Tôi muốn làm người lương thiện…

0
550
Photo: spiritview.net

Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời

Thiết nghĩ, tác phẩm Chí Phèo hẳn không còn xa lạ với mỗi người. Ngang qua tác phẩm của mình, nhà văn Nam Cao đã muốn khẳng định khát vọng sống của con người, mà cụ thể là khát vọng được làm người lương thiện của nhân vật Chí Phèo. “Tôi muốn làm người lương thiện… Ai cho tôi lương thiện? Làm thế nào cho mất những vết mảnh chai trên mặt này? Tôi không thể là người lương thiện nữa…” những lời nói cuối cùng đã biểu lộ khát vọng của Chí Phèo. Chí khát vọng một điều mà thuở ban đầu Chí đã từng có, đó là sự lương thiện.

Nhìn về đời sống đức tin của mình, không ít lần, chúng ta, những người Kitô hữu, do bởi tội lỗi, cũng đã đánh mất đi một điều tốt đẹp thuở ban đầu mang tên “sự thánh thiện”. Sự thánh thiện mà chúng ta có được nhờ thông phần bản tính với Thiên Chúa.

“Tôi muốn làm người lương thiện”

Hai chữ “lương thiện” bỗng trở thành khát vọng của nhân vật Chí sau bao ngày vật vã với ma men và những lời chửi bới, lần đầu tiên mà mong muốn của Chí Phèo không phải là đôi đồng bạc lẻ của Bá Kiến hay vài cút rượu nhưng là một mong muốn có tính trừu tượng, “sự lương thiện”. Sự lương thiện ấy không phải là một điều gì đó mới mẻ với Chí, bởi lẽ, trong quá khứ, Chí đã từng là một nông dân lương thiện. Nhưng giờ đây, cuộc sống của Chí bị bủa vây bởi những lừa lọc, gian xảo; những lời chửi bới suốt ngày hay những trò rạch mặt ăn vạ. “Tôi muốn làm người lương thiện”, hơn ai hết, trong khoảnh khắc lời này được thốt lên, Chí cảm thấy mình đã đánh mất đi sự lương thiện ban đầu, điều mà trước đây Chí đã từng có!

Còn với chúng ta thì sao? Có chăng chúng ta cũng đang đánh mất đi một điều tốt đẹp thuở ban đầu mang tên là “sự thánh thiện”? Sự thánh thiện mà chúng ta có được nhờ thông phần bản tính với Thiên Chúa. Theo mạc khải Kitô giáo, con người được dựng nên theo “hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27) và “được thông phần bản tính của Thiên Chúa” (2Pr 1,4), một vị Thiên Chúa mà bản chất là thánh thiện (x. Lv 19,2), “các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Ta là Đấng Thánh” (Lv 20,26). Thế nhưng, tội lỗi xen ngang và làm con người dần đánh mất chính mình, đánh mất những điều tốt đẹp thuở ban đầu. Tội lỗi làm cho chúng ta “không còn sự thánh thiện và sự công chính nguyên thuỷ, bản tính nhân loại bị thương tật trong các sức lực tự nhiên của riêng mình, chịu sự u mê, phải chịu đau khổ và bị sự chết thống trị và hướng chiều về tội lỗi” (SGLHTGC 405). Tội lỗi làm hoen mờ đi sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã thông ban cho chúng ta. Không những vậy, tội lỗi còn khiến con người đánh mất đi “cảm thức về sự thánh thiện”, khiến chúng ta mãi ngủ quên trong tội lỗi.

Thế nhưng, dù trong tình trạng nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải xác tín rằng “hình ảnh Thiên Chúa” không bao giờ mất được. Hơn thế nữa, bản chất của chúng ta là thánh thiện. Và chính điều đó thôi thúc chúng ta sống thánh thiện như một hành trình trở về với Đấng là nguồn cội của mình. Thật vậy, kể từ sau khi ông bà nguyên tổ sa ngã, con người bị đuổi khỏi vườn địa đàng, khát vọng “trở về” vẫn luôn khắc ghi trong tâm khảm con người. Con người vẫn khắc khoải được trở về hưởng kiến hạnh phúc với Thiên Chúa, trở về với sự thánh thiện thuở ban đầu. Con người khát vọng Thiên Chúa và đó là động lực thúc đẩy một hành trình hoán cải, khởi đầu với lời xác quyết: “Tôi muốn sống thánh thiện”.

