Bangladesh có Đức Hồng Y tiên khởi

0
409
Việc tấn phong này cho thấy Giáo hội chú tâm đến các Giáo hội nhỏ.

Đức Thánh cha Phanxicô thông báo Đức Tổng Giám mục Patrick D’Rozario của Dhaka nằm trong danh sách 17 tân hồng y trong bài diễn văn Chúa nhật hàng tuần hôm 9-10.

Mật hội tấn phong hồng y sẽ được tổ chức vào ngày 19-10, ngay trước ngày bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, đài Vatican đưa tin.

Đức cha D’Rozario, 73 tuổi, là vị hồng y tiên khởi của Bangladesh. Đức cha dòng Thánh Giá là một trong 3 tân hồng y được tấn phong đến từ châu Á. Hai vị còn lại là Đức Tổng Giám mục nghỉ hưu Anthony Soter Fernandez của Kuala Lumpur, Malaysia, và Đức Tổng Giám mục John Ribat của Port Moresby, Papua New Guinea.

Trong số 17 tân hồng y, có 13 vị dưới 80 tuổi, trong đó có Đức cha D’Rozario, và do đó các ngài có quyền bỏ phiếu trong mật tuyển viện.

Đức cha Patrick D’Rozario sinh năm 1943 tại Padrishibpur, thuộc Ấn Độ thời thực dân Anh. Ngài chịu chức linh mục năm 1972. Năm 1990, ngài được tấn phong làm giám mục Rajshahi và năm 1995 được chuyển đến Chittagong.

Năm 2010, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục phó của Dhaka và năm sau ngài kế nhiệm Đức Tổng Giám mục Paulinus Costa trông coi tổng giáo phận Dhaka.

Đức cha D’Rozario hiện là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Bangladesh và là chủ tịch Ban Giáo dục Công giáo Bangladesh. Ngài còn làm chủ tịch Văn phòng Giáo dân và Gia đình tại Liên Hội đồng Giám mục Á châu.

Đức Tổng Giám mục George Kocherry, sứ thần tại Bangladesh, thông báo quyết định tấn phong hồng y cho Đức cha D’Rozario trước khoảng 3.000 người Công giáo tại nhà thờ Holy Rosary ở Dhaka hôm 9-10, và nói rằng Bangladesh “sẽ có một vị đại diện trong mật tuyển viện tới”.

“Đây là một vinh dự lớn đối với Giáo hội Bangladesh”, sứ thần phát biểu với cộng đoàn trong khi mừng ngày bổn mạng giáo xứ.

Phát biểu với đám đông vỗ tay hoan nghênh, Đức cha D’Rozario nói ngài “hạnh phúc, vinh dự nhưng hồi hộp” khi được nâng lên hồng y.

“Mặc dù nhỏ bé, nhưng Giáo hội Bangladesh cũng đã đóng góp cho Giáo hội trên thế giới”, ngài nói.

“Con tạ ơn Chúa vì hồng ân này hiệp nhất trong vinh dự này, hiệp nhất trong sự đoàn kết với mọi người”.

Giáo hội được tán dương qua ‘đặc ân’ này

Linh mục Kamal Corraya, chánh xứ nhà thờ Holy Rosary, miêu tả việc nâng Đức cha D’Rozario lên hồng y là “giây phút lịch sử vĩ đại đối với Giáo hội Công giáo ở Bangladesh. Đức Thánh cha Phanxicô đã tôn vinh Giáo hội bé nhỏ ở Bangladesh”.

“Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Giáo hội địa phương tạ ơn Chúa và Đức Thánh cha về những hồng ân đặc biệt này”, cha Corraya, chủ tịch Hội Huynh đệ Linh mục Triều Bangladesh, phát biểu.

Việc tấn phong hồng y đầu tiên cho quốc gia này nhấn mạnh Giáo hội chú tâm vào những Giáo hội nhỏ dưới thời Đức Thánh cha Phanxicô, theo Nirmol Rozario, chủ tịch Hội Kitô hữu Bangladesh, một diễn đàn lớn về quyền Kitô hữu.

“Đây là vấn đề vinh dự và niềm tự hào lớn đối với Giáo hội địa phương và sẽ củng cố và tiếp sinh lực cho Giáo hội bé nhỏ ở Bangladesh”, Rozario nói.

Đức cha D’Rozario được nâng lên hồng y sẽ làm tăng thêm hình ảnh của cộng đồng Kitô hữu ở cấp quốc gia và tạo thuận lợi cho cộng đồng Kitô hữu thiểu số.

“Chính quyền nhà nước biết được cấp hồng y là một cấp bậc quan trọng. Vì thế việc này sẽ đưa quan hệ Giáo hội  – Nhà nước đến một chiều kích mới. Tôi hy vọng Đức Hồng y Patrick D’Rozario sẽ có ảnh hưởng hơn đến nhà nước trong việc xúc tiến đối thoại và hòa hợp giữa các tôn giáo và giáo phái Kitô giáo”, Rozario phát biểu.

Robi Christopher D’Costa, giáo lý viên thuộc giáo phận Barisal, nói tin Đức cha D’Rozario trở thành hồng y tiên khởi của quốc gia là một tin cực kỳ vui vì anh đã làm việc với Đức cha D’Rozario khi ngài còn làm giám mục của Chittagong.

“Đây là một hồng ân to lớn và rất xứng đáng đối với Giáo hội địa phương. Tại đây Công giáo có lịch sử hơn 400 năm mặc dù Giáo hội nhỏ bé. Hơn 20 năm qua Giáo hội đã mở rộng từ 4 giáo phận thành 8 giáo phận như hôm nay”, anh nói.

“Vatican đưa ra quyết định đúng đắn vào thời điểm thích hợp. Quyết định tấn phong hồng y lần này sẽ truyền cảm hứng và khích lệ Giáo hội nhỏ bé này hăng hái phát triển”, D’Costa phát biểu. Ông còn là người triệu tập Ủy ban Đại kết và Đối thoại Liên tôn giáo ở Barisal.

Kitô hữu ở Bangladesh chiếm chưa tới 0,5% trong số hơn 160 triệu dân trong quốc gia đa số Hồi giáo này, trong đó có 350.000 người Công giáo.

(nguồn: giesu.net)

Bài trướcThư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa
Bài tiếp theoGiáo phận Nha Trang Bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót (5/11/2016)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.