BỊ NÉM VÀO GHE-EN-NA HAY ĐI VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA
Chú giải của Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD
Bản văn và dịch sát nghĩa (Mc 9,38-48)
Hy Lạp |
Việt |
38 Ἔφη αὐτῷ ὁ Ἰωάννης· διδάσκαλε, εἴδομέν τινα ἐν τῷ ὀνόματί σου ἐκβάλλοντα δαιμόνια καὶ ἐκωλύομεν αὐτόν, ὅτι οὐκ ἠκολούθει ἡμῖν.
39 ὁ δὲ Ἰησοῦς εἶπεν· μὴ κωλύετε αὐτόν. οὐδεὶς γάρ ἐστιν ὃς ποιήσει δύναμιν ἐπὶ τῷ ὀνόματί μου καὶ δυνήσεται ταχὺ κακολογῆσαί με· 40 ὃς γὰρ οὐκ ἔστιν καθ᾽ ἡμῶν, ὑπὲρ ἡμῶν ἐστιν. 41 Ὃς γὰρ ἂν ποτίσῃ ὑμᾶς ποτήριον ὕδατος ἐν ὀνόματι ὅτι Χριστοῦ ἐστε, ἀμὴν λέγω ὑμῖν ὅτι οὐ μὴ ἀπολέσῃ τὸν μισθὸν αὐτοῦ. 42 Καὶ ὃς ἂν σκανδαλίσῃ ἕνα τῶν μικρῶν τούτων τῶν πιστευόντων [εἰς ἐμέ], καλόν ἐστιν αὐτῷ μᾶλλον εἰ περίκειται μύλος ὀνικὸς περὶ τὸν τράχηλον αὐτοῦ καὶ βέβληται εἰς τὴν θάλασσαν. 43 Καὶ ἐὰν σκανδαλίζῃ σε ἡ χείρ σου, ἀπόκοψον αὐτήν· καλόν ἐστίν σε κυλλὸν εἰσελθεῖν εἰς τὴν ζωὴν ἢ τὰς δύο χεῖρας ἔχοντα ἀπελθεῖν εἰς τὴν γέενναν, εἰς τὸ πῦρ τὸ ἄσβεστον. 44 45 Καὶ ἐὰν ὁ πούς σου σκανδαλίζῃ σε, ἀπόκοψον αὐτόν· καλόν ἐστίν σε εἰσελθεῖν εἰς τὴν ζωὴν χωλὸν ἢ τοὺς δύο πόδας ἔχοντα βληθῆναι εἰς τὴν γέενναν. 46 47 Καὶ ἐὰν ὁ ὀφθαλμός σου σκανδαλίζῃ σε, ἔκβαλε αὐτόν· καλόν σέ ἐστιν μονόφθαλμον εἰσελθεῖν εἰς τὴν βασιλείαν τοῦ θεοῦ ἢ δύο ὀφθαλμοὺς ἔχοντα βληθῆναι εἰς τὴν γέενναν, 48 ὅπου ὁ σκώληξ αὐτῶν οὐ τελευτᾷ καὶ τὸ πῦρ οὐ σβέννυται. (Mk. 9:38-48 BGT) |
38 Gioan đã nói cùng Đức Giê-su: “Thầy ơi! Chúng con thấy một ai đó nhân danh thầy mà trừ quỷ và chúng con cứ ngăn cấm anh ta, bởi vì anh ta không đang theo chúng ta.
39 Nhưng Đức Giê-su đã nói: “đừng ngăn cấm anh ấy, vì không ai, người làm phép lạ nhân danh thầy và nói xấu thầy một cách nhanh chóng. 40 Vì ai không chống lại chúng ta là, ủng hộ chúng ta. 41 Vì nếu ai cho anh em uống một cốc nước vì danh nghĩa rằng anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì thầy bảo thật anh em rằng phần thưởng của anh ta không bị hư mất 42 và nếu ai làm cớ vấp ngã cho một trong những người bé nhỏ đang tin Thầy, thì tốt hơn cho anh ta nếu cối đá lớn quanh cổ anh ta và anh ta bị ném xuống biển rồi. 43 và nếu bàn tay của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy cắt nó đi, cụt tay mà đi vào sự sống thì tốt hơn có hai bàn tay mà đi vào Ghe-en-na vào lửa không tắt. 44 45 và nếu bàn chân của anh làm cho anh sa ngã, thì hãy cắt nó đi, cụt chân mà đi vào sự sống thì tốt hơn có hai bàn chân mà đi vào Ghe-en-na. 46 47 và nếu mắt của anh làm cho anh sa ngã thì hãy lấy nó ra ngoài, một mắt mà vào Nước Thiên Chúa thì tốt hơn có hai mắt mà bị ném vào Ghe-en-na 48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. |
Bối cảnh: Đoạn (9,38-48) là đoạn cuối của chương 9. Chúng ta vẫn đang ở trong không gian riêng của Đức Giê-su và các môn đệ, không gian đó bắt đầu từ lúc Đức Giê-su cùng với các môn đệ đi băng qua vùng Ga-li-lê nhưng Người không muốn cho ai biết (Mc 9,31) vì Người đang dạy các môn đệ mầu nhiệm Khổ-Tử nạn – Phục Sinh. Ngay trước đoạn văn này là đoạn nói về cách thức sử dụng quyền lực của các môn đệ: Quyền lực là để phục vụ người khác. Người khác đó là tất cả mọi người thể hiện qua việc đón nhận, chấp nhận một trẻ em, là thành phần thường bị xem là không có địa vị, không đáng kể trong cái nhìn của người lớn. Trong đoạn này, hình ảnh “một trong những kẻ bé mọn” (ἕνα τῶν μικρῶν τούτων) nối tiếp với hình ảnh “đứa trẻ” trong đoạn trước đó. Chủ đề trừ quỷ “nhân danh Đức Giê-su” (9,38.39), cũng liên hệ chặt chẽ với việc tiếp đón một đứa trẻ vì danh Đức Giê-su (9,37) ngay trước đó (9,37). Động từ “làm cớ vấp ngã” (skandalizo) gợi nhớ đến hành động ngăn cản Đức Giê-su trong lần tiền báo về Khổ-Tử nạn – Phục Sinh thứ nhất, trong đó Đức Giê-su đã nói cùng Phê-rô rằng: “Anh là cớ vấp phạm của Thầy” (Mt 16,23). Chủ đề về “Ghe-en-na” (hỏa ngục) (9,43.45.47) là chủ đề khá phổ biến nói về hình phạt cánh chung (Mt 25,46; Lc 16,23). Hình ảnh “lửa không hề tắt” (Mc 9,43.48) được nói đến nhiều trong Mát-thêu cũng như Luca (lửa đời đời [Mt 18,8;25,41]; “quăng vào lửa” [Lc 3,9]. Hình ảnh “mắt làm cớ sa ngã” gợi nhớ đến lời dạy về tầm quan trọng của con mắt trong Mát-thêu và Luca. Mát-thêu và Luca nói đến “con mắt” như đèn của thân thể, “nếu mắt khỏe khoắn thì toàn thân sẽ tràn ngập ánh sáng, và ngược lại (Mt 6,22.23; Cf. Lc 11,34). Chủ đề “Nước Trời” như là một phần thưởng đời đời (vào Nước Trời, Thiên Đàng) cũng là một chủ đề mang tính cánh chung tiêu biểu.
Cấu trúc: Đoạn Tin Mừng Mc 9,38-48 có thể được chia thành 3 phần nhỏ dựa theo chủ đề của từng phần. Phần thứ nhất là một cấu trúc song song gồm có hai tiểu thành phần: (a) Các môn đệ ngăn cấm một người trừ quỷ nhân danh Đức Giê-su// (a’) Mệnh lệnh của Đức Giê-su: Đừng ngăn cấm anh ta; (b) Lý do ngăn cấm: Vì anh ta không theo nhóm các môn đệ// (b’) Lý do không ngăn cấm: Vì không chống là ủng hộ. Phần thứ hai nói về việc đối đãi các môn đệ vì danh Đức Giê-su và phần thưởng của việc đối đãi đó. Phần thứ ba: Các cớ gây vấp phạm và cách thức xử lý tốt nhất.
I. Bối cảnh: Một ai đó trừ quỷ nhân danh Đức Giê-su (9,38a)
(a) Các môn đệ ngăn cấm (9,38b) (b) Lý do ngăn cấm: không theo (9,38c) (a’) Đức Giê-su ra lệnh “đừng ngăn cấm” (9,39a) (b’) Lý do không ngăn cấm: không chống là ủng hộ (9,39b-40) II. Cho uống một cốc nước vì danh Đức Ki-tô và phần thưởng (9,41) III. Cớ sa ngã và giải pháp: Điệp khúc 4 lần “Nếu… thì” (a) Con người – buộc cối đá và ném xuống biển (b) Bàn tay – chặt – đi vào sự sống (c) Bàn chân – chặt – đi vào sự sống (d) Con mắt – móc – đi vào Nước Thiên Chúa |
Một số điểm chú giải
- Trừ quỷ nhân danh Đức Giê-su: Quyền trừ quỷ là quyền riêng của Đức Giê-su. Đây là một trong những năng lực để nhận ra Người là Con Thiên Chúa. Dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa con người (Lc 11,20; Mt 12,28). Trong bối cảnh gần nhất, Người vừa mới trục xuất tên quỷ câm gây ra bệnh kinh phong (Mc 9,24-29). Tuy vậy, Người cũng chia sẻ quyền này cho các môn đệ (Mc 6,7: Người ban cho các ông quyền trừ quỷ). Nhờ đó, các môn đệ “trừ được nhiều quỷ” (Mc 6,13; Lc 10,17). Cuối cùng, những người tin cũng có thể trừ được quỷ nhân danh Đức Giê-su (Mc 6,17: Đây là những dấu lạ kèm theo những người tin, nhân danh Thầy họ sẽ trừ được quỷ; họ sẽ nói được những ngôn ngữ mới). Công thức trừ quỷ nhân danh Đức Giê-su được thánh Phao-lô sử dụng khi trục xuất quỷ khỏi một đầy tớ gái: “Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, tôi truyền cho ngươi phải xuất khỏi người này” (Cv 16,18). Cụm từ giới từ “trong danh” (hay nhân danh)[1] được dùng khá nhiều trong bối cảnh chương 9: “Bất cứ ai đón nhận đứa trẻ nhân danh Đức Giê-su là đón nhận Người” (9,37); Trừ quỷ nhân danh Đức Giê-su (9,38.39); Cho các môn đệ uống một cốc nước nhân danh rằng anh em thuộc về Đức Ki-tô” (9,41). Như thế, những người không thuộc nhóm các môn đệ, nhưng cũng có thể trừ quỷ nhân danh Đức Giê-su, miễn là họ tin vào Người. Bất cứ điều gì được làm nhân danh Đức Giê-su đều là điều tốt và được Đức Giê-su ủng hộ.
