HÃY SẴN SÀNG (Mt 24, 37-51): BÀI GIẢNG LỄ GIỖ ĐẦU CHO LM. ĐAMINH ĐẶNG TRUNG HIẾU, SVD

0
4108

Lm. Anton Trần Xuân Sang, SVD

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ. Hôm nay chúng ta dâng Lễ Giỗ Đầu cho người anh em chúng ta là cha Đaminh Đặng Trung Hiếu. Tôi muốn chia sẻ vài ý tưởng trong bài Tin Mừng hôm nay cũng như vài lời tâm tình với gia đình của người anh em quá cố.

Một bài hát khá nổi tiếng của linh mục nhạc sư Kim Long thường được hát vào lễ an táng, lễ giỗ hay tháng các linh hồn là nhạc phẩm “Ngày Về” với lời điệp khúc: Khi Chúa thương gọi con về, hồn con hân hoan như trong một giấc mơ. Miệng con nức vui tiếng cười, lưỡi con vang lời ca hát. Ngàn dân tung hô: con thật vinh phúc. Bài hát này hầu như ai cũng thuộc vì diễn tả được tình yêu của Chúa với con cái Ngài.

Tuy nhiên, trong dịp mừng lễ Kim Khánh 50 năm linh mục của nhạc sư Kim Long thì người ta mới khám phá nguyên nhân ra đời của nhạc phẩm bất hủ này chính là lúc người nhạc sĩ tài hoa đang giúp xứ thì được đức giám mục gọi về tĩnh tâm để chuẩn bị lãnh chức thánh, và vì quá vui mừng nên “xuất khẩu thành… nhạc” để ca tụng Thiên Chúa vì những hồng ân bao la mà Ngài đã thương ban. Nhưng bài hát từ niềm vui đón nhận chức thánh thì biến thành… niềm hân hoan về … nhà Cha trên trời. Và từ đó bài hát trở nên bất hủ trong các dịp lễ an táng và cầu hồn, và linh mục nhạc sư vui tính của chúng ta cũng không muốn đính chính, cứ để hồn bài hát bay xa, vang xa mãi vì trọn đời linh mục của ngài đã cống hiến cho nền thánh nhạc Việt Nam nên những gì ngài viết ra cũng thuộc về Giáo hội, thuộc về Chúa .

Với người Công giáo, chết là trở về nhà Cha trên trời, nơi mà không còn đau khổ, không còn tham-sân-si, nơi mà con người nhận được hạnh phúc viên mãn. Tuy nhiên, không ai muốn đón nhận đau khổ, nhất là sự chết vì cái chết là một điều gì đó rất đau thương, thảm khốc, nhất là những người chết trẻ và chết đột ngột, chứ không giống như linh mục nhạc sư hài hước kia trong lời trần tình bài hát của mình là thật vinh phúc khi được Chúa gọi. Có lẽ ai cũng có người thân qua đời và đều cảm nhận được sự mất mát lớn nếu những người thân yêu đó ra đi bất thình lình.

Không ai thoát khỏi cái chết. Chính vì thế mà một triết gia nổi tiếng đã từng nói đã là người thì ai cũng phải chết.

Chúa Giêsu đã nhắc nhở ta về sự chết, về việc Chúa đến bất ngờ vào ngày giờ ta không ngờ.  Chúa sẽ đến với ta bất ngờ như kẻ trộm. Cho nên thái độ của ta là phải tỉnh thức và sẵn sàng chờ Chúa đến.

Nhiều truyền thống văn hóa hay tôn giáo rất tối kỵ khi nói về sự chết. Tuy nhiên, người Công giáo chúng ta không ngần ngại nói về điều tối kỵ ấy, và chính Đức Giêsu cũng đã bày tỏ cho các môn đệ của Ngài trên đường đi Giêrusalem là Ngài sẽ chịu bắt bớ, chịu đóng đinh và chịu chết nhưng sau ba ngày sẽ sống lại. Người Phật giáo thường nói có sinh thì ắt có tử và họ chỉ dừng ở đó. Tuy nhiên, người Công giáo chúng ta lại tiến xa hơn là Sinh-Tử-Phục Sinh, nghĩa là ai cũng được sinh ra, ai cũng phải chết nhưng sẽ có ngày sống lại và đó chính là sự sống vĩnh cửu mà con người hằng mơ ước.

Cố nhạc sĩ Phạm Duy đã từng tâm sự trong nhạc phẩm “Những Gì Đem Theo Về Cõi Chết”: Rồi mai đây tôi sẽ chết, trên đường về nơi cõi hết, tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây? Rồi mai đây tôi hóa kiếp, trong lòng còn bao luyến tiếc, tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?… Ngày chúng ta ra đi sẽ không mang theo được gì ngoài bộ đồ mặc trên người và được bỏ vào trong quan tài trước khi đi hỏa táng hoặc mai táng. Trong tư cách là linh mục, chúng tôi đã chứng kiến biết bao cuộc ra đi của người thân hay những người mình quen biết. Thành thật mà nói cuộc ra đi nào cũng thấm đẫm nước mắt dù người ta biết rằng những người ra đi sẽ được hạnh phúc vì không còn phải khổ đau với bệnh tật hay lo lắng chuyện đời.

Cuộc sống của chúng ta giống như một sân khấu, có khởi đầu, có kết thúc, có mở màn và có lúc hạ màn. Đôi lúc có thể chúng ta diễn không hay lúc ban đầu vì chưa thuộc kịch bản hay vì lý do nào đó khiến chúng ta không làm tốt vai diễn của mình. Rồi một khi đã quen với sàn diễn do kinh nghiệm sống nên chúng ta phải tiếp tục diễn để vở kịch cuộc đời ngày một hay hơn. Và chắc chắn ai cũng muốn được vỗ tay khen ngợi khi màn ảnh của sân khấu cuộc đời ta khép lại, đó là lúc chúng ta phải trở về với cát bụi và ngày đó người đạo diễn tài tình là chính Thiên Chúa sẽ không hỏi chúng ta là đóng vai chính hay vai phụ, nhưng sẽ hỏi chúng ta là chúng ta có làm tốt vai diễn cuộc đời của chúng ta không. Chúa có thể viết thẳng dễ dàng trên các đường cong vì Người là Thiên Chúa, nhưng Người muốn chúng ta phải cộng tác với Người để cho thế giới này ngày một tốt hơn vì Người tôn trọng sự tự do của chúng ta.

Giá trị cuộc đời con người không hệ trọng ở việc sống thọ, sống lâu, nhưng hệ tại ở chỗ là mình sống như thế nào. Đức Cố Hồng y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận đã từng nói: “Chiều cao của đời tôi là gì? – Là trung thành với Thiên Chúa, với Hội thánh, với Tổ tiên, với Tổ quốc. Chiều rộng của đời tôi là gì? – Là trưởng thành đối với gia đình, cộng đoàn và xã hội. Chiều dài của đời tôi là gì? – Là Tín thành với bằng hữu, với mọi người”.

Thực tế đã cho chúng ta thấy, cũng là con người nhưng có những cái chết cô đơn, ít người thương tiếc. Trái lại có những cái chết ý nghĩa, được mọi người luyến tiếc, nhớ mãi. Có những người chết trẻ mà “tiếng thơm” lan rộng, nhưng có những người chết già mà lại toàn tiếng xấu.  Đó là phần nào kết quả của những gì mình đã nói, đã làm, đã nghĩ và đã sống ở trần gian. Vậy phải sống sao cho xứng, sao cho “thơm” trên dòng đời nhiều trôi nổi, lắm đổi thay với nhiều xu thế xấu tốt luôn rình rập.

Tháng Tư vừa qua thế giới đã nhắc đến hai nhân vật xuất chúng của thế kỷ XX là Adolf Hitler và Charlie Chaplin đều cùng vào sinh tháng 04/1889 nhưng một người làm cho cả thế giới phải khốn khổ vì tội diệt chủng phát xít là nhà độc tài Hitler, và một người luôn làm cho thế giới vui cười qua những bộ phim hài Charlie. Tuy nhiên ngày ông Hitler tự sát sau chiến tranh Thế Giới Thứ Hai kết thúc thì cả thế giới nhẹ nhõm vui cười, trong khi ông Vua Hài Charlie qua đời thì cả thế giới tiếc thương.

Cha Đaminh thân yêu của chúng ta đã ra đi đột ngột khi tuổi đời và tuổi linh mục còn quá trẻ. Ai cũng tiếc thương cho cha Đaminh. Gia đình cha đã mất đi một người con, một người em, một người thân. Bạn bè mất đi một người chí cốt. Hội Dòng mất đi một thành viên. Có lẽ ai trong chúng ta cũng có một kỷ niệm đẹp với cha Đaminh. Chúng ta hãnh diện vì cha đã để lại tiếng thơm cho đời dù phải ra đi hơi sớm.

Hiếu ơi! Nhà Dòng, gia đình và người thân luôn nhớ đến em, nhất là nụ cười duyên của em. Hôm nay lễ giỗ đầu của em mọi người đều tề tựu đông đủ, nhất là Bà Cố – Mẹ của em không ngày nào quên em được dù em đã là linh mục của Chúa, là thành viên của Dòng Ngôi Lời. Xin Chúa đón nhận em vào Vương quốc của Ngài và cầu nguyện cho những người còn sống luôn nhớ đến em nhé. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho cha Đaminh, và nhân dịp này chúng ta phải ghi nhớ và luôn suy niệm Lời Chúa: “Các con hãy sẵn sàng vì không biết giờ nào, ngày nào Con Người sẽ đến” (Mt 24,44).

Nha Trang, 28 tháng 9 năm 2020

*Ghi chú: Lễ giỗ Linh mục Đaminh Đặng Trung Hiếu đúng vào ngày 01/10/2020, nhưng được tổ chức sớm hơn vào ngày 28/09/2020 tại Nha Trang.

Bài trướcThánh Lễ Giỗ Đầu Của Lm. Đaminh Đặng Trung Hiếu, SVD
Bài tiếp theoHÊN – XUI CHUYỆN ĐI TU