TỰ DO THUỘC VỀ

0
234

Thầy Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời

Một vài cảm nghĩ khởi đi từ Thánh Lễ khấn trọn sắp tới.

Ngày thứ Ba tới đây, 5 người anh em trong Hội Dòng chúng ta sẽ tuyên khấn trọn đời. Rồi đây, từng anh em sẽ long trọng tuyên khấn với Thiên Chúa trước mặt cộng đoàn hiện diện: “Con là… xin lọng trọng tuyên khấn với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trọn đời…”. Từ đó, anh em sẽ được thuộc trọn về Đức Kitô, nghĩa là anh em sẽ sống sát với tinh thần mà Thánh Phaolô đã từng thốt lên“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20). Nhìn dưới chiều kích của đời tu, đó thực sự là lý tưởng. Thế nhưng, bên cạnh đó, tôi cũng tự hỏi, “Người tu sĩ cam kết “trọn đời” vậy rồi, người tu sĩ còn lại gì là riêng mình không?” hay “Liệu rằng trong cái “thuộc trọn về Đức Kitô ấy”, người tu sĩ có đủ “khoảng không” sân khấu, có còn đủ tự do để thực hiện vai diễn cuộc đời của mình hay chăng?”

Điều đó lại càng được nổi bật khi nhìn vào bối cảnh cuộc sống hôm nay. Nhan nhản trên các phương tiện truyền thông không thiếu những lời kêu gọi sự giải thoát khỏi những ràng buộc đến từ gia đình, xã hội hay cả trong lãnh vực tôn giáo, tâm linh. Đó là đòi hỏi sự tự do, tự do theo chủ nghĩa cá nhân. Rất nhiều những lý thuyết đã và đang cổ võ điều đó và chúng ta dễ dàng bắt gặp nó nơi các trang sách, nhật báo hay trong các cuộc diễn thuyết của những người nổi tiếng:“Bạn hãy can đảm quyết định bởi lẽ nguyên sự tự do quyết định của bạn đã là một giá trị”, “Bạn hãy chọn lối đi cho riêng mình” hay “Chính bạn hãy làm chủ cuộc đời của mình”… đang là những khẩu hiệu “có cánh” gây ảnh hưởng không nhỏ đến con người, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên hiện nay.

“Lời kêu gọi tự do thoát khỏi những ràng buộc” không chỉ nằm ở bên ngoài nơi những lãnh vực đời sống xã hội nhưng còn len lỏi vào trong chính đời sống đức tin của người Kitô hữu. Có lẽ, bởi vì tương quan với Thiên Chúa lắm lúc không khỏi khiến người tín hữu cảm thấy nặng nề, thậm chí là “ngột ngạt đến khó thở” nên người tín hữu cũng muốn xa rời vòng tay Chúa cách nào đó.

Đã bao lần chúng ta muốn rời xa vòng tay Ngài và có lẽ là cũng đã không ít lần chúng ta đã rời xa. Chúng ta muốn mình được tự do, được tự quyết, được làm điều này điều kia mà chẳng phải bận lòng về một Đấng đang nhìn xem mọi sự của chúng ta. Chiếc diều kia đang bay trên bầu trời, muốn được cắt đứt sợi dây diều của người thả diều để không còn bị ràng buộc, để được bay tự do giữa bầu trời. Thế nhưng, khi sợi dây bị cắt đứt, chiếc diều loạng choạng giữa không trung, không biết bay thế nào, chẳng biết giữ thăng bằng ra sao; cuối cùng, rơi xuống đất và “lịm đi”. Chúng ta lắm lúc cũng tựa như chiếc diều kia vậy. Chúng ta được Thiên Chúa giữ sợi dây để cân bằng, chúng ta sống trong nền tảng là sự quan phòng của Ngài, trong vòng tay Ngài và giờ đây chúng ta đòi cắt đứt sợi dây đó để được “tự do theo ý mình” mà không biết rằng điều đó sẽ nguy hại ra sao.

Con người đòi hỏi được tự do mà chưa hiểu được điều mình đang đòi hỏi là sự tự do đích thực hay chỉ là một sự nô lệ đội lốt sự tự do. Bởi lắm lúc chúng ta tưởng tự do mà chẳng hay biết mình đã trở thành nô lệ tự bao giờ. Chúng ta đòi được tự do nhưng liệu chúng ta đủ bản lĩnh để tự do chưa?

Thiên Chúa đã cho chúng ta một nền tảng và một định hướng, giờ chúng ta bước ra, vậy ai hay cái gì sẽ thay thế Thiên Chúa để cho chúng ta một định hướng đây. Thử hỏi, ai sẽ đủ sức thay thế Ngài? “Mỗi người sẽ tự định hướng đời mình” có lẽ sẽ là câu trả lời của không ít người cho vấn nạn trên, tựa như triết gia J.P.Sarte đã từng nói:“Con người chỉ có thể là người khi con người trở thành Thượng Đế”. Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây: Chính mình thiết lập quy chuẩn chân lý, sự thiện cho mình; sáng tạo ra hệ thống giá trị cho riêng mình. Liệu cái hệ thống giá trị mà mình sáng tạo ra có phù hợp không? Có đủ sức “giải thoát” mình không? Hay những quy chuẩn do mình thiết lập có làm mình thành toàn, có làm mình thăng tiến hơn không?

Đặt vấn đề như vậy có lẽ không khỏi khiến ai đó phải có chút cân nhắc, ái ngại. Thế mới thấy, con người đòi tự do, đòi thoát khỏi sự quan phòng của Thiên Chúa, để được là mình hơn, điều đó thực sự khủng khiếp, như nhà thơ người Anh D.H.Lawrence trong một bài thơ đã viết: “Sống trong vòng tay Thiên Chúa đã khủng khiếp, rời khỏi vòng tay của Ngài còn khủng khiếp biết bao”. Bởi trong Chúa, chúng con được bình an, ngoài Ngài, chúng con loay hoay giữa cuộc đời, vì không biết sẽ neo đậu vào đâu.

Trong ngày tuyên khấn trọn đời sắp tới đây, mỗi người anh em sẽ được tự do nói lên lời đáp trả của mình với Thiên Chúa, tự do để được nằm trọn trong vòng tay che chở của Ngài. Điều đó sẽ thật sự đẹp biết bao. Và một cách nào đó, sự đáp trả của anh em sẽ là một lời chứng sống động cho thế giới, bởi lẽ, điều mà anh em sẽ thực hiện, thực sự là một sự đi ngược lại với đòi hỏi của con người hôm nay.

Chắc hẳn, rồi đây, mỗi người anh em sẽ cảm nếm được sự tự do đích thực sau khi đã thuộc trọn về Đức Kitô, sẽ vui thoả trong tình yêu của Ngài. Anh em sẽ có thể hân hoan sống đời sống của người tu sĩ Truyền Giáo Ngôi Lời, tựa như tinh thần trong lời mở đầu Hiến Pháp của Hội Dòng:“Cuộc sống của Ngài là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta”. Anh em sẽ vững tâm hơn rất nhiều, bởi biết rằng, giữa bao phong ba bão táp của của đời, anh em đã có một nơi neo đậu thật vững chắc và an toàn, là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà anh em đã đoan hứa theo Ngài trọn đời.

Đôi dòng suy nghĩ khi hướng về ngày lễ khấn trọn của quý anh em sắp tới. Xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của Thánh Cả Giuse, Thánh Arnold Jassen và Thánh Giuse Freinademetz tiếp tục đồng hành cùng Hội Dòng, Tỉnh Dòng chúng con và trên từng người anh em.

Bài trướcGiữa MUÔN KIẾP NHÂN SINH
Bài tiếp theoThông Điệp mừng 145 năm Thành Lập Dòng Ngôi Lời (SVD) (8/9/1875 – 8/9/2020)