- Ngăn cấm: Các môn đệ ngăn cấm người trừ quỷ vì họ không theo nhóm các môn đệ. Cả hai động từ “ngăn cấm” và “đi theo” cùng được dùng ở thì vị hoàn (chưa hoàn thành), diễn tả một sự tiếp diễn: Các môn đệ “đang ngăn cấm” vì người này “không đang theo” họ. Có thể họ ngụ ý là không gia nhập nhóm của các môn đệ.[2] Điều này ngụ ý rằng trong suy nghĩ các môn đệ, hành động trừ quỷ “nhân danh” Đức Giê-su đã được Gioan hiểu như là độc quyền của các thành viên nhóm các môn đệ (Mc 6,7-13). Không ai khác có thể làm. Câu nói về sự ngăn cấm này đến từ Gioan. Điều này cũng không lạ lắm, vì Gioan và Gia-cô-bê được mệnh danh là “con của thần sấm” (Bo-e-nê-ghê) (Mc 3,17). Chính Gioan và Gia-cô-bê cũng xin lệnh thiêu hủy thành Sa-ma-ri, khi họ không đón tiếp Đức Giê-su (Lc 9,54), nhưng Đức Giê-su đã không đồng ý và quở trách các ông (Lc 19,55). Sự thể hiện uy quyền, và bảo vệ đặc quyền đã xuất hiện trong các môn đệ. Trong chương tiếp theo, các môn đệ cũng ngăn cấm trẻ em đến với Đức Giê-su và Đức Giê-su cũng ra lệnh là “đừng ngăn cấm chúng” (Mc 10,13-14). Mệnh lệnh của Đức Giê-su cho thấy cách nghĩ của Người hoàn toàn khác với các môn đệ. Thêm một bài học về sự đón nhận cách người khác cho các môn đệ. Đức Giê-su vô hiệu hóa lệnh cấm của các môn đệ. Lý do Người đưa ra là: Không ai nhân danh Người làm phép lạ, rồi lại nói xấu Người ngay lập tức. Nghĩa là, ít nhất họ cũng tôn trọng Người và hiểu biết rằng sở dĩ quỷ bị trục xuất là nhờ danh của Đức Giê-su. Các môn đệ đưa ra lý do là “không theo”, Đức Giê-su lại lấy lý do là không lập tức “nói xấu”. Có vẻ như, Đức Giê-su muốn nói rằng không cần đi theo, chỉ cần không nói xấu là được. Quyền trừ quỷ không còn là độc quyền của nhóm các môn đệ nữa, nhưng được ra cho nhiều người khác. Câu chuyện này gợi nhớ đến câu chuyện trong sách Dân Số, trong đó ông Giô-suê xin ông Mô-sê ngăn chặn Eldad và Medad nói tiên tri, vì họ không thuộc nhóm bảy mươi hai kỳ mục được Thần Khí ngự xuống. Ông Mô-sê đã đáp trả rằng: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Thiên Chúa ban Thần Khí trên toàn dân, để họ đều là ngôn sứ” (Ds 11,26-29). Nhóm các môn đệ ở đây giống như nhóm bảy mươi hai kỳ mục, còn người trừ quỷ này ở ngoài nhóm. Luca dường như nhận ra câu chuyện Eldad và Medad nhấn mạnh Mc 9,38-40, bởi vì câu chuyện song song của ông với câu chuyện này của Mác-cô (Lc 9,49-50), gần như được theo sau bởi câu chuyện Đức Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng (Lc 10,1).
- Không chống …ủng hộ: Đức Giê-su thêm một mệnh đề chỉ lý do nữa để đảm bảo chắc chắn cho lý do trước: ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. Đây có thể là một câu tục ngữ người ta thường dùng thời ấy. Một bản văn giấy cói có niên đại khoảng cuối thế ký thứ ba hoặc đầu thế kỷ thứ tư (P. Oxy.1224), có thể là một mảng của một Tin Mừng ngụy thư, thêm đoạn giải thích rằng: “Người hôm nay xa, ngày mai sẽ gần”. Đây cũng có thể là biểu lộ niềm hy vọng cánh chung của cộng đoàn Mác-cô về một sự gia nhập của cộng đoàn của những người ở ngoài.[3] Giới từ “ὑπὲρ” + túc từ ở thuộc cách có nghĩa là “thay cho”, “nhân danh”, “vì”. Người này trừ quỷ nhân danh Đức Giê-su là làm vì Người và thay cho Người. Như vậy, hành vi trừ quỷ của người này có ý nghĩa là làm thay cho Đức Giê-su, cùng làm với nhóm các môn đệ.
