LỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 4 MC)

0
449

Bài đọc: Gr 11,18-20

Tin Mừng: Ga 7,40-53

Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Ki-tô.”

Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao ? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao ?”

Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt. Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu.

Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây ?” Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!”

Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao ? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!”

Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?”

Họ đáp: “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao ? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả.” Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.

        o0o       

SUY NIỆM

ĐỨC KITÔ LÀ AI? (Tu sĩ  Phêrô Nguyễn Văn Hậu, SVD)

Đã hơn hai ngàn năm, nhưng câu hỏi: “Đức KiTô là ai?” không ngừng gây tranh cãi và thách đố các nhà nghiên cứu. Đồng thời, câu hỏi này còn chất vấn lương tâm của mỗi người, đặc biệt là các tín hữu.

Lời Chúa hôm nay khắc họa khung cảnh hết sức nhốn nháo và đầy hoang mang sau khi nghe Chúa Giêsu giảng dạy. Mọi thành phần có mặt đều nghi vấn về Đức Kitô. “Người là ai?” Kẻ thì nói Ngài là Đấng Kitô, người thì cho Ngài là vị ngôn sứ, kẻ khác lại bán tính bán nghi khi tra về nguồn gốc xuất thân của Chúa, binh lính thì công nhận Ngài như một người đặc biệt có thẩm quyền, ông Nicôđêmô thì yêu cầu điều tra cho rõ.  Cuối cùng, họ vẫn không thống nhất được ý kiến chung, ôm khư khư quan điểm của mình để rồi họ tự chia rẽ nhau.

Con người trong thế giới hôm nay không khác gì người Do Thái xưa kia, khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Đức Kitô là ai?”. Mỗi người có một cách cảm nhận và hiểu biết về Chúa khác nhau. Bên cạnh những cách hiểu đúng đắn về Đức Kitô thì vẫn còn có những cách hiểu sai trái. Đồng thời, có những người biết về Đức Kitô, nhưng họ lại cố tình không chấp nhận sự thật và bóp méo để đánh lừa, lôi kéo người khác nhằm mục đích riêng của mình. Lời Chúa hôm nay như thôi thúc mỗi người tự chất vấn lương tâm của mình: Đối với tôi, Đức Kitô là ai?

Lạy Chúa, con xin chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa, vì đã thương ban cho con được nhận biết Con Chúa là Đức Giêsu Kitô. Ngài là Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, chịu chết và sống lại để cứu chuộc tội lỗi của con. Giờ này, đối với con Ngài là Chúa, là Thầy và là bạn đường. Xin cho con luôn trung thành với Ngài mỗi giây phút trong cuộc đời con. Amen.


 

TIN VỚI LÒNG ĐƠN SƠ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

NGƯỜI LÀ AI? (Tu sĩ Antôn Nguyễn Ngọc Khánh, SVD)

Bởi những việc làm hay lời rao giảng đầy uy quyền, Đức Giêsu quả thực đã trở nên một “ẩn số” với những người cùng thời, một đề tài “hot” cho họ tranh luận: “Người là ai?”. Thực sự, để có thể chân nhận về Người thì không phải ai cũng khám phá được, nếu không được Chúa Cha mặc khải cho.

Trước “ẩn số” mang tên Giêsu, không ít những nhận định của dân chúng về thân phận của Người: ngôn sứ, Đấng Kitô,… Những nhận định tưởng chừng đã rõ ràng ấy nhanh chóng gặp phải những chất vấn từ chính họ: “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao?”, hay “Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem?” (Ga 7,41-42). Những người Do Thái đã nại đến Thánh Kinh để kiểm chứng thân phận của Đức Giêsu. Từ đó, họ đi đến chỗ chối từ Người, vì không thể có một Đấng Kitô xuất thân như vậy được. Liệu có thể có một phán quyết về Đấng là Thiên Chúa dễ dàng vậy chăng? Quả thế, con người mọi nơi, mọi thời cũng đã ra sức khám phá nhưng liệu đã một ai có câu trả lời rốt ráo cho câu hỏi: “Người là ai?”.

Khám phá Đức Giêsu ngang qua lý trí thực sự là điều quá sức con người, tựa như ngôn sứ Isaia đã diễn tả: “Ai dùng lòng bàn tay đong nước biển, lấy gang tay đo chín tầng trời…?” (Is 40,12). Nhưng điều đó không làm chúng ta thoái lui, trái lại, mời gọi mỗi người vượt ra khỏi rào cản của lý trí để khám phá Đức Giêsu bằng con tim và lòng tin. Con người cần phải thoát ra khỏi chính mình, từ bỏ những quan điểm “cũ kĩ”, để cho Chúa dẫn lối. Quả thật, chỉ có một cuộc tìm kiếm với sự khiêm nhường và trong yêu mến hoạ may con người mới phần nào khám phá được Đức Giêsu, “Người là ai?”.

Lạy Chúa, chúng con chân nhận mình chẳng thể nào nắm bắt hết mọi sự. Xin giúp chúng con vượt lên những nghi hoặc để nhận ra Chúa trong mọi khoảnh khắc cuộc đời. Amen.


 

 

ĐÁNH GIÁ ĐỂ LÀM GÌ? (Tu sĩ Giuse Phạm Minh Hoàng, SVD)

Đánh giá, lên án, chỉ trích người khác là một thói quen không mấy thiện cảm mà ta thường gặp trong tương quan cuộc sống giữa người với người. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là một câu chuyện điển hình về vấn đề này vào thời của Đức Giêsu.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, hình ảnh về thái độ và cách cư xử của những người Pharisêu đối với Đức Giêsu và những vệ binh là chi tiết quan trọng đáng để ta suy nghĩ. Giới Pharisêu là những người lãnh đạo ưu tú trong dân Do Thái thời bấy giờ, nhưng họ lại đánh giá người khác một cách chủ quan và đầy tính xét đoán. Đối với Đức Giêsu, họ không nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia mà Thiên Chúa gửi đến là vì lối đánh giá mang tính chủ quan và thành kiến cố hữu. Mặt khác, họ cũng không đón nhận Đức Giêsu chỉ vì ghen tương, ganh tỵ vì Ngài được nhiều người tôn vinh và yêu mến. Đồng thời họ cũng đánh giá các vệ binh, thuộc hạ của họ cùng một cách qui chụp và nông cạn như thế khi những vệ binh dám bày tỏ lòng tin và sự thán phục trước uy quyền của Đức Giêsu.

Trong cuộc sống, việc xảy ra những đánh giá, xét đoán từ