Đêm mưa thao thức tình thân

0
655
Photo: Blog Radio

Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD

Gió lùa. Tôi trở mình ngồi dậy. Tay dụi dụi mắt. Một giờ thiếu ba phút. Mưa to. Nước theo gió qua cửa sổ. Rèm ướt đẫm. Với tay kéo lại rèm cửa, chớp lóe đàng xa, tôi giật mình rụt tay lại xuýt xoa. Mặc tiếng mưa lộp độp trên mái tôn nhà thờ bên cạnh, tôi trở lại giường, nằm xuống. Mắt nhắm nhưng lòng cứ day dứt, chưa nguôi ý nghĩ ban chiều. Sao dân ta khổ thế! Tiếng mưa nhỏ dần. Tôi nghĩ thầm trong bụng: “có lẽ đời người cốt ở tình thân”. Bởi vì nó giữ người bên người mãi mãi. Đưa hàng xóm một bó rau là thân. Hạ giá phòng trọ cho khách lưu trú lúc khó khăn là tình. Tình thân thể hiện ở chỗ bao bọc nhau lúc hoạn nạn; lên án hành động “bất lương vô đạo” hẳn nhiên làm một với ý đó mà thôi.

Nơi này mấy bữa nay mưa, khí trời không lạnh và ẩm ướt. Người ta bảo mưa lâu thấm đất, còn mưa dầm lại úng cây. Mưa nhiều, sinh hoạt con người bất tiện nhưng lại thuận cho bệnh dịch phát sinh. Covid-19 bùng phát nhiều tháng qua, lây lan mạnh trên toàn cõi. Mặc dù chính phủ các nước sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn nó: giãn cách xã hội, cách ly bệnh nhân, tiêm phòng vắc-xin… nhưng chưa dứt. Ngăn được biến chủng này, nó lại đột biến thành biến chủng khác. Khoanh vùng nọ để chặn, nó phát ra ở địa phương kia. Dịch bệnh vẫn lan nhanh mà không có dấu hiệu dừng lại. Người chết ngày một tăng. Kẻ đói khát ngày càng nhiều. Giới y tế, khoa học, toàn dân kinh hãi vì loại virus nhỏ bé này. Bá tánh khắp nơi lâm vào cảnh khốn cùng đã ngót hai năm nay. Riêng dân Việt ta nằm chung hoàn cảnh đó. Đặc biệt ở thời điểm hiện tại, người chết đã nhiều. Người sống thì lòng bất an, sinh hoạt trong điều kiện túng thiếu và lo sợ. Khắp các tỉnh thành công nhân lao động cơm ăn không no bụng, áo mặc không kín mình. Tình cảnh của đồng loại như vậy, hỏi rằng dạ ai mà chẳng đau xót, lòng ai lại không tỏ tình thương cho được? Xét vì tim con người đều bằng thịt cả.

Nghĩ rằng, nước mưa khiến cỏ cây sinh sôi; thì tình thân làm cuộc sống nảy nở. Bấy nay, nhiều cá nhân, tổ chức dang rộng vòng tay bác ái, thể hiện tình tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Con người trong xã hội không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo. Người người đồng lòng, trên dưới một ý. Mọi người góp sức góp của tương trợ bà con và người lao động gặp khó khăn. Kẻ có nhiều giúp tiền tỉ, người có ít thì một nhúm rau muống làm đủ. Đó là những việc làm đáng quý đáng trọng. Đành rằng dịch bệnh là tai họa, là điều chẳng ai mong ai muốn cả. Tôi không vịn cớ để cho rằng vì đại dịch mà tình người thắm thiết hơn, nhưng thực lòng mà nói trong cái họa này tình thân hiện lên rất rõ nét. Xét cho cùng, bác ái là việc thể hiện tính thiện lương của con người. Là người, ai cũng mang “chất thiện” bên trong cả. Hơn nữa, việc bác ái nhắm đến công bằng xã hội. Đồng thời, tình tương thân tương ái vốn là truyền thống của người Việt ta lâu nay. Ngày xưa, khi dân chúng gặp nước lũ, hạn hán, dịch bệnh, mất mùa thì các vua trên kính trời, dưới thương dân xuống chiếu đại xá cho thiên hạ: giảm tô thuế, bớt hình phạt, chu cấp nâng đỡ bá tánh. Có khi thóc ở phủ Nghệ An rẻ thì đem cân thóc rồi đưa ra hỗ trợ các phủ phía Bắc. Trải qua bao triều đại đều thực hiện như vậy cả. (x. Đại Việt sử ký toàn thư). Vậy thì bác ái là việc đương nhiên của tình đồng loại.

Photo: afamily.vn

Thế mà có nhiều kẻ lợi dụng niềm tin của trăm họ, nhẫn tâm làm những chuyện bá đạo: thu vén tư lợi, gom của chung làm phần riêng cho mình. Ngẫm mà xót. Lại có kẻ nhân cơ hội này tăng giá các nhu yếu phẩm. Trong khi dịch bệnh, ai ai cũng khó khăn, túng thiếu cả. Vậy mà lương tâm nhiều kẻ… thoái hóa. Thật đau lòng. Lộp độp! Lộp độp! Trời mưa cơn khác. Tôi mở mắt, tay vắt ngang trán, tôi tự hỏi: “Có phải chất thiện nơi nhiều con người thời nay đang mất dần? Muối mất chất không gọi là muối. Đường mất chất đâu còn là đường. Con người có như thế chăng? Chất của con người là tình thân mới phải. Công nhân kêu than, người nghèo cạn nước mắt. Than ôi! Van ai, kêu ai bây giờ. Ngẩng đầu mưa ướt, cúi xuống khổ mình. Bây giờ đã vậy, rồi tương lai ngày tháng mai này nữa, cuộc sống rồi sẽ ra sao. Dịch vẫn lan mạnh, nghĩa là con người vẫn phải mang khẩu trang để sống. Sự sống là ân huệ trời ban cho con người. Vậy tại sao mà … dân ta vẫn khổ?

Trời dạo này mưa đêm, tính bữa nay nữa là bốn hôm rồi. Gió mạnh, mưa càng lúc càng nặng hạt. Dịch nhiều, dân càng ngày càng đói cơm. Chả nhẽ trời không thương dân? Tôi nguyện một kinh kính Chúa. Xin ơn trên đổ mưa phúc lành để dân chúng bớt khổ cực. Phải rồi chỉ có “Bề Trên” (Thiên Chúa) mới biến không thành có, đưa có về không. Mong rằng mưa tạnh đường khô ráo; bình minh sớm hiện lên, xua đi bóng tối của dịch bệnh để đó đây dân dân được thái, cuộc sống con người được thịnh. Amen.

Sài Gòn, mùa mưa 2021

Bài trướcMẾN CHÚA YÊU NGƯỜI (31/10, Chúa Nhật XXXI TN-B)
Bài tiếp theoAI TÍN: Ông cố Phaolô Trần Văn Lịch (thân phụ của Thầy Micae Trần Quốc Thạch,SVD)