- Một cốc nước…không mất phần thưởng:[4] Một cốc nước như là một hình ảnh hết sức bình thường và đơn giản của đời người, mà vẫn không mất phần thưởng. Đức Giê-su thường nối kết một hình ảnh thấp nhất với hình ảnh cao nhất để dạy mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Trước đó, Người đã nối kết giữa sự đón nhận một đứa trẻ không chút địa vị, hay vị thế xã hội với sự đón tiếp chính Người và đón tiếp Chúa Cha. Hình ảnh “cho uống một cốc nước” tưởng là bình thường nhưng “trong danh nghĩa người ấy thuộc về Đức Ki-tô” thì lại được đáp trả bằng một phần thưởng. Một nghĩa cử đơn giản trong danh Đức Ki-tô có thể trở hành một hành động đáng quý trọng. Danh từ “phần thưởng” (μισθὸς) theo nghĩa đen là sự báo đáp về tài chính cho những dịch vụ được thực hiện hay có thể dịch là “lương bổng” (Mt 20,8; Ga 4,36). Trong Tân Ước, nó được hiểu cách ẩn dụ như là một phần thưởng là phúc lành cánh chung, mà những người làm việc cho Chúa hay chịu đau khổ vì đức tin sẽ được lãnh nhận (Mt 5,12 // Lc 6,23; Lc 6,35).[5] Hành vi trao tặng người môn đệ một cốc nước đơn giản, sẽ nhận được phần thưởng cánh chung là phúc lành của Chúa Cha. Hành động cho uống một cốc nước vì lẽ các môn đệ thuộc về Đức Ki-tô, song song với hình ảnh một người trừ quỷ nhân danh Đức Ki-tô. Họ có thể là người ở ngoài, không thuộc về nhóm các môn đệ. Tuy nhiên, hành động của họ làm lại là hành động của một người môn đệ, vì họ làm nhân danh Đức Ki-tô. Nếu hành động cho “những người thuộc về Đức Ki-tô uống một cốc nước” được nhận phẩn thưởng cánh chung thì sứ vụ “trừ quỷ” còn đáng được nhận phần thưởng gấp bội. Hành động cho người khác uống một cốc nước, nhắc nhớ đến bối cảnh cánh chung nơi Đức Giê-su ban phần thưởng đời đời cho những người đã cho “kẻ khát” uống nước (Mt 25,35.37) và trừng phạt kẻ không cho “người khát” uống nước (Mt 25,42.44).
- Cớ vấp ngã (người, tay, chân, mắt): Một loạt bốn cớ vấp ngã được Đức Giê-su đưa ra. Động từ “σκανδαλίζω” (skandalizo) được lặp lại bốn lần, ở giả định cách, trong “mệnh đề điều kiện” (nếu…). Đây là loại câu điều kiện diễn tả sự mong đợi dựa trên một quan điểm chung hoặc cụ thể tồn tại trong hiện tại.[6] Động từ skandalizo có nghĩa là làm cho ai đó phạm tội, hoặc làm cớ cho ai đó sa ngã.[7] Cấu trúc của những câu nói về cớ vấp ngã gần như giống nhau hoàn toàn: Cớ vấp ngã + Giải pháp (Mệnh lệnh) + Giải thích. Ngoại trừ câu văn nói về cớ vấp phạm thứ nhất không có lời giải thích, còn lại cả 3 câu còn lại đều có đầy đủ 3 thành phần. Cấu trúc được lặp lại nhiều lần như một điệp khúc.
Cớ vấp ngã thứ nhất là một con người: “Nếu ai đó làm cớ vấp ngã” và đối tượng có nguy cơ bị vấp ngã cũng là một người (người nhỏ bé đang tin). Giải pháp tốt hơn cho người này là “treo miếng trên của cối đá quanh cổ mà ném xuống biển cho rồi”. Nghĩa là, nếu phải chọn giữa việc làm cho một người bé nhỏ đang tin Đức Giê-su phải sa ngã và buộc miếng trên của cối đá mà ném xuống biến, thì chọn lựa sau vẫn tốt hơn. Đó là một giải pháp quá nặng nề, dường như không còn lối thoát cho người ấy. Miếng trên của cối đá là vật rất nặng, con lừa phải kéo mới xoay được.[8] Với cối đá như thế trên cổ mà rơi xuống biển thì chết chắc.[9] Động từ “ném” (βέβληται) cũng có nghĩa rất mạnh. Động từ này được dùng ở thì hoàn thành, trong câu điều kiện để diễn tả một hành động giả định, không có thực. Nói tóm lại, làm cho một người bé nhỏ bị sa ngã là một điều rất nặng, thà chết ngộp dưới biển còn hơn là làm cớ cho người ấy sa ngã. Hình ảnh ném xuống biển gợi nhớ đến hình ảnh hai ngàn con heo bị quỷ nhập rơi xuống biển và chết ngộp (Mc 5,13). Biển sâu và nơi chốn của ma quỷ. “Một trong những người bé nhỏ đang tin” Đức Giê-su trong bối cảnh này rất có thể là “đứa trẻ”.[10] Trước đó Đức Giê-su đã đặt đứa trẻ giữa các môn đệ và Người đang dạy các môn đệ bài học về sự đón nhận (Mc 9,36-37). Tuy nhiên, những người bé mọn này cũng có thể được mở rộng ra cho tất cả những ki-tô hữu hiền lành, đơn sơ và giản dị.[11]
