày Chúa Giêsu phục sinh khi Người hiện ra với các môn đệ.

Thế nhưng, có một thực tế là, dù được đoan hứa cách chắc chắn như thế, nhưng hầu như các môn đệ chẳng mấy an tâm, không được bình an trọn vẹn và chẳng được tin tưởng, thấm nhuần bao nhiêu. Bằng chứng là, khi Đức Giêsu bị bắt thì họ đã sợ hãi trốn chạy, chẳng còn một ai ở bên cạnh Người (x.Mt 26,56; Mc 14,50-52); khi Đức Giêsu bị giết chết, họ sợ hãi ẩn nấp trong nhà chẳng dám đi đâu (x.Ga 20,19); thậm chí sợ hãi trong chán chường, thất vọng (x.Lc 24,13-24)…

Vậy, phải chăng con người lúc nào cũng phải đối diện với nỗi sợ hãi ấy? Suy cho cùng, nỗi sợ vẫn là một cái gì đó thường trực của kiếp người mà thôi. Người già có nỗi sợ của người già, người trẻ có nỗi sợ của người trẻ; người nghèo khó, cơ hàn cũng sợ, kẻ giàu sang phú quí cũng không ngoại lệ; người đau yếu, bệnh tật cũng sợ, mà người khoẻ mạnh cũng đâu thoát khỏi. Cái sợ ấy lại có muôn hình, muôn vẻ; cùng một nỗi sợ hãi, lo lắng, nhưng cũng tăng, giảm theo từng cấp độ, tuỳ vào hoàn cảnh của mỗi người.

Thế nhưng, một niềm an ủi thật lớn lao cho chúng ta, nhất là những Kitô hữu, vì chính Chúa Giêsu đã phán: Anh em đừng sợ! Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi được bầu vào cương vị chủ chăn tối cao của Giáo Hội, câu đầu tiên ngài mở lời với toàn thể thế giới là: “Đừng sợ”. “Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô!Ngài nói tiếp: Đừng sợ! Chúa Kitô biết rõ mọi điều trong lòng người! Và chỉ một mình Người biết rõ.”[2] Dù con người phải đối diện với muôn vàn đau khổ, muôn vàn sợ hãi, nhưng nếu con người, cách riêng với người Kitô hữu, biết đặt niềm tin tưởng, phó thác, cậy trông nơi Chúa thì nỗi đau ấy, nỗi sợ ấy sẽ vơi đi phần nào, và sẽ tìm thấy niềm an ủi trong Chúa.

Trong bài đọc 1, ngôn sứ Giêrêmia đã kêu lên cùng Chúa vì ông đã chịu trăm nghìn khổ cực từ bàn tay của những kẻ gian ác (x.Gr 20,10), nhưng ông đã tìm thấy bình an và niềm an ủi, vì “Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo” (Gr 20,13). Đành rằng, chẳng ai muốn phải gánh lấy những nguy nan ấy, và những điều đó cũng chẳng phải do Chúa gửi đến, song, nếu chúng ta sống trong niềm tin, và chúng ta có niềm tin đủ lớn vào Chúa thì những nỗi sợ hãi, những gian truân kia không hẳn không có giá trị. Biết đâu, nhờ những khốn khó mà chúng ta mắc phải lại là dịp để chúng ta nhìn rõ hơn về sự yếu đuối, mỏng giòn của kiếp người; để chúng ta biết hướng đến một cuộc sống mai hậu, ở đó, chẳng còn lo toan, khổ đau, sợ hãi mà chỉ có Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực. Và đó chẳng phải cũng là dịp để chúng ta múc lấy ơn lành nơi Chúa, vì cùng chia sẻ thập giá với Đức Kitô xưa hay sao! Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma cũng đã cảm nhận rất rõ điều này: “Nếu vì một người duy nhất bị sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho con người”(Rm 5,15). Cho nên, bình an đích thực là nơi Chúa và chính Chúa. Nếu có Chúa ở với, ở trong thì chúng ta sẽ luôn có được sự bình an và ân sủng dù có phải đối diện với bao nỗi sợ của đời người.

Nhưng, thường có một nghịch lý là con người rất sợ những điều lẽ ra đừng quá sợ, nhưng nhiều khi lại chẳng sợ những điều lẽ ra phải sợ. Điều phải sợ ở đây, điều mà Chúa Giêsu đã dạy, là sợ Thiên Chúa: “Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10,28). Dĩ nhiên, sợ Thiên Chúa không có nghĩa là sợ hãi trong âu lo như sợ một vị quan toà đầy nghiêm khắc, chẳng mảy may nhân từ, nhưng sợ Thiên Chúa ở đây được hiểu là kính sợ, tức biết tôn kính, tôn thờ Người. Cùng một từ ngữ, cùng một cảnh huống nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác xa nhau. Ví như chú chim nhỏ đã được trưng dẫn trong câu chuyện trên, dù phải đối mặt với một không gian, một môi trường chẳng mấy an toàn, thế mà chú vẫn bình tâm kiếm mồi, chẳng chút sợ hãi, vì chú biết rằng, xa xa vẫn còn đó chim mẹ dõi bước, chở che. Cho nên, chỉ khi con người biết kính sợ Thiên Chúa thì những nỗi sợ nơi kiếp người kia mới được vơi đi. Chỉ khi con người biết kính sợ Thiên Chúa, con người mới có thể có bình an trọn vẹn, bình an đích thực. Để rồi, dù có gặp phải những thử thách, chông gai, sóng cuốn, mây mù… chúng ta vẫn luôn tìm thấy bình an, vì chúng ta biết rằng ngay cả tóc trên đầu chúng ta Chúa cũng đã đếm cả rồi (x.Mt 10,29-31).

Ước gì lời Chúa hôm nay củng cố thêm đức tin cho chúng ta, giúp chúng ta luôn một lòng phó thác, cậy trông vào Thiên Chúa, để ân sủng và bình an đích thực của Ngài luôn dư đầy và ngự trị trong tâm hồn chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ vững bước tiến về Quê Trời trong tình thương và bình an của Thiên Chúa dù nhiều khi phải đối diện với thập giá cuộc đời.

[1] Xin xem Rev Frank Mihalie, SVD, Dụ ngôn đời thường, nhóm Alpha phiên dịch, NXB Papua New Guinea, tr.372.

[2]Gioan Phaolô II: Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông Đồ Phêrô.

Bài trướcThường Niên – Tuần XII – Năm A
Bài tiếp theoHội thảo Quốc tế lần thứ 5 của ban Đào Tạo Dòng Nữ Tỳ Thánh Linh Truyền Giáo (SSpS)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.