Được quy tụ để rồi… “tản mác”

0
366
Photo (sưu tầm)

Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời

Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày đặc biệt trong phụng vụ Giáo Hội, bởi lẽ, trong ngày này, trọng tâm và cao điểm của phụng vụ không phải là Thánh Thể, nhưng là thập giá; không phải là bí tích, nhưng là một biến cố. Ngày này, chúng ta không cử hành Thánh lễ, nhưng chỉ chiêm ngắm và thờ lạy Đấng chịu đóng đinh trên thập giá.[1] Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta nhìn ngắm dung mạo của một Đấng vô tội nhưng đã phải chịu một cái chết đau thương và thảm khốc. Vậy, chúng ta tìm gì trong ngày đặc biệt này?

Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân … để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối(Ga 11, 52). Thật vậy, chúng ta thờ lạy Đấng đã chịu chết vì nhân loại và Người đã tự hiến để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi. Thế nên, trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta tìm gặp chính mình hầu khám phá bản chất của mình và nhận ra rằng Đức Giêsu đã tự hiến để quy tụ chính chúng ta, những người đã thực sự bị “tản mác” trong mối tương quan với Thiên Chúa, với thân nhân và với chính mình, lúc nào chẳng hay biết.

  1. Phải chăng chúng ta đang bị “tản mác”?

“Tản mác” trong tương quan với tha thân

Chúng ta sống trong một thế giới mà dường như tình bác ái và mối dây liên đới giữa người với người đang là một thứ hết sức xa xỉ. Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha Phanxicô đã diễn tả về bối cảnh thế giới như sau: “Con người không còn được xem như có giá trị tối cao phải được tôn trọng và bảo vệ… Chúng ta đã trở nên vô cảm với mọi kiểu hoang phí” (số 18), đồng thời, Ngài nhấn mạnh thêm “khoảng cách giữa chúng ta ngày càng xa” (số 16), “quan điểm “mạnh ai nấy lo” sẽ mau chóng trở thành “tất cả đều là địch thù” và điều này còn tệ hại hơn bất cứ cơn đại dịch nào” (số 36). Đức Thánh Cha đã lên tiếng về một bối cảnh nhân loại mà trong đó chúng ta đang xa lạ với chính những người anh em của mình. Trong khi, chúng ta lại đích thực là những anh em của nhau (Mt 23,8). Điều đó cho thấy chúng ta đang “tản mác” trong tương quan với tha thân.

“Tản mác” trong tương quan với chính mình

Có lẽ, chúng ta sẽ không cần phải nói nhiều đến các thực trạng tiêu cực trong bối cảnh hôm nay. Các nhà giáo dục vẫn không ngừng nỗ lực đi tìm những nguyên nhân hầu sớm tìm ra giải pháp “chữa trị” những căn bệnh liên quan đến vấn đề đạo đức của con người ngày nay. Hơn ai hết, chúng ta, những người Kitô hữu, dưới ánh sáng đức tin, hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ gây nên những thực trạng tiêu cực trong đời sống. Không gì khác hơn, đó chính là hệ lụy do bởi tội lỗi nơi chính mỗi người.

Con người hôm nay đang sống xa cách với những gì là thánh thiện. Chúng ta đang dần mất đi lòng can đảm để chọn những gì là sự thật và thánh thiện. Thậm chí, đôi khi những gì chúng ta chọn lựa lại đi ngược với những điều mà lương tâm thúc đẩy nơi sâu thẳm cõi lòng. Căn tính của chúng ta là thánh thiện, vì lẽ, con người được dựng nên theo “hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27) và “được thông phần bản tính của Thiên Chúa” (2Pr 1,4), một vị Thiên Chúa mà bản chất là thánh thiện (x. Lv 19,2). Do đó, những hành động hay những chọn lựa sự dữ ắt hẳn là điều đi ngược lại với căn tính của chúng ta. Tâm hồn chúng ta luôn phải chịu những sự giằng co liên lỉ giữa sự dữ và điều thiện như thánh Phaolô đã nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Điều đó khiến chúng ta cảm thấy trở nên xa lạ với chính mình. Nó biểu lộ sự tản mác trong chính nội tại của chính chúng ta, hay nói cách khác, chúng ta đang “tản mác” trong tương quan với chính mình.

“Tản mác” trong tương quan với Thiên Chúa

Đáng lưu tâm hơn cả, đó là chúng ta đang thật sự “tản mác” trong tương quan với chính Thiên Chúa. Là con cái của Ngài nhưng chúng ta đang sống trong tình trạng tội lỗi. Giáo huấn Giáo Hội khẳng định: “Tội là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa…Tội là chống lại tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và đưa trái tim của chúng ta lìa xa khỏi tình yêu ấy…” Như thế, “tội là yêu mình đến mức khinh thị Thiên Chúa. Vì kiêu căng tự cao tự đại, tội hoàn toàn trái ngược với thái độ vâng phục của Đức Kitô, Đấng thực hiện ơn cứu độ” (SGLHTGC 1850). Cũng trong số 1850, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo còn khẳng định thêm: “Đó là một sự bất tuân, một sự nổi loạn chống lại Thiên Chúa, muốn ‘trở nên như những vị thần’ biết và quyết định điều thiện, điều ác (St 3,5).

Quả thật, Thiên Chúa dựng nên con người cho chính con người và mời gọi con người tham dự vào đời sống thần linh của Ngài. Thế nhưng, bi kịch thay, vì tội lỗi, con người đã trở nên những kẻ chống lại Thiên Chúa. Chúng ta đã chấp nhận sống trong bóng tối của tội lỗi và điều đó đồng nghĩa việc việc chúng ta đang xa rời Thiên Chúa. Ánh sáng nơi Thiên Chúa không thể nào dung hoà với bóng tội của sự dữ được. Chúng ta đang bị “tản mác” trong tương quan với Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, thật khó để thấy và chấp nhận những điều đó. Hơn bao giờ hết, trong bầu khí của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi để nhìn lại đời sống của chính mình, để thực sự nhìn nhận rằng tôi đã bị “tản mác” trong tương quan với tha nhân, với chính mình và hơn hết là với Thiên Chúa. Chỉ khi chân nhận điều đó,  chúng ta mới được thôi thúc để một lần nữa được “quy tụ” trở lại.

 

  1. Chính Đức Giêsu sẽ quy tụ chúng ta

Như đã nói ở trên, chúng ta được thôi thúc để một lần nữa được “quy tụ” trở lại, bởi lẽ, thuở ban đầu, chúng ta đã được Thiên Chúa quy tụ trong đoàn con cái của Ngài nhưng do bởi tội lỗi và những hệ lụy của nó, chúng ta đã trở nên những con chiên bị tản mác khắp nơi. Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương chúng ta, đã cho Con Một của Ngài đến thế gian hầu quy tụ chúng ta nên một như thuở ban đầu. Đức Giêsu đã khao khát quy tụ chúng ta, điều đó được biểu lộ cách rõ nét nơi dụ ngôn Mục Tử Nhân Lành (x. Ga 10,1-21). Vậy Ngài đã làm gì để quy tụ chúng ta?

“Tội lỗi của chúng ta chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thập giá. Để một khi đã chết với tội, chúng ta được sống cuộc đời công chính” (1Pr 2, 24). Đức Giêsu đã chịu đánh đòn, đã vác chính cây thập giá khổ hình mà bị điệu đến nơi hành hình, bị lột trần, chịu đóng đinh và đã chịu chết. Đức Giêsu đã chấp nhận chịu chết trong thân phận như của một người bị “tản mác” trong mối tương quan với Thiên Chúa và dân Do Thái thời bấy giờ. Thế nên, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mời gọi mọi người: “Hãy ngước nhìn lên mầu nhiệm Thập giá như cao trào của vỡ kịch, trong đó Đức Giêsu cảm nhận và hứng chịu tột độ bi kịch của con người tách rời khỏi Thiên Chúa, cho nên Người đã kêu lên những lời sau đây: “‘Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi sao Ngài bỏ tôi’ (Mt 27, 46) và đồng thời hoàn tất sứ mạng hòa giải chúng ta…”[2] Nhờ sự tự hiến của Đức Giêsu trên thập giá, chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa, chúng ta lại được thân thưa gọi Thiên Chúa là“Abba, Cha ơi”, nghĩa là chúng ta một lần nữa được trở về sống trong nghĩa tình với Thiên Chúa trong đoàn con cái của Ngài như chúng ta đã từng.

Thật vậy, những ai nhìn nhận tình trạng “tản mác” trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình, sẽ tìm thấy niềm hy vọng cứu độ nơi thập giá Đức Giêsu, “niềm hy vọng duy nhất”. Đến độ, chúng ta cảm thấy được thúc đẩy để vui mừng thốt lên như thánh Phaolô: “Ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô!” (Gl 6,14). Dưới chân thập giá, chúng ta được quy tụ bởi lẽ, trên cây thập giá Đức Giêsu đã tự hiến chính Ngài. Cái chết ấy có khả năng quy tụ mọi kẻ tin vào Đức Giêsu về một đoàn chiên duy nhất, kể cả dân ngoại (Ga 10,16). Nhờ thập giá, Đức Giêsu đã quy tụ chúng ta, một đoàn dân đang khao khát và đã “nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (x.Ga 19,37) để được ơn cứu độ. Và đó cũng chính là đoàn dân mà Đức Giêsu đã khao khát quy tụ theo thánh ý của Thiên Chúa Cha, một đoàn dân “đang bước đi trong tăm tối, nay đã nhìn thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9,1).