Ai cho tôi lương thiện?

Photo: baikiemtra.com

Đang sống trong những tháng ngày đen tối, Chí chợt khát vọng được làm một con người lương thiện. Bởi đâu khát vọng ấy được thắp lên trong một cuộc đời đã rơi xuống đáy cùng của xã hội, một cuộc đời bị mắc kẹt trong những u sầu, những oan ức tức tưởi và cả trong những ánh nhìn khinh miệt, hãi sợ đến từ những người xung quanh. Nhưng, chính cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã là một sự thôi thúc, cảm hóa con người Chí. Sự xuất hiện của Thị cùng với tình yêu đã thắp lên khát vọng hoàn lương nơi Chí. Cuộc gặp gỡ Thị Nở như một điểm sáng trong cuộc đời u ám của Chí Phèo và đã mở đường cho một cuộc chuyển mình của Chí, đưa Chí trở về khát vọng hoàn lương.

Trong hành trình của mình, chúng ta lắm khi cũng mắc kẹt trong tội lỗi của mình. Chúng ta không chỉ mắc kẹt trong những đam mê mà còn trong chính mặc cảm tội lỗi vì đời sống bất hảo của mình như câu chuyện về ông bà nguyên tổ được trình bày trong những chương đầu sách Sáng Thế. Quả thật, chúng ta bị kéo và nhấn chìm trong màn đêm ấy. Và thật chẳng dễ dàng để chúng ta có thể vực dậy. Thế nên, giả như trong chúng ta, lòng khao khát sự thánh thiện được thắp lên nhưng liệu ngọn lửa ấy có đủ sức chiếu sáng cả một vùng tối trong tâm hồn chúng ta hay chăng?

Thế nên, hơn lúc nào hết, chúng ta cần một cuộc gặp gỡ với  Đức Giêsu, Đấng được sai đến để “giải thoát cho những kẻ bị giam cầm” (x. Lc 4,18). Chính Ngài đã đến trong kiếp nhân sinh để gặp gỡ và phục hồi lại vẻ đẹp cao cả của chúng ta. Chính vị Thiên Chúa ấy đã đụng chạm đến những tội nhân, đã tha thứ hết mọi lỗi lầm và chữa lành những thương tích do tội gây nên. Chính Đấng ấy đã nói với chúng ta về bản chất của mình và nhắc nhở điều mà chúng ta đã quên lãng: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Đức Thánh Cha Phanxicô trong một lần tiếp kiến chung đã nói: “Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước. Ngài đến gặp gỡ mọi con người thuộc mọi thời đại và nơi chốn. Ngài đến viếng thăm chúng ta với lòng thương xót của Ngài và nâng chúng ta dậy khỏi bụi đất tội lỗi của chúng ta”.[1]  Quả vậy, chính Thiên Chúa sẽ ban lại cho chúng ta sự thánh thiện. Ngài muốn chúng ta hoán cải, từ bỏ con đường tội lỗi và nên thánh, nghĩa là trở về với bản chất thánh thiện thuở ban đầu. Chính Ngài sẽ vực chúng ta dậy, nếu chúng ta chạy đến với Ngài.

Làm thế nào cho mất những vết mảnh chai trên gương mặt này?

Đó là lời chất vấn sau khi Chí bùng lên ước muốn làm người lương thiện. Thế nhưng, những vết mảnh chai trên gương mặt đã cản trở Chí viết tiếp khát vọng hoàn lương của mình. “Những vết chai trên gương mặt” tượng tưng cho những vết mảnh chai in hằn trong tâm trí của Chí, đó là mặc cảm tội lỗi về quá khứ xấu xa. Chí đã không thể vượt qua được chính mình, đã không thể thắp sáng khát vọng của mình nhưng đúng hơn, bản thân Chí Phèo đã không tìm cách biến khát vọng thành hiện thực. Để rồi, sau sự rời đi của Thị Nở, Chí đã nói với Bá Kiến mà cũng là nói với chính mình một lời đầy cay đắng: “Tôi không thể là người lương thiện được nữa”. Khát vọng hoàn lương đã lụi tàn. Những vết mảnh chai đã thực sự hằn trên gương mặt anh và sẽ mãi còn in hằn ở đó!

