LỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 6 TN)

0
244

 

Tin mừng: Mc 9, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế.

Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.

Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”.

Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ.

Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.

Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.

Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

Và các ông hỏi Người: “Tại sao các biệt phái và luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?”

Người đáp: “Êlia phải đến trước để sửa lại mọi sự, và như có lời chép về Con Người rằng ‘Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ’.

Vậy Thầy bảo cho các con hay: Êlia đã đến rồi và chúng xử với người mặc ý chúng, như đã chép về người”.

SUY NIỆM

 

BIẾN ĐỔI (Philipphê Trương Hoàng Trung Nguyên, SVD)

Thế giới chúng ta sống vẫn không ngừng biến đổi từng ngày để trở nên tốt đẹp hơn. Cũng vậy, trên hành trình hướng về Nước Trời, chúng ta cũng phải trải qua quá trình biến đổi thiêng liêng đầy gian nan và thử thách.

Hôm nay, thánh Máccô thuật lại biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi trước sự chứng kiến của ba môn đệ thân tín. Đây là dấu chỉ báo trước vinh quang của Chúa sau khi Người chịu khổ hình và chịu chết. Trước khi đạt đến vinh quang mà Chúa Cha hứa ban, Ngài phải bước qua thập giá. Như vậy, việc Chúa biến đổi hình dạng không chỉ dừng lại tại biến cố hiển dung trên núi Tabor mà đỉnh cao của nó còn là việc Chúa biến đổi thân xác phàm nhân của mình nên thân xác vinh hiển trong biến cố Phục Sinh. Nơi đây, Chúa đi từ “cõi chết đến cõi sống.” Việc biến hình của Chúa đem đến việc biến đổi nơi những người khác. Các môn đệ lúc này tuy chưa được biến đổi tận căn nhưng dần được mạc khải để hiểu và biết tin tưởng vào Chúa hơn. Sau biến cố Phục Sinh, dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, các ông sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để làm chứng và loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho muôn dân.

Xã hội ngày nay lôi kéo con người vào lối sống hưởng thụ, chỉ biết lo cho thân xác của mình mà quên đi những nghĩa vụ đạo đức hay thiêng liêng. Chỉ với nỗ lực của bản thân, chúng ta khó lòng đạt được sự biến đổi tận căn bởi vì bản tính hữu hạn và yếu đuối của chúng ta. Do đó, chúng ta xin Chúa biến đổi không chỉ thân xác yếu hèn mà còn cả linh hồn chúng ta. Qua đó, chúng ta can đảm bước theo Chúa trên con đường thập giá, con đường đầy gian nan và thử thách nhưng cũng là con đường của sự sống.

Lạy Chúa, việc đi từ “cõi chết đến cõi sống” đòi hỏi nơi chúng con nhiều nỗ lực và từ bỏ, trong đó có cả thân xác hay chết của chúng con. Xin cho chúng con biết can đảm và kiên vững theo Chúa đến cùng. Amen.

 


 

GẶP GỠ VÀ BIẾN ĐỔI (Tu sĩ Giuse Trương Văn Thức, SVD)

Bài Tin mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu dẫn các môn đệ lên núi và Chúa biến hình trên đó.

Trong Cựu Ước, núi cao được hiểu là nơi Chúa ngự. Lên núi cao có nghĩa là đến gặp Chúa, là bỏ lại sau lưng những phiền toái trần tục, để dành hết tâm tư, thời giờ cho cuộc gặp gỡ với Người. Chính trong gặp gỡ thân mật, Chúa sẽ mặc khải cho ta biết nhiều điều về Chúa và về bản thân ta.

Trước hết, gặp gỡ Chúa cho ta hiểu biết về Người, đưa ta vào đời sống thâm sâu của Người. Đó là sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Tình yêu đó là nguồn mạch sự sống và là nguồn mạch hạnh phúc. Sự sống và hạnh phúc ấy đổ tràn vào tâm hồn những ai đến sống thân mật với Chúa. Thánh Phêrô là người cảm nhận rõ nét điều đó, đến độ muốn ở lại mãi trên núi, không muốn xuống núi nữa.

Thứ đến, sau khi được gặp gỡ Chúa, Người cho ta hiểu biết chương trình của Người. Chương trình của Chúa là kế hoạch của tình yêu. Tình yêu được minh chứng qua sự hy sinh quên mình, được thực hiện qua sự đau khổ và cái chết trên thập giá của Đức Giêsu.

Cuối cùng, gặp gỡ và sống thân mật với Chúa cho ta hiểu biết về bản thân mình. Thánh Agustinô đã từng nói “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Hiểu biết những sự thật về Chúa và về bản thân, ta sẽ có một cái nhìn khác về con người và thế giới. Ta sẽ nhìn mọi người bằng ánh mắt của Chúa, nhìn thấy tình yêu Chúa nơi mỗi người. Và nhìn thấy con đường mình phải đi là con đường thánh giá; con đường ngang qua đau khổ để đạt tới vinh quang.

Lạy Chúa, xin cho con được gặp gỡ Chúa mỗi ngày để cuộc đời con được biến đổi trở nên giống Chúa hơn. Amen.


 

DỰNG LỀU (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 6 TN)
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật VII Thường Niên, Năm A (Mt 5,38-48)