Những cớ vấp phạm còn lại là những phần thân thể tiêu biểu của con người: Bàn tay, bàn chân, con mắt. Bàn tay là công cụ cụ thể để hoàn tất những mục đích của con người[12]. Con mắt chính là đèn của thân thể, nếu mắt khỏe thì toàn thân sẽ sáng, còn mắt xấu thì toàn thân sẽ tối (x. Mt 6,22-23; Lc 11,34). Người Việt Nam cũng hay nói rằng “con mắt là cửa sổ của tâm hồn con người”. Sách Huấn Ca dạy rằng: “Chớ nhìn người trinh nữ một cách chăm chú kẻo ngươi bị sa ngã và gánh lấy án tử vì nàng” (Hc 9,5). Đức Giê-su cũng dạy rằng: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Đó là những sa ngã đến từ con mắt. Người Việt Nam liên hệ bàn tay với thói ăn cắp “ăn cắp quen tay”. Trong tài liệu của các Rabbi Do Thái gọi là Babylon Talmud (b. Nid. 13a-b, tk.III-VI CE), cớ sa ngã “bàn tay” được hiểu như là tật thủ dâm của đàn ông.[13] Giải pháp để tránh những cớ vấp ngã này rất nặng nề và ghê rợn: Chặt bàn tay, chặt bàn chân, món con mắt. Thế nhưng, những chọn lựa này lại tốt hơn là để cho những bộ phận này làm cớ cho một người vấp ngã. Lý do những vấp ngã nghiêm trọng có thể dẫn đến mất sự sống đời đời. Còn mất một phần thân thể, mà tránh được vấp ngã thì sẽ được đi vào sự sống hay đi vào Nước Thiên Chúa. Mục đích tối hậu là sự sống và Nước Thiên Chúa. Dĩ nhiên ai cũng muốn vẹn cả đôi bề: Muốn vào sự sống và Nước Thiên Chúa với một thân thể lành lặn. Tuy nhiên, nhiều lúc người ta phải chọn lựa, hy sinh để đi đến một kết cục cao đẹp.
Phải hiểu thế nào về các mệnh lệnh như chặt bàn tay, chặt bàn chân và móc mắt? Các nhà chú giải ngày nay có trích dẫn hình phạt chặt tay trong Cựu Ước (Đnl 21,11-12) hay móc mắt (Xh 21,23-25; Lv 24,20; Đnl 19,21) nhưng cũng không quên kèm theo cách hiểu theo nghĩa ẩn dụ của các tác giả Do Thái thời sơ khai (Philo Special Laws, 3.179; Các rabbi, Babilonian Talmud, b.B. Qam. 83b-84a).[14] Cũng rất hợp lý khi hiểu theo nghĩa đen những mệnh lệnh này. Xét về tâm linh, nếu người ta muốn vào sự sống, vào Nước Thiên Chúa, là nơi ở tốt nhất thì nếu có phải đánh đổi một hay vài phần thân thể liệu nào có xá gì? Các thánh tử đạo đã chẳng sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình, để làm chứng cho niềm tin của mình đó sao? Mạng sống mà người ta còn hy sinh được huống hồ một phần thân thể? Xét về ý nghĩa thể lý, người ta chẳng phải hy sinh một cái tay, cái chân, con mắt, bộ ngực để chữa trị những căn bệnh ung thư đó sao? Đó chẳng phải là hy sinh một phần thân thể để cứu mạng sống đó sao? Nhưng mà nếu làm thế, thì chắc là hầu hết các ki-tô hữu tàn tật về mặt thể lý hết. Có người cụt tay, có người cụt chân, có người mất mắt… các giáo xứ sẽ trở thành nhà khuyết tật hết. Ngày này người ta đề cao ý chí, lý trí và tự do của con người nhiều hơn. Những hình thức tu khổ hạnh như là “đánh tội” ngày xưa đã bị Giáo Hội cấm đoán từ lâu. Những người khấn đời sống khiết tịnh trong đời tu không phải là những hoạn nhân, nhưng phải có sức khỏe hết sức bình thường. Nếu là hoạn nhân thì chẳng cần khấn đức khiết tịnh, vì có khả năng làm chuyện ấy đâu mà khấn làm gì.[15] Mỗi người phải dùng lý trí để phân định những điều đúng sai và phải dùng tự do để chọn lựa điều tốt và dùng ý chí để dứt khoát với tội lỗi của mình. Các tín hữu phải ý thức rõ nguy hại của sự sa ngã để làm hết sức mình, một cách liên lỉ để vượt thắng nó. Sự vượt thắng những thói quen xấu đòi hỏi những hy sinh và can đảm dứt khoát.[16] Thánh Phan-xi-cô được cho là đã lăn vào cụm hoa hồng có gai trong cơn cám dỗ xác thịt của người. Vì vậy, ngày nay trong khuôn viên dòng tu nơi ngài đã sống trước đây có một vườn hoa hồng không có gai.
