CHẾT… là cửa ngõ để bước vào đời sống Vĩnh Cửu

0
85

✍️ Tu sĩ Giuse Hoàng Văn Bình, SVD

Cuộc sống con người, với thân phận “sớm nở chiều tàn”, bất luận đó là ai thì đều phải chết và ai cũng mang tâm lý… sợ chết! Cho dù đó là một cụ già, một người trung niên hay một em thiếu nhi, thì khi đối diện với cái chết, tất cả đều khiếp sợ và tìm đủ mọi cách nhằm chạy trốn nó. Bởi người đời thường nghĩ, chết là hết, là chấm dứt tất cả mọi dự phóng của con người và tất cả sẽ khép lại khi con người nằm xuống. Thế nhưng, trong niềm tin Kitô giáo thì chết không dừng lại ở việc chấm hết, nhưng chết là một nguyên lý tất yếu và mở ra cửa ngõ để con người bước vào sự sống vĩnh cửu vô biên. Vậy nên, chết không chỉ đơn thuần được hiểu như một sự kiện sinh hóa tự nhiên, nhưng còn là một mầu nhiệm mà khả thể con người không tài nào nắm bắt được. Vậy, để hiểu và làm sáng tỏ vấn đề này, ta cần tìm hiểu chết nghĩa là gì? Đồng thời, để hiểu được ý nghĩa mà mầu nhiệm sự chết mang lại, ta được mời gọi nhìn cái chết dưới lăng kính của mầu nhiệm sự chết. Và, với ánh sáng của mạc khải cùng với niềm tin Kitô giáo, giúp ta nhận ra cái chết dường như không còn đáng sợ.

Sự chết theo lăng kính Kitô giáo

Theo nghĩa phổ thông, sự chết xảy ra khi thân xác con người vĩnh viễn ngưng hoạt động, chấm dứt cuộc sống nơi trần thế. Còn trong Kinh Thánh, sự chết được hiểu theo hai phương diện: sự chết phần xác (x. Ga 11,4; Lc 7,12) và sự chết phần hồn (x. Lc 15,24.32). Sự chết phần xác được hiểu theo nghĩa phổ thông như trên. Còn sự chết phần hồn là người đó không sống theo Thần Khí mà sống theo tính xác thịt (x. Rm 8,5-6).[1] Do đó, sự chết được hiểu là kết thúc cuộc lữ hành trần thế nơi con người, là kết thúc thời gian ân sủng và lòng thương xót mà Thiên Chúa ban cho con người, để họ thực hiện cuộc đời trần thế của mình theo kế hoạch của Thiên Chúa[2]. Tuy nhiên, chết không phải là hết, trở về hư vô như nhiều người thường nghĩ, nhưng nó là một mầu nhiệm không thể diễn tả được. Bởi vì, ta hoàn toàn không thể nắm bắt hay kiểm soát được thực tại sự chết. Ta không thể nào biết được khi nào mình chết và sẽ chết cách nào? Hơn nữa, sau khi chết ta sẽ đi về đâu và như thế nào? Tất cả mọi sự đều thuộc về mầu nhiệm và ta chỉ có thể cảm thấu được nó nhờ ánh sáng mạc khải và chân lý đức tin.

Xét theo ánh sáng mạc khải của Cựu Ước. Cái chết không chỉ đơn thuần như một quy luật tự nhiên, một hiện tượng thể lý phổ quát của thân phận con người, mà còn là “hệ quả” của tội lỗi. Sách Sáng Thế đề cập, Thiên Chúa tạo dựng con người là để “sống, hiện hữu và hoạt động” trong ân nghĩa với Ngài, trong trật tự thuận hòa với thiên nhiên vạn thể. Nhưng do bất tuân lệnh Chúa, con người đã cắt đứt mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Và hậu quả là sự chết đã xảy ra với con người (x. St 3,1-19), khiến con người đi vào một tình trạng bất bình thường và tự tách mình ra khỏi mối tương quan chủ vị với Thiên Chúa. Theo viễn tượng mạc khải này, chết đích thực không nằm trong kế hoạch nguyên thủy, không có trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa (St 2,7). Nhưng vì tội không vâng lời Thiên Chúa, khiến con người bị kết án phải chết, phải xa cách Thiên Chúa. Còn  theo sách Khôn Ngoan, Thiên Chúa không làm ra cái chết và Thiên Chúa không vui thích gì khi thấy con người cũng như sinh vật phải chết (x. Kn 1,13-14), nhưng vì sự ghen tương của ma quỷ đã đưa cái chết vào trần gian (x. Kn 2,23-24).[3]

Cũng vậy, trong viễn cảnh của Tân Ước, chết không chỉ là hiện tượng tự nhiên xảy đến cho tất cả mọi loài hữu hạn, nhưng nguồn gốc của sự chết còn được giải thích như là hậu quả của tội và là hình phạt đối với con người. Theo đó, Thánh Phaolô đã quả quyết, sự chết như là một nguyên nhân trong cảnh ngữ giữa quyền lực thống trị của tội lỗi với ân sủng cứu độ bao trùm, nhờ cái chết và sự Phục sinh của Đức Kitô (x. Rm 5,12).

Hy vọng của sự sống mới sau cái chết

Như vậy, Đức Kitô đã mang lại cho cái chết một ý nghĩa mới, với niềm hy vọng mới. Ngài đã dùng cái chết của chính Ngài để diễn tả sự vâng phục đối với Thiên Chúa (x. Mt 26,36-46; Mc 14,32-42). Ngài cũng biến đổi giá trị của cái chết như án phạt của tội thành hành vi diễn tả tình yêu (Ga 15,13). Không những thế, cái chết của Ngài còn có giá trị cứu chuộc nhân loại. Nếu cái chết của Ađam xưa là hình phạt vì tội lỗi, thì cái chết của Đức Giêsu là Ađam mới, đem lại ơn giao hòa giữa nhân loại với Thiên Chúa.[4] Thế nên, kể từ khi Chúa Giêsu mang lại giá trị cứu chuộc ngang qua cái chết của Ngài, thì các Kitô hữu không còn phải kinh hãi đối diện với cái chết nữa. Giờ đây, họ tin rằng khi cùng chết với Đức Kitô thì họ cũng được sống lại với Ngài (x. Rm 6,8). Hơn nữa, với cái chết của Đức Kitô, cái chết không còn là tận cùng của đời người nữa, nhưng nó trở thành ngưỡng cửa dẫn đưa con người vào cõi sống đời đời.[5]

Nhờ cái chết cứu độ của Chúa Giêsu, ý nghĩa sự chết đã được Ngài biến đổi. Cái chết mở ra cho ta niềm hy vọng bước vào sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa, chứ không còn là đau thương và chia cắt nữa. Với niềm hy vọng này, cái chết sẽ dẫn đưa con người tới cuộc gặp gỡ thực sự với Thiên Chúa. Trong thực tế, Thiên Chúa đến gặp gỡ ta ở mọi giai đoạn của cuộc sống: qua Phép Rửa (x. Rm 6,3); qua Bí tích Thánh Thể… Trong các cuộc gặp gỡ ấy, cuộc vượt qua cuối cùng – giờ chết là cao điểm của cuộc gặp gỡ. Đó không thể là giờ cô đơn của người tín hữu, vì Chúa Kitô đang đến, Ngài đứng ngoài cửa và gõ (x. Kh 3,20). Vậy nên, niềm tin Kitô giáo xác tín rằng cuộc sống trần gian chỉ là quán trọ, bởi vì “quê hương ta ở trên trời, nơi đó ta sẽ gặp Đấng Cứu Chuộc ta là Đức Giêsu Kitô” (x. Pl 3,20).

Cho nên, đối với người tín hữu, cái chết không còn là một sự kết thúc vô nghĩa, không còn mang dáng dấp ghê sợ của tử thần, nhưng đó là cuộc hội ngộ của Chúa Kitô với những kẻ yêu mến Ngài. Cái chết không còn là kinh nghiệm của đau khổ mà người tin trải qua để được Thiên Chúa thanh luyện và tăng thêm sức nhằm kháng cự tội lỗi, nhưng ngang qua cái chết, người tin được nên giống Đức Kitô và kết hiệp với Ngài. Sự hiệp nhất với Đức Kitô trong đau khổ tột cùng của thân phận nhân loại được thể hiện khi người tin nên một với Ngài trong cái chết (Rm 8,17). Và khi được hiệp nhất với Đức Kitô, ta sẽ hưởng đời sống vĩnh cửu cùng với Ngài (Pl 3,10-11). Thánh Phaolô diễn tả đời sống trong thân xác này như một cuộc lưu lạc xa Chúa (x. 2 Cr 5,6). Vì thế, ngài ước ao được gặp gỡ Thiên Chúa, được “ra đi” để tham dự “cuộc hội ngộ của con cái Thiên Chúa” (x. Hr 12,22-23). Đối với ngài, cái chết là ngưỡng cửa đi vào sự sống vĩnh cửu nhờ cuộc vượt qua của Đức Kitô. Cái chết trở nên điều kiện cần để người tín hữu bước vào cuộc vượt qua này mà đi vào bàn tiệc cánh chung Nước Trời (x. Mt 26,29). Đây là điều mà niềm tin Kitô giáo luôn tuyên xưng.

Như vậy, Kitô giáo không coi cái chết như là một dấu chấm hết, nhưng là một bước đệm cần thiết để thụ tạo hữu hạn bước vào vĩnh cửu tuyệt đối của Đấng Tạo Hóa. Cái kết thúc của cuộc sống đời này không phải là một sự triệt tiêu vĩnh viễn, nhưng là cửa ngõ mở vào đời sống chung cuộc của con cái Thiên Chúa.[6] Ta có thể khẳng định như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Tôi không chết, nhưng bước vào cõi sống.”

Thánh Kinh cho ta hiểu rằng sự chết là hậu quả của tội và là hình phạt đối với con người. Thế nhưng, sự chết đã được biến đổi ý nghĩa và mang một giá trị mới nhờ Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, đã tự do đảm nhận bản tính phải chết của con người để rồi từ bản tính ấy, Ngài đã trỗi dậy từ cõi chết để cứu độ nhân loại. Cái chết là đỉnh điểm để con người gặp gỡ Thiên Chúa; nó giúp hoàn tất mầu nhiệm hiệp nhất của người tin với Đức Kitô. Đặc biệt hơn, cái chết chính là cửa ngõ giúp ta đi vào cuộc sống vĩnh cửu, chứ không phải chết là hết, là đi vào cõi hư vô tuyệt vọng.

Đó là niềm tin và hy vọng của chúng ta, sống niềm hy vọng này cũng chính là sống ơn gọi làm người Kitô hữu trên cõi dương thế. Bởi lẽ, nếu tôi có niềm hy vọng, thì tôi không thể sống như thể không có ngày mai, hoặc như thể không có niềm tin, nhưng là biết thêu dệt cuộc đời mình theo những giá trị của Tin Mừng. Khi ấy, đời không phải là cõi tạm nhưng là một hành trình đẹp dẫn đưa chúng ta về với Đấng mà ta đã đặt niềm hy vọng nhờ sự dẫn dắt của Đức Giêsu.[7]

Thật vậy, dù muốn dù không thì con người sẽ phải chết. Kinh nghiệm về cái chết là một kinh nghiệm đau khổ và sợ hãi. Thế nhưng Thiên Chúa dùng chính kinh nghiệm đó để thanh luyện con người. Đặc biệt, qua mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã làm cho chúng ta có niềm hy vọng cánh chung khi cái chết không còn là đáng sợ, cái chết không còn là bản án của tội lỗi nữa. Qua mầu nhiệm sự chết, những người tin có thể sống niềm hy vọng về đời sống vĩnh cửu khi họ kết hợp nên một với Đức Kitô, trở nên đồng hình, đồng dạng với Ngài để đón nhận tất đau khổ trong cuộc sống với sự vâng phục và tín thác để rồi cùng được vinh hiển với Đức Kitô.

Tóm lại

Khi sinh ra, con người đã là một bản thể phải chết, nhưng khi chết thì con người sống mãi. Con người là bất diệt, không chỉ vì linh hồn không thể bị phân hủy, nhưng vì chết là được mời gọi đến sự hiệp thông trong tình yêu muôn đời với Chúa Ba Ngôi. Đó là ấn tích đã được khắc sâu vào bản thể con người khi được tạo dựng, nên tính bất diệt của con người đã có trong tự bản chất. Hơn nữa, nhờ ơn cứu độ của Đức Kitô, tất cả những ai tin vào Ngài thì sẽ không chết bao giờ (x. Ga 11, 26).

Như vậy, theo kế hoạch của Thiên Chúa, cái chết của con người không mang tính hủy diệt, nhưng là một định hướng cho cuộc sống mới. Tin vào Đức Kitô thì chẳng hề sợ chết, vì ngày Chúa đến với chúng ta không phải là ngày kinh hoàng, nhưng là ngày cứu độ. Là người Kitô hữu, chúng ta “chết cho Chúa” như đã sống cho Chúa (x. Rm 14,7). Nhờ cái chết, chúng ta “tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21,19) để đáng hưởng triều thiên sự sống (x. Kh 2,10). Từ nỗi khắc khoải không thể tránh được, sự chết trở nên một đối tượng của toàn phúc: “Phúc thay những kẻ chết trong Chúa” (Kh 14,13). Chính trong niềm vui mừng khôn tả đó, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu một lần nữa xác quyết trong giờ hấp hối: “Tôi đâu có chết, tôi bước vào sự sống”, đó là sự sống vinh phúc muôn đời trong chính Thiên Chúa Hằng Sống.

Thiết nghĩ, khi tìm hiểu về ý nghĩa và niềm hy vọng Kitô giáo trong mầu nhiệm sự chết, giúp người viết có nhiều thay đổi trong cách suy nghĩ và lối sống của mình. Thứ nhất là có cái nhìn lạc quan, đầy hy vọng trước cái chết, thay vì thái độ buồn phiền, sợ hãi. Thứ hai là luôn có tinh thần tỉnh thức, sẵn sàng đợi chờ Chúa đến, sống trọn vẹn, viên mãn, và tràn đầy từng giây phút trong hiện tại như thể hôm nay là ngày cuối đời. Thứ ba, khi gặp đau khổ, thử thách thì không thất vọng và mất niềm tin, nhưng luôn tin tưởng, phó thác vào Chúa, cũng như luôn kiên trì, nhẫn nại. Hơn nữa, biết kết hiệp những đau khổ trong cuộc sống với những đau khổ của Đức Kitô, để làm của lễ dâng lên Chúa Cha. Sau cùng, cố gắng mỗi ngày chết đi con người tội lỗi, bất toàn của mình, và trỗi dậy với con người mới trong Đức Kitô.

CHẾT: Không đơn thuần như một sự kiện sinh hóa tự nhiên, nhưng là cửa ngõ để bước vào đời sống Vĩnh Cửu.


Chú thích

[1] x. Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, Từ điển Công giáo (Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2019), 127.

[2] x. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin chuyển dịch (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2012), số 1013.

[3] x. Phan Tấn Thành, Cánh Chung Học (Trung tâm Học vấn Đa Minh: Giáo trình. 2003), 258-259.

[4] x. Nguyễn Văn Dũng, Cánh Chung Học (Học viện Anphongsô: Giáo trình. 2017), 116.

[5] x. Vũ Chí Hỷ, Cánh Chung Học Về Niềm Hy Vọng Kitô Giáo, tr.185

[6] x. Ibid., 192-193.

[7] x. Phan Tuấn Thể, “Niềm hy vọng hằng sống” (Bài giảng, Học viên Ngôi Lời, Sài Gòn, 2-12-2022), 323.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 33 TN-B)
Bài tiếp theoTìm hiểu về môi trường và khủng hoảng khí hậu từ Tông huấn Laudate Deum