HÊN – XUI CHUYỆN ĐI TU

0
294

Paul Quên Lãng, SVD – Học Viện Ngôi Lời

Trong một buổi lễ cầu cho ơn gọi tu trì, tôi thấy vị linh mục hỏi các bạn trẻ: Trong các con ai muốn đi tu? Các em nhỏ dăm ba tuổi giơ tay rất đông, tranh nhau hô con, con muốn, con muốn… Càng xuống phía dưới các cánh tay càng thưa hơn.

Chợt vị linh mục thấy một cậu bé khá lớn ngập ngừng giơ tay lên rồi hạ xuống. Vị linh mục đi thẳng đến chỗ cậu bé và hỏi: Con bao nhiêu tuổi rồi? Dạ, con 18. Con có thích đi tu không? Cậu bé ngập ngừng, nhưng cuối cùng cậu cũng trả lời: Dạ, thưa cha, hên xui ạ. Vị linh mục còn hỏi dăm ba câu gì nữa với cậu bé nhưng hai từ hên xui cậu trả lời khiến tôi có nhiều suy nghĩ.

Chỉ hai từ trái nghĩa, HÊN – XUI nhưng nó đã lột tả được phần nào cuộc sống của những người theo đời sống tu trì.

THỨ NHẤT XIN BÀN ĐẾN CHỮ HÊN

Vâng, đúng là đời tu hên thật, bởi vì không phải ai cũng đi tu được cả. Cả trái đất có khoảng trên dưới 2 tỷ người Công giáo, nhưng chỉ có khoảng 1 triệu tu sĩ cả nam và nữ.(Ở đây tôi mạo phép chỉ nói tới những người đi tu theo đạo Công giáo). Thế mới thấy, những người đi tu đúng là của hiếm, chỉ một tỉ lệ rất nhỏ. Chính vì hiếm, vì quý nên quá trình tạo ra được một người tu sĩ thật sự cũng rất gian nan. Ở quê tôi người ta hay ví quá trình này là “sàng như sàng gạo”. Cả một cái mẹt đầy ắp gạo, sàng đi sàng lại chỉ còn mấy hạt.

Tôi còn nhớ trong dịp linh thao 30 ngày của khóa tập, anh em chúng tôi có được gặp một vị đan sĩ Dòng Xitô. Sau một hồi nói chuyện hỏi han, chúng tôi hỏi lớp ngài có đông không? Ngài trả lời một cách hóm hỉnh: Đông hay không tôi cũng không nhớ nữa các thầy ạ, nhưng trên danh sách tôi nhớ tôi đứng thứ 289. Chúng tôi òa lên kinh ngạc vì số lượng quá lớn. Chúng tôi tiếp tục hỏi thế bây giờ còn bao nhiêu người nữa? Ngài cười to và bảo chỉ còn mình tôi thôi các thầy ạ. Có thể ngài bông đùa nhưng tôi tin con số chắc cũng không nhỏ hơn thế bao nhiêu đâu. Chính lớp tôi khi thi vào Hội Dòng năm 2009 là 67 người nhưng bây giờ trải đều ra các lớp khác nhau cũng chỉ còn 8 thành viên. Chính vì thế, giữa bao nhiêu điều xui rủi mà người tu sĩ vẫn trụ lại được trên bước đường theo đuổi ơn gọi thì quả là rất hên.

Điều hên tiếp theo là làm tu sĩ được đi học rất nhiều. Vâng, ngoài học xã hội, mà đa số là phải tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên. Bước vào đời sống tu trì, những người tu sĩ còn trải qua quá trình đào tạo của Hội thánh trên dưới 10 năm. Ông nào “hên” hơn thì học đến lúc chết luôn. Học đến bạc cả tóc, hói cả đầu (tôi cũng bắt đầu cảm nhận được điều này một cách thực tế trên chính mái tóc của mình). Được ăn học đến nơi đến chốn là một hồng ân mà không phải ai cũng có được cơ may, nên đi tu quả là rất hên khi có được điều đó.

Điều hên tiếp theo mà có lẽ dễ nhận thấy nhất đó là người tu sĩ rất được tôn trọng. Dù là ai, đấng bậc nào và ở bất cứ đâu tôi đều cảm nhận được ánh mắt ngưỡng mộ, tôn trọng mà họ dành cho các tu sĩ. Có lẽ họ cũng cảm nhận được những khó khăn những hy sinh phục vụ mà một người tu sĩ chân chính phải trải qua, nên họ dành cho những tu sĩ một sự tôn trọng nhất định. Không tin các bạn cứ đến một tu viện, một giáo xứ nào đó đứng và quan sát mà xem. Từ con nít mới biết nói tới ông già bà cụ sắp gần đất xa trời khi thấy một tu sĩ thường chào một cách rất cung kính: Con chào Cha, con chào Thầy… Vâng, với họ, tu sĩ là người cha, người thầy thiêng liêng mà Chúa gửi đến. Đấy, người tu sĩ tuy không lập gia đình nhưng họ lại có cả một đại gia đình rộng lớn, mà trong đó tất cả đều là con cái của mình, những người con thiêng liêng mà Chúa ban tặng. Còn cái hên nào hơn thế?

Cái hên tiếp theo đó là, không những những người tu sĩ được tôn trọng  mà chính gia đình của họ cũng được mọi người tôn trọng. Bố mẹ của tu sĩ thì được mọi người gọi một cách trịnh trọng: Ông bà cụ, ông bà cố, trẻ hơn một chút thì có anh cố, chị cố, em cố… Kính thưa các loại cố dành cho gia đình người tu sĩ. Có lẽ vì thế mà các gia đình Công giáo cũng thường rất hãnh diện, tự hào khi con cái mình đi tu dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa.

Nhưng có lẽ, cái hên nhất là thông qua đời sống tu trì, người tu sĩ đã biến đổi cuộc đời mình nên một của lễ đẹp để dâng lên Thiên Chúa qua đời sống thiêng liêng, đời sống cộng đoàn, đời sống học tập, đời sống sứ vụ. Tu sĩ, cách nào đó như một ngọn nến cháy sáng, họ tiêu hao dần chính đời sống của mình nhưng lại đem một chút ánh sáng soi rọi đến với thế giới xung quanh.

Đấy, tôi kể sơ sơ một vài cái HÊN mà một người đi tu có thể có được nếu đi trọn con đường mà Chúa đã mời gọi họ dấn thân.

THỨ HAI XIN BÀN ĐẾN CÁI XUI

Giờ xin kể đến những cái XUI mà một người đi tu có thể sẽ phải đối diện trong cuộc sống của họ.

Cái xui thứ nhất đó là không được yêu. Yêu tôi muốn nói ở đây đó là tình yêu đôi lứa để tiến tới cuộc sống hôn nhân gia đình. Con người mà, ai chả có tâm sinh lý bình thường như bao người khác. Kể cả đó là các tu sĩ hay các vị thánh, họ đều có trái tim bằng thịt và đều biết yêu thương, rung động trước cái đẹp. Thiên Chúa tạo ra con người đã muốn thế, có nam có nữ và người này là sự hấp dẫn của người kia. Nhưng với các tu sĩ thì khác, họ có thể rung động, có tình cảm với ai đó, nhưng họ không có quyền sở hữu riêng một ai bởi vì họ phải luôn ý thức được rằng thân xác và tâm hồn họ thuộc riêng về Đức Kitô.

Sau Thánh lễ, nhìn các gia đình, các cặp đôi khoác tay nhau đi về với tổ ấm của mình có lẽ các tu sĩ cũng sẽ có chút chạnh lòng nào đó bởi vì khi bỏ tất cả để đi tu họ phải chấp nhận chung sống rất nhiều Cô: Cô đơn, cô quạnh, cô liêu, (cô) cholesterol đồng hành nữa…Nhưng có lẽ,  thứ đáng sợ nhất là cô đơn. Khi còn trẻ, còn năng nổ hoạt động có lẽ các tu sĩ sẽ bớt đi phần nào cô đơn. Nhưng khi về già thì quả thật đó là điều kinh khủng. Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp, các cha già sau khi chuyển từ giáo xứ về nhà hưu dưỡng, tinh thần họ suy sụp rất nhanh và chỉ một thời gian ngắn họ đã trút hơi thở cuối cùng. Hôm nay mới nói chuyện với một ông thầy bạn, ông bảo mới đi đám tang một ông cha cố 85 tuổi, là một nhà truyền giáo tu trong dòng. Thấy nhiều điều phải suy ngẫm và lo lắng. Hỏi lo lắng gì thì ông bảo, thấy cha cả một đời hy sinh, truyền giáo nơi đất khách quê người, lúc về già lủi thủi một mình, ốm đau người thân ở xa không ai chăm sóc. Sống nơi nhà hưu dưỡng, sớm tối chỉ thấy y tá và điều dưỡng, chết không thấy ai một tiếng khóc, thậm chí còn vui cười vì có khi, cái chết của mình là dịp để anh em quy tụ, gặp nhau và hàn huyên. Công việc mục vụ ít cho người tu sĩ có dịp được gặp nhau một cách đầy đủ với anh em mình trừ thời gian sống ở Học viện hay Đại Chủng viện. Cười cười bảo ông, chết rồi biết gì nữa, ai khóc hay ai cười cũng vậy thôi ông ơi.