- Ghe-en-na (địa ngục): Thường được chuyển ngữ qua các ngôn ngữ hiện đại như là “địa ngục”, “hỏa ngục”. Thực ra, Ghe-en-na là chuyển tự tiếng Hy Lạp từ tiếng Aram (גי הנם) (ghe-him-nom: Thung lũng Hinnom). Thung lũng này được đồng hóa với “một vòng sâu và rộng mang tên Wadi er-Ranabeh quanh thành cổ Giê-ru-sa-lem về phía Nam và phía Tây. Thung lũng trở thành biểu tượng tiêu cực, vì những vị vua của Giu-đa (vd. A-khát và Ma-nas-seh – tham gia vào việc sát tế trẻ em cho thần Mô-léc tại đó (2 Sbn 28,3; 33,6). Khi vua Giô-si-ah (640-609) làm cuộc cải cách tôn giáo, ông đã cho phá hủy các đền thờ thần ngoại trong đó có đền thờ thần Mô-léc (2 V 16,3; 21,6; 23,10). Nơi này trở thành nơi trừng phạt bắt đầu từ thời ngôn sứ Giê-rê-mi-ah, người đã đổi tên nó thành “thung lũng tàn sát” và đã dự báo rằng nó sẽ được lấp đầy bởi những xác chết, trở thành mồi cho chim trời và giã thú suốt thời Giê-ru-sa-lem bị phá hủy (Gr 7,30-34; 19,1-13).[17]
- Sự sống – Nước Thiên Chúa: Nước Thiên Chúa là một chủ đề rất quan trọng trong giáo huấn của Đức Giê-su. Đây là chủ đề được Đức Giê-su giới thiệu ngay từ lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su: “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Đó là nơi chốn mà các môn đệ phải tìm kiếm trước hết (Mt 6,3: Trước hết phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người). Đức Giê-su dùng rất nhiều dụ ngôn để giải nghĩa về Nước Thiên Chúa: “Người gieo giống” (Mc 4,1-9; 13-20); “Hạt giống tự mọc lên và sinh hoa trái” (Mc 4,26-29); “Cây cải” (Mc 4,30-32). Trong bối cảnh gần câu chuyện này nhất, Đức Giê-su tuyên bố Nước Thiên Chúa là của những ai giống như những đứa trẻ (Mc 10,14-15; Lc 18,16). Mục đích của Đức Giê-su được sai đi là “loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành” (Lc 4,43; Mt 9,35). Các môn đệ cũng chung sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa như Đức Giê-su vậy (Lc 9,2). Trong bài giảng về các mối phúc, có hai lần phần thưởng Nước Trời[18] được Đức Giê-su nói đến:(i) Cho những người có tinh thần nghèo khó (Mt 5,3); (ii) Cho những người bị bách hại vì sống công chính (Mt 5,10). Sự công chính của các môn đệ phải vượt trên sự công chính của các kinh sư và Pha-ri-sêu thì mới vươn tới Nước Trời (Mt 5,20).
Phần thưởng “đi vào Nước Thiên Chúa” song song hoặc giao thoa với “đi vào sự sống”. Cụm động từ “đi vào sự sống” (εἰσελθεῖν εἰς τὴν ζωὴν) được dùng 2 lần (9,43.45) trong khi đó “đi vào Nước Thiên Chúa” (εἰς τὴν βασιλείαν) được dùng một lần (9,47). “Đi vào sự sống” được dùng với cớ vấp phạm là bàn tay và bàn chân; “Đi vào Nước Thiên Chúa” gắn với cớ vấp phạm con mắt. Cả hai cụm từ đều được nhắm đến như một mục tiêu tốt đẹp mà một người phải đạt được ngay cả khi phải hy sinh một phần thân thể để tránh đi cớ vấp phạm. Nước Trời là cùng đích cuối cùng của một con người và sự sống cũng vậy. “Sự sống” ở đây có thể là cách nói ngắn gọn của sự sống vĩnh cửu. Chỉ có sự sống ấy mới đáng để cho người ta đánh đổi, ngay cả những phần thân thể của mình. “Sự sống đời đời” là ao ước cả đời của mỗi người: “Thưa Thầy! Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17; Mt 19,16; Lc 18,18). Đó cũng là phần thưởng hậu hĩ nhất Đức Giê-su hứa cho những ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, hay ruộng đất vì danh Người (Mt 19,29; Mc 10,30 và Lc 18,30 còn thêm chữ “đời sau”); là phần thưởng dành cho những người công chính trong cuộc phán xét cuối cùng (Mt 25,46). Đó có thể chỉ là hai cách dùng khác nhau để diễn tả cùng một thực tại của phận người. Nước Thiên Chúa chỉ một nơi chốn nơi có Chúa là cha hiện diện và “đi vào sự sống” là sống vĩnh cửu, hạnh phúc với Chúa.[19] Có thể hiểu là “đi vào Nước Thiên Chúa và sống sống vĩnh cửu với Chúa trong Nước của Người. Thực tại này đối nghịch lại với hình phạt khủng khiếp là “đi vào Ghe-en-na” (9,42) hay “đi xuống biển” (9, 43.45.46) là nơi lửa không hề tắt và dòi bọ không hề chết (9,48). Đây là lối diễn tả cho hình phạt đời đời, đối lại với sự sống đời đời. Cụm giới từ “vào trong ghe-en-na” được lặp lại 3 lần như một điệp khúc rùng rợn khiến cho những độc giả yếu tim phải rợn tóc gáy. Động từ “ballo” (βάλλω, ném, quăng: Ném xuống biển, ném vào ghe-en-na), được dùng 3 lần làm cho hình phạt càng tăng thêm sự nặng nề đáng sợ.
Bình Luận Tổng Quát
Đức Giê-su đang dạy các môn đệ một bài học về sự đón nhận. Đón nhận người bé mọn nhất là đón nhận Người, đón nhận Người là đón nhận Đấng đã sai Người. Các môn đệ dường như vẫn cảm thấy khó đón nhận một người khác, một người đang trừ quỷ nhân danh Đức Giê-su. Họ vừa được dạy là đón nhận một em nhỏ nhân dành Người là đón nhận Người (Mc 9,37). Như vậy, trừ quỷ nhân danh Người chẳng phải là làm vì Người đó sao, mà làm vì Người là làm vì Chúa Cha. Có lẽ, họ vẫn muốn quyền trừ quỷ phải là quyền dành riêng cho họ, những người được Chúa chọn. Trong thế giới dân ngoại, có biết bao nhiêu người làm những việc tốt lành vì danh Chúa, liệu họ cũng muốn cấm đoán hết hay sao? Nhóm nhỏ của họ sẽ bao việc hết hay sao? Mô-sê đã từng nhắc nhở môn đệ Giô-suê cũng vì ghen thay cho thầy khi thấy những người không thuộc nhóm 72 kỳ mục cũng nói tiên tri. Đức Giê-su còn nhấn mạnh thêm, ai cho anh em uống một cốc nước, vì lẽ anh em thuộc về Đức Ki-tô thì phần thưởng dành cho người ấy sẽ không bị hư mất. Vấn đề không phải là thuộc nhóm này hay nhóm kia nhưng là có làm vì danh Đức Ki-tô hay không. Những việc tốt lành vì danh Chúa sẽ nối kết mọi người xa lạ lại với nhau. Thánh Phaol-lô đã từng nhắc nhở các tín hữu thành Cô-rin-tô về sự chia rẽ khi họ nói rằng: “Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về A-pô-lô, tôi thuộc về Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô”. Thánh Phao-lô cho rằng thái độ đó làm cho Đức Ki-tô bị chia năm sẻ bảy rồi (1Cr 1,12-13). Sự chia rẽ không được nhấn mạnh ở đây nhưng sự bao gồm và đón nhận và đừng xem mình như là những người tốt nhất cho sứ vụ là những điều đáng phải lưu tâm. Trong đại dịch Covid tại TpHCM người ta đang cảm thấy an ủi, ngưỡng mộ vì hình ảnh những tu sĩ Phật Giáo, Tin Lành, và Công Giáo đang kề vai sát cánh bênh nhau trong các Bệnh viện hồi sức cho bệnh nhân Covid. Có thể nói rằng chỉ có virus Covid mới quy tụ, nối kết họ lại một cách quy mô và rầm rộ như vậy, bởi xưa nay mỗi nhóm vẫn làm nhiệm vụ yêu thương một cách riêng rẽ. Các tín hữu Ki-tô liệu có thể than trách, cấm đoán các tín hữu khác vì họ không thuộc nhóm của họ, không cùng đức tin với họ hay không?
Một cốc nước nước và phần thưởng đời đời. Cho người khác uống một cốc nước chỉ là hành động xã giao, lịch sự thường ngày, nhưng lại được phần thưởng vĩnh cửu. Từ một điều bình dị vươn đến một hiệu quả phi thường. Điều gì đã làm nên sự phi thường đó? Thưa! Đó chính là cầu nối Đức Ki-tô. Mọi hành động bình thường nếu được làm vì danh Đức Ki-tô thì đều trở nên phi thường và đáng được nhận phần thưởng cao quý. Đức Giê-su vừa giúp các môn đệ trân trọng những hành vi bình thường đôi khi chẳng đáng để ý phát xuất từ tấm lòng của người khác, vừa giúp cho các tin hữu để tâm mình vào mỗi hành động thường ngày trong cuộc sống, mời Đức Ki-tô hiện diện trong từng hành động nhỏ bé của mình. Có Đức Ki-tô thì mọi hành động sẽ trở nên lớn lao.
Trong đời sống cộng đồng có người mạnh người yếu về đức tin. Làm cớ cho người khác vấp ngã và phạm tội là một điều rất hệ trọng. Nó được xem là nặng nề hơn là một cái chết thê thảm như là buộc miếng trên của cối đá mà ném xuống biển sâu. Cám dỗ người khác phạm tội lại là một hành động đáng bị hình phạt tử hình. Chúa Giê-su dùng hình ảnh một hình phạt nặng nề ấy, để giúp các môn đệ để tâm đến cách sống và cách hành động của mình, để không bao giờ nên cớ phạm tội cho người khác, nhất là những người “bé mọn” về thể lý, cũng như về đức tin.