 

  1. Chúng ta được mời gọi: “Hãy tản mác!”

Sứ mệnh của Đức Giêsu là quy tụ muôn dân thành một đoàn chiên duy nhất, nhờ vào sự chết và Phục Sinh của Người. Là con chiên trong đoàn chiên của Vị Mục Tử Nhân Lành, mỗi người chúng ta cũng phải mang lấy sứ mạng của Đức Giêsu. Thật vậy, sau khi đã được Thiên Chúa quy tụ nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi “hãy tản mác” khắp nơi để quy tụ đoàn dân muôn nơi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ” (Mc 16,15), “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).

Thật vậy, để có thể quy tụ muôn dân “khắp tứ phương thiên hạ”, chúng ta được mời gọi: “Hãy tản mác”. Tản mác ở đây có nghĩa là chúng ta không co cụm lại trong những “vùng an toàn” nhưng được mời gọi đi ra đến với muôn người. Nói cách khác, đó chính là sứ vụ truyền giáo của mỗi người Kitô hữu, những người đã được quy tụ nhờ tin vào danh Đức Giêsu Kitô. Chúng ta được mời gọi “tản mác” đến những vùng ngoại biên theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Ngài khuyến khích mọi người bước ra khỏi sự quen thuộc hằng ngày của mình để đi đến những nơi, với những người xa lạ ở vùng ven, vùng ngoại biên … Đây không chỉ là một lối sống thích ứng tích cực trong khuynh hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhưng còn là một phương thế, một giải pháp để Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi hữu hiệu hơn. Nơi số 49 của Tông Huấn, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình”.

Chúng ta cũng tự hỏi sẽ mang theo gì trong hành trình “tản mác” của mình? Chúng ta “tản mác” để “làm cho muôn dân trở thành môn đệ Đức Giêsu” (Mt 28,19). Do đó, sẽ thật hữu hiệu và gần gũi biết bao nếu chúng ta mang bên theo và nói về kinh nghiệm của chúng ta, kinh nghiệm của những người đã từng tản mác và được Đức Giêsu quy tụ. Một kinh nghiệm đầy hiện sinh. Chúng ta sẽ chẳng rao giảng gì khác hơn là thập giá của Đức Giêsu. Hay nói cách khác, chúng ta quy tụ muôn dân bằng lời rao giảng về một Đức Giêsu chịu đóng đinh: “Chúng tôi rao giảng một Đức Giêsu chịu đóng đinh” (1 Cr 1,23). Mầu nhiệm thập giá của Ðức Giêsu Kitô đã cứu độ và quy tụ chúng ta. Giờ đây, mầu nhiệm ấy cũng cần được loan báo cho muôn người. Vì lẽ, đó là “niềm hy vọng duy nhất” để quy tụ đoàn con cái của Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi.

 

Tóm lại

Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta nhìn ngắm dung mạo của một Đấng vô tội nhưng đã phải chịu một cái chết đau thương và thảm khốc. Nơi đó, chúng ta khám phá bản chất của mình, đồng thời, nhận ra mình đã thực sự bị “tản mác” trong các mối tương quan.

Hạnh phúc thay, Đức Giêsu đã đến và đã vén mở bức màn để cho chúng thấy được tình trạng “tản mác” của mình. Và hơn hết, nhờ thập giá, chính Ngài đã giải gỡ chúng ta khỏi tình trạng ấy và quy tụ chúng ta lại trong thánh ý của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,19).

Thật vậy, chúng ta đã từng sống trong tình trạng “tản mác” nhưng Đức Giêsu đã quy tụ chúng ta. Giờ đây, chúng ta được mời gọi “hãy tản mác”, ra đi để quy tụ muôn dân thành một đoàn chiên duy nhất, nhờ thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Chú thích

[1] Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, Dg: Lm. Micae Trần Đình Quảng, Nxb Đồng Nai (2020), Lời nói đầu.

[2] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia (Sám hối và Hòa giải), số 7.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật Lễ Lá, Năm A)
Bài tiếp theoTHÁNH LỄ KHỞI ĐẦU SỨ VỤ GIÁM TỈNH của Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD ngày 01/04/2023