Nói thế nhưng mà cũng nhìn thấy trước tương lai của mình qua hình ảnh đó. Bảo ông đừng lo, sau này tui về làm giám đốc nhà hưu dưỡng, hàng ngày 12 giờ trưa tui đều đẩy xe lăn đưa ông ra phơi nắng vài tiếng đều đặn cho có bạn có bè, không lo cô đơn đâu. Ha ha ha!  Anh em cười với nhau sảng khoái. Mặc kệ, ngày mai có ra sao cũng chẳng sao.

Cái xui tiếp theo đó là người tu sĩ là phải “làm dâu trăm họ”. Có lẽ các bạn đã xem bộ phim “Mẹ Chồng Nàng Dâu”, đấy là chỉ mới có một bà mẹ chồng thôi đấy mà đã khủng khiếp thế. Đàng này các tu sĩ phải làm dâu trăm họ, không biết chống đỡ sao đây. Để tóc tốt một chút thì sẽ bảo cha cụ, tu sĩ gì nhìn không đứng đắn. Cắt ngắn thì bảo nhìn như du côn. Nghiêm trang, lịch sự thì bảo khó tính, xuề xòa thì bảo dễ dãi, cợt nhả… Đấy, suốt ngày cứ phải bơi với “các bà mẹ chồng thôi”. Nói thế thôi chứ các bà mẹ cũng thương lắm, nhắc nhở, răn đe và động viên thường xuyên.

Một cái xui nữa, là đời tu có lẽ không phải luôn hợp với các tu sĩ. Đôi người vì một ai đó mà chọn đời sống tu trì, thế rồi họ phải sống với nó cả đời, thả cũng không được mà nắm cũng không xong. Cuối cùng họ lê lết đời mình trong một lý tưởng, một đời sống không phải dành cho mình, chính vì thế phát sinh thêm biết bao nhiêu chuyện kéo theo sự chọn lựa sai lầm của mình. Bỏ bê công việc, sứ vụ vì đó không phải mục đích sống, không phải niềm vui của họ…

Xét cho cùng, có lẽ cái xui lớn nhất của người tu sĩ chính là vì Chúa quá yêu thương họ, ban cho họ nhiều ân sủng, người đời cũng kỳ vọng nơi họ quá nhiều… Nhưng những thứ đó, như thánh Phaolô đã nói trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô: “Những kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành dễ vỡ” (2Cr 4, 7).

Tất cả chúng ta đều rất dễ bị tổn thương, giòn mỏng và yếu đuối; chúng ta cần tới ơn cứu độ, và tu sĩ cũng vậy.

Còn rất nhiều cái hên và cái xui nữa của một người đi tu nhưng thôi, tôi chỉ dám bàn một chút vậy qua câu trả lời Hên Xui của em nhỏ trong Thánh lễ cầu cho ơn Thiên Triệu mà tôi hiện diện với tư cách một tu sĩ. Xin mọi người thêm lời cầu nguyện cho các tu sĩ để họ luôn cảm nhận được rằng, việc đi theo Chúa là một cái HÊN trong đời họ để qua đó họ có thêm động lực để chu toàn và sống xứng đáng với lý tưởng mà họ đã, đang và sẽ theo đuổi.

Bài trướcHÃY SẴN SÀNG (Mt 24, 37-51): BÀI GIẢNG LỄ GIỖ ĐẦU CHO LM. ĐAMINH ĐẶNG TRUNG HIẾU, SVD
Bài tiếp theoNIỀM VUI SỨ VỤ 3/# CĐ Ngôi Lời Kim Châu Lan Tỏa Yêu Thương Bánh Trung Thu