Quả thật, tội lỗi cũng để lại những vết hằn trong tâm hồn chúng ta. Lắm lúc, chúng ta cũng giống như nhân vật Chí Phèo, không dám đối diện với những vết hằn ấy, vì chưng, nó trông “thật khó nhìn” và đã in vết thật đậm! Hơn thế nữa, chúng ta cũng tự hỏi làm sao có thể xoá đi những vết mảnh chai trong tâm hồn chúng ta, một tâm hồn đầy mong manh?

Trước hết, chúng ta hãy để Thiên Chúa đúng chạm đến những vết mảnh chai do tội lỗi gây nên trong tâm hồn chúng ta. “Sự dịu dàng là cách tốt nhất để chạm vào những gì mong manh trong chúng ta. Hãy nhìn cách các y tá chạm vào vết thương của các bệnh nhân: với sự dịu dàng, để không làm họ đau hơn. Và vì vậy Thiên Chúa chạm vào những vết thương của chúng ta với sự dịu dàng giống như vậy”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm: “Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải gặp gỡ Lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt là qua Bí tích Hoà giải, trong lời cầu nguyện cá nhân với Thiên Chúa, có được kinh nghiệm về sự thật và sự dịu dàng”.[2] Chính tình yêu của Thiên Chúa sẽ xoá bỏ mọi vết thương tội lỗi trong tâm hồn chúng ta như chính Ngài đã phán: “Dù tội các ngươi có đỏ như son, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1,18). Thiên Chúa, Đấng Chân Thật, đã mở lối như vậy, nhưng liệu chúng ta có dám để cho Ngài đụng chạm đến gương mặt đầy những “vết chai” của chúng ta hay chăng?

Không dừng lại ở đó, để hoàn toàn xoá bỏ những vết mảnh chai trong tâm hồn, Thiên Chúa mời gọi chúng ta từ bỏ tội lỗi như là gốc rễ. Đó là một hành trình hoán cải thật sự để tìm lại sự thánh thiện thuở ban đầu. Quả thật, sự thánh thiện của con người là “sự thánh thiện hoán cải”. Điều này có nghĩa là con người không chỉ là dừng lại ở khát vọng “tôi muốn sống thánh thiện” nhưng còn không ngừng hoán cải để trở về với chính mình và với ý định của Thiên Chúa, như thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Êphêxô đã nhấn mạnh: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4).

Hành trình hoán cải hướng đến con đường nên thánh. Hay nói cách khác, Thiên Chúa mời gọi chúng ta từ bỏ con đường tội lỗi và cố gắng nên thánh mỗi ngày. Công Đồng Vatican II nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thánh thiện khi minh định: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành” (Lumen Gentium, số 11). Tất cả mọi người được mời gọi không ngừng hoán cải để ngày càng trở nên thánh thiện hơn. Quả vậy, chúng ta hãy khao khát tìm về với Thiên Chúa là nguồn cội của sự thánh thiện và hãy để Ngài đụng chạm đến những yếu đuối của chúng ta. Chính Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta “trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4).

Tạm kết

Thiết nghĩ rằng trong hành trình đức tin, lắm lúc chúng ta đánh mất đi sự thánh thiện của mình vì tội lỗi. Đó cũng là những lúc mà tâm hồn chúng ta bị giam cầm trong đêm trường của tội lỗi. Và hẳn chúng ta đã chẳng dễ dàng thoát ra khỏi nó! Nhưng hạnh phúc thay, Đức Giêsu đã đến và đã chiếu soi tâm hồn chúng ta. Ngài đã biểu lộ cho chúng ta sự thánh thiện nhường bao của Thiên Chúa. Và Đấng ấy muốn kéo chúng ta lên khỏi vũng bùn của tội lỗi với lời mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Vậy, liệu rằng chúng ta có sẵn sàng sống với khát vọng thánh thiện, “tôi muốn sống thánh thiện” hay chúng ta sẽ chối từ sự hoán cải và tiếp tục sống trong bóng đêm tội lỗi như những gì mình đã từng, vì lẽ “tôi không thể làm người thánh thiện được nữa”!?

Chú thích:

[1] https://www.simonhoadalat.com/giaohoi/nam2016/Thang01/67Angelus31.htm

[2] http://dcctvn.org/duc-thanh-cha-phanxico-thien-chua-khong-so-toi-loi-cua-chung-ta/

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 6 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 6 TN)