CHÚA NHẬT IV TN B

0
338

Lm. GB. Phan Lĩnh, SVD

Đnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28

NỐI LẠI TÌNH XƯA VỚI LỜI CHÚA

Trọng tâm của Tin Mừng Chúa Nhật IV hôm nay xoay quanh sức mạnh thánh thiêng của Lời Thiên Chúa. Bài đọc một trích từ sách Đệ Nhị Luật là lời ông Môsê nhắc nhở dân Ítraen phải nhớ tới Giao Ước, cũng có nghĩa là phải nhớ tuân giữ lời Thiên Chúa. Lời được Thiên Chúa loan truyền cho dân qua miệng các ngôn sứ. Hình ảnh dân chúng quy tụ dưới chân núi Khôrép để nghe Chúa nói là biểu tượng sống động của Dân Thiên Chúa. Nó đánh dấu sự kiện Thiên Chúa thiết lập Giao Ước với dân, một Dân chuyên lo thờ phượng Thiên Chúa, một Dân có bổn phận chú tâm lắng nghe và sống theo giáo huấn của Lời Chúa.

Người Kitô hữu ngày càng chán nghe Lời Chúa, thái độ đó là sự bạc bẽo đối với Chúa về Lời đem lại sự sống vĩnh cửu cho mình. Tận thâm sâu bên trong Lời Chúa là sự sửa dạy và sự ngọt ngào của tình Cha con. Mang lấy thân phận con người hay sa ngã theo đường sự dữ, người Kitô hữu dễ bị cám dỗ xa lánh Lời Thiên Chúa. Dân Ítraen đã thấy được uy quyền của Thiên Chúa qua những lời Người phán. Lời uy quyền đến mức họ phải kêu lên với ông Môsê: “Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết” (Đnl 18,16).

Vậy thì làm thế nào để dân có thể nghe và hiểu được giáo huấn của Người? Qua ông Môsê, Thiên Chúa cho biết rằng, Người sẽ tuyển chọn các tiên tri, những vị sẽ nghe Chúa nói và chuyển trao cho dân. Những lời nghiêm khắc của Chúa nói với ông Môsê sẽ còn vang vọng đối với những ai quan tâm tìm kiếm Thiên Chúa: “Nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà ngươi sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết” (Đnl 18,19). Đó là sức mạnh uy quyền của Lời Thiên Chúa, lời đòi buộc người ta phải tiếp nhận với đầu óc chân thành, với tâm tình thờ phượng Chúa.

Uy quyền của Thiên Chúa trong lời của Người vẫn tồn tại từ ngàn xưa và cho đến mãi mãi. “Cho dù trời đất này qua đi, nhưng một chấm một phết trong lề luật sẽ vẫn còn” (Mt 5,17). Thánh sử Máccô làm nổi bật hình ảnh Đức Giêsu là Đấng mang lại thứ giáo huấn mới mẻ, và là Đấng dùng lời uy quyền mà xua trừ quyền lực sự dữ. Đức Kitô chính là “Lời hóa thành Người của Thiên Chúa”, mà khi Thiên Chúa nói bằng chính Con Một của Người, thì lời đó lại càng sống động và khiến dân chúng vừa muốn lắng nghe, vừa kính phục. Dân chúng thán phục Đức Giêsu vì Người giảng dạy với uy quyền của Con Thiên Chúa. Người giảng dạy với sự xác tín thâm sâu và với tâm tình cảm tạ tình thương Chúa Cha. Dân chúng thán phục Đức Giêsu thì cũng cho ta thấy họ chán lối rao giảng của các Luật sĩ Dothái xưa, chủ yếu nhấn mạnh chi li lề luật và án phạt của Cựu Ước. Nghe họ giảng, dân sẽ nghĩ nhiều về ném đá và án phạt, lối rao giảng đó ít mang lại cho dân chúng tâm tình hy vọng và sự tin tưởng vào Thiên Chúa.

Quả thật, lời của Đức Giêsu mang cho dân chúng niềm tin và niềm hy vọng mới mẻ. Lời giáo huấn của Người mở ra một thời đại mới, giờ đây, con người được chứng kiến Ngôi Lời và được trực tiếp nghe Người giảng dạy, chứ không còn cần qua trung gian gián tiếp là các ngôn sứ nữa. Khi thánh sử Máccô nói về sự mới mẻ nơi lời giảng dạy của Đức Giêsu, thì cũng đồng thời Ngài muốn Kitô hữu tin nhận Thiên Tính của Chúa Kitô. Đức Giêsu như là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, Đấng mang đến giáo huấn mới mẻ trực tiếp từ Thiên Chúa và dùng lời uy quyền mà xua trừ sự dữ. Xua trừ sự dữ là dấu hiệu sống động cho quyền năng của Thiên Chúa, chỉ có Người mới có uy quyền đánh đổ ma quỷ và sự dữ chúng gây ra.

Lời Chúa đòi hỏi sự cộng tác của con người: Lời chứa đựng ơn cứu độ, nhưng cũng đòi hỏi sự cộng tác của con người. Cộng tác bằng thái độ chú tâm lắng nghe, bằng quyết tâm hoán cải bản thân mình. Tiếc thay, ngày càng có nhiều người Kitô hữu chán ghét việc nghe Lời Chúa. Đó là dấu hiệu của sự thiếu khiêm nhường, vì con người không muốn nghe lời sửa dạy của Thiên Chúa. Nhiều người thấy việc tham dự thánh lễ thật là nặng nề. Lễ hằng ngày họ chẳng cần quan tâm, mà lễ Chúa Nhật cũng là cực chẳng đã phải tham dự cho khỏi mang tội! Trong khi mỗi ngày, họ có thể ngồi quán cafe đến nửa ngày mà chẳng thấy chán nản. Thực chất, chán nghe Lời Chúa cũng là một sự cám dỗ của ma quỷ, nó được sự cộng tác đắc lực của chính chúng ta, nên rất khó loại trừ cơn cám dỗ này, nếu mỗi người không có sự nỗ lực mỗi ngày. Ở nhiều giáo xứ miền nam, giáo dân ngày nay xem việc tới nhà thờ dự lễ thật khó khăn. Họ đi cho xong luật buộc, chẳng còn đâu là ý nghĩa niềm vui khi tới dự Tiệc Thánh của Thiên Chúa. Thật khẩn thiết rằng, mỗi người phải cầu nguyện để có thể thắp lại lửa mến đang leo lắt vì con người ngày nay không còn muốn có sự hiện diện của Thiên Chúa nữa.

Không nghe Lời Chúa thì không biết phải trái, cũng chẳng thể được đánh động, và rồi lương tâm mình đâu có nhúc nhích trước những hành vi xấu. Mối tương quan với Chúa cứ mờ mịt, cứ bị vùi lấp dưới muôn ngàn lo toan hay những thú vui chóng qua trần thế. Chúng ta đang để mình trở thành những nạn nhân của sự ồn ào. Không có phút nào mà không có tiếng ồn vang lên quanh chúng ta: âm nhạc, công trình xây dựng, xe cộ, mua sắm… nếu những thứ này cộng hưởng với sự ồn ào trong tâm hồn mỗi người, thì chẳng còn chỗ đâu cho số ít hạt giống Lời Chúa nảy mầm trong lòng mình.

Mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy vượt qua mặc cảm tội lỗi, hãy bắt nối lại cuộc đối thoại đầy ơn phúc với Thiên Chúa. Cuộc đối thoại chính Chúa khởi đầu, nhưng đã bị ngắt quảng do những lo lắng vụn vặt và sự ích kỷ của chúng ta. Hãy thành tâm lắng nghe, để được chính Lời Chúa có tác động trực tiếp lên tâm hồn mình. Bởi Lời Chúa có sức mạnh từ bên trong. Lời Chúa hẳn phải giá trị hơn những lời bình thường chúng ta giao tiếp với nhau. Thời còn trẻ, thánh Augustinô trải qua chuỗi ngày dài sống trong cảnh sa đọa, khước từ Thiên Chúa. Tới một ngày lương tâm lên tiếng, ngài đã khắc khoải cầu nguyện “Ôi Lạy Chúa, tới bao giờ con mới thôi phạm tội?”, để rồi khi gặp được những lời này: “Anh em hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô, và đừng chiều theo những đam mê xác thịt, sống theo dục vọng nữa” (Rm 13,13-14), chàng thanh niên Agustinô đã quyết tâm thay đổi. Nhờ đó, chúng ta có thêm một tấm gương quyết tâm từ bỏ đam mê xấu, thay đổi đời sống, quyết tâm để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời mình.

Thông thường, những gì không thuộc vào sở thích của mỗi người thì thường ít được người ta quan tâm tới. Đối với người Kitô hữu, việc lắng nghe Lời Chúa không chỉ là một sở thích, mà còn phải là nhu cầu. Bởi vì chúng ta luôn có nhu cầu làm cho cuộc sống trở nên dồi dào. Và không có gì ngoài Lời Chúa đảm bảo cho chúng ta điều ấy. Chúa Giêsu nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Phần chúng ta, có bao giờ chúng ta để ý đến việc làm cho tâm hồn có được niềm vui và bình an nhờ luôn có Chúa trong cuộc sống của ta?

Xin cảm tạ tình yêu Chúa đã luôn yêu thương, nâng đỡ, săn sóc cuộc đời chúng con. Xin Chúa Thánh Thần đốt lên ngọn lửa mến và hướng dẫn chúng con, để chúng con luôn giữ được lòng trung thành với giáo huấn của Chúa. Amen.

Bài trướcThư Của Bộ Trưởng Bộ Đời Sống Thánh Hiến (2021)
Bài tiếp theoHỌC VIỆN NGÔI LỜI MỪNG TẤT NIÊN 2020