WHĐ (12.12.2017) – Tiếp theo tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư 06-12 vừa qua rằng Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ dời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, Toà thánh đã bày tỏ mối quan ngại về các vụ bùng phát bạo lực gần đây và kêu gọi các nhà lãnh đạo thúc đẩy hoà bình và an ninh.
Ngày 10-12 Toà thánh Vatican đã ra một thông cáo ngắn gọn, bày tỏ mối lo ngại về hoà bình và an ninh tại Jerusalem và nhắc lại tin tưởng rằng “chỉ có một giải pháp thương thảo giữa người Do Thái và người Palestine mới có thể mang lại hoà bình ổn định và lâu dài, bảo đảm sự chung sống hoà bình của hai quốc gia trong những ranh giới được quốc tế công nhận”.
Toàn văn Thông cáo như sau:
***
“Toà Thánh hết sức lưu tâm theo dõi những diễn biến tình hình ở Trung Đông, đặc biệt liên quan đến Jerusalem, một thành phố thiêng liêng đối với người Kitô hữu, người Do Thái giáo và người Hồi giáo trên khắp thế giới. Đức giáo hoàng bày tỏ nỗi đau buồn trước những vụ đụng độ trong những ngày gần đây dẫn đến nhiều thương vong, và ngài lặp lại lời kêu gọi mọi người hãy khôn ngoan và thận trọng, gia tăng lời cầu nguyện tha thiết để các nhà lãnh đạo các quốc gia, trong thời điểm đặc biệt nghiêm trọng này, nỗ lực ngăn chặn một vòng xoáy bạo lực mới, bằng cách có những phát ngôn và việc làm đáp ứng khát vọng hoà bình, công lý và an ninh của các cư dân trong vùng đất nhiễu nhương ấy.
Trong những ngày này, những mối quan ngại về triển vọng hoà bình trong khu vực là đối tượng của nhiều sáng kiến khác nhau, trong đó Liên đoàn Ả Rập và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đã khẩn cấp kêu gọi tổ chức những cuộc gặp gỡ. Toà Thánh lưu tâm đến những mối quan ngại này, và với việc nhắc lại những lời tha thiết của Đức giáo hoàng Phanxixô, một lần nữa Toà thánh nêu lên quan điểm rõ ràng của mình về tính chất đặc biệt của Thành Thánh và nhu cầu thiết yếu của việc tôn trọng hiện trạng, phù hợp với các cuộc thảo luận của cộng đồng quốc tế và các lời thỉnh cầu liên tục của các hàng giáo phẩm của các Giáo hội và các cộng đồng Kitô giáo ở Thánh Địa.
Đồng thời, Toà Thánh nhắc lại niềm tin tưởng vững chắc của mình rằng chỉ có một giải pháp thương thảo giữa người Do Thái và người Palestine mới có thể mang lại hoà bình ổn định và lâu dài, bảo đảm sự chung sống hoà bình của hai quốc gia trong những ranh giới được quốc tế công nhận”.
***
Tuyên bố của ông Trump cũng gây ra nhiều phản ứng từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong giới lãnh đạo tôn giáo.
Hôm thứ Sáu, 8 tháng 12, Toà Thượng phụ Latinh ở Jerusalem đã cảnh báo về “những hậu quả không lường trước được” của tuyên bố của ông Donald Trump về Jerusalem. Thông cáo của Toà Thượng phụ nêu rõ, “bất kỳ một giải pháp đơn phương nào cũng không thể được coi là giải pháp”.
Đức Tổng giám mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Tông toà Toà Thượng phụ, nói ngài xác tín rằng “Jerusalem là một kho tàng của toàn thể nhân loại”, và “bất kỳ yêu sách độc quyền nào, dù là chính trị hay tôn giáo, đều trái với chính logich của thành phố”.
Trong một diễn biến khác, đang khi chuyến viếng thăm Trung Đông của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence dự kiến diễn ra vào giữa tháng Mười Hai, hai nhà lãnh đạo tôn giáo cho biết họ từ chối gặp ông Pence để phản đối; đó là vị Imam của Thánh đường Hồi giáo Al-Azhar, một trong những c ơ sở danh tiếng nhất của phái Hồi giáo Sunni có trụ sở tại Cairo, Ai Cập, và Thượng phụ Tawadros II của Giáo hội Chính thống Copt. Đức Thượng phụ Tawadros nhận định rằng ông Donald Trump đã “coi thường tình cảm của hàng triệu người Ả Rập”. Mấy ngày trước đó, Vua Salman của ẢRập Saudi đã cảnh báo Tổng thống Hoa Kỳ về “cơn thịnh nộ của người Hồi giáo trên toàn thế giới”.
Tại Pháp, các giám mục Công giáo cũng bày tỏ mối quan tâm về tình hình tại Jerusalem. Hôm thứ Năm 07-12, Đức Tổng giám mục Georges Pontier, Tổng giám mục Marseilles và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, đã đưa ra tuyên bố trong đó ngài mời gọi các tín hữu “thêm lời cầu nguyện (…) để hiệp thông với cộng đoàn Kitô hữu tại Thánh Địa”.
Truyền thống của Israel luôn nhận Jerusalem là thủ đô của mình. Tuy nhiên, người Palestine tuyên bố rằng phần phía đông của Thành phố này là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai. Khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên làm điều này kể từ khi Israel được thành lập vào năm 1948.
Về nhiều khía cạnh, cuộc tranh luận về vấn đề này là mấu chốt của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine – thực thểđược sự hậu thuẫn của các nhà lãnh đạo Ả Rập, bao gồm Ả Rập Saudi, và rộng hơn là thế giới Hồi giáo.
Theo thỏa thuận hoà bình Israel-Palestine năm 1993, quy chế cuối cùng của Jerusalem sẽ được thảo luận trong các giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán hoà bình. Chủ quyền của Israel trên Jerusalem chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế và tất cả các nước có quan hệ ngoại giao với Israel và có sứ quán tại Tel Aviv công nhận
Theo quan điểm của Liên hiệp quốc về vấn đề Jerusalem, Đông Jerusalem là lãnh thổ của Palestine, và thành phố này cuối cùng sẽ trở thành thủ đô của hai quốc gia Israel và Palestine.
Về phía Toà Thánh Vatican, Từ lâu Vatican vẫn ủng hộ giải pháp hai quốc gia cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, và trên bình diện ngoại giao, đều thừa nhận và nói đến cả “Nhà nước Israel” và “Nhà nước Palestine”.
Những cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra ngay sau tuyên bố của ông Trump về Jerusalem. Hai người Palestine thiệt mạng hôm thứ Bảy 09-12, trong cuộc không kích của Israel nhằm đáp trả vụ bắn rocket từ Gaza, và 150 người bị thương trong các cuộc đụng độ ở Bờ Tây. Vào ngày Chúa nhật 10-12, các cuộc biểu tình mới đã diễn ra trên khắp thế giới, trong đó có cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Liban và một cuộc biểu tình khác ở Jakarta, Indonesia, với hàng nghìn người tham gia.
(Tổng hợp)