Sống mầu nhiệm CHÚA BA NGÔI

1
1686
Chiquitania - San Xavier

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là việc công bố Lời Chúa. Chúng ta công bố tình yêu mà Chúa Cha dành cho con người, chúng ta công bố sức mạnh cứu độ, nhờ đó Chúa Giêsu Kitô giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết, đồng thời chúng ta công bố sự sống mới mà Chúa Thánh Thần ban cho mọi tín hữu. Chúng ta phải rao giảng như thế nào, để làm chiếu tỏa được vẻ đẹp huy hoàng của Tin Mừng trong lời nói của chúng ta. (Hiến Pháp SVD [HP] 107)

Lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi là lễ chính của Dòng Ngôi Lời. Trong lễ này chúng ta mừng mầu nhiệm Ngôi Lời vĩnh cửu và Thánh Thần được sai đến. Ơn gọi thừa sai của chúng ta được lập bởi mầu nhiệm nguồn cội này. Chúng ta được sai đi công bố vinh quang và tình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, và như thế tạo điều kiện cho những người khác được tham dự vào cuộc sống tràn đầy của Thiên Chúa nhờ phép thanh tẩy. (HP 405)

Mầu nhiệm phải chạm đời tôi

Đọc xong các điều khoản này trong Hiến Pháp, chúng ta không còn ngạc nhiên khi trong Tu nghị vừa rồi có một kiến nghị đề nghị mừng Lễ Chúa Ba Ngôi cách long trọng và đồng bộ hơn trong các cộng đoàn. Chính chúng ta cũng tuyên xưng mầu nhiệm này một ngày không biết bao nhiêu lần, qua việc làm dấu thánh giá. Bên cạnh đó, niềm tin muốn giúp biến đổi đời người tin, để họ trở nên những con người hoàn hảo.

Nghĩa là bên cạnh việc học thuộc lòng giáo lý Chúa Ba Ngôi, lập lại công thức và mừng trang nghiêm long trọng mầu nhiệm được Giáo hội coi là “trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu,” (GLHTCG, số 234) thì Chúa Ba Ngôi còn là để sống, cụ thể tại đây hôm nay. Nếu không, các ngôn từ nghe tuyệt vời như: “tình yêu, sức mạnh cứu độ, vẻ đẹp huy hoàng, vinh quang, sức sống mới, và tình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi” như được nói trong Hiến Pháp SVD, chỉ là lí thuyết suông, chứ không là những thay đổi tích cực mà tôi trải nghiệm và cảm nhận cụ thể trong đời mình. Và tôi/chúng ta không trở nên muối men cho đời. Cũng vì xa với cuộc sống con người nên ngay cả nhà thần học lớn của thế kỷ trước, Cha Karl Rahner, S.J. (1904-1984), cũng đã có lần nghĩ: Nếu như tín điều Chúa Ba Ngôi biến mất từ niềm tin Kitô, thì cũng không có gì thay đổi trong đời sống các Kitô hữu cả.

Giống nhau, vì thế là một  

Sách Bổn đồng ấu dạy về Chúa Ba Ngôi như sau:

Hỏi:     Có mấy Đức Chúa Trời?

Thưa:   Có một Đức Chúa Trời mà thôi.

  1. Đức Chúa Trời có mấy ngôi?

T:    Có ba ngôi: Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là Con, Ngôi thứ ba là Thánh Thần.

H:  Ngôi thứ Nhất có phải là Đức Chúa Trời chăng?                        T:        Phải.

H:   Ngôi thứ Hai có phải là Đức Chúa Trời chăng?                          T:        Phải.

H:  Ngôi thứ Ba có phải là Đức Chúa Trời chăng?                             T:        Phải.

H:   Vậy thì ba Đức Chúa Trời sao?

T:    Không, vì Ba Ngôi cũng có một tính một phép, cho nên Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời mà thôi.

H:   Ba Ngôi, Ngôi nào lớn hơn?

T:    Ba Ngôi bằng nhau, không ngôi nào lớn hơn.

H:   Vì sao Ba Ngôi cũng bằng nhau?

T:    Vì Ba Ngôi cũng hằng có đời đời và cũng trọn tốt trọn lành vô cùng.

Đây là một công thức ngắn gọn xúc tích cho mầu nhiệm to lớn và quan trọng nhất, mà hầu hết chúng ta đây đã học thuộc lòng như vậy thời thơ ấu. Theo Bổn đồng ấu, sự hiệp nhất của ba ngôi đến từ sự “bằng nhau, không ngôi nào lớn hơn, hằng có đời đời, trọn tốt trọn lành vô cùng” và có “cùng một tính một phép”. Nghĩa là ba ngôi giống nhau như đúc – nên là một.

Văn hóa tập-thể nặng “Nho tính” của chúng ta cổ xúy cái giống nhau, cái “như mọi người” và “muôn lòng như một” trong giáo dục. Theo cách nhìn con người này, cá tính và sự khác biệt không được ưa chuộng và chấp nhận. Kết quả là sự hình thành những con người đồng đều như một đội quân: đồng nhất bên ngoài, trong cách suy nghĩ và hành động. Tất cả đều biết tuân phục đấng bề trên, suy nghĩ, ăn nói và ứng xử theo những khuôn phép được định đặt sẵn, và coi trọng chữ “hòa”.

Những con người được đúc từ một khuôn như vậy thì ngoan ngoãn dễ thương, không dám lên tiếng phê bình hay phàn nàn công khai. Họ biết sống hy sinh hoàn toàn cho người khác, cho dân tộc, cho Giáo hội, cho người nghèo, chứ không bao giờ làm điều gì mà nói rằng mình hay cho mình. Họ không bao giờ nói rằng: “Tôi hãnh diện về tôi hay về những gì tôi làm được!” Tất cả chỉ là lộc trời ơn vua, được ban cho chứ không được đòi hỏi; họ (phải) hài lòng với phần phúc của mình. Họ là những tu sĩ gương mẫu, giống nhau trong tu phục và trong cách kiềm chế sự bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài. Họ là một đám đông có cùng một tâm lý.

Tóm lại, họ là những con người được đào tạo ra để dễ cai trị, chỉ biết gọi dạ bảo vâng, không là những nhân vị (person) như trong lý tưởng Kitô giáo về con người. Ý thức về con người như là một cá nhân độc lập với nhân quyền và các quyền lợi của mình khó lòng phát triển trong một khung văn hóa như vậy.

Khác nhau, và dù vậy vẫn là một

Nếu tiếp cận mầu nhiệm ở tính cộng đồng của Ba Ngôi chúng ta nhận ra một chiều kích quan trọng ngược lại: đó là sự khác nhau của các ngôi vị (persons). Phần trên có tên là “Giống nhau, vì thế là một”, thì phần này được gọi là “Khác nhau, dù vậy vẫn là một”. Cần để ý chiều kích đối nghịch này, vì đây là một nửa sự thật không thể thiếu làm nên mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi – và như thế cũng là một phần của thực tế con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.

Cha là Cha, Con là Con và Thần Khí là Thần Khí. Phân biệt rõ ràng, khiến không ngôi nào giống ngôi nào cả. Vì nếu không khác nhau thì không thể là những ngôi vị độc nhất vô nhị, tự do và bình đẳng được. Nói với ngôn từ của công đồng Chalcedon (451) như sau: các ngôi vị “không lẫn lộn, không biến đổi, không phân chia.” Sự khác biệt, nét đặc thù của các ngôi vị không bị mất qua sự hiệp nhất với nhau, trái lại các đặc tính của mỗi bản tính vẫn nguyên vẹn trong cộng đồng Chúa Ba Ngôi.

Đây chính là nơi lý trí của chúng ta chạm ranh giới và nơi mầu nhiệm bắt đầu: Trao hết, cho trọn vẹn mà vẫn còn nguyên vẹn. Trở nên một với các ngôi khác mà vẫn là chính mình. Là Cha, là Con, là Thánh Thần mà vẫn là Một-Chúa. Khác nhau hoàn toàn mà vẫn giống nhau hoàn toàn, vẫn y như một. Đây là một xác ngôn nghe rất mâu thuẫn, không thể chối cãi và không thể che dấu.

Sống niềm tin Chúa Ba Ngôi trong bối cảnh chúng ta chính là ở đây: Học nhìn nhận và chấp nhận tích cực con người, tôi và người khác, như là nhân vị – tức là nhìn nhận và ủng hộ sự giống nhau và đồng thời sự khác biệt của mỗi con người. Nói như vậy có nghĩa là cá tính (cái riêng, cái khác) không bị nhìn tiêu cực, không bị chối che, không tìm cách xóa bỏ, đè nén hay tìm cách làm cho giống nhau theo lối “cắt gót cho vừa giày,” vì hiệp nhất như Chúa Ba Ngôi là kết nối sự đa dạng của những con người khác nhau trong một cộng đồng.

Như vậy, cần tập tành một lối suy lối nhìn khác với những gì truyền thống văn hóa tập thể dạy từ nhiều ngàn năm, và đây là ơn gọi và nhiệm vụ của một người theo Chúa Kitô. Học thay đổi cách nhìn về cá nhân trong tương quan với cộng đồng: cái khác biệt và cái giống nhau, cá tính và cộng đồng tính là hai thái cực thuộc về nhau như âm dương, chứ không loại trừ nhau. Thì cũng như yêu mình và yêu người vậy: yêu mình không có nghĩa là không yêu người; trái lại có yêu mình thì mới yêu người “như mình ta vậy” được!

Không suy nghĩ và đối xử theo khuôn trắng đen hoặc ta hoặc nó, mà cả ta cả nó, cả người nhà lẫn người dưng, cả ta lẫn địch (vì yêu kẻ thù!). Không còn ranh giới, vì tình yêu Thiên Chúa vô biên vô tận. Đây chính là điểm hấp dẫn và cơ bản nhất của Đạo Chúa, vì nói lên danh giá và quyền lợi của mỗi con người, khi hiểu như là nhân vị (person). Bởi vì cấu trúc bên trong Thiên Chúa như vậy, là Ba Ngôi.

Sự cần thiết của cái khác biệt

Sự khác biệt là một điều cần thiết, vì chính cái khác nhau, cái chênh lệch hay đối nghịch như âm dương, là điều kiện cho việc hình thành và trao đổi sự sống. Thực tế này chạm đến bản chất của “cái khác”; nghĩa là nhờ đó mới có sự bổ sung và làm phong phú cho nhau, cho việc sửa lỗi, chấn chỉnh nhau và cho sự thách đố nhau.

Cũng vậy: “Thân thể Đức Kitô không được hình thành từ một, mà là từ nhiều bộ phận khác nhau (x. 1 Côrintô 12). Bởi vì trong khi cái giống nhau làm chán ngán, và làm nhau dư thừa, thì cái khác nhau có thể phục vụ nhau và trong sự phục vụ này mà trở nên một trong Agape” (Ernst Käsemann).

Quan niệm giáo dục cào bằng, đào tạo như là đúc người hàng loạt, sản sinh ra những người suy nghĩ, ăn nói răm rắp giống nhau, dùng một thứ ngôn ngữ như khẩu hiệu. Không được dạy và không được phép nói với lời của riêng mình, nên lời nói của chúng ta không mang nhiều nét cá tính. Nói rập khuôn theo công thức và lập lại các khẩu hiệu được coi là văn hóa xưa nay. Điều không được nhận ra là sự nghèo nàn của ý tưởng, vốn chữ và của cách trình bày; kèm theo việc kém phát triển của khả năng tư duy.

Một hệ quả nghiêm trọng cho cách nhìn con người của văn hóa tập thể là như chúng ta vẫn nghe: Không có mợ thì chợ vẫn đông! Không có đứa này thì có đứa khác! Con người không là tạo vật độc nhất vô nhị, mà giống nhau (vì được đúc cùng một khuôn) nên thay thế được. Có thiếu đi một hay vài người thì cũng chẳng đáng kể. Coi thường sự sống, nhân phẩm và nhân quyền là hệ quả logic của nhân sinh quan này.

Trở nên muối men cho đời khi sống niềm tin Chúa Ba Ngôi trong bối cảnh chúng ta có nghĩa là: Cộng đoàn Kitô hữu phải là nơi tạo mọi điều kiện để mỗi người có thể trở nên là chính mình trong sự khác biệt độc nhất vô nhị và bình đẳng của mình; không vì sợ hãi mà phải chối mình và sống ba phải. Tạo không gian tin tưởng để con người có thể kinh nghiệm tự do – nhờ những con-người-chân-thật biết tôn trọng người khác như là những nhân vị. Phải là một cộng đồng tương phản (contrast society).

Đây chính là nhiệm vụ của một dòng tu, của giáo xứ, của Đạo Chúa. Đây là điểm nhấn chủ đạo của Tin Mừng cần được sống và loan truyền trong bối cảnh chúng ta. Nếu chúng ta cũng chỉ đúc thêm nên những robots dễ thương và dễ sai dễ bảo, thì Tin Mừng Đức Giêsu khó có thể là ánh sáng chỉ lối phát triển nhân tính nhân cách trong lúc giao thời này (hoàn cầu hóa). Hỏi nơi nào ở đây con người có thể kinh nghiệm sự tôn trọng giá trị con người, nhân phẩm, như là một quyền bất khả xâm phạm, vì đều là “con yêu dấu” (Mc 1,11), được tác tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa và được chuộc bằng máu của Đức Giêsu?

Và ngược lại: khi trợ giúp người khác, tạo điều kiện để họ có thể sống như họ là, là chính họ, thì tôi/chúng ta cũng trở nên những con người như tôi/chúng ta nên là: chân thật và đầy yêu thương trong sự khác biệt của mình. Cộng đồng Kitô hữu phải là một vườn hoa muôn màu, đa diện nhất tâm như một cộng đồng Thiên Chúa gồm những Ngôi Vị khác biệt nhau.

 

 

Bài trướcGAMESHOW SVD
Bài tiếp theoÁI TÍN: Ông Cố Phaolô Nguyễn Ngọc Liên, Thân Phụ Của Cha Raphael Nguyễn Ngọc Long, SVD

1 BÌNH LUẬN

  1. Kính gửi Cha,
    Cám ơn Cha về những chia sẻ thẳng thắn và chân thành. Đây cũng là thông điệp có thể nói đã thể hiện được sự khác biệt, dám đề cập và dám nói đến. Bản thân con cũng có những cảm nhận và kinh nghiệm ít nhiều về vấn đề này. Để có thể sống được sự khác biệt của mình trong một tập thể, người đó cần phải thực sự can đảm và sẵn sàng chấp nhận những dị nghị và cả những chỉ trích của người khác. Nhiều lúc con cảm nhận được sự đơn độc bởi dám sống thật với cá tính của mình. Con ước mong ngày càng có nhiều người dám sống thật với chính mình, với sự khác biệt của mình giữa tha nhân để mang lại sự phong phú và đa dạng về màu sắc trong thế giới Thiên tạo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.