Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ

0
139
✍️ Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường 
____Học Viện Ngôi Lời

 

Mùa Vọng mời gọi người tín hữu hướng đến biến cố Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa. Chúng ta đợi chờ điều gì nơi cuộc hạ sinh của Hài Nhi Giêsu? Trong bối cảnh xã hội hôm nay, khi mà các “thần thánh giả”, “chúa giả” do con người dựng nên đang gây xáo trộn và làm nhiễu loạn tâm trí cũng như tâm hồn con người, việc chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, quả là điều cần thiết xiết bao. Mong ước được chiêm ngưỡng Thiên Chúa từ sâu thẳm cõi lòng thôi thúc con người tìm kiếm “dung mạo” của Ngài, dẫu điều đó chưa bao giờ là dễ dàng.

  1. Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ

Thánh Gioan đã phát biểu một cách mạnh mẽ nghịch lý này khi một đàng, chúng ta khắc khoải tìm kiếm Thiên Chúa nhưng đàng khác, Đấng mà chúng ta đang kiếm tìm lại “chưa có ai thấy bao giờ” (Ga 1,18). Trong các hoàn cảnh thông thường, trí tuệ con người với khả năng tưởng tượng và tổng hợp vẫn cung cấp cho chúng ta “dung mạo” về các sự vật. Tuy nhiên, khi luận bàn về Thiên Chúa, khó khăn lớn nhất mà chúng ta gặp phải là việc trí tưởng tượng, các ý niệm hay ngôn từ của con người không xác định được cũng chẳng thể nào nắm bắt được thực tại vô biên của Đấng Tối Cao. Vậy làm sao để biết được Đấng mà chúng ta đang bái thờ, tôn kính có phải là Thiên Chúa thật hay chăng?

Trong hoàn cảnh tưởng chừng như bế tắc này, trí tuệ con người cùng những khả năng Chúa ban vẫn có cách thế riêng để hoạ nên dung mạo của Thiên Chúa. Nhờ đó, con người không hoàn toàn “mù mờ” về dung mạo của Ngài. Tuy nhiên, đó có thật sự là dung mạo của một vị Thiên Chúa thật hay không lại là một câu chuyện khác. Không ít lần, con người vẽ nên những vị “thiên chúa giả” và nhầm lẫn đó là Thiên Chúa thật (“giả” ở đây không có nghĩa là giả dối, theo nghĩa là hàng giả, hàng nhái… nhưng “giả” ở đây theo triết học, là sự biểu hiện chưa đúng như hiện hữu trọn vẹn của hữu thể; hay nói cách khác, chúng ta hoạ nên những dung mạo khiếm khuyết và chưa trọn vẹn về Thiên Chúa). Những dung mạo Thiên Chúa theo lối đó giúp cho con người hình dung về Ngài nhưng cũng có không ít những nguy cơ nảy sinh.

  1. “Dung mạo” của Thiên Chúa dưới lăng kính của con người

Thiên Chúa do suy tưởng: Một Thiên Chúa do suy tưởng xem ra có lý của nó bởi lẽ sự giới hạn của ngôn ngữ loài người không thể bao trùm một thực tại siêu việt là Thiên Chúa, điều đó có nghĩa là con người không thể nói về Thiên Chúa bằng ngôn ngữ khẳng định. Đó là lý do mà các triết gia, thần học gia mời gọi chúng ta nói về Thiên Chúa bằng ngôn ngữ loại suy mà thôi: “Thiên Chúa như là…”. Lý trí chúng ta xem ra tiếp cận được với “dung mạo” của Thiên Chúa khi sử dụng lối nói này, “một Thiên Chúa do suy tưởng” được vẽ nên. Chúng ta bắt gặp một vị Thiên Chúa như thế này nơi những suy tư của các triết gia và các thần học gia. Các vị ấy đã vận dụng những mảnh ghép của tri thức trong nỗ lực suy tưởng để có thể “dựng ghép” một dung mạo của Thiên Chúa. Đó là một nỗ lực đáng ghi nhận và trân trọng. Tuy nhiên, một Thiên Chúa “trừu tượng” được phóng chiếu do những suy tưởng con người có nguy cơ dẫn đến một hình hài Thiên Chúa méo mó. Và lịch sử đã từng ghi nhận những suy tưởng sai lạc khi nỗ lực trình bày dung mạo của Thiên Chúa, thậm chí là dẫn tới những lạc giáo. Mẹ Giáo Hội đã không ngừng nhắc nhở con cái mình cẩn trọng khi suy tư về dung mạo của Thiên Chúa theo lối suy tưởng và nếu có suy tư theo lối này thì hãy nhớ rằng thực tại Thiên Chúa quan trọng và lớn lao hơn nhiều so với những suy tưởng.

Photo: Easy-Peasy.AI

Thiên Chúa của lòng đạo đức: Thuật ngữ này diễn tả ý niệm Đấng Tối Cao mà đa số chúng ta đã quen thuộc. Người là đối tượng của tình yêu, kinh nguyện, sự tôn thờ và việc phụng tự của chúng ta. Đó là Thiên Chúa mà chúng ta có thể tưởng tượng ra những hình ảnh của Người. Tuy biết đó chỉ là những hình ảnh do lòng đạo đức hoạ nên nhưng chúng ta cũng nhờ đó mà được hỗ trợ để hướng lòng về Thiên Chúa, sinh động hoá đức tin và xây dựng nền phụng tự. Đó là Thiên Chúa mà chúng ta có thể yêu mến, lúc nào chúng ta cũng cảm nghiệm được Người cạnh bên. Đó là một người Cha giàu lòng thương xót, một Đấng đã đến nâng con người lên, Đấng tràn đầy tình yêu và lòng bao dung tha thứ… Dung mạo của một vị Thiên Chúa đã nuôi dưỡng tâm hồn người tín hữu qua biết bao thế hệ. Tuy nhiên, một vị Thiên Chúa của lòng đạo đức cũng có những nguy cơ nhất định. Việc xem Thiên Chúa là một người cha thì sớm muộn gì Người cũng bị biến thành một người cha khắt khe. Người cha ấy kiểm soát mọi sự, nghiêm khắc với tất cả con cái và áp đặt các “luật lệ” trên con cái để đe doạ, trừng phạt và bắt chúng ta phải quy phục trong sợ hãi. Thế mà, đó lại không phải là điều Thiên Chúa đang làm. Đó là hình ảnh một Thiên Chúa bất an do những con người bất an tạo ra…[1]

Vậy, đâu là dung mạo thật của Thiên Chúa mà chúng ta phải tôn thờ, một vị Thiên Chúa mà chưa ai thấy bao giờ?

  1. Hướng về hang Bêlem để thấy một vị Thiên Chúa thật

“Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả, nhưng Con Một, vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18 ). Hài nhi Giêsu mà chúng ta đang mong đợi cuộc hạ sinh của Ngài chính là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật và điều này đã được Công Đồng Calcêđônia năm 451 tuyên tín cách mạnh mẽ (GLHTCG số 470). Đây là một mầu nhiệm khôn dò và tạo âm hưởng vô cùng lớn lao, nhất là khi chúng ta chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu trong ánh sáng của mầu nhiệm này. Đó là nền tảng để chúng ta suy tư về dung mạo của Thiên Chúa.

Chiêm ngưỡng dung mạo của Đức Giêsu là chiêm ngưỡng dung mạo của một vị Thiên Chúa thật: “Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay nhân loại, suy nghĩ bằng trí óc nhân loại, hành động theo ý chí nhân loại, yêu mến bằng quả tim nhân loại. Sinh làm con Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (GLHTCG số 470). Thiên Chúa Cha là Đấng không ai thấy bao giờ, không ai đụng chạm được. Nhưng nơi Đức Giêsu bằng xương bằng thịt, chúng ta được chiêm ngưỡng dung mạo của một vị Thiên Chúa gần gũi với kiếp nhân sinh. Điều đó khiến cuộc hạ sinh của Đức Giêsu thật đáng được đợi chờ. Bởi, từ nay, con người được chiêm ngưỡng một điều mà từ thuở tạo thiên lập địa cho đến biến cố Bêlem vẫn còn là một mầu nhiệm “chẳng ai thấy bao giờ”.

Photo: Reddit.com
  1. Dung mạo của Đức Giêsu

Việc đi tìm dung mạo của một Đức Giêsu với những nét bề ngoài như khuôn mặt, vóc dáng… gặp phải những khó khăn nhất định. Sự thật là từ thế kỷ XX trở đi, phong trào của các nhà khảo cổ với nỗ lực để phục dựng lại khuôn mặt thật của Đức Giêsu dựa vào những đặc trưng theo nhân chủng học đã được nở rộ. Chúng ta có thể kể đến nhà nghiên cứu Richard Neave, một chuyên gia về giải phẫu học và nhân chủng học người Anh, người đã thực hiện một dự án gây một tiếng vang lớn trong thế kỷ XXI khi ông nỗ lực dựng lại khuôn mặt của Đức Giêsu và đã được giới nghiên cứu tán dương.[2] Dù vậy, một điều chắc chắn là việc phục dựng khuôn mặt của một nhân vật cách đây hơn 2000 năm một cách chính xác 100% là điều không thể, bất chấp những tiến bộ lớn về khoa học công nghệ. Ngay cả các bức tranh và hình vẽ về Đức Giêsu trong các hầm mộ của các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên cũng không cung cấp cho chúng ta hình ảnh chi tiết về dung mạo Đức Giêsu, dẫu những bức tranh đó được thực hiện dựa trên lời kể của những nhân chứng cùng thời với Đức Giêsu. Điều đó cho thấy rằng một nỗ lực đi tìm dung mạo bề ngoài của Đức Giêsu lịch sử là điều bất khả thi và không phải là mối bận tâm lớn cho bằng việc khám phá dung mạo “hiền lành và khiêm nhường” của Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa.

Một điều chắc chắn về dung mạo của Đức Giêsu đó là dung mạo của Thiên Chúa thật. Một khẳng định xem ra làm gia tăng mức độ mơ hồ. Nhưng không, đây là dung mạo đích thực của Đức Giêsu và không có sự giản lược nào nhằm làm dễ hiểu dung mạo này. Bất kỳ sự giản lược hay trừu tượng hoá nào cũng có nguy cơ làm sai lệch. Một nguồn đáng tin cậy đối với chúng ta khi bàn về Đức Giêsu là các sách Tin Mừng. Nguồn tư liệu này cũng không tập trung mô tả chi tiết về vẻ bề ngoài của Đức Giêsu cho bằng việc tập trung vào những lời nói và hành động của Người. Điều này xem ra là hợp lý, bởi lẽ, mối quan tâm chính của các sách Tin Mừng là việc nhấn mạnh đến giáo huấn và sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu. Dung mạo của một vị Thiên Chúa thật được biểu lộ qua lời nói, giáo huấn và việc làm của Người được các tác giả Tin Mừng ghi lại. Đó là những chi tiết quan trọng để giúp hình dung về dung mạo của Đức Giêsu.

Nơi các sách Tin Mừng, sự thiếu vắng những mô tả chi tiết về ngoại hình của Đức Giêsu lại trở thành điểm nhấn làm nổi bật điểm cốt lõi trong bức chân dung về Đức Giêsu là lòng trắc ẩn, sự khiêm nhường, đặc biệt là sứ điệp và hành động của Ngài, thay vì các đặc điểm ngoại hình. Qua lời nói, giáo huấn và việc làm của Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra dung mạo của một vị Thiên Chúa khiêm nhường và giàu lòng xót thương: Đức Giêsu không chỉ dạy các giá trị đạo đức mà còn sống những giá trị đó; Đức Giêsu đã không bao giờ tìm cách tôn vinh bản thân, trái lại, Ngài luôn hướng về Thiên Chúa và phục vụ con người. Chúng ta cũng khám phá ra dung mạo của một vị Thiên Chúa yêu thương và tha thứ, Đấng đã dạy các môn đệ: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ thù” (Mt 5,44) và chính Ngài cũng đã sống tinh thần đó: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Dung mạo của một Đức Giêsu công chính và ngay thẳng, một Đấng đến để phục vụ cũng được nổi bật lên: “Vì Con Người đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ” (Mc 10,45).

Photo: Pixabay.com

Tóm lại

Chúng ta ghi nhận những nỗ lực của con người trong việc đi tìm Thiên Chúa và hoạ lại dung mạo của Người. Điều đó không gì khác hơn là nhằm giúp nhân loại gia tăng lòng yêu mến Thiên Chúa và không ngừng tôn vinh Ngài. Thiên Chúa của lòng đạo đức hay Thiên Chúa do suy tưởng là những minh chứng sống động cho luận đề trên. Thiên Chúa đã không để con người bước đi trong mù tối nhưng đã mặc khải cho chúng ta chính dung mạo đích thực của Người ngang qua Đức Giêsu, Con Một yêu dấu của Người, Đấng là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ nay đã được tỏ lộ ra cho nhân loại chúng ta. Nhờ đó, chúng ta hân hoan đợi chờ biến cố Giáng Sinh. Nhờ cuộc Giáng Sinh của Hài Nhi Giêsu, chúng ta được chiêm ngưỡng dung mạo của Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương chúng ta và cũng là Đấng chúng ta luôn khắc khoải kiếm tìm. Trong tâm tình đó, người tín hữu được mời gọi sống trọn tâm tình Mùa Vọng. Niềm khát khao được chiêm ngưỡng “dung mạo” của Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, thôi thúc chúng ta khẩn nài cùng Chúa: “Maranatha! Lạy Chúa, xin hãy ngự đến”.

Chú thích

[1] Carlos G. Valles, S.J,  Tĩnh tâm với cha Anthony de Mello, Nguyên tác: Mastering Sadhana Anthony de Mello, Dg: Matthias M. Ngọc Đính, CMC, (Lưu hành nội bộ, 2004), tr.125.

[2] https://www.letemps.ch/societe/quoi-ressemblait-vraiment-jesus-un-homme-aux-traits-grossiers-selon-bbc?srsltid=AfmBOoodWDkkefck7KLJ8u5ZAaj9BOFzsnXI7bFVvSqBlYdes6_GCnVS

Bài trướcLỜI SỐNG (03/12, Tuần 1 MV, Thánh Phanxicô Xavie, Lễ kính)
Bài tiếp theoCHƯƠNG II: MẦU NHIỆM CỦA MÙA VỌNG