Tản mạn về lòng thương xót

0
426

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Đó chính là lời Thánh vịnh 136, diễn tả tấm lòng biết ơn của con người khi cảm nhận được lòng nhân từ và tình thương của Thiên Chúa đối với mình. Lòng thương xót của Thiên Chúa trải qua muôn ngàn thế hệ, từ đời nọ tới đời kia. Qua bao nhiêu khó khăn thử thách, nhiều lần dân của Chúa đã cứng đầu cứng cổ chạy theo thần ngoại, phản bội lại tình yêu của Ngài, nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi; Ngài vẫn mở rộng con tim, dang rộng vòng tay để đón nhận dân trở về.

Đặc biệt trong năm nay, Giáo Hội dành riêng một năm để chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa. Mỗi chúng ta bước vào Năm Thánh Lòng Thương Xót với lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông sắc Misericodiae Vultus (Dung Nhan Thương Xót) rằng các tín hữu hãy biết chiêm ngắm Dung Nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, để qua đó, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu, lòng Chúa xót thương đối với bản thân mỗi người. Để từ đó, mỗi người được thúc đẩy trở nên dấu chỉ cụ thể của Lòng Thương Xót trong cuộc sống hằng ngày.

Trong thư thứ nhất, thánh Gioan đã viết: Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8.16). Nhờ tình yêu và chỉ có tình yêu và lòng thương xót của Chúa Cha dành cho nhân loại mới có thể đưa chúng ta thoát khỏi sự bó buộc của tội lỗi, giúp giải thoát chúng ta khỏi những đau khổ của cuộc sống, để qua đó, ta có thể biết xót thương người anh em mình. Thánh Luca cũng khẳng định rằng: Hãy thương xót như Cha các con là Đấng đầy lòng thương xót (Lc 6,36). Đó cũng chính là điều mà Chúa Giêsu muốn nói với mỗi người: phải biết thương xót và nâng đỡ những người anh em đang sống chung quanh ta. Sống thương xót như Chúa Cha là một đòi hỏi triệt để, đòi buộc nhiều nỗ lực nhưng cũng đem lại niềm vui và an bình trong tâm hồn của mỗi người. Khi chúng ta cố gắng thực hiện những điều Chúa Giêsu truyền dạy thì đó cũng là cách thức để chúng ta có thể chiêm ngưỡng lòng thương xót Chúa và biến lòng thương xót ấy thành nếp sống riêng cho bản thân.

Lòng thương xót không phải là một ý niệm trừu tượng mà là một khuôn mặt sống động để bản thân ta có thể nhận biết, chiêm ngưỡng và tôn thờ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả điểm sáng của lòng thương xót được tỏ hiện nơi Dung Nhan của Chúa Kitô. Khi chúng ta có cơ hội ngắm nhìn Chúa Giêsu và Dung Mạo Lòng Thương Xót của Người, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Bởi chính Chúa Giêsu đã lãnh nhận sứ vụ mặc khải từ Thiên Chúa Cha.

Chính Thánh Kinh đã hé mở cho chúng ta thấy không gì có thể so sánh với tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người. Điều này ta có thể thấy ngay từ buổi đầu của công cuộc tạo dựng, “lòng thương xót” đã là từ ngữ then chốt nói lên tác động của Thiên Chúa đối với nhân loại. Tình yêu đó đã trở nên hữu hình, để chúng ta không chỉ cảm nhận được mà còn có thể chạm đến. Bởi Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của tình yêu nhân loại, là nguồn mạch của sự xót thương, mặc cho con người thờ ơ, bất trung, bội phản đối với Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc, Ngài vẫn tiếp tục ban muôn ơn sủng dồi dào trên mỗi người. Đó là nguồn mạch ân sủng mà con người hãy biết chạy đến và múc lấy. Đó chính là sự sống đời đời mà Chúa Cha dành cho con người.

Dựa vào những Mạc Khải của Thánh Kinh, khởi đi từ những trang Cựu Ước, Đức Thánh Cha cho thấy Lòng Thương Xót được diễn tả bằng những hành vi cụ thể trong các Thánh vịnh 103, 145, 146, 147. Qua những từ diễn tả Lòng Xót Thương như kiên nhẫn, yêu mến, khoan hồng và tha thứ, cùng với điệp khúc Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương của Thánh vịnh 136, Lòng Thương Xót như là một cảm nhận đức tin cho mỗi người chúng ta. Đó là một lời tuyên tín sống động về tình yêu của Thiên Chúa. Thời Tân Ước, khuôn mặt Lòng Xót Thương được thể hiện qua tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa như thánh Gioan định nghĩa: Thiên Chúa là Tình Yêu.

Đặc biệt, Năm Thánh về Lòng Thương Xót Chúa này nhắc nhở tôi nhận thức hơn tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Không gì an ủi hơn bằng việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với con người qua hình ảnh người chăn chiên đã bỏ lại chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được thì vui mừng vác nó trên vai để đưa về. Lòng thương xót còn thể hiện cụ thể qua việc Chúa Giêsu chữa bệnh, trừ quỷ, cho ăn, cho kẻ chết sống lại, chọn các Tông đồ mà không nhắc đến quá khứ đen tối của họ, như Lêvi – người thu thuế. Lòng thương xót như người đàn bà tìm được đồng bạc bị đánh mất, như người cha ngày đêm khắc khoải chờ đợi đứa con đi hoang trở về… Chính vì thế, tôi phải luôn ý thức thân phận bất xứng của mình, là kẻ tội lỗi cần đến lòng thương xót của Chúa luôn, để được ơn Chúa tha thứ, và giải thoát; để tôi có thể nhận biết ơn gọi của mình là một hồng ân lớn lao, để luôn sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà theo Chúa.

Ước gì trong Năm Thánh này, giữa lòng Giáo Hội, Lời của Chúa vang lên mạnh mẽ như một thông điệp và dấu chỉ của sự tha thứ, sức mạnh, sự trợ giúp và tình yêu, giúp cho mỗi người nhìn lên thập giá để cảm nếm được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi để yêu thương, tha thứ và cảm thông hơn với những vấp ngã của người anh em mình. Để qua đó, ta có thể cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa. Chính điều này sẽ giúp ta mở rộng tấm lòng học hỏi Lòng Thương Xót nhiều hơn khi chiêm ngắm thập giá Chúa. Càng nhận ra tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta càng được mời gọi để tha thứ nhiều hơn. Càng tha thứ nhiều hơn, chúng ta càng dễ cảm nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa hơn.

Tu sĩ Gioan Đinh Quốc Tĩnh,SVD

 

Bài trướcAudio CHÚA NHẬT XX TN – C
Bài tiếp theoKinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 07.8.2016

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây