Có kiêng có lành    

0
311

          ♦    Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD      

Lời Ngài là ánh sáng đời con…

Ngày Tết được bao bọc bởi nhiều tập tục và kiêng kỵ. Vì bầu khí linh thiêng cần được giữ gìn, và các giá trị cốt lõi thiêng liêng của văn hóa cần được bảo vệ. Kiêng kỵ cũng là vì chúng ta tin rằng: những gì được làm hay không làm trong những ngày đầu năm có ảnh hưởng cho cả năm sắp đến. Thời điểm khởi đầu một đoạn đường vì thế được coi trọng và được để ý đến nhiều. Hái lộc đầu Xuân là một tập tục như vậy.

Người Công giáo Việt đặt vào nét văn hóa này của ngày Tết một ý nghĩa quan trọng từ niềm tin của mình: đó là Lời Chúa. Hái Lộc Xuân là đón nhận một Lời của Chúa. Trao cho một tập tục đã có từ lâu đời một nội dung mới từ niềm tin là một cách thức hội nhập văn hóa. Việc hái lộc nơi các đồng hương khác gắn liền “với mong muốn cầu những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới”. Người Kitô hữu khi hái Lộc Xuân, thường trong Thánh Lễ đầu năm, được hứa hẹn nhiều hơn. Không chỉ may mắn và tốt đẹp, mà họ còn được phép chờ đợi thật nhiều điều quan trọng và đầy ý nghĩa khác cho đời mình trong năm mới. 

Lộc Xuân muốn giúp người nhận làm quen với Lời của Chúa. Và dù chỉ là một lời thì cũng mạnh đủ, để tỏ bày Ý Chúa cho riêng tôi trong những ngày sắp tới. Cho nên sau khi hái Lộc Xuân người nhận có những cảm xúc rất khác nhau: có người vui mừng vì nhận được sự xác nhận cho ý định của mình, kẻ khác hái được một lời nói ngược lại với hướng mình muốn đi; có người nhận ra một câu trả lời, một giải đáp cho thắc mắc đang đang vấn vương trong lòng. Lại có lời nghe như một thách đố gây khó chịu, một đòi hỏi đổi lối sống …

Thật vậy, Lời Chúa trong Lộc Xuân giúp tôi định hướng đi, chỉ cho hướng suy nghĩ đúng đắn giữa những rối rắm của đời người: giữa những chuyện buồn vui, cám dỗ và sa ngã, lỗi lầm và ghét ghen thù hận. Lời được trao đó chữa lành tôi, khi bị vu oan cáo vạ, bị tấn công và bị tổn thương. Lời đó cũng muốn giúp tôi suy nghĩ về bản thân mình, về đồng loại và về tình Chúa. Qua đó, Lộc Xuân giúp tôi nhận ra giá trị của con người, cũng như những sự vật và biến chuyển trong thế giới quanh mình.

Lời của Lộc Xuân nói vào những vấn đề to nhỏ hàng ngày của tôi, và muốn là một câu trả lời hay một hướng dẫn cho các bước đi sau. Đó là câu trả lời của Thiên Chúa cho những vấn nạn của kiếp nhân sinh, là ánh sáng giữa bóng đêm và là ngọn đèn soi lối (Tv 119, 105) cho những ai tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Lộc Xuân chỉ cho tôi nhìn ra chân lý, rằng: Thiên Chúa ở ngay giữa cuộc đời. Nghĩa là trong tất cả mọi biến cố to nhỏ, giữa những lo âu buồn vui của mình và của người anh chị em chung quanh, trong tôi và trong cộng đoàn, trong thiên nhiên và trong mọi biến chuyển trong xã hội. Cho nên, tìm Chúa, tìm ý nghĩa, tìm lời giải đáp, tôi phải tìm ở đó. Khi làm sáng tỏ những chân lý và giá trị to lớn, Lời Chúa giúp cho con người sống hòa hợp với Thiên Chúa, xứng đáng với nhân phẩm của mình và trở nên nhân nghĩa hơn.

Lộc Xuân chỉ cho tôi biết nhìn nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. Lời Chúa mà tôi đón nhận muốn là một ánh sáng lớn soi tỏ những bóng tối trong đời; là ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi trên cuộc đời lắm lúc đầy những rối rắm. Chính vì thế, tôi cần ghi nhớ, cần học thuộc lòng lời đó, để có thể sống với Lời đó. Người đón nhận Lời Chúa cần học làm như Đức Maria, là “suy đi nghĩ lại trong lòng” suốt năm. Để được nhắc nhở, ủi an, hướng dẫn, hay được cảnh báo. Để hiểu sâu sắc hơn Lời được trao cho, và qua đó đời mình được biến đổi. Lộc Chúa là chuẩn mực mà chúng ta cần để mà so mà sửa mình, để biết hướng mà cố gắng tiến tới. Vì chúng ta được mời gọi trở nên hoàn thiện như Cha trên trời. Con Chúa thì cần học sống ngày càng giống như Chúa.

Lộc Xuân như vậy là một nơi để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa trong Lời của Người – để rồi được biến đổi, là trở nên toàn vẹn hơn. Kinh nghiệm cho thấy: Lời Chúa của Lộc Xuân cứu thoát nhiều người, giúp sắp xếp mọi chuyện lại cho có trật tự, chỉ đường cho tôi bước đi, động viên ủi an. Lời đó có lúc tạo cho tôi một cú sốc, đánh thức tôi khỏi sự uể oải ù lì của tôi. Các câu Lộc Xuân khuyến khích, khơi dậy niềm hy vọng hoặc thậm chí lay động và khiêu khích theo một cách đặc biệt.

Đầu năm, con người được trao qua Lộc xuân một sự định hướng cho những ngày sắp đến, một lời động viên vỗ về, lời nhắc nhở, khuyên răn, chỉnh đốn. Một lời như một chương trình hành động. Lộc Xuân thì như tên bài, một đề tài được phát triển trong 365 ngày sắp đến. Một Lời ngắn gọn dễ nhớ dễ đọc, có thể lập lại mọi lúc mọi nơi. 

Lời ăn tiếng nói

Đón nhận Lộc Xuân như chúng ta cũng là để cho Lời Chúa nhắc nhở một điều, mà truyền thống văn hóa cũng nhấn mạnh. Vào những ngày đầu năm chúng ta cần để ý đến lời ăn tiếng nói của mình: chỉ nên nói những điều tốt lành, những điều làm vui lòng nhau. Đó là một cách đặt chương trình/nền tảng sống cho cả năm. Người Việt vẫn quan niệm rằng đầu năm mới nếu như gặp những điều may mắn tốt lành, thì cả năm sẽ gặp suôn sẻ và an lành. Có kiêng có lành – nên nhân gian vẫn kiêng cữ những điều làm kém may vào đầu năm, nếu phạm vào đại kỵ đó thì cả năm sẽ không được may mắn.

Tránh to tiếng, cãi vã trong ngày đầu năm, vì không ai muốn bị giông trong năm mới do những nói bất cẩn, lời tục tĩu, những lời không hay không tốt trong những ngày này. Mọi người cố gắng xây dựng hòa khí nhờ để ý kiêng cữ, và biết dùng những lời đầy yêu thương, những lời tốt lành cho nhau, về nhau. Giữ gìn cho mình và qua đó giữ gìn cho nhau trước những lời nói và hành vi cử chỉ bất lành, nên các cuộc gặp gỡ của ngày Tết xảy ra trong một bầu khí niềm nở vui tươi, đầy tình người. Bởi vậy, đây đúng là một điều kỵ cần được coi trọng và giữ gìn.

Trong thâm tâm, chúng ta khát khao những lời chúc lành, muốn được chúc phúc không chỉ cho thời gian này, mà cho trọn cả năm. Và ai nhận lời chúc thì cũng đáp lễ bằng những lời nói tốt (chúc tuổi) và bằng những cử chỉ hào phóng khác. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Lời hay qua tiếng tốt lại làm nên ngày Tết vậy. Nhưng không chỉ giữ ý giữ lời, Lời Chúa đầu năm còn động viên đi xa hơn một bước trong Năm mới. Tông đồ Phêrô dạy chúng ta như vậy: đừng nguyền rủa lại khi bị người khác nguyền rủa[1], không lấy oán báo oán, mà làm ngược lại: Hãy chúc phúc cho kẻ vu oan cáo vạ, nói xấu, tố cáo mình, và “từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói xấu gièm pha” (1Pr 2,1).

Kitô hữu được kêu mời sống Lộc Xuân, là sống Lời Chúa. Nghĩa là sống thẳng thắn và chân thật với nhau: có thì nói có và không thì nói không, không để bụng hay nuôi thù hận vì đã bị vu oan, đàn áp, kỳ thị, phỉ báng và vu khống. Không làm điều ác, không nói lời ác, và không nghĩ ác. Trái lại, chúng ta cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình và đem yêu thương vào nơi oán thù (Kinh Hòa Bình). Được vậy, chúng ta trở thành muối thành men, thành ánh sáng cho thế giới này. Và đó là điều chúng ta muốn nói với Chúa và muốn cầu chúc cho nhau trong Năm mới đang tới ●

Chú thích:

[1] 1Pr 3,9. Tin Mừng Luca và thư Rôma cũng có lời khuyên tương tự. “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6,28). “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa” (Rm 12,14).

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 4 TN)
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật V Thường Niên A (Mt 5,13-16)