CHỚ LÀM CỚ VẤP PHẠM (26/9, Chúa Nhật XXVI TN-B)

0
363

Bài đọc 1: Ds 11,25-29

Bài đọc 2: Gc 5,1-600

Tin Mừng: Mc 9,38-43.45.47-48

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn. “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.

—oOo—

Bài giảng của Lm. Phaolô Đinh Trọng Nguyên, SVD

Thường ngày chúng ta nhận ra người khác có tài là việc ai cũng có thể làm được, nhưng để công nhận tài năng của họ lại là một điều không dễ chút nào, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng không thể vượt qua được ranh giới này. Bởi vì, nơi các ông cũng như mỗi người chúng ta không ai có thể dễ dàng thoát ra khỏi lòng ghen tuông, đố kỵ, bè phái nơi con người thật của mình. Hơn nữa, chẳng ai muốn người khác hơn mình, điều tệ hại và thậm chí dẫn chúng ta đến bất hợp tác với người mà chúng ta đang có thành kiến. Vì thế, chúng ta đừng làm gì gây cớ vấp phạm cho anh em mình.

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, các môn đệ khám phá ra, có người đã nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ, người này lại không thuộc nhóm của các Tông Đồ, nên các ông đã ngăn cấm bởi chỉ vì họ không cùng đi trong nhóm mà Chúa Giêsu chọn nhưng họ lại dám nói về Chúa Giêsu. Vì thế, mới có chuyện ông Gioan đem sự việc đi trình với Đức Giêsu, các ông nghĩ khi trình báo với Chúa Giêsu về sự việc như thế chắc hẳn Ngài sẽ ngăn cấm họ, nhưng ngược lại Chúa Giêsu đã cho các môn đệ của Ngài một bài học và nhắc nhở các ông về quan niệm hẹp hòi và sai lầm mà các ông đang vướng phải. Qua sự việc này, Chúa Giêsu còn dạy cho các môn đệ của Ngài một bài học khác là không được làm cớ vấp phạm cho người anh em mình, vì ai đã nhân danh Chúa làm phép lạ thì đó là ơn Chúa ban và Ngài đã giải thích cho các môn đệ của Ngài hiểu lý do không được ngăn cấm người khác: “Vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy” (Mc 9, 39). Hơn nữa, Chúa Giêsu còn đưa ra chuẩn mực để các môn đệ có thể học hỏi và hành xử với những người không cùng phe, cùng nhóm với Ngài nhưng cùng một quan điểm là nói về Thiên Chúa: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 40).

Trong một giáo xứ, có nhiều nhóm hoạt động khác nhau, giờ giấc sinh hoạt khác nhau, cách làm việc cũng khác nhau. Tuy khác nhau về nhiều mặt như thế nhưng, họ không khác nhau về đời sống đức tin, không khác nhau về cùng một chí hướng là bước theo Chúa Giêsu. Trong dòng tu cũng vậy, như Dòng Truyền Giáo Ngôi lời của chúng ta, trong một tỉnh dòng thường có rất nhiều thành viên từ các quốc gia khác nhau đến sống chung với nhau: khác màu da, khác ngôn ngữ, khác phong tục tập quán, khác tính cách nhưng họ không khác nhau trong việc dấn thân và sống linh đạo và đoàn sủng của Đấng Sáng Lập nơi dòng tu mà anh em chúng tôi đã chọn gia nhập và dấn thân.

Chúa Giêsu muốn chúng ta đón nhận, liên đới và hiệp thông với mọi thành phần dân Chúa, chứ không được phân biệt vì những hình thức bên ngoài như: dân tộc, quê hương, màu da, dòng họ, tôn giáo, đoàn thể, phe nhóm… Do đó, chúng ta không được hẹp hòi, ích kỷ, hiếu thắng và tự ái phủ nhận những cái hay, cái tốt của tha nhân, vì họ không thuộc phe nhóm chúng ta, họ không thuộc giáo xứ chúng ta, không thuộc gia đình chúng ta… nhưng phải biết nhận ra những cái hay, cái tốt của người anh em mình để cảm phục, tôn trọng và học hỏi bắt chước. Thường chúng ta hay dựa vào đức tin để liên đới, hiệp thông, cộng tác với mọi thành phần dân Chúa, để xây dựng nước trời ở trần gian này, ở nơi chúng ta đang sống.

Chúng ta thường hay đố kỵ, ganh tỵ, cạnh tranh và chống đối nhau chỉ vì sự hẹp hòi và ích kỷ, cục bộ của chúng ta mà chúng ta dám đánh giá người khác theo những hình thức khác biệt bên ngoài. Hằng ngày, qua Thánh Lễ, qua kinh nguyện Thánh Thể, Giáo Hội cầu xin cho những ai cùng chia sẻ Mình và Máu Chúa Kitô được hiệp nhất với nhau nhờ Chúa Thánh Thần. Qua bàn tiệc Thánh Thể, người Kitô hữu được mời gọi trở nên anh em của cùng một Cha Trên Trời và cùng nên một với nhau trong Đức Kitô.

Là những người theo Chúa, cho dù là ai? Là giáo dân, tu sĩ hay linh mục, chúng ta đều là Kitô hữu cho nên chúng ta hãy luôn biết sống quảng đại, tinh thần liên đới và hiệp thông với anh chị em trong cộng đoàn, trong giáo xứ, trong gia đình … cũng như với những người mà chúng ta phục vụ. Chúng ta đừng gây gương mù, gương xấu cho ai, đừng làm cớ cho ai vấp phạm vì danh Đức Kitô. Mà hãy luôn biết cộng tác với nhau trong công việc để người đời sẽ nhìn chúng ta qua cách sống và hành động chứ không phải qua lời nói suông.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con nên biết sống khiêm nhường, hợp tác với mọi người, để nhờ đó danh Chúa được hiển trị nơi mọi người và nơi cuộc sống hằng ngày. Xin Chúa giúp sưởi ấm tâm hồn chúng con, để trong mọi sự chúng con luôn biết lấy Chúa làm trọng tâm trong cuộc sống, luôn sống kết hợp với Chúa và liên kết với anh chị em trong yêu thương và phục vụ. Amen.

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật XXVI TN B (Mc 9,38-48)
Bài tiếp theoNỖI NHỚ “GIUSE”: CUỘC SỐNG, SỨ VỤ CỦA NGÀI… CỦA CHÚNG TA