CĐ. NHÀ CHÍNH SVD TĨNH TÂM MÙA VỌNG VỚI THÔNG ĐIỆP “LAUDATO SÍ”

0
664

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD

Trong những ngày Mùa Vọng, Nhà Chính Dòng Ngôi Lời tại Nha Trang đã tổ chức ngày tĩnh tâm (15/12/2020) để có dịp anh em gặp gỡ nhau và tịnh lắng theo tiếng gọi của thánh Gioan Tiền Hô: “dọn đường” chuẩn bị mừng sinh nhật Con Thiên Chúa.

Kỳ tĩnh tâm lần này, cộng đoàn đọc lại thông điệp “Laudato Sí” (Chúc tụng Chúa) – “Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” của Đức Thánh Cha Phanxicô linh mục là giáo sư đại chủng viện Sao Biển Nha Trang trình bày. Với lối chia sẻ bài bản của người từng đứng lớp, ngài cho anh em thấy tầm quan trọng của “ngôi nhà chung” mà con người ngày nay đã tự cho mình là chủ và bắt mọi sự phải qui phục về mình. Từ là người được Thiên Chúa dựng nên thì con người ngày nay đã cho mình là người có thể làm nên tất cả, có thể hô mưa gọi gió và tất cả đều theo chủ nghĩa quy nhân, hướng về con người là chủ muôn vật. Bởi thế chúng ta phải trả giá cho những việc chúng ta làm, và như một vị giáo sư đã từng nói: vì chúng ta đã bóc lột thiên nhiên nên thiên nhiên trả báo chúng ta.

Với những kinh nghiệm thực tế, nhất là sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, cha giảng phòng đã thấy những biến đổi lạ thường, nhất là cơn bão dữ vào năm 2017 đã cuốn trôi mọi thứ và đã tràn vào những ngôi nhà kiên cố nhất mà chưa bao giờ xảy ra trước đây. Rồi cơn bão chồng bão, lũ chồng lũ trong năm nay là những dấu chỉ mà Thiên Chúa muôn chúng ta phải nhận ra những kiêu ngạo của con người trước thiên nhiên và trước Thượng Đế.

Có lẽ Việt Nam ngày nay khác trước vì nhiều người phần nào đã có hành xử chút văn hóa, nhưng đại đa số vẫn còn thờ ơ khi xem “ngôi nhà chung trái đất” như những ‘thùng rác lớn’ và họ muốn làm gì thì làm. Bởi thế, việc giáo dục là rất cần thiết không những đào tạo cho người ta có bằng cấp, kiến thức mà còn giúp con người có hành vi trong ứng xử văn hóa, nhất là biết bảo vệ ‘ngôi nhà chung’ đang dần bị biến dạng. Những quốc gia văn minh đã dạy học sinh từ khi cắp sách đến trường biết phân biệt màu sắc và phân loại các rác thải để có môi trường và bầu khí xanh hơn. Người tu sĩ là những người phải đi tuyến đầu trong việc gìn giữ môi trường và bảo vệ ‘ngôi nhà chung’ mà chính thánh Phanxicô Assisi đã từng gọi trái đất là ‘Mẹ’ và những thực thể khác là ‘anh chị em’ của ngài. Người tu sĩ phải giúp mọi người nhận ra những dấu chỉ thời đại và phải biết đồng trách nhiệm trong việc bảo vệ ‘ngôi nhà chung’ mà chúng ta đang sống, để cùng với thế giới chung tay bảo vệ ‘Mẹ Trái Đất’ đang bị những đứa con ngỗ nghịch hủy hoại.

Khi ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi đặc biệt vào ngày 27/03/2020, Đức Phanxicô đương kim có nói: “Chúng ta đã tiến về phía trước với tốc độ chóng mặt, cảm thấy mình mạnh mẽ và có thể làm được bất cứ điều gì. Ham lợi nhuận, chúng ta đã để mình bị cuốn vào mọi thứ và bị dụ dỗ sống hối hả. Chúng ta đã không dừng lại để lắng nghe những lời trách móc, chúng ta không thức tỉnh trước các cuộc chiến tranh hay những bất công trên toàn thế giới, chúng ta cũng không lắng nghe tiếng khóc từ những người nghèo hoặc từ hành tinh ốm yếu của chúng ta.”

Đại dịch COVID -19 đã cho chúng ta thấy những dấu hiệu rõ ràng về sự dễ bị tổn thương và dễ vỡ của thế giới hiện đại, củng cố cho những lời tiên báo của Đức Phanxicô về nhu cầu chăm sóc Mẹ Trái Đất trong thông điệp Laudato Sí. Đại dịch đã chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng tất cả chúng ta đều được nối kết với nhau và chúng ta không thể sống phớt lờ người khác hoặc cô lập với họ. Đại dịch đã cho chúng ta thấy bằng chứng là chúng ta đồng trách nhiệm về mọi thứ và đó là bổn phận của chúng ta bảo vệ con người, môi trường, thiên nhiên và xã hội mà trong đó mỗi chúng ta đang sống.

Thông điệp Laudato Sí có thể hướng dẫn ta khi ta định hình lại một xã hội – nơi cuộc sống của con người, đặc biệt là những người yếu đuối nhất, sẽ được bảo vệ; nơi mọi người đều được chăm sóc sức khỏe; nơi con người không bao giờ bị loại bỏ và nơi mà thiên nhiên không bị khai thác bừa bãi, nhưng được vun trồng và bảo tồn cho những người đến sau chúng ta.

Bài trướcAI TÍN
Bài tiếp theoGIÁNG SINH BÊN HIÊN NHÀ CHÍNH VÀ TRONG TÂM HỒN