Bài đọc: Is 9,1-6
Tin mừng: Lc 1, 26-38
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít.
Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Suy niệm
BỐI RỐI (Tu sĩ Giuse Cao Thế Vĩnh, SVD)
Bối rối là cảm xúc thường tình của con người. Ta dễ gặp bối rối về những chuyện không may trong cuộc đời và trở nên bối rối hơn khi gặp những chuyện lạ lẫm bất ngờ. Trước những sự việc như thế, ta ứng xử thế nào để bối rối của ta trở thành hoan lạc và trổ sinh hoa trái cho cuộc sống, nhất là trong đời sống đức tin của mình.
Ngang qua Tin Mừng hôm nay, chúng ta chứng kiến sự “bối rối” của Mẹ Maria trước sự xuất hiện của sứ thần Gabrien đến truyền tin cho Mẹ về Ngôi Hai Thiên Chúa làm người trong cung lòng Mẹ. Mẹ không thể tin vào những gì đang xảy ra trước mắt cùng lời chào vượt quá trí hiểu của Mẹ: “Mừng vui lên hỡi đấng đầy ân sủng”. Đứng trước lời truyền tin đầy nhiệm mầu của sứ thần, Mẹ Maria đã bối rối tự hỏi: “Lời chào ấy có ý nghĩa gì?”. Trước hết, việc một trinh nữ được chọn làm Mẹ của Đấng Cứu Thế là một điều không thể hiểu được. Nhưng Mẹ Maria không phản đối hay từ chối, mà mau mắn đáp trả với lời xin vâng khi nghe sự giải thích của sứ thần: “Đức Chúa ở cùng”. Mặt khác, sự bối rối của Mẹ cũng phản ánh sự khiêm nhường của Mẹ. Dù được chọn làm Mẹ của Chúa, nhưng Mẹ chỉ xem mình là “nữ tì hèn mọn của Chúa” khi đối diện với ý muốn của Thiên Chúa muốn Mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế. Cuối cùng, sự bối rối của Mẹ Maria là một mẫu gương cho chúng ta trong việc đối diện với những sứ mạng cao cả và thách đố trong cuộc sống. Bước theo Chúa, chúng ta cần noi gương Mẹ để bước ra khỏi sự sợ hãi và tin rằng Chúa sẽ dẫn dắt và ban cho chúng ta những ân huệ cần thiết khi đối mặt với mọi thách đố.
Lạy Mẹ Maria, qua lời xin vâng, Mẹ đã trở nên nữ vương trên Thiên Quốc. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban cho chúng con lòng can đảm để đón nhận những thử thách, trở ngại trong cuộc sống nhờ đó chúng con vượt qua những bối rối trong cuộc đời mà mạnh mẽ làm chứng cho Chúa trên con đường lữ thứ trần gian hướng về quê trời. Amen.
ĐỪNG SỢ THÁNH Ý CHÚA (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Tùng, SVD)
Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn chọn những người cộng tác và tham gia vào công trình của Người. Chính Đức Maria đã được Thiên Chúa chọn lựa và mời gọi đón nhận thánh ý Người và trở nên Mẹ Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc sứ thần Gáprien đã đến báo tin cho Đức Maria. Đứng trước một lời mời gọi cao trọng đến vậy, mẹ đã run sợ và khó lòng chấp nhận. Mẹ sợ, vì mẹ không biết rồi cuộc đời sẽ đi về đâu. Làm sao mẹ có thể mang thai khi không biết đến người nam. Mẹ sợ hãi vì những điều ngoài sức tưởng tượng có thể xảy đến với mẹ, sợ hãi một tương lai khó khăn phía trước. Đó có thể là cái chết đang dọn sẵn. Tuy vậy, nhờ một cuộc đời luôn khao khát tìm thánh ý Chúa, Mẹ đã nhận ra và mạnh dạn thưa hai tiếng “Xin Vâng”. Mẹ đã vượt qua được nỗi sợ hãi của mình để thánh ý Chúa được nên trọn vẹn, để rồi Mẹ trở thành Đấng đầy ơn phúc, Mẹ Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn những công việc cho mỗi người và mong muốn chúng ta hoàn thành những ý định đó. Dẫu biết rằng, vâng theo ý Chúa quả không dễ dàng. Những khó khăn, thử thách đang chờ sẵn. Đứng trước những thay đổi mang tính bước ngoặt này, không ai không cảm thấy sợ hãi và bối rối. Cũng như xưa, tổng lãnh Thiên Thần đã thưa với Mẹ “đừng sợ”. Giờ đây, ngài cũng nói với mỗi người chúng ta, đừng sợ. Đừng sợ đón nhận ý Chúa, vì Chúa luôn ở bên cạnh, đồng hành, trợ lực và phần thưởng lớn lao đang chờ đón phía trước. Hãy can đảm đón nhận ý Chúa trong cuộc đời mình.
Lạy Mẹ Maria, xưa Mẹ đã can đảm để đón nhận ý Chúa dù phải đối diện với những khổ đau và thử thách. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con, là con cái của Mẹ, biết noi gương và bắt chước Mẹ, sẵn sàng nói tiếng xin vâng với ý Chúa trong cuộc đời chúng con. Amen.
XIN ĐỪNG SỢ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
ĐỨC MARIA, ĐẤNG ĐẦY ÂN SỦNG (Tu sĩ Phaolô Đặng Văn Lãng, SVD)
Ngày hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, đây là một truyền thống lâu đời mà Giáo Hội dùng để tôn sùng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Và những gì bài Tin Mừng ngày hôm nay trình thuật lại cũng cho chúng ta thấy Đức Maria xứng đáng với sự suy tôn này của Giáo Hội.
Thứ nhất, Đức Maria là đấng đầy ân sủng. Ngay trong câu chào của sứ thần Gáprien đã khẳng định cho chúng ta thấy sự ưu ái mà Thiên Chúa dành cho Mẹ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Giáo Hội cũng đã suy tôn Mẹ với nhiều danh xưng cao quý: Đấng Vô Nhiệm Nguyên Tội, Đấng Trọn Đời Đồng Trinh, Đấng Hồn Xác Lên Trời… Những ân sủng này Thiên Chúa ban riêng cho Đức Maria để Mẹ xứng đáng cưu mang con của Người nơi cung lòng.
Thứ hai, Đức Maria là đấng đầy khiêm hạ. Qua cuộc trò chuyện với sứ thần Gáprien và đặc biệt là lời tôn vinh Thiên Chúa của Mẹ khi thăm viếng bà Êlisabét: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới…” (Lc 1,48) đã cho chúng ta thấy điều này. Có thể nói, bằng đời sống khiêm hạ của mình, Đức Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa và Ngài đã chọn Mẹ là đấng cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa nơi cung lòng.
Thứ ba, Đức Maria là đấng hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Lời đáp xin vâng khi đã được sứ thần Gaprien giải thích: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lới sứ thần nói.” (Lc 1,38) Chính là sự vâng phục và tín thác tuyệt đối của Mẹ vào Thiên Chúa, dù biết nhiều đau khổ còn chờ đón mình phía trước.
Những gì Đức Maria Trinh Nữ Vương sống và thực hành cũng là tấm gương cho mọi Kitô hữu chúng ta noi theo.
Lạy Mẹ Maria, xin cho mỗi người chúng con cũng biết noi gương Mẹ, sống khiêm hạ, vâng phục và tín thác vào Thiên Chúa. Amen.