LỜI SỐNG (Thứ Hai Tuần 20 TN)

0
370
https://riverreachbaptist.org/sermons/fighting-materialism-matthew-1916-22/

Tin mừng: Mt 19, 16-22

16 Bấy giờ có một người đến thưa Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ?” 17 Đức Giê-su đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt ? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn”.

18 Người ấy hỏi: “Điều răn nào ?” Đức Giê-su đáp: “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian.19 Ngươi phải thờ cha kính mẹ”, và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình”.

20 Người thanh niên ấy nói: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không ?” 21 Đức Giê-su đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”.

22 Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.


 

Suy niệm

CHỖ ĐỨNG CỦA TIỀN (Tu sĩ Giuse Trần Minh Kiểm, SVD)

Sức mạnh của đồng tiền được thể hiện qua câu tục ngữ: “Có tiền  mua  tiên cũng được”. Câu nói trên đã một phần nào phản ánh về sức mạnh của đồng tiền trong cuộc sống.

Khi nhìn vào cuộc sống, ta thấy sức mạnh của đồng tiền thật dữ dội, phải cố làm ra thật nhiều tiền với những phương thức khác nhau. Thực ra, tiền tự nó không tốt cũng chẳng xấu, vì nó chỉ là vật vô tri vô giác. Tiền chỉ là phương tiện để đưa ta tới cùng đích, xấu hay tốt là do ý hướng và cách thức của con người khi tìm kiếm cũng như sử dụng nó. Việc sử dụng tiền tốt hay xấu là tuỳ thuộc ở mỗi người. Tiền trở nên tốt khi tiền biết phục vụ ta và ta không bị nô lệ vào tiền, tức là tiền không phải là cùng đích của ta. Ta coi tiền chỉ là nô lệ cho ta mà thôi, còn nếu nếu kiếm tiền bạc bằng mồ hôi nước mắt, bằng công sức lao động chân chính và sử dụng nó vào những mục đích tốt thì nó trở thành tốt, thành hữu ích cho con người; còn tiền trở nên xấu khi ta làm nô lệ, phụ thuộc vào nó, hoặc kiếm tìm nó bằng sự gian dối lọc lừa, bằng bóc lột, bằng trộm cắp, bằng những ngành nghề bất lương và sử dụng nó vào những mục đích bất chính, thì nó trở thành xấu và sẽ hủy diệt con người; làm cái gì cũng chỉ nghĩ đến có thật nhiều tiền, đến nỗi mất đi người thân, bạn bè, anh em… Anh thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay đáng để chúng ta suy nghĩ. Thoáng nhìn qua, anh thanh niên này rất tuyệt vời. Anh là người tốt. Anh thực hiện các điều răn quá tuyệt vời, nhưng điều Đức Giêsu muốn nhấn mạnh là anh đã quá phụ thuộc vào tiền và làm nô lệ cho tiền. Anh không dám bỏ tiền ra để chia sẻ, để trao ban cho người khác, cái thiếu của anh là thiếu về tương quan, chỉ lo cho cuộc sống của anh thôi. Bởi vậy, Đức Giêsu nói là người giàu khó vào Nước Trời là như thế.

Vấn đề mà chúng ta cần đặt ra ở đây không phải là tìm hiểu về giá trị của đồng tiền. Điều cần đặt ra là: mỗi người chúng ta hãy kiểm tra lại xem đồng tiền đang có vị trí nào trong đời sống của mình?

Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng quá lệ thuộc vật chất, tiền bạc, công việc mà quên lý tưởng đời mình, quên sống yêu thương. Amen


 

SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (Tu sĩ Giuse Nguyễn Quang Thoại, SVD)

Sự sống đời đời chính là mục đích tối hậu của mỗi người Kitô hữu. Thế nhưng, chúng ta phải làm gì để có được sự sống ấy làm gia nghiệp? Đây cũng là mối bận tâm của người thanh niên trong đoạn Tin Mừng của thánh sử Mátthêu hôm nay: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” (Mt 19,16).

Thật vậy, anh thanh niên hôm nay đã tìm đến với Chúa Giêsu để xin Người chỉ cho biết làm thế nào để có được sự sống đời đời. Qua cuộc đối thoại ấy, chúng ta nhận ra rằng anh ta là một người tuân giữ luật rất tốt, anh đã giữ tất cả các giới răn từ thuở nhỏ. Và câu hỏi anh đặt ra cho Chúa Giêsu phải chăng là để khẳng định về chính bản thân mình. Bởi vì anh nghĩ rằng, với một đời sống tuân giữ luật chuẩn mực như thế, hẳn sẽ đảm bảo cho anh một phần thưởng lớn lao ở trên trời. Tuy nhiên, Chúa Giêsu bảo anh còn thiếu một điều chính yếu và cũng là điều tiên quyết để trở nên hoàn thiện và đạt được sự sống đời đời đó là thực thi lòng bác ái đối với người nghèo.

Thực tế, nhiều lúc chúng ta giữ luật Chúa vì sợ bị phạt trầm luân chứ không phải xuất phát từ lòng yêu mến. Chúng ta làm việc bác ái, thực hành các việc lành phúc đức để mong được đền đáp, trả công cân xứng chứ không phải vì lòng quảng đại và vô vị lợi. Đây cũng là vấn đề mà người thanh niên hôm nay gặp phải, anh đã buồn rầu bỏ đi khi Chúa Giêsu khuyên: “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời” (Mt 19, 21). Như thế, để đạt được sự sống đời đời, chúng ta hãy biết quan tâm, yêu thương và sẻ chia tất cả những gì mình có cho những người nghèo khổ, túng thiếu đang cần đến chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết động lòng trắc ẩn trước những người nghèo khổ. Xin cho chúng con biết quan tâm, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia cho họ cách quảng đại, vô vị lợi.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 20 TN-A)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (22/8, Đức Maria Nữ Vương, Lễ nhớ)