NỖI NHỚ “GIUSE”: CUỘC SỐNG, SỨ VỤ CỦA NGÀI… CỦA CHÚNG TA

0
303
Bốn sư huynh tuyên khấn trọn đời đầu tiên của dòng Thánh Giuse–năm 1941: André Phùng Điểm, Dominique Hà Long Ẩn, Paul Nguyễn Định, Eugène Trần Đình Kính
Cha Gerard Trần Lộc, nguyên Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thánh Giuse

[Bài viết của một thành viên xuất thân từ Dòng Thánh Giuse và nỗi nhớ nguồn cội, xin được chia sẻ từ xứ cờ hoa (USA)]

 

“Các anh em đã được sai đi.” (Cha Gerard Trần Lộc)

Nếu tâm tình của bài viết “Giuse Trong Mình” chưa đến với anh em, thì nay, xin chia sẻ thêm, “Giuse trong tâm thức và trái tim mình.”

Đường về quê hương, cách 12,000 dặm, tưởng xa, quá ư xa, nhưng, thật gần. Lịch sử hội dòng, cùng với đấng sáng lập, những tháng ngày sơ khai gần một thế kỷ qua, dường như tít mờ xa, biền biệt…nhưng, mãi mãi gần với mình, trong tâm thức và hoài niệm.

Mấy ai còn nhớ những gia thoại về quá khứ, lịch sử, nhịp sống của hội dòng trong nhưng giai đoạn đầy chông gai và thử thách–chiến tranh, bom đạn, chết chóc và chia ly. Nhưng, khi đọc lại một đoạn trích từ lịch sử hội dòng, lòng mình bừng sống lại…

Đức Cha Jean Sion,
Đấng Sáng Lập Dòng Thánh Giuse Việt Nam
(Ảnh do người viết bài cung cấp)

“Tháng 1 năm 1921, Cha Jean Sion được cử làm chính xứ Phú Thượng (Quảng Nam). Đó là một giáo xứ kỳ cựu miền núi, có một tu viện Mến Thánh Giá và 1500 giáo dân. Cha Jean Sion nỗ lực phát triển công cuộc truyền giáo với phương thức: “tình thương đi trước, lời giảng theo sau” để đến với mọi người. Ngài lưu tâm học hỏi phong tục, tập quán để có thể hội nhập vào nền văn hóa địa phương.” [1, 2, 3]

Giữa thập niên 60s, từ Hoà Khánh (Cách Đà Nẵng khoảng 10km về hướng Bắc), mình đạp xe đạp dưới cơn mưa xối xả, mang thư của cha Nguyễn Xuân Văn đến cha xứ Phú Thượng. Ngạc nhiên với một miền núi rừng, đường đi dốc đá, không an toàn cho chiếc xe đạp cũ kỹ, lại có một ngôi thánh đường thật cũ, thiết kế theo kiến trúc Âu châu. Sau này, một ngày nắng ráo, đẹp trời, mình lại đi xe gắn máy trở lại Phú Thượng/An Ngãi, không đi thăm giáo xứ, nhưng thăm Quang (móm) lớp mình. Nhà Dương (dế), lớp tiến Dũng, cũng gần bên cạnh. Tuy là một giáo xứ nhỏ và nghèo, nhưng có một lịch sử truyền giáo và đời sống Kitô giáo đã bám rễ khá lâu đời.

Tin ngoài đường đến chuyện trong nhà

Khoảng cuối thế kỷ 19, ông Cố của mình và một số các ông uy tín trong làng xuống tỉnh, Hội An, kiện tụng đất đai hoặc các tranh chấp khác, nhưng bị một nhóm người vu khống, chụp vũ, cáo vạ và các cụ bị bắt, nhốt. Được các Cha Jean-Baptiste Bruyère (Cố Nhơn) cứu, tha về và từ đó, đức tin tôn giáo đâm chồi nẩy lộc. Thế là, Thiên Chúa đã đoái thương đến miền đất đèo heo hút gió Hoằng Phước, một địa sở và nhiều giáo họ được khai sinh, cái nôi của cha Clement Lưu Minh Hoàng và khá nhiều anh em Giuse (Nguyễn Khánh Trân, Nguyễn Khánh Ân, Trần Một, Bùi Tuận, Bùi Hoà, Nguyễn Hão, Nguyễn Đức, Hà Văn Cảnh, Nguyễn Thành Tài, Số Lớn, Nguyễn Hưng Yên và Nguyễn Hưng MH… còn nhiều)–nơi đã có nhiều Sư Huynh Giuse đến phục vụ (Sư Huynh Emile) và một linh mục rất trẻ đã gục ngã vì đức tin, Giuse Nguyễn Hữu Ngợi (gốc Gò Thị). Ngoài anh em Giuse ra, còn rất nhiều anh chị em, các đấng tiền bối đã dấn thân cho cánh đồng truyền giáo, trong nhiều môi trường, triều–dòng, nam lẫn nữ, liên tục hơn một thế kỷ qua. [5]

