Viết trên đường sứ vụ – Ngày Chúa Nhật trên vùng truyền giáo

0
305

 

Tháng 7 năm 2020

Lm. GB Trịnh Đình Tuấn, SVD

Ngày Chúa Nhật trên vùng đất truyền giáo luôn là những ngày bận rộn. Với một giáo xứ gần hai mươi giáo họ, trên một vùng đất rộng lớn như một huyện ở Việt Nam nhưng chỉ một hoặc hai linh mục thì quả thật là một sứ vụ tương đối vất vả. Tuy nhiên, sự vất vả sẽ chẳng đáng là gì nếu ta tới một giáo họ mà ở đó đông đảo giáo dân tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích.

Nhưng vùng đất truyền giáo vẫn luôn là vùng đất truyền giáo, mặc dù Tin mừng đã tới nơi đây cả hàng ba bốn trăm năm. Chính vì thế, Chúa vẫn luôn cần nơi những nhà truyền giáo sự kiên nhẫn và lòng nhiệt huyết.

Một ngày Chúa nhật nọ, tôi dâng thánh lễ đầu lúc 8g30 sáng cho khoảng 7-8 giáo dân tham dự và kết thúc lễ hai lúc 11g15. Lễ hai tại nhà thờ giáo xứ là đông giáo dân tham dự nhất, với khoảng 100 người. Sau ít phút nghỉ ngơi, tôi vội vàng lên đường để dâng lễ ba lúc 12g trưa. Với khoảng 20 phút chạy ô-tô đến giáo họ, chúng tôi cũng đến nơi sớm hơn giờ lễ 10 phút để chuẩn bị bàn lễ và mọi thứ tươm tất.

Trời mùa hè ở miền nam Chile là thời điểm lý tưởng nhất trong năm. Ánh nắng chiếu rọi khắp những miền đồi đầy hoa và cỏ dại. Không khí trong lành – dịu mát. Từ nhà nguyện nhìn ra những cánh đồng cỏ xanh mượt với những khóm hoa cỏ dại đua nhau khỏe sắc. Từ xa xa, những đàn bò đang tận hưởng những bữa tiệc cỏ mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Thiên thời địa lợi như thế làm cho lòng ta thấy thanh thản và đầy sức sống; muốn thả hồn vào trong những tiếng chim hót, tiếng gió ru nhẹ và những đàn bướm khoe sắc bên những khóm hoa xinh.

Tới giờ lễ mà vẫn chưa có ai tới, đợi chừng 5 phút sau thấy có bà cụ xuất hiện. Tôi chào bà khi nhìn thấy bà từ ngoài cổng nhưng không thấy bà trả lời. Nhìn bà cụ chậm rãi bước những bước chân yếu ớt, tôi biết bà là người lớn tuổi và có lẽ đôi tai cũng không còn đủ thính để nghe tiếng tôi chào.

Bà tới nơi và ngồi nghỉ ngay tại cửa nhà nguyện. Quãng đường chừng hơn một trăm mét từ nhà tới nhà thờ đã ngốn đi rất nhiều sức lực của bà. Nhưng tạ ơn Chúa vì bà vẫn còn đủ sức, còn nhớ đến Chúa và đã tới tham dự bàn tiệc của Ngài!

Tôi lại gần chào bà một lần nữa và bà đã nhận ra tôi. Chúng tôi chào hỏi và trò chuyện với nhau thêm ít phút nữa nhằm đợi xem có ai tới nữa không, nhưng rốt cục chẳng thêm được ai nữa. Thế là nhà nguyện chỉ có tôi và bà cụ trên 90 tuổi. Tôi hỏi bà có hát được không? Có đọc sách được không? Bà nói tuổi cao sức yếu, mắt lại kém nên không thể hát cũng chẳng đọc được.

Dâng lễ Chủ Nhật cho một bà cụ vừa nặng tai lại chẳng thể đọc sách hoặc hát xướng được thì quả là hơi buồn tẻ! Nhưng tôi tự nhủ lòng, dù sao bà cũng là người duy nhất trong xóm đạo này còn biết chạy đến với Chúa và bà xứng đáng được hưởng bữa tiệc thiêng liêng mà Thiên Chúa dọn sẵn cho bà, thế là chúng tôi cùng dâng lễ. Thánh lễ diễn ra một cách trang nghiêm, giản dị và ngắn gọn. Một mình chủ tế “tự biên – tự diễn”; vừa là chủ tế, cũng là giúp lễ, kiêm đọc sách và ca viên.

Lễ xong chúng tôi nán lại nói chuyện thêm chút nữa. Bà cho tôi biết cuộc đời bà gắn liền với mảnh đất này. Trước kia, nhà nguyện này là một giáo xứ thường xuyên có linh mục và giáo dân rất đông, nhưng theo năm tháng, người ta ít tới nhà thờ hơn; linh mục cũng ít dần đi nên không còn chủ chăn thường xuyên hiện diện nữa. Giáo dân hiện nay cũng còn khoảng một trăm người nhưng chẳng mấy ai còn muốn lui tới nhà thờ nữa. Họ chỉ tới nhà thờ vào ngày lễ quan thầy giáo họ hoặc khi nào có rửa tội hoặc lễ tang của ai trong giáo họ mà thôi. Đó cũng là thực trạng chung tại quốc gia được xem là Kitô giáo này. Tại các giáo xứ hay giáo họ ta chỉ có thể bắt gặp một số những người lớn tuổi tới tham dự thánh lễ và các bí tích, còn giới trẻ thì khó kiếm ra một người!

Tôi chia tay bà cụ và ra về mà lòng thấy man mác buồn! Tôi nghĩ đến những vùng truyền giáo khác tại Châu Phi, tại Châu Á,… nơi mà hàng ngàn giáo dân vẫn quy tụ dưới mái lá đơn sơ hoặc gốc cây để dâng lễ mỗi Chúa Nhật; hoặc những nơi giáo dân muốn được cử hành đời sống đức tin một cách tự do nhưng bị chính quyền đàn áp và phá hoại nơi thờ phượng…

Chúng tôi đang sống tại một quốc gia được xem là Ki-tô giáo, được hưởng một bầu khí hoàn toàn tự do và có cơ sở vật chất tương đối tươm tất nhưng lại chẳng mấy ai màng gì đến đời sống đức tin. Có lẽ họ đang quá miệt mài lo chuyện miếng cơm manh áo hoặc đang vui thú điền viên với những thú vui chóng qua nơi trần thế mà quên mất đâu là đích điểm của cuộc đời, đâu là niềm vui và hạnh phúc đích thực mà con người muốn đạt tới. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến câu nói của Chúa Giêsu: “khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8).

 

 

 

 

Bài trướcGIÁO PHẬN NHA TRANG – THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC
Bài tiếp theoAi Tín: Ông Cố Giuse Mai Danh Dục thân phụ của Thầy Giuse Mai Văn Dương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây