Tin Mừng: Mt 23,27-32
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác! Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. Các người nói: ‘Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.’ Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!
Suy niệm
SỐNG CÔNG CHÍNH (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Kim Kỳ Anh, SVD)
Từ cổ chí kim, những ai sống công chính luôn được mọi người quý trọng và yêu mến. Thế nhưng sống như thế nào mới được gọi là công chính?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ trích các Kinh sư và những người Pharisêu về lối sống của họ: trước mặt thiên hạ, họ tỏ vẻ là người công chính, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác (x. Mt 23,28). Như vậy, điều Chúa muốn là một tấm lòng chân thật và thành kính chứ không phải chỉ là những dáng vẻ và hình thức bề ngoài. Thật vậy, nếu một người biết yêu mến Thiên Chúa và tha nhân cách thật lòng thì hẳn những cử chỉ bên ngoài của người ấy sẽ được bộc lộ một cách tự nhiên mà không giả hình.
Trong cuộc sống ngày hôm nay, không ít người lợi dụng những hành vi tốt lành để chuộc lợi cho bản thân. Bên ngoài họ nói những lời hoa mỹ hay có những hành vi thân thiện, nhưng bên trong lại âm thầm sử dụng tha nhân như những phương tiện để mưu cầu cho lợi ích kinh tế, danh dự hay một lợi ích nào đó cho bản thân. Những sự gian dối và giả hình ấy là một trong những lý do khiến nhiều người mất niềm tin vào xã hội và những người xung quanh mình.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở ta sống trọn vẹn là con cái Chúa bằng cả tâm hồn lẫn thể xác của mình. Điều này chỉ có thể được thực hiện bằng một đời sống năng đến với Chúa qua việc tham dự Thánh Lễ và lắng nghe Lời Chúa. Noi gương thánh Augustinô trong ngày kính nhớ ngài, ta hãy trở về với Chúa bằng những giây phút thinh lặng và cầu nguyện giữa những bộn bề và lo toan trong cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu, xin soi sáng để con sống xứng đáng là con cái Chúa trong mọi giây phút đời con. Amen.
THÓI GIẢ HÌNH (Tu sĩ G. B. Hoàng Gia Bảo, SVD)
Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nhận định: “Giả hình là thứ ngôn ngữ của băng hoại và nó không phải là ngôn ngữ của sự thật”. Quả vậy, thói giả hình là một mối nguy hại cho đời sống xã hội và tương quan giữa con người với nhau. Đối với những ai sống theo thói giả hình, cách riêng là các kinh sư và người Pharisêu, Đức Giêsu đã nặng lời quở trách: “Khốn cho các người” (x. Mt 23,27).
Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta thấy lối sống giả hình của các kinh sư và Pharisêu, đồng thời, Người nặng lời quở trách họ về điều đó. Tại sao Đức Giêsu lại phản ứng như vậy? Quả thật, Đức Giêsu “là đường, là sự thật và là sự sống” (x. Ga 14,6), như chính Người đã tuyên bố. Người đến thế gian để làm chứng cho sự thật và những ai đứng về phía sự thật thì thuộc về Đức Giêsu. Thế nên, sự giả dối nghiễm nhiên trở thành sự đối lập với Đức Giêsu. Vì lẽ đó, Người lên án những ai sống theo thói giả hình, cách riêng là các kinh sư và người Pharisêu, vì lối sống đó không thuộc về sự thật.
Là những người hướng dẫn đức tin cho người khác, thế nhưng, các kinh sư và Pharisêu lại sống giả hình. Là người đứng đầu trong dân, đáng lẽ, họ phải trở nên những mẫu gương thánh thiện. Thế nhưng, các kinh sư và Pharisêu đã không làm được như vậy. Thậm tệ hơn, lối sống của họ còn trở nên gương mù, gương xấu cho mọi người. Đức Giêsu đã quả quyết rằng những người như vậy thì đáng bị “cột cối đá lớn vào cổ mà ném xuống biển” (x. Mc 9,42). Đó cũng là lời nhắc nhở cho mỗi chúng ta, những người được mời gọi để trở nên người hướng dẫn đời sống đức tin cho tha nhân. Chúng ta hãy nỗ lực tránh xa thói giả hình và can đảm sống trong sự thật của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, giữa một thời đại “vàng thau lẫn lộn”, thật giả khó phân minh, chúng con cảm thấy mình dễ bị mất phương hướng và không dám đặt niềm tin nơi người khác. Xin Chúa ban ơn để chúng con biết đặt trọn niềm tin nơi Người, Đấng là Sự Thật tuyệt đối của chúng con. Amen.
GIÁ TRỊ BÊN TRONG… (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
THẬT VÀ GIẢ (Tu sĩ Đaminh Trần Vĩnh Trung, SVD)
Chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh, nhưng thật khủng khiếp vì luôn phải đối mặt với sự giả dối. Xã hội càng phát triển thì sự dối trá càng tinh vi khó nhận biết, mọi thứ đều có thể giả tạo kể cả con người.
Từ thuở tạo thiên lập địa, thật và giả là hai thứ luôn tồn tại song hành với nhau. Cái giả thì dễ đánh lừa được thị hiếu, còn cái thật thì luôn hằng tồn. Trình thuật Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu phê phán mạnh mẽ những người sống theo kiểu “mồ mả tô vôi” chỉ coi trọng hình thức bề ngoài hơn sự thật bên trong.
Như một quy luật, con người luôn muốn khẳng định bản thân bằng cách trau chuốt bề ngoài, nhằm lấp liếm những nhơ nhớp bên trong. Có thể nói đây là căn bệnh hết sức nguy hiểm vì nó di căn qua mọi thời. Chẳng hạn như tôi sẵn sàng dâng cúng hàng tỉ đồng cho công trình xây dựng giáo xứ chỉ với điều kiện tên “tôi” phải được khắc đậm trên tường nhà thờ… Tinh quái hơn, con người ta còn cố phủ lên muôn vàn thứ “ô uế” bằng những mỹ từ. Vì thế, tận sâu thẳm bên trong thế giới văn minh này lại đang lúc nhúc bởi những thứ giả dối và gian ác. Mà điểm phát xuất là từ “cái tâm” đã bị chết ngạt bởi lối sống thiếu nhân bản, lòng tham và sự ích kỷ…
Đức Giêsu khiển trách các kinh sư cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta, nếu chỉ biết trau chuốt bên ngoài hơn giá trị bên trong thì chúng ta chỉ giữ đạo cách hình thức, chứ không làm cho Tin Mừng được tỏ rạng trong cuộc sống.
Lạy Chúa, trong một xã hội đầy giả dối, xin giúp chúng con biết lấp đầy tâm hồn bằng những hành động đích thực hơn là chỉ lo tô vẽ bề ngoài. Amen.