Giữa MUÔN KIẾP NHÂN SINH

0
498

Thầy Phêrô Lê Việt Tân – Học Viện Ngôi Lời

Lấy cảm hứng từ quyển sách rất ăn khách của nhà văn John Vũ, Muôn Kiếp Nhân Sinh, tôi muốn viết về những con người mà tôi được gặp trong kỳ mục vụ hè. Những kiếp người hiện sinh, không phải “kiếp” của sự luân hồi trong giáo lý nhà Phật. Những con người tôi viết. Họ đang sống. Họ đang trải nghiệm cái cõi người phù du, trần tục và hư ảo. Có khi, họ nở những nụ cười mãn nguyện trên cuộc đời. Cũng có khi, họ đánh lên tiếng chuông ai oán từ những vụn vỡ của số phận.

Tôi, họ, chúng ta, những người đang sống trong cõi người. Đâu là sự nối kết của những số phận? Đâu là điểm đến cuối cùng của con người khi kết thúc cuộc lữ hành trần thế? Phải chăng là Thiên Chúa? “Muôn kiếp nhân sinh” cũng là muôn con đường mà Thiên Chúa đến với con người. Tôi, người may mắn có dịp phiêu lưu, “đụng chạm” vào kiếp nhân sinh của họ. Để rồi, tôi “khám phá” ra con đường mà Thiên Chúa đến với cuộc đời tôi, trong ơn gọi, trong tương quan và trong sứ vụ của chính tôi.

  1. Họ – Việt kiều trên đất mẹ.

Tôi, mùa hè 2020, được cử đến cộng đoàn Phương Lâm, nơi các linh mục Dòng Ngôi Lời đang sống và mục vụ truyền giáo. Cộng đoàn nằm trên con đường nối liền hai xã Phú Trung và Phú An, Huyện Tân Phú, Đồng Nai, cách quốc lộ 20 khoảng 3,5 km. “Năm Miên”, là cái tên người dân địa phương thường gọi vùng đất này. Nơi đây chỉ có khoảng trên dưới 100 hộ gia đình, nằm rải rác trên những sườn đồi, thưa thớt và hẻo lánh. Họ là những Việt Kiều Campuchia. Ngày trước, họ đã từng có cuộc sống an nhàn và sung túc trên Biển Hồ, trên thì lúa trĩu bông, dưới thì đầy tôm cá. Nhưng “sóng vỗ trên tàu đâu phải sóng quê hương”, do những biến động của chính trị, những bất lợi của việc mưu sinh trên đất khách quê người, họ trở về định cư ở đây năm 1972, một vùng đất cày lên sỏi đá, trên muỗi bao vây, dưới đỉa rình chờ.

Năm mươi năm trôi qua, đất mẹ vẫn chưa thể ôm ấp những đứa con của mình. Họ vẫn còn sống trong cảnh “thiếu”: thiếu điện, thiếu nước, thiếu nhà, thiếu internet, thiếu chữ, thiếu học và nhất là thiếu sự quan tâm của “đồng bào”. Tại sao chỉ cách quốc lộ 20 chỉ khoảng 3,5 km mà vẫn chưa có điện? Tại sao đến những năm 2020 họ mới chỉ có một con đường vừa mới tráng nhựa? Có phải vì họ nghèo? Có phải vì họ đã là những người bỏ đất nước ra đi? Họ có phải là “đồng bào” theo đúng ý nghĩa của nó? Năm mươi năm trên vùng đất này, gần một đời người, họ vẫn hoài niệm về những ngày xưa tháng cũ, vẫn ôm ấp cái ký ức đẹp đẽ trên sông nước. Họ tự ti. Họ mặc cảm. Họ có cảm giác bị đất mẹ quên lãng.

Sông có nguồn, cây có cội, có những kiếp người vẫn chưa tìm được nguồn cội. Đó là tất cả những lý do tại sao chúng tôi đến với họ, sống giữa họ, mang Ngôi Lời hiện diện vào giữa những vất vả, đắng cay của họ. Tôi tin rằng Hài Nhi Giêsu luôn mỉm cười với mỗi người trong họ, dẫu kiếp người đã trăm lần bất tín, vạn lần bất trung. Vùng “ngoại biên” trong công cuộc truyền giáo của Giáo Hội là đâu, nếu không phải là chốn này.

  1. Họ – lạc nhau giữa cõi người.

Tôi không sống trong cái thời khói lửa chiến tranh, nhưng tôi cũng cảm nghiệm được sự tàn ác và phi nhân của nó. Trong chiến tranh, không có nhân đạo, không có công lý, không có cái gọi là chính nghĩa và cũng không có cái tình người. Tôi gặp những con người sinh ra trong loạn lạc, sự chia cách Bắc – Nam khiến họ lạc mất cha mẹ, anh em. Đến bây giờ, tuổi đã hơn 85, lủi thủi sống trong một căn nhà xập xệ, cô độc một mình. Có người không những lạc mất gia đình, mà còn “lạc” luôn cả đôi mắt, “lạc” luôn một vài chi trên cơ thể bởi những viên đạn lạc.

