Tôi nói Người là ai?

0
288

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đó là câu hỏi Đức Giêsu đặt cho các môn đệ, khi họ đi đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê (Mt 16,13-19). Hẳn không là một điều ngẫu nhiên, khi Đức Giêsu đặt câu hỏi về căn tính tại đó. Họ đang đứng ở vùng ranh giới, gần khu dân cư mới do người Rôma thành lập. Câu hỏi về căn tính của mình (Tôi là ai?) xuất hiện mỗi khi chúng ta đối diện với xứ lạ người lạ. Đức Giêsu bắt đầu cuộc truy tìm bằng câu hỏi về cái nhìn của dư luận. Kết quả nghe như vậy: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.”

Thiên hạ cho rằng Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả. Ngài là một ngôn sứ sống thật khắc khổ: ăn châu chấu uống mật ong, mặc áo da, sống trong hoang địa. Khổ hạnh là một đức tính của niềm tin Kitô. Nhưng khi khổ hạnh được tô đậm quá chúng ta sẽ quên mất, không nhìn thấy một chiều kích khác nơi Đức Giêsu: Ngài được cho là thích giao du với phường ăn nhậu, và các dụ ngôn mô tả Nước Trời như những bữa tiệc lớn.[1] Khía cạnh “nhập thể” này được tô rất đậm trong thời đại chúng ta, đến nỗi làm mờ nhạt hẳn chiều kích khổ hạnh và giá trị của nó trong đời sống tu trì. Lời kinh dạy “kiêng bớt chớ mê ăn uống” hầu như không còn được nhắc nhớ đến. Bớt ăn bớt uống nhằm mục đích giảm cân, để giữ dáng hay vì bệnh đến nơi.

Nếu từ bỏ và khổ hạnh được cho là rất quan trọng, người ta dễ rơi vào thái độ phủ nhận việc thưởng thức và sự sống động, đồng thời nuôi dưỡng tính công kích những người không biết sống hãm mình. Thái độ này làm lu mờ tầm nhìn về Đức Giêsu. Ngược lại, trong tình trạng mình đầy bia rượu thì cũng ít ai còn giữ được khả năng nhìn xa hơn bàn nhậu. Có một câu cách ngôn tiếng Latinh nhắc đến một khía cạnh cần thiết khác ở đây: Với cái bụng no căng thì ít ai còn thích học hành![2] Văn hóa nhấn mạnh và cổ xúy chuyện ăn nhậu theo nhịp “1,2,3 dzô” hờ hững với việc chăm sóc cũng như phát triển đời sống trí thức và thiêng liêng.

“Kẻ thì bảo là ông Êlia,” một ngôn sứ lớn trong niềm tin do-thái. Êlia dấn thân hết mình và không nhân nhượng cho một niềm tin tinh tuyền. Ngài giết sạch các tư tế của thần Baal. Đức Giêsu là vị ngôn sứ lớn nhất, nhưng khác với Elia ở điểm là Ngài không tiêu diệt những người có suy nghĩ khác, mà muốn thu phục họ. Ngài không giảng chống lại họ, trái lại tìm cách mời họ bước vào Nước Trời. Đức Giêsu tạo cơ hội cho mỗi người quay về, để cho Thiên Chúa yêu thương và mời vào bàn tiệc. Lịch sử Giáo hội cho thấy rằng tính khí như nơi ngôn sứ Êlia, là với “niềm tin tự phụ về việc nắm giữ sự thật và cái đúng tuyệt đối, không khoan nhượng,”[3] đã có thời nắm tay trên và đã lôi kéo Kitô hữu vào những cuộc chiến chống lại những người ngoại giáo. Nhưng Đức Giêsu không là ngôn sứ Êlia.

“Có người lại cho là ông Giêrêmia”; vị ngôn sứ này là một người công chính chịu đau khổ. Cả Đức Giêsu rồi cũng phải đi con đường thập giá. Cái tên Giêrêmia nhắc chúng ta nhớ cám dỗ vinh danh hóa sự đau khổ và phát triển một quan niệm sống mang tính tự hành hạ, tự làm khổ mình nhân danh đạo đức. Những người sống đạo như vậy cho rằng tự làm khổ mình thì hay hơn là sống sung sướng dư đầy. Nhưng Đức Giêsu không đến để chúng ta chịu đau chịu khổ, mà để chúng ta trở nên những con người hạnh phúc, có phúc.