“Là người Pháp, nhưng vị thừa sai trẻ Jean Sion không thích quan hệ với chính quyền bảo hộ mà chọn đứng về phía người thấp cổ bé miệng. Cha chỉ đến với nhà cầm quyền khi nào cần bênh vực quyền lợi của [người dân bị áp bức]. Vì thế cha Jean Sion không được vị Công sứ Pháp ở Đà Nẵng thích, nhưng cha rất được lòng chính quyền Việt Nam. Đó cũng là một trong những lý do khiến Cha phải rời Phú Thượng sau mười chín tháng quản nhiệm giáo xứ này.” [1, 2, 3]

Gần một thế kỷ sau cuộc đời truyền giáo và lý tưởng phục vụ của đấng sáng lập, không ngờ, mình đã tiếp tục sứ mệnh của ngài qua châm ngôn sống và phục vụ: “Bênh kẻ cô thân-nâng cao công lý“. Vì dù sống trong thời đại nào, miền đất nào, xã hội nào, con người luôn luôn đối diện trước những áp bức, bóc lột và chống chọi mọi bất công. Theo gương đấng sáng lập, mình miệt mài bênh vực và bảo vệ quyền lợi bất cứ ai bị áp bức, không phân biệt sắc tộc, giống tính, tuổi tác hay học vị, địa vị hay tước vị.

Một trăm năm sau, Đức Thánh Cha Phanxicô, qua Thông Điệp “LAUDATO SÍ” (2020), cũng luôn nhắc đến thân phận của những người nghèo khó, thua thiệt và luôn bị bỏ rơi, chà đạp. Đức Phanxicô nói: “…Chúng ta đã không dừng lại để lắng nghe những bất công trên toàn thế giới, chúng ta cũng không lắng nghe tiếng khóc từ những người nghèo khó [khốn cùng].” [6]

Ngày 05 tháng 07 năm 1926 Đức Cha Grangeon triệu tập và chủ tọa một cuộc họp đặc biệt của Hội Đồng Tư Vấn giáo phận để cứu xét thỉnh nguyện. Cha Jean Sion thuyết trình về cơ cấu, mục đích, phương hướng và lối tổ chức Dòng mới. Hội Đồng Cố Vấn chấp thuận việc thành lập dòng mới và lấy tên là: “Dòng Anh Em Hèn Mọn Thánh Giuse”, viết tắt là AEHMTGS. Tiếng Pháp là: Congrégation des Petits Frère de Saint Joseph. Cha Jean Sion được đề cử làm Bề Trên kiêm nhiệm cha Chính xứ Nhà Đá. Cha Sáng Lập chọn ngày 1 tháng 11 năm 1926 làm ngày khai sanh Tu Dòng mới. Ngài đích thân lo hết mọi việc. Có hai thầy giảng giúp dạy văn hóa. [1, 2, 3]

Tu Sĩ đầu tiên [số #0]

Bất kỳ đệ từ nào bắt đầu bước qua ngưỡng cửa dòng, sẽ được chào đón và cấp một số–số nhập dòng. Không biết số cuối cùng là số mấy khi đệ tử viện đóng cửa, khoá sổ, nhưng riêng mình lại có một giai thoại vui về số nhập dòng (800) của mình.

Bốn sư huynh tuyên khấn trọn đời đầu tiên của dòng Thánh Giuse–năm 1941: André Phùng Điểm, Dominique Hà Long Ẩn, Paul Nguyễn Định, Eugène Trần Đình Kính (Ảnh do người viết cung cấp)

Hầu hết, anh em nào cũng nhớ số nhập dòng của mình, lắm lúc, từ đó, biết được ai thuộc lớp nào. Hỏi thử, ai mang số [1]? Hầu như ai nấy đều ú ớ. Hoặc dám cá, Cha Paul Định, hoặc Sư Huynh André Phùng Điểm, hoặc… Lắm người vẫn thắc mắc, hoặc chưa hiểu, không hiểu, tại sao trong khuôn viên dòng hiện nay lại có bức điêu khắc của đấng sáng lập với bốn sư huynh bên cạnh. Theo thông tin và hiểu biết của mình, đấy, chính là bốn sư huynh tuyên khấn trọn đời đầu tiên của dòng–năm 1941: André Phùng Điểm, Dominique Hà Long Ẩn, Paul Nguyễn Định, Eugène Trần Đình Kính. Ba trong bốn Sư Huynh nầy là rường cột của hội dòng gần 30 năm, từ khi khấn trọn. [1, 2, 3]

Ít ai đặt vấn đề, các vị sáng lập dòng (nam), xuất thân từ địa phận (triều), có khấn, giữ ba lời khấn: 1) khó nghèo, 2) trong sạch, 3) vâng phục?