Họ vui cười với chúng tôi. Cười! Cười để mạnh mẽ lên mà sống, cười để che lấp những cay đắng của cô đơn. Cười để cho cái thằng “Chiến” và con “Tranh” thấy rằng, tao không dễ khuất phục. Tao vẫn sống. Tao làm chứng cho nhân gian biết rằng chúng bây tàn nhẫn thế nào. Đừng có ai dám ngụy biện rằng chiến tranh chính nghĩa hay chiến tranh phi nghĩa. Chiến tranh là tội ác lớn nhất, là những vết thương không thể xóa của lịch sử, của vô vàn kiếp nhân sinh hiện hữu trong nó.

  1. Họ – đạp lên trên số phận.

Con người ta tranh đấu một thời để chiến đấu với hai từ “số phận”. Nhưng hỡi ôi! Có mấy ai thắng nổi số phận đâu? Tôi may mắn được gặp những kẻ chiến thắng trong con đường chinh phục số phận. Hai chị em tuổi đã ngoài 70, không gia đình, không thân thích, chỉ hai người nương tựa lẫn nhau. Người chị chân không đi vững, người em bán vé số để trang trải cuộc sống. Căn bệnh tiểu đường vô tình và lặng lẽ cướp đi đôi mắt của người em một cách đột ngột. Người chị phải mạnh mẽ đứng lên, đạp lên số phận bằng đôi chân yếu ớt, ngày qua ngày bán vé số nuôi lại em mình. Họ yêu thương nhau bằng một tình yêu thuần khiết. Họ cho ta thấy sức mạnh vĩ đại của tình thân. Họ là trái tim của một thế giới đã đánh mất “trái tim”, là linh hồn của một thế giới đã đánh mất linh hồn và là “vaccine” của Thiên Chúa để thức tỉnh nhân loại. Giữa cái xã hội mà hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ không được cha mẹ cho cất tiếng khóc chào đời, giữa cái xã hội mà anh giết em, con cái giết cha mẹ, người với người đâm chém nhau như “chuyện thường tình ở phố huyện”, họ trở nên muối, men, và ánh sáng chiếu vào trong cái thế giới u minh này.

Một chàng thanh niên, công việc ổn định, đang đắm say với một mối tình thơ mộng. Một căn bệnh nào đó, tôi không rõ, nhưng khiến đôi chân anh hoàn toàn bị liệt, cơ tay cũng teo lại. Có một thời gian, anh không thể ngồi dậy được nên thịt trên lưng bị thối rữa. Căn bệnh quái ác lấy đi của anh cả thanh xuân, tương lai và cả tình yêu nồng cháy của một thời tuổi trẻ. Bại liệt, sống một mình trong cái chòi (được một người tốt cho mượn) ở giữa vườn điều, tất cả sinh hoạt hằng ngày anh điều phải tự làm lấy, không một người chăm sóc. Anh vượt lên trên số phận bằng nghị lực của mình. Nghe nói có hai cậu bé gần đó, chỉ mới học tiểu học, chạnh lòng thương nên thường đến giúp anh. Hai cậu bé, những “kẻ xa lạ”, những người chưa đến tuổi thành niên nhưng lại có một trái tim đầy lòng trắc ẩn. Còn những người thân quen với anh lúc trước, những người trưởng thành thì đâu cả rồi? Tình người hay tuổi tác làm cho con người ta thực sự lớn lên?

Chúng tôi đến thăm anh vào một buổi chiều, cửa “tự động mở”, bằng cách kéo dây. Anh nằm trên giường. Cơ thể teo quắp. Anh đang làm gì vậy? Học giáo lý Công giáo. Ồ! Anh điên rồi ư? Anh biết không? Cái thế giới ở ngoài ô cửa kính kia, người giàu có, người học thức, người lành lặn, người được Thiên Chúa chọn gọi, người được Thiên Chúa chúc phúc đang đua nhau rời bỏ Chúa. Họ gạt Thiên Chúa qua bên lề cuộc sống. Họ hô hào rằng Thiên Chúa đã chết và chúng ta phải “giết” Thiên Chúa để có sự tự do.

Phải chăng anh điên? Hay anh muốn nói rằng: Hãy nhìn tôi! Hỡi những người đang rời bỏ Chúa, hãy nhìn tôi. Hỡi những người đang “nguyền rủa” Thiên Chúa vì đã “im lặng” trước nỗi đau của họ, hãy nhìn tôi! Hỡi những người phản bội giao ước tình yêu với Thiên Chúa, hãy nhìn tôi! Hay anh cũng muốn nói với tôi rằng: Hỡi thầy, thầy hãy nhìn tôi!

  1. Họ – người điên biết nhớ và người điên cũng biết buồn.

Tôi đến thăm một mái ấm của những người điên. Ở đó, tôi nhìn thấy một người điên chăm sóc một người điên, một người điên đút từng muỗng cơm cho một người điên, một người điên ôm ấp một người điên. Họ chăm sóc cho nhau, cánh tay của người này là đôi chân của người kia. Mỗi người trong họ, khiếm khuyết không ít hơn một chỗ, nhưng không  ai trong họ thiếu vắng một trái tim biết yêu thương. Họ yêu thương trân trọng nhau, quan tâm nhau, bù đắp cho nhau những tình thương mà nọ khao khát được lấp đầy.

