CUỘC GẶP GỠ

0
438
Photo: Gerd Altmann from Pixabay

Tác giả: Philip

Dẫn nhập

Như Heidegger từng khẳng định, hiện hữu của con người là hiện-hữu-trong-thế-giới. Chúng ta hiện hữu với tha nhân, với thiên nhiên cùng muôn loài muôn vật trong đó. Thậm chí, nếu chúng ta ở nơi hoang đảo, chúng ta cũng không một mình trên thế giới hữu hình này bởi vì có một Đấng là Thiên Chúa luôn ở cùng ta. Ngài không để ta chơi vơi nhưng nắm tay để dẫn ta đi trên một con đường. Con đường ấy dẫn ta vào hạnh phúc. Con đường ấy là con đường Tình yêu.

Thiên Chúa – “người tình bẽn lẽn”

Nhiều người vẫn thường quen với hình ảnh một Thiên Chúa uy quyền và toàn năng. Ngài có vẻ xa cách và có cái gì đó “đáng sợ.” Nhiều người thắc mắc Thiên Chúa có khắc khoải không? Nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta nhận thấy vì yêu mà Thiên Chúa dựng nên con người và cũng vì yêu mà Ngôi Hai Thiên Chúa chịu chết cho tội lỗi của con người. Nỗi khắc khoải của Ngài là làm sao cho con người hạnh phúc và đạt được hạnh phúc vĩnh cửu trên quê Trời. Bởi vì tình yêu là căn tính của Ngài “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 16). Ngài không thể phủ nhận nó bởi như thế là Ngài cũng chối bỏ chính mình. Do đó, tình yêu đã trói buộc Ngài vào mối tương quan với con người vì hình ảnh của Thiên Chúa cư ngụ trong bản chất của con người. Tuy nhiên, với bản tính hữu hạn của mình, con người hay trật khỏi đường ray của Thiên Chúa. Con người thường lạc lối và rơi vào cạm bẫy của thế gian mà quên đi cùng đích tối hậu của đời mình – Thiên Chúa. Con người yêu mình hơn là yêu Chúa, yêu cái ích kỷ của mình hơn là yêu cái hình ảnh của Thiên Chúa nơi tha nhân và thế giới. Thế nhưng, dù cho con người có đánh mất vẻ giống như Thiên Chúa vì phạm tội, con người vẫn còn mang hình ảnh của Đấng Tạo Hóa, con người vẫn duy trì sự khát khao Thiên Chúa, Đấng đã làm cho mình hiện hữu.[1]

Vì vậy, Thiên Chúa như “người tình bẽn lẽn,” luôn đi bước trước để đặt những “món quà” như là dấu vết cho con người lần bước theo Ngài. Có lẽ con tim Ngài cũng rộn ràng và bồi hồi rằng mình cũng có những mong chờ khi nghĩ xem con người có nhận ra được dấu chỉ của tình yêu mình hay không? Ngài trằn trọc để tìm xem cách nào dẫn dắt con người đến với tình yêu và sự thật vì Ngài biết con người không đủ sức để ôm hết cả thực tại siêu việt về tình yêu Thiên Chúa chỉ trong một lần. Cho nên, những “món quà” được đặt để cách khéo léo nhằm giúp con người từ từ khai mở ra với Chúa. Chắc Thiên Chúa sẽ vui mừng khi một ai đó bắt đầu nhận ra sự hiện diện của “người cho quà” mỗi khi nhận được món quà bí nhiệm. Có lẽ khoảnh khắc con người rung động trước những bồi hồi của Thiên Chúa khi chọn và sắp xếp những “món quà” là khởi điểm cho cuộc gặp gỡ giữa “người cho quà” và “người nhận quà.”

