Câu chuyện Truyền giáo: Giáo Hội Chi-lê trong những ngày đau khổ

0
344

Santiago Cathedral, Chile

Chi-lê những ngày này đang là mùa thu. Mùa thu bên này khác với Việt Nam lắm! Mùa thu nhưng thời tiết rất lạnh! Mùa thu nhưng không có giọt mưa nào nên đất đai khô cằn. Bước ra đường ta thấy những cành lá héo úa và rụng tàn. Cái lạnh, cái khô và cái héo tàn của mùa thu làm ta cảm thấy tâm hồn lạnh lẽo và man mác buồn.

Giáo hội Chi-lê trong những ngày này lại càng lạnh lẽo và héo tàn hơn bao giờ hết. Có lẽ lòng người Chi-lê ai cũng cảm thấy buồn đau và bàng hoàng vì những gì đã và đang xảy ra trong giáo hội địa phương này. Ngày nào mở thời sự, đọc tin tức và gặp gỡ ai cũng đề cập đến chuyện lạm dụng tình dục của các giáo sĩ trên đất nước này. Hết vụ này đến vụ khác, hết giáo phận này đến giáo phận khác. Không chỉ một hai người mà cả hơn chục người; không chỉ mang tính cá nhân mà còn có tính tập thể, nhóm “gia đình”.

Rancagua, giáo phận mà tôi đang sống và làm việc đang rúng động với hơn mười linh mục được đề cập trên các trang mạng truyền thông do dính líu đến các vụ lạm dụng tình dục và đồng tính. Đức Giám mục Alejandro Goíc, vị giám mục đáng kính năm nay đã 78 tuổi và sức khỏe không được tốt, thường xuyên phải nằm viện nhưng đang phải đau đầu xử lý những vụ lạm dụng tình dục khủng khiếp nhất trong lịch sử giáo hội Chi-lê. Ngài vừa phải ra thông cáo báo chí để công khai xin lỗi và bày tỏ sự đau buồn vì những gì đã và đang diễn ra trong giáo phận mình.

Đức Giáo hoàng Phanxicô những ngày giữa tháng 5 năm 2018 vừa qua phải triệu tập các Giám mục Chi-lê qua Rô-ma để giải quyết những chuyện bê bối trong lạm dụng lương tâm, lạm dụng chức quyền và lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ. Mới quay về lại Chi-lê, các Giám mục lại phải đối diện với những vụ mới có phần nghiêm trọng hơn. Được biết Đức Phanxicô lại sẽ tiếp tục mời bảy linh mục và hai giáo dân qua Rô-ma để gặp Ngài và làm nhân chứng cho các sự việc này.

Chi-lê được xem là quốc gia Công giáo nhưng thực tế những người thực hành đức tin qua việc tham dự Thánh lễ Chủ nhật rất thưa thớt. Nhìn vào con số thống kê những người lãnh nhận các Bí tích giảm sút một cách đáng kể. Trong giáo phận Rancagua, nếu năm 2007 có 10.652 người (đủ mọi lứa tuổi) lãnh nhận Bí tích rửa tội thì năm 2017 (sau 10 năm) con số này giảm chỉ còn 7.429 người. Rước lễ lần đầu năm 2007 là 8.362 người thì năm 2017 chỉ còn 5.214 người. Lãnh nhận Bí tích Thêm sức năm 2007 là 8.059 người thì năm 2017 chỉ còn 5.411 người. Cử hành Bí tích Hôn phối tại nhà thờ lại càng thê thảm, năm 2007 là 1.758 cặp hôn phối, năm 2017 chỉ còn 769 cặp hôn phối.

Trong các Thánh lễ Chủ nhật mà tôi thường dâng tại các cộng đoàn thì chỉ lác đác vài ba em nhỏ và vài người trẻ, phần lớn là người lớn tuổi. Một điều khó hiểu ở xứ tôi nữa là các em tới học giáo lý xong rồi về, không thấy mấy em được gia đình đưa vào nhà thờ tham dự thánh lễ. Các em chỉ đi lễ vào ngày rước lễ lần đầu xong rồi dường như nghỉ luôn, chờ đến tuổi lãnh Bí tích Thêm sức lại thấy tới học và lãnh nhận. Dường như với nhiều người, việc lãnh nhận các Bí tích như là lá bùa cứu sinh vậy, chỉ cần lãnh nhận các Bí tích thôi là đủ cho ơn cứu rỗi, khỏi cần thực hành nhiều!

Còn hôn phối thì càng tệ hại; giới trẻ Chi-lê bây giờ không mấy người có khái niệm cử hành Bí tích Hôn phối! Họ đăng ký kết hôn ở ngoài đời và sống với nhau, khi không thích thì bỏ một cách dễ dàng. Đối với nhiều bạn trẻ mà tôi có dịp hỏi tại sao không kết hôn theo nghi thức Công giáo? Câu trả lời của họ đơn thuần là vì không thích tốn kém tiền bạc và sợ bị ràng buộc vì Bí tích. Năm 2017 vừa qua tại xứ tôi có bốn cặp hôn phối; trong đó có một cặp chồng đã 75 tuổi, vợ 72 tuổi.

Điều đáng buồn nữa là tại giáo phận Rancagua này, theo tôi được biết đã ba năm nay không có thêm được một chủng sinh nào!

Nhiều lần có dịp nói chuyện với những người Công giáo nhưng không thực hành đức tin, điều mà họ hay đề cập đến đó là hàng giáo sĩ giàu có, quyền lực, sống xa dân và không gương mẫu (ám chỉ những vụ lạm dụng tình dục).

Vâng, không biết lý do tại sao và ta cũng không có quyền xét đoán điều gì, nhưng rõ ràng giáo hội Chi-lê trong những năm qua có sự sa sút trầm trọng và những gì được đưa ra ánh sáng trong những ngày qua cho thấy đó là một phần nguyên nhân làm cho giáo hội này ngày một thê thảm.

Những chuyện này xẩy ra vào những ngày mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cho ta thêm niềm tin và hy vọng đây chính là công việc mà Chúa Thánh Thần muốn thực hiện nơi giáo hội này; thanh tẩy, đổi mới và tái tạo. Chúa Thánh Linh muốn thực hiện một điều đó là thức tỉnh lương tâm các tín hữu và cải tạo giáo hội địa phương này sau bao năm đắm chìm trong giấc ngủ đông.

Mùa thu rồi cũng sẽ qua, mùa đông rồi cũng sẽ hết và mùa xuân sẽ lại đến, bầu trời sẽ tỏa ánh sáng rực rỡ hơn. Những cơn mưa rồi sẽ đến và sẽ có những chồi non mơn mởn, những nụ hoa xinh đẹp mọc trên những cành cây đầy sức sống. Nỗi đau của giáo hội Chi-lê cũng là nỗi đau của Giáo hội hoàn vũ. Bài học của Giáo hội Chi-lê cũng là bài học cho Giáo hội hoàn vũ và cho mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho giáo hội đang đau khổ này và tin tưởng Chúa Thánh Thần sẽ tái tạo sức sống mới cho giáo hội này.

Rancagua – Chile, ngày 23/05/2018.

Lm. G.B. Trịnh Đình Tuấn, SVD.

 

Bài trướcThường Niên – Tuần IX – Năm B
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần X – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.