Ai bảo người điên không biết nhớ? Họ cũng “nhớ nhà”, nhớ “quê”, nhớ ai đó đã từng làm cho trái tim họ tan nát, nhớ những đứa con mà họ mang nặng đẻ đau nhưng có thể chẳng bao giờ gặp lại. Chỉ vì họ điên. Tôi cũng thấy họ khóc. Rồi lại cười. Cười rồi lại khóc. Họ nhớ và lưu luyến hai ông thầy dòng đã “ở cùng, sống với” họ trong suốt hai tháng hè (không phải tôi). Họ biết nhớ, họ biết buồn, họ biết yêu thương. Họ biết khóc cho cái số phận trớ trêu của chính họ. Họ lưu luyến những ai, dù chỉ một lần đến bên cuộc đời họ, cho họ chút ấm áp của tình người. Đến sỏi đá cũng cần có nhau cơ mà!

Giữa cái thế giới giàu vật chất nhưng thiếu vắng tình người, đố ai tìm được một nơi mà con người dám khóc với nhau, sống vì nhau và thậm chí là chết cho nhau. Đố ai tìm được một nơi mà điều kiện để được nhận vào là biết tôn trọng nhau. Chỉ có thể tìm thấy ở “Thiên Đường của những người điên”.

Những người điên, ngày đọc kinh Thần Vụ Sáng – Chiều, lôi nhau bằng xe “tay bường” (trườn đi, dùng tay đẩy tới) để đi dự Thánh Lễ. Những người điên, đêm nào cũng chầu Thánh Thể, viết những dòng tâm sự dâng lên Thiên Chúa. Những người điên, ngày dâng cho Mẹ 8 chuỗi Mân Côi. Tôi xấu hổ, xấu hổ với những người điên. Cuộc đời của mỗi người trong họ là những tấm bi kịch kinh hãi nhất của kiếp nhân sinh. Thế mà, họ hát to, họ hát rõ “Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con”. Thương gì nữa, xót gì nữa, cả cõi trời đang rơi lệ vì họ. Dưới cõi người, trái tim của người đang nghe hát như bị xé toạc ra khỏi lòng ngực. Đau!

  1. Tôi- giữa muôn kiếp nhân sinh.

           Hai tháng, tôi đi vào “sa mạc” của tâm hồn. Tôi chỉ còn tôi, Thiên Chúa và những con người thực sự hiện diện quanh tôi. Tôi tìm kiếm giá trị của hiện hữu. Tôi “bịt kín” những thứ mà tôi thường sử dụng để khẳng định sự hiện hữu của tôi. Chính khi đó, tôi cảm nhận sự hiện hữu sung mãn nhất của tôi trong sự thinh lặng. Thinh lặng không có nghĩa là im lặng, trốn tránh những lời nói mà là thinh lặng kết hợp mật thiết với Thiên Chúa trong vô cùng của nội tâm. Sự thinh lặng của hiện hữu.

Ở nơi đó, hiện hữu con người đụng chạm đến hiện hữu của Thiên Chúa, hiện hữu con người đụng chạm vào hiện hữu của muôn kiếp nhân sinh. Nơi không có gì cả là nơi có tất cả. Tôi chỉ tìm thấy chính tôi khi tôi phơi bày hiện hữu của mình trước nhan Thiên Chúa trong “sa mạc” tâm hồn. Chỉ có Chúa và tôi, một đối một, nơi không có không gian cũng chẳng có thời gian. Tôi nhận ra rằng: Thiên Chúa là người “bạn trung tín” của thinh lặng; chẳng thể tìm được một biến cố vĩ đại nào trong lịch sử Cứu Độ mà ồn ào như một lễ hội.

 Giữa muôn kiếp nhân sinh, tôi tìm ra được con đường hiện hữu của riêng mình, khám phá ra một Thiên Chúa ẩn mình trong sâu thẳm của tâm hồn tôi, nơi cuộc đời tôi, nơi những kiếp người mà tôi gặp gỡ. Giữa muôn kiếp nhân sinh, tôi nhận thấy sự cá vị độc đáo nơi mỗi con người mang hình ảnh Thiên Chúa. Ai cũng có một con đường, một hướng đi của mình trên hành trình tìm kiếm Thiên Chúa. Bấy nhiêu cuộc đời là bấy nhiêu linh đạo. Có vị thánh nào giống vị thánh nào? Muôn kiếp nhân sinh, muôn con đường nên thánh. Giữa muôn kiếp nhân sinh, chỉ có duy nhất một giao điểm đó chính là niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì Đức Tin là đam mê cao cả nhất của con người.

Bài trướcĐỒNG LÈN: “HOA TRÊN ĐÁ”
Bài tiếp theoTỰ DO THUỘC VỀ