Riêng Cha Jean Sion, ngài là một vị chân tu, chính Ngài đã xin được trở thành người tu sĩ đầu tiên của tu hội ngài đã sáng lập. Trên cơ sở đó, không ai khác, chính Ngài là tu sĩ đầu tiên, mang số [0] của tu hội anh em hèn mọn mà Ngài hằng cưu mang cho đến khi thành hình.

Sử của dòng ghi lại: “Để việc đào tạo đạt kết quả vững chắc, Cha Sáng Lập tự nguyện làm “người tu sĩ đầu tiên”. Ngài được Đấng Bản Quyền cho phép dấn thân giữ Đức Khó Nghèo, sống giản dị, khiêm nhu, hy sinh và từ bỏ… Nếp sống ấy ngài còn giữ mãi trong đời sống Giám mục. Sau này trong một buổi tĩnh tâm dọn mình chịu chức Giám mục, ngài dốc quyết sẽ “vẫn còn là [tu sĩ] trong khi làm Giám mục như nhiều vị thánh đã làm”. [1, 2, 3]

Những ngày sống dưới mái đệ tử viện, hoặc thỉnh viện, một đêm thinh lặng [grand silence] đã thấy trăn trở rồi, huống chi một ngày, một tuần tĩnh tâm, bậm chặt đôi bờ môi, để trái tim và tâm trí hé mở cho những suy tư về con người, nội tâm và đức tin tôn giáo. Rảo quanh lại, không tìm thấy dấu vết gì về những bài tĩnh tâm–phải chăng, nhựa sống, sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ, những giấc mộng to lớn, những giấc mơ vá trời lấp bể đã phủ lấp trái tim bé nhỏ của chúng ta. Giờ, một năm chôn chân, cột mãi với chiếc ghế già nua từ lúc Covid viếng nhà, nào dám thở than, nào dám hờn dỗi. Khó mà tha thứ cho Covid–vì bao nhiêu triệu người đã ra đi vội vã–nhưng, nếu biết song hành với sự khép kín trong không gian của căn phòng, để rồi được đọc nhiều hơn, được suy tư rộng hơn, chiêm niệm xa hơn về hành trình làm người–phải chăng, đấy là hồng ân và món quà Chúa trao ban mỗi người chúng ta.

Chợt quay lại, mình đã sống kiếp người ra sao? Nhìn lên vách với những mảnh bằng mà mình mãi một đời, đánh đổi tất cả, trả một giá rất đắt để đạt được–giờ đây, chẳng chia vui sẻ buồn gì được với mình. Nhìn quanh căn phòng mình trang hoàng, sơn phết với màu sắc mình thích–khi nhắm mắt, chẳng còn lại màu sắc gì khi nằm trong chiếc áo quan mà mình đã một lần nghe lóm: “thiên-địa-thành-chất”– đó là, tấm ván trên mặt (thiên), tấm ván dưới lưng (địa), tấm ván hai bên (thành) và tấm ván hai đầu, chân và đầu (chất) của quan tài.

Chợt nhớ lại ba câu thơ trong bài “Một Giấc Mơ-Un Songe”:

Et seul, abandonné de tout le genre humain

Dont, je traînai partout l’implacable anathème,

Quand j’implorai du ciel une pitié suprême,

Và một mình, bị cả nhân loại bỏ rơi

Tôi đã kéo đi khắp nơi,

Khi tôi cầu xin lòng thương xót tối cao từ thiên đàng,

Dường như, mình đang đứng lại trên bục của lớp đệ lục năm xưa, diễn đạt, trả bài trong lớp tiếng Pháp của Sư Huynh Martin Ty (1943-2021) mới qua đời.

Vĩnh Biệt

Sử hội dòng: “Vì là con người suy tư, nỗi buồn ray rứt không được về lại giáo phận Kontum… Sự buồn nhớ giáo phận làm cho tâm hồn ngài chết điếng, có nhiều lúc ngài ngồi thinh lặng hàng giờ như người mất trí, hai mắt mờ dần… ước mơ về lại giáo phận Kontum luôn luôn ám ảnh ngài.” [1, 2, 3]

Đọc đến đây, mình nghẹn ngào. Một vị chân tu, đã yêu thương và Ngài yêu thương đến hơi thở cuối đời, về miền đất xa xôi, về những con người kém văn minh, thua thiệt, thấp cổ bé miệng… Ngài đã yêu thương và dâng hiến toàn thân, tất cả, “Mình vì mọi người”. Mình cũng đã một thời, không phải 3 tháng, 3 năm, nhưng hơn 30 năm (1975-2005) mải miết dằn vặt, nhớ nhung quê nhà không nguôi. Lắm lúc, cứ nghĩ, mình sẽ chết “không nhắm mắt”–vì mòn mỏi trông mong được đặt chân lại trên quê hương dấu yêu của mình–của riêng mình. Để làm gì, được gì, cho ai, chả biết, cũng không cần biết, không định hình, định vị được–chỉ biết nhớ thương ngút ngàn.

“Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý”  . Dẫu biết rằng, chữ nghĩa không chuyển tải hết lời và lời lại càng không diễn đạt hết ý, hết tâm tư, nhưng, vốn đã sinh ra kiếp “Sống vì Chữ-Chết vì Nghĩa”, đành mượn tất cả những gì có thể, gửi đến, chia sẻ với anh em, như một lời, đầu cũng như cuối, biết nhau, có nhau trong đời, dù không giúp được gì cho anh em–xin tha thứ, hoặc đã mắc lòng chi anh em, cũng xin thứ tha. Xin mượn hai câu nơi bia mộ của Đức Cha De Cassaigne:

“Tôi xin những người nào, mà khi còn sống, tôi không giúp đỡ được gì,

hãy tha lỗi cho tôi.”

“Tôi xin những người nào, mà khi còn sống, tôi đã nêu gương xấu,

hãy tha lỗi cho tôi.”

Ngài vừa làm Cha sở, Thầy giảng, Giám đốc, Y tá, chăm nom chu đáo cho tất cả bệnh nhân mọi tôn giáo, trẻ già… Ngài quyết tâm sống chết với con cái cùi hủi của Ngài. [7]

Mừng kính thánh Giuse (19/3) –Toà Chúa hôm nay hoà ca-Đền thánh Giuse đầy hoa.

Xa Dòng (1975-2021), nhưng, Dòng và anh em mãi mãi trong mình.

Tác giả bài viết:

Bernard (MH) Nguyên-Đăng

Bernard (MH) Nguyên-Đăng

Dallas, Texas-USA

BernardLawDr@gmail.com

 

Tham khảo:

[1] Tiểu sử Đức Giám Mục Jean Sion Khâm (1890-1951)

http://krongblah.blogspot.com/2014/04/tieu-su-uc-giam-muc-jean-sion-kham-1890.html

[2] http://hdcgiuse-nl.blogspot.com/2012/07/tinh-dong-ngoi-loi-giuse-svd-viet-nam.html

[3] Sự nghiệp truyền giáo của Đức Cha Jean Sion Khâm (I)

http://www.authorstream.com/Presentation/dovanhuu-523967-sunghieptruyengiaocuadcjean-sion-t1/

[3] Sự nghiệp truyền giáo của Đức Cha Jean Sion Khâm (II)

http://www.authorstream.com/Presentation/dovanhuu-716497-2-sunghieptruyengiaocuadcjean-sion-t2b/

[4] Đôi Nét Lịch Sử Hội Dòng Ảnh Phép Lạ https://giaophankontum.com/tin-tuc/giao-phan-kontum/doi-net-lich-su-hoi-dong-anh-phep-la

[5] Lịch sử Giáo Xứ Hoằng Phước, http://www.giaoxugiaohovietnam.com/DaNang/01-Giao-Phan-DaNang-HoangPhuoc.htm

[6] Thông Điệp LAUDATO SÍ”, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThongDiep/06Laudato_Si/03TomLuoc.htm

https://ngoiloivn.net/pin_post/cd-nha-chinh-svd-tinh-tam-mua-vong-voi-thong-diep-laudato-si/

[7] Ðức Cha Jean Cassaigne – Bạn của người phong tại Việt Nam

Ðức Cha Jean Cassaigne – Bạn của người phong tại Việt Nam

Bài trướcCHỚ LÀM CỚ VẤP PHẠM (26/9, Chúa Nhật XXVI TN-B)
Bài tiếp theoCa khúc mới: TÌNH CON DÂNG HIẾN | Nhạc: Fa Thăng | Lời: Triều Ca Nguyên