ĐỒNG LÈN: “HOA TRÊN ĐÁ”

0
1174

Giuse Vũ Tiến Lợi – Học Viện Ngôi Lời

Hoa trên đá. Cây hoa là một loài yếu ớt, nhỏ bé, cũng là loại cây bình thường, giản dị trong số muôn loài cây cối. Đối lập với sự mỏng manh, yếu ớt của cây hoa, đá là nơi có điều kiện sống khó khăn khốc liệt. Bởi thế, để cây hoa có thể sống, phát triển và nở hoa trên đá thì đó quả là một điều kỳ diệu. Để bám sâu vào núi đá và lấy chất dinh dưỡng, cây hoa phải có sức sống kiên cường, một nghị lực sắt đá để vượt thắng mọi điều kiện khắc nghiệt nhất. Những bông hoa là thành quả đẹp đẽ, kết tinh từ sự chắt chiu, thể hiện sức sống mãnh liệt và muốn cống hiến hương sắc cho đời.

Giáo xứ Đồng Lèn được kể như là vùng đất nằm sát với địa đầu niềm núi rừng Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Tuy giáo dân không đông, khoảng hơn 2.000 tín hữu, nhưng nằm rải rác trên bốn huyện của xứ Nghệ gồm: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong. Giáo xứ bao gồm có bốn giáo họ và ba giáo điểm. Tính từ Giáo họ Đồng Lèn, giáo điểm gần nhất khoảng 40 km, và giáo điểm xa nhất lên tới khoảng 150 km. Giáo dân giáo xứ được quy từ nhiều vùng miền khác nhau trong dải hình chữ “S” và bao gồm nhiều sắc tộc. Có thể nói, đây là một giáo xứ có địa hạt rộng lớn; tín hữu nằm rải rác trên nhiều vùng miền sơn cước.

Khi nghe qua về tình hình chung của Giáo xứ Đồng Lèn, ta đã phần nào hình dung được những khó khăn, thử thách khi mục vụ ở đây. Khoảng cách xa xôi, đường đi trắc trở đó chính là thách đố đầu tiên. Thật vậy, sẽ là đơn giản khi ta đi tham quan một nơi cách chúng ta khoảng 150 km. Nhưng nó sẽ không còn đơn giản nữa nếu một mục tử phải dâng Thánh Lễ hằng tuần, cũng như có công tác mục vụ thường xuyên. Tính riêng, việc đi lại cũng có thể vắt kiệt sức người mục tử. Thứ đến, công việc mục vụ cho giáo dân, gồm nhiều vùng miền và nhiều sắc tộc, cũng là một thách đố. Người mục tử phải biết cách hòa hợp, trong sự khác biệt và phong phú, giữa dân bản địa với dân di cư, giữa sắc tộc này với sắc tộc kia, để Giáo xứ phát triển trong tinh thần đoàn kết và hiệp nhất nên một. Ngoài ra, cơn lốc của nền kinh tế thị trường và của thế giới mạng cũng “tàn phá,” làm suy giảm đáng kể tới đời sống đạo đức, đời sống đức tin nơi người tín hữu, không chỉ ở các giáo xứ  thành thị mà cả các Giáo xứ, giáo điểm trên miền núi xa xôi.

Thiết tưởng rằng những khó khăn, thử thách trên như bức tường kiên cố ngăn cản Giáo xứ Đồng Lèn phát triển; nhưng trên thực tế, mọi thứ như trái ngược. Những khó khăn đó không thể “bóp chết” hạt giống đức tin nơi đây, nhưng lại giúp nó đâm rễ sâu, kiên vững phát triển và nở hoa đơm trái. Những năm gần đây, Giáo xứ Đồng Lèn ngày càng “thay da đổi thịt” không ngừng. Về cơ sở vật chất, nơi các giáo họ, giáo điểm ngày càng đầy đủ, khang trang hơn. Trước đây, nhiều tín hữu không có nơi sinh hoạt tôn giáo. Thế nhưng giờ đây, nhiều giáo điểm, nhà nguyện được dựng nên. Nhiều cơ sở hạ tầng cũng được xây dựng để nhằm phục vụ cho đời sống các Kitô hữu. Đời sống thiêng liêng cũng không ngừng phát triển. Giáo dân tích cực tham dự Thánh Lễ, tham dự sốt sắng các việc đạo đức. Nhiều hội đoàn được thành lập và không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng như: thiếu nhi Thánh Thể, giới trẻ, giới hiền mẫu, gia trưởng, hội Legio, Thánh Tâm, Lễ sinh… Mọi Kitô trong Giáo xứ luôn sống tâm tình: tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết… còn tất cả những thứ khác Người sẽ ban cho (x. Mt 6,33). Người tín hữu sống đoàn kết, chan hòa với nhau bằng tình yêu thương bất tận.

Điều làm tôi ấn tượng nhất về Giáo xứ Đồng Lèn đó là mỗi giáo họ, giáo điểm là ngôi nhà chung cho mọi người. Ngoài tham dự Thánh Lễ, các việc đạo đức, các tín hữu thường xuyên lui tới các giáo họ, giáo điểm để sinh hoạt, giao lưu thể thao với nhau, vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa thắt thêm tinh thần đoàn kết. Các hoạt động trên không chỉ quy tụ được mọi giới trong giáo xứ, mà cả bà con lương dân cũng tích cực tham gia. Lúc nào giáo xứ cũng vui vẻ nhộn nhịp, đầy ắp tiếng cười nói, tiếng nô đùa của trẻ thơ. “Sao người bên giáo sống vui vẻ, yêu thương chan hoà thế nhỉ?” đó chính là những câu cửa miệng mà người lương dân nơi đây truyền tai nhau. Thật sự, mỗi giáo họ, giáo điểm trở nên “điểm hẹn” giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau.

Để Giáo xứ Đồng Lèn có được sự phát triển và sức sống mãnh liệt như ngày hôm nay, đầu tiên phải kể đến bao công lao khó nhọc của các tín hữu tiên phong, đặc biệt của các cha quản nhiệm các thế hệ đi trước. Các ngài đã từng bước, từng bước thành lập, xây dựng và phát triển Giáo xứ. Công lao tiếp theo là sự hy sinh vất vả, sự hướng dẫn khôn ngoan của các mục tử đương nhiệm. Đó chính là hai cha, Phêrô Lê Đức Bắc và Antôn Pađôva Nguyễn Huy Quyền, thuộc dòng Ngôi Lời – Việt Nam.

Với lòng đạo đức cùng với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, các ngài luôn tìm cách để đưa giáo xứ ngày càng phát triển về đời sống thiêng liêng, tinh thần và vật chất. Với trái tim nhân hậu của người mục tử, các ngài luôn sống gần gũi, gắn bó với đàn chiên; các ngài luôn sẵn sàng bảo vệ, yêu thương săn sóc cho từng con chiên một. Có thể nói, các ngài là những mục tử “mang nặng mùi chiên.” Hơn nữa, với tinh thần của Đấng sáng lập Arnold Janssen: “Loan báo Tin Mừng là hành động yêu thương trước nhất và cao cả nhất,” các ngài luôn chú trọng và ưu tiên cho vấn đề truyền giáo. Cụ thể là các ngài cùng với các cộng tác viên truyền giáo luôn dành thời gian mỗi tuần để đi đem Tin Mừng cho những người lương dân xung quanh, đặc biệt là cho các đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng chứng là mỗi năm có đến hơn một trăm người được rửa tội. Với tinh thần cho đi là còn mãi, các ngài cùng với Hội đồng Giáo xứ luôn tổ chức các buổi trao quà miễn phí giúp đỡ những nơi khó khăn.

Giáo xứ Đồng Lèn đã và đang trở nên như bông hoa rực rỡ giữa núi rừng Tây bắc Nghệ An. Bông hoa ấy vẫn kiêu hãnh vươn lên khoe hương sắc, mặc cho những khó khăn nơi miền đất hẻo lánh xa xôi. Một điều khác biệt nữa về hoa rừng đó là: nó vẫn sống, vẫn nở hoa, vẫn trao hiến những gì là quý giá nhất, đẹp nhất cho đời bằng sức sống mãnh liệt của mình, mặc cho không có ai chiêm ngắm, công nhận vẻ đẹp của nó; mặc cho thành quả cả đời mình sẽ bị héo tàn khi nắng lên, hay sẽ bị gãy nát, dập vùi vì một trận mưa rào hay giông bão. Giáo xứ Đồng Lèn vẫn bước đi từng bước kiên trì trong đức tin để sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, để giúp Nước Chúa mau trị đến.

Bài trướcTôi nói Người là ai?
Bài tiếp theoGiữa MUÔN KIẾP NHÂN SINH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.