Con đường khổ luyện dẫn đến sự bình an và niềm vui nội tâm đi ngang qua các gian khó. Lúc đó, chúng ta không nên trốn tránh mà đón nhận chúng và đi cho đến cùng trong yêu thương. Được vậy, chúng ta có thể đi đường đời của mình mà không còn sợ hãi. Nhà văn người Liban Kahill Gibbran đúc kết kinh nghiệm của mình với Đấng-Là-Đường như vậy: “Chúng ta không đi vào cuộc đời này bằng con đường đày ải. Chúng ta đến đây như một tạo vật vô tội của Thượng Đế, để học cách thờ phượng tinh thần thiêng liêng và hằng cửu đó, và để tìm kiếm những bí mật ẩn giấu bên trong con người đang làm cho chúng ta không thấy ra vẻ đẹp của cuộc đời. Đó là chân lý tôi học được từ lời giảng của Người Nazareth. Đó là chân lý đến với tôi từ bên trong tôi. Đó là bí mật sâu xa các thung lũng và các động cơ đã hé lộ cho tôi khi tôi bụng đói cồn cào, nỗi cô đơn và chảy nước mắt dưới bóng cây.”[4]

Câu hỏi “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” được Simon Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Mêssia (Kitô, tiếng Hy Lạp) là Đấng giải thoát dân Israel từ chốn nô lệ. Đức Giêsu dẫn con người vào tự do. Là “Con Thiên Chúa hằng sống” muốn nói rằng Thiên Chúa tác tạo sự sống. Người hành động trong lịch sử đời tôi, lịch sử nhân loại. Nơi nào Thiên Chúa hiện diện, ở đó mọi sự trở nên sống động. Nói vậy, Thiên Chúa của Đức Giêsu là Chúa của sự sống, và chúng ta gặp Người ở nơi chúng ta sống trọn vẹn và sống thật sự.

Đức Giêsu chú trọng đến việc chúng ta tìm thấy sự sống thật. Ai chỉ bám vào các công thức mà không trải nghiệm điều mình tuyên xưng, thì không hiểu Thiên Chúa. Ơn gọi và nhiệm vụ của chúng ta là học nhìn Đức Giêsu cho đúng đắn. Vì qua Ngài tôi nhìn thấy Thiên Chúa, để rồi nhờ đó trở nên con người tự do và sống động. Các môn đệ khác lập lại những gì họ nghe nói về Thầy. Chỉ Simon Phêrô có câu trả lời riêng. Và đó là một lời tuyên xưng niềm tin. Như vậy, từ câu hỏi về nhận định của thiên hạ về mình Đức Giêsu dẫn tới câu hỏi được đặt cho mỗi môn đệ. Cả cho tôi. Nghĩa là Chúa chờ đợi một câu trả lời mang tính cá nhân, nghĩa là đến từ đời tôi.

Tất nhiên, để có được một câu trả lời như vậy tôi cần phải đi chung đường với Ngài một thời gian dài đủ. Phải học suy nghiệm về tất cả những gì xảy ra trong đời Ngài và đời tôi, thì mới có thể có được câu trả lời về Đức Giêsu sát thực tế, như Ngài là. Nếu không, tôi chỉ biết lập lại một câu giáo lý, một khẩu hiệu đạo đức, một lời trích dẫn. Không sai, nhưng không là Lời đi qua đời tôi và vì vậy không thực sự là câu trả lời của tôi.

“Lời” học thuộc lòng để trả bài theo cách học đối phó, học theo đáp án, thì khó để lại dấu vết gì đáng kể và không có sức thuyết phục của một lời chứng. Tức là “lời” đến từ cuộc đời, ngang qua các thập giá phải vác trong đời. Đó là “lời” đến từ trong thinh lặng và lắng nghe, cảm nhận, suy tư nghiền ngẫm và chịu đựng. Cuối cùng, vì là “lời” đến từ kinh nghiệm của một đời được biến đổi bởi LỜI, nên câu trả lời đó cũng cho thấy tôi thực sự là ai. Cố nhạc sĩ Văn Cao cô đọng lối sống “Là chính mình” như vậy trong câu hỏi:

Tôi không đi qua tôi

để lại gì?[5]

[1] Anselm Grün, Das grosse Buch der Evangelien. Jesus – Wege zum Leben, Freiburg 2010, 87-93.

[2] “Plenus venter non studet libenter.”

[3] Paul Giran, Tâm lý Dân tộc An Nam: Đặc điểm Quốc gia; Sự tiến hóa Lịch sử, Trí tuệ, Xã hội và Chính trị. NXB Hội Nhà Văn 2019, 141.

[4] Kahill Gibbran, Tình yêu Tận hiến, Sài Gòn 2012, 86.

[5] Toàn bài thơ „Không đề“ của nhạc sĩ Văn Cao: Con thuyền đi qua / để lại sóng. / Đoàn tàu đi qua / để lại tiếng / Đoàn người đi qua / để lại bóng. / Tôi không đi qua tôi / để lại gì?

Bài trướcLá Thư Của Một Tu Sĩ Cao Niên Gửi Một Tu Sĩ Già
Bài tiếp theoĐỒNG LÈN: “HOA TRÊN ĐÁ”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.