Mục tiêu cuối cùng của con người là đi vào Nước Thiên Chúa, nước Thiên Đàng mà Đức Giê-su đã giới thiệu ngay từ lời đầu tiên của sứ vụ công khai (Mc 1,15: Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng). Ai cũng có ba món quà quý giá: Một lý trí để phân định tốt, xấu, đúng, sai; Một sự tự do để chọn lựa điều tốt; Và một ý chí để kiên trình hành động đúng. Những cớ vấp ngã có thể đến từ những bàn tay, bàn chân, con mắt, đôi tai… nói chung là một phần nào đó của thân thể con người. Những cớ vấp ngã đó làm cho người ta phạm tội, tách lìa khỏi Thiên Chúa là nguồn sự sống. Mỗi cá nhân phải ý thức cách rõ ràng và có thái độ dứt khoát, hành động mạnh mẽ để dứt bỏ những thói hư tật xấu của mình. Những quyết tâm đó đôi lúc đòi hỏi sự hy sinh đau đón như mất một phần thân thể vậy. Cách nói của Đức Giê-su như “cắt” (chân,tay), “móc” (mắt), “ném” (vào ghe-en-na) làm cho các tín hữu thấy được sự nặng nề của tội lỗi mà xa tránh. Chỉ nên hiểu những hình ảnh ấy theo nghĩa ẩn dụ chứ không theo nghĩa đen. Chiến đấu liên lỷ với cám dỗ của mình là hoạt động liên lỉ, từng phút giây trong cả cuộc đời. Giả như người ta bị hoạn rồi thì đức khiết tịnh nào có giá trị gì? Giả như người ta không khoái cảm về ăn uống thì ăn chay có ý nghĩa gì đâu?
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD.
Chú thích
[1] According to J. Marcus, the reason why people do something “in the name of” someone is “because of the ancient association of the name of a person or thing with its presence or power, “in the name of” can mean “in the power of” (see 11:9; 13:13; cf. Ps 54:1; Acts 4:7) or “for the sake of” (see 9:37, 41) [J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII A, 684].
[2] J. Marcus hiểu rằng “không theo chúng ta” nghĩa là không phải ki-tô hữu (J. Marcus, 684). Tuy nhiên, thời Đức Giê-su có vẻ danh xưng ki-tô hữu chưa rõ ràng cho lắm. Vì thế, tốt hơn nên hiểu là theo nhóm các môn đệ.
[3] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary, 686.
[4] “According to Bultmann, v. 41 originally followed upon v. 37 and they “belong together.” He also concluded that v. 41 originally spoke about “children” (παιδία) rather than “you” (ὑμεῖς), just as Matt 10:40 originally spoke about “little ones” (μικροί), like 10:42, rather than “you” (ὑμεῖς). The changes were made to make the saying applicable to the early church. Therefore, in his view, v. 41, like v. 37, is a saying about kindness to children that comes from Jewish tradition [A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 449].
[5] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary, 688.
[6] F. Blass – A. Debrunner, A Greek Grammar of the New Testament and Other Early Christian Literature (Chicago 1961) 188.
[7] A Greek-English Lexicon of the New Testament and Other Early Christian Literature (ed. W. Arndt et al.) (Chicago 2000) 926.
[8] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary, 689.
[9] R.T. France, The Gospel Of Mark. A Commentary on The Greek Text (NIGTC; Grand Rapids 2002) 380; C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 34B, 70.
[10] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 450.
[11] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary, 689.
[12] Ibid.
[13] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 451.
[14] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary, 690.
[15] Giáo phụ Origen (184-253 CE, cùng thời với giáo phụ Tertuliano), là một giáo phụ nổi tiếng thông minh, hiểu biết, lỗi lạc và có lối sống khổ hạnh. Ông được cho là đã thực lời dạy của Đức Giê-su liên quan đến “hoạn vì Nước Trời” theo nghĩa đen. Có lẽ vì thế mà ông không được Giáo hội tuyên thánh. (x. Eusebio, History of the Church, 6.8.1,2,3 (bản dịch từ tiếng Hy Lạp qua tiếng Latin của Rufunus of Aquileia, bản dịch từ Latin qua tiếng Anh của P.R. Amidon, Washington, 2016) 243].
[16] It means that it may be necessary to excise some habit, to abandon some pleasure, to give up some friendship, to cut out some thing which has become very dear to us, in order to be fully obedient to the will of God. This is not a matter with which anyone can deal for anyone else. It is solely a matter of a man’s individual conscience, and it means that, if there is anything in our lives which is coming between us and a perfect obedience to the will of God, however much habit and custom may have made it part of our lives, it must be rooted out. The rooting out may be as painful as a surgical operation, it may seem like cutting out part of our own body, but if we are to know real life, real happiness and real peace it must go [W. Barlcay, The Gospel of Mark (DSB; Philadelphia 2000, c1975) 232].
[17] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 453; J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 287-288; C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 34B, 72.
[18] Thánh Mát-thêu hay dùng Nước Trời thay vì Nước Thiên Chúa như Mác-cô và Luca.
[19] The expression “enter into life” in vv. 43 and 45 is replaced by “enter into the kingdom of God” in v. 47, thus suggesting an equivalency or at least a parallelism. [J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 287].