Con người – “kẻ khắc khoải đi tìm”

Nếu chỉ mình Thiên Chúa luôn đi phía sau để dẫn dắt mà con người không ý thức để đáp trả lại, chắc chắn cuộc gặp gỡ cũng chẳng thành. May thay, không ai mà không khắc khoải đi tìm Đấng Siêu Việt. Con người không bao giờ hết khắc khoải vì khát vọng đạt siêu-việt-tính đến từ bản tính thần linh được Thiên Chúa phú bẩm mà con người nhìn ra được cái-chóng-qua và cái-vĩnh-cửu như ĐGH Biển Đức XVI từng nói: “Con người mang trong mình một khát vọng vô biên, một khát vọng về sự vĩnh cửu, một sự tìm kiếm vẻ đẹp, một khát vọng yêu thương, một nhu cầu về ánh sáng và sự thật, đẩy họ tới với Đấng Tuyệt Đối.”[2] Hết khắc khoải cũng là lúc con người chấm dứt hiện hữu của mình với tư cách một hữu thể nhân linh. Chính vì vậy mà con người hối hả đi tìm bình an nơi tiền tài, địa vị và danh vọng. Hối hả là vậy nhưng mãi đi tìm nơi những thứ vật chất chóng qua, con người chợt nhận ra mình không thể lấp đầy hố sâu của những khắc khoải chỉ bằng những thứ đó. Thế rồi con người thấy mình còn khao khát một điều gì đó thiêng liêng và cao quý hơn những thực tại trần gian này như thánh Augustine từng thốt lên: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa.”

Bởi vậy, đường-về-thượng-trí của con người sẽ chỉ thành toàn khi chúng ta đạt được niềm vui trong Chúa như thánh Augustine. Hành trình này đòi hỏi con người mở ra, tức là đáp lại tiếng mời gọi của Thiên Chúa để đi vào tương quan với Ngài qua cõi thinh lặng nội tâm, qua tương quan với thế giới tạo vật và tương quan với người khác. Nơi những tương quan này, con người dần khám phá ra những món quà mà “người tình bẽn lẽn” đặt để để hướng lòng chúng ta đến với Ngài. Thế nhưng, con người cần dẹp bỏ những công thức, những nguyên tắc đã học được để làm “mềm” chính mình, để cho con tim mình đập những nhịp đập của tình yêu tự do. Khi con tim chúng ta bắt đầu cảm được nhịp đập của tình yêu Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ gặp gỡ chính chúng ta nơi bản chân của mỗi người, nơi cuộc gặp gỡ cá vị nhưng cũng rất linh thiêng. Lúc đó, không lời nào có thể diễn tả đủ những tâm tình hân hoan và vô cùng vui sướng này. Vì lời quá nhiều và quá trào tràn nên con người chỉ còn biết ở lại trong cõi thinh lặng để nghe Thiên Chúa nói cũng như chấp nhận “bóng tối” của hữu-hạn-tính của mình, qua đó chính Thiên Chúa sẽ chiếu sáng và làm bừng lên niềm hy vọng cho “kẻ khắc khoải” đi tìm Đấng Siêu Việt. Lúc đó, con người được “chiêm ngưỡng” thánh nhan Thiên Chúa trong huyền nhiệm của mối tương quan thần linh mà dường như bất khả đạt thấu đối với họ.

Cuộc gặp gỡ trong Linh đạo Chúa Ba Ngôi (Linh đạo của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời – SVD)

Vậy đâu là nền tảng cho cuộc gặp gỡ giữa “người tình bẽn lẽn” và “kẻ khắc khoải đi tìm”? Câu trả lời chắc chắn chính là nơi Thiên Chúa, nơi bản tính tình yêu của Ngài. Nếu Thiên Chúa không có sáng kiến tình yêu thì con người không thể cảm và hiểu nó được. Nơi tình yêu, Thiên Chúa lột tả hết căn tính của mình, cùng với những khắc khoải và những bồi hồi của một con tim đang yêu. Thiên Chúa tuy ba ngôi vị nhưng vẫn chỉ là một Thiên Chúa.

Sự hiệp nhất của ba ngôi đến từ sự “bằng nhau, không ngôi nào lớn hơn, hằng có đời đời, trọn tốt trọn lành vô cùng” và có “cùng một tính một phép”. Nghĩa là ba ngôi giống nhau như đúc – nên là một. Tuy vậy, Cha là Cha, Con là Con và Thần Khí là Thần Khí. Phân biệt rõ ràng, khiến không ngôi nào giống ngôi nào cả. Vì nếu không khác nhau thì không thể là những ngôi vị độc nhất vô nhị, tự do và bình đẳng được. Nói với ngôn từ của công đồng Chalcedon (451) như sau: các ngôi vị “không lẫn lộn, không biến đổi, không phân chia.” Sự khác biệt, nét đặc thù của các ngôi vị không bị mất qua sự hiệp nhất với nhau, trái lại các đặc tính của mỗi bản tính vẫn nguyên vẹn trong cộng đồng Chúa Ba Ngôi.[3]

Ba Ngôi yêu thương nhau, trao hiến trọn vẹn cho nhau. Tình yêu hiệp nhất đó quá trào tràn đến nỗi Thiên Chúa mong muốn chia sẻ nó cho các tạo vật của mình, cách riêng nơi con người mỏng giòn và yếu đuối.

Chính vì thế, Thiên Chúa mời gọi bạn và tôi, cách riêng là các tu sĩ truyền giáo Ngôi Lời sống tinh thần hiệp nhất và yêu thương như Ba Ngôi như sau:

Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là việc công bố Lời Chúa. Chúng ta công bố tình yêu mà Chúa Cha dành cho con người, chúng ta công bố sức mạnh cứu độ, nhờ đó Chúa Giêsu Kitô giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết, đồng thời chúng ta công bố sự sống mới mà Chúa Thánh Thần ban cho mọi tín hữu. Chúng ta phải rao giảng như thế nào, để làm chiếu tỏa được vẻ đẹp huy hoàng của Tin Mừng trong lời nói của chúng ta. (Hiến Pháp SVD, 107)

Tất cả thành viên Ngôi Lời đều hiệp nhất trong Ngôi Lời, vì “cuộc sống của Ngài là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta” (Hiến Pháp SVD, Phần mở đầu). Dù đến từ quốc gia nào, vùng văn hóa hay sắc tộc nào, chúng ta đều có cùng một niềm tin vào Thiên Chúa, cùng một tình yêu kín múc từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi người đều là một nhân vị quý giá và độc đáo, là món quà mà “người tình bẽn lẽn” trao cho thế gian. Vì thế, chúng ta cần sống tinh thần “nhất tâm đa diện,” tôn trọng sự khác biệt, đón nhận tha nhân như họ là để mỗi cộng đoàn Kitô hữu, cách riêng những cộng đoàn Ngôi Lời là phản ánh chân thật của một cộng đoàn Thiên Chúa gồm những Ngôi Vị khác biệt nhau.

Kết

Tagore đã từng nói: “Hãy tin vào tình yêu, cho dù nó mang đến cho bạn nỗi buồn, hãy tin vào tình yêu.” Tình yêu không phải lúc nào cũng màu hồng, nó còn là màu đỏ của những hy sinh, màu xanh của những lý tưởng cao đẹp và màu tím của những thử thách khó khăn. Thế nhưng, điều quan trọng mà tình yêu đòi hỏi đó là sự chung thủy và bền chí đến cùng. Thiên Chúa luôn nhẫn nại trước những hờ hững và dễ thay đổi của con người. Ngài vẫn dõi theo và khéo léo dẫn con người đến với tình yêu thực sự. Đáp lại, con người cần ý thức mình cũng là tình yêu, nhưng là tình yêu hữu hạn. Nếu ta không gắn vào Chúa, tình yêu của ta sẽ nên khô khan và ích kỷ. Qua đó, chúng ta biết đời chúng ta là món quà Thiên Chúa ban, và chúng ta làm cho đời mình thành món quà dâng lại cho Thiên Chúa qua việc góp chút tình yêu hèn mọn để làm cho gia đình, cộng đoàn, nơi chúng ta sinh sống và cả thế giới này là nơi cho tình yêu ngự trị.

Chú thích:

[1] ĐGH Biển Đức XVI, Cầu nguyện, Giuse Phan Văn Phi, Ocist dịch, (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2019), 30.

[2] Ibid., 33

[3] Lm Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD, “Sống mầu nhiệm CHÚA BA NGÔI,” Dòng Ngôi Lơi, Sống mầu nhiệm CHÚA BA NGÔI – Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam (ngoiloivn.net) (truy cập ngày 05 tháng 04 năm 2022).

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 6 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 6 TN)