Bài đọc: Xh 23,20-23
Tin Mừng: Mt 18,1-5.10
“Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?” Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”
Suy niệm
NGƯỜI LỚN TRONG NƯỚC TRỜI (Tu sĩ Antôn Phan Thành Nhân, SVD)
Địa vị và quyền lực là điều mà nhiều người trong thời đại nào cũng mong muốn đạt đến. Nó thường được xem là thước đo của thành công và uy tín trong mắt xã hội. Trở nên những người làm lớn là ước mong của rất nhiều người ở mọi thời đại. Tuy nhiên, trong Nước Trời, người làm lớn lại được hiểu theo một nghĩa khác.
Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho ta thấy tiêu chuẩn để tìm được một vị thế trong Nước Trời. Đó là hãy có tinh thần khiêm nhường, đơn sơ như trẻ thơ và phó thác cuộc đời mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa quyền năng. (x. Mt 18,4). Người làm lớn ở đời này là người có quyền lực, hét ra lửa hay nhờ đó mà họ có thể đem lại những mối lợi cho mình. Tuy nhiên, trong Nước Trời, người làm lớn không phải là người có chức quyền, địa vị và sai khiến người khác nhưng là người đơn sơ vâng theo lời Chúa như các em nhỏ.
Trong thời đại hôm nay, nhiều người vì địa vị quyền lực mà có thể đánh đổi tất cả, bất chấp tất cả hầu có thể trở nên ông này, bà nọ, trở nên những người lãnh đạo đầy quyền uy. Tuy nhiên, người tín hữu theo Chúa Kitô luôn được mời gọi trở nên “người lớn” theo một nghĩa khác. Đó là việc tập sống tinh thần đơn sơ khiêm hạ,
phục vụ người khác. Điều này giúp cho họ tìm thấy hạnh phúc và ý nghĩa trong cuộc sống của mình, không bị phụ thuộc quá nhiều vào những thứ vật chất và địa vị. Điều đó sẽ làm cho họ trở nên những người làm lớn đích thực, làm lớn trong Nước Trời. Chính khi sống tinh thần ấy, Kitô hữu sẽ làm việc với tất cả những gì mình có thể để cải thiện thế giới và giúp đỡ mọi người xung quanh một cách yêu thương với tinh thần khiêm nhường. Nhờ vậy, khi ra trước tòa Chúa họ có thể được nhìn nhận là một người làm lớn đích thực.
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết theo đuổi những giá trị Nước Trời để sau này con có thể được xem là một người làm lớn trên thiên quốc. Amen.
TRỞ NÊN NHƯ TRẺ NHỎ (Tu sĩ Phanxicô X. Nguyễn Tuấn Kiệt, SVD)
Dường như hầu hết mọi người đều mang trong mình ước mơ được làm lớn và thống trị người khác. Bởi lẽ khi làm lớn, ta sẽ có quyền hành, địa vị, tiền bạc, danh vọng và nhiều thứ khác. Chuyện muốn làm lớn đã trở nên lẽ thường tình trong cuộc sống bất kể thời đại, văn hóa và xã hội nào.
Theo Thầy Giêsu, các môn đệ ắt hẳn cũng mang tâm thế một ngày nào đó sẽ được vinh quang cùng với Thầy. Đức Giêsu muốn thay đổi suy nghĩ của các môn đệ qua hình ảnh của một em nhỏ: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Trẻ nhỏ tuy không có nhiều hiểu biết nhưng lại có nhiều đức tính để người lớn phải ngưỡng mộ. Trẻ nhỏ như tấm gương giúp người lớn soi vào để phản tỉnh và tìm lại sự thiện hảo ban đầu.
Trẻ em mang dấu ấn của sự thánh thiện nguyên thủy, sự thánh thiện của những gì thuộc về thuở ban đầu. Sự thánh thiện ấy gợi lại sự linh thiêng trong vườn địa đàng: ban đầu Chúa tạo ra mọi sự tốt đẹp, Ađam và Evà sống chan hòa trong ơn thánh Chúa. Nhưng rồi trải qua năm tháng, con người dần phá hủy bầu khí ấy, tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian, con người muốn quên đi thân phận nhỏ bé của mình, muốn thống trị kẻ khác. Cái “bản thiện” của “nhân chi sơ” có nguy cơ bị đánh bật ra khỏi tâm hồn con người bởi những nhu cầu không giới hạn, nào là quyền hành, chức tước và sự giàu sang thịnh vượng. Nhìn lại trẻ em, nơi chúng có toan tính bất chính, ham muốn của cải vật chất, địa vị hay chức tước không?
Lạy chúa, dẫu đã nhiều lần Chúa nhắc nhở chúng con phải trở nên như trẻ nhỏ, biết buông bỏ và không mảy may với khát vọng thống trị người khác, nhưng đâu đó trong chúng con vẫn luôn có khuynh hướng đi ngược lại với điều Chúa dạy. Xin Chúa giúp chúng con biết nhìn lại thân phận mọn hèn của mình, hầu có thể sống khiêm hạ và phó thác như lòng Chúa ước mong. Amen.
CHỚ KHINH (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
TRỞ NÊN NHƯ TRẺ NHỎ (Tu sĩ P.x. Nguyễn Trí Long, SVD)
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, các môn đệ hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18,1). Câu trả lời của Đức Giêsu thật bất ngờ: “Ai tự hạ, coi mình như trẻ nhỏ, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,4). Vậy “coi mình như trẻ nhỏ” là như thế nào?
“Coi mình như trẻ nhỏ” nghĩa là trở nên như trẻ nhỏ, mặc lấy những nhân đức của chúng. Vậy trẻ nhỏ có những nhân đức nào nổi bật? Thứ nhất là sự đơn sơ, chân thành và thật thà. Trẻ nhỏ có nói có, không nói không; không mưu mô tính toán; không nói dối, đặt điều; không kỳ thị khinh khi. Tâm hồn các em đơn sơ, trong sáng như những tờ giấy trắng. Thứ hai là sự tin tưởng, phó thác tuyệt đối. Các em đặt hoàn toàn niềm tin tưởng, cậy trông vào những người lớn tuổi, đặc biệt vào các bậc cha mẹ. Các em không bao giờ nghi ngờ, thiếu sự tin tưởng vào cha me, mà nương tựa, trao phó hết mọi sự vào trong tay họ.
Câu trả lời của Đức Giêsu là “kim chỉ nam” cho các Kitô hữu. Nó như lời mời gọi họ hãy mặc lấy tâm tình của trẻ nhỏ trong đời sống thường nhật, cũng như đời sống đức tin của mình. Đầu tiên, hãy học lấy sự đơn sơ, chân thành. Tránh những thái độ lừa lọc, gian dối; kỳ thị, khinh khi với mọi người, đặc biệt người thấp cổ bé họng. Thứ đến, hãy học lấy sự tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, đặt trọn niềm tin tưởng nơi Ngài.
Lạy Chúa, hôm nay toàn thể Giáo Hội kính nhớ các Thiên Thần Hộ Thủ. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng các ngài luôn hiện diện, nâng đỡ và bảo vệ chúng con. Qua lời chuyển cầu của các ngài, xin cho chúng con biết mặc lấy và sống tầm tình như trẻ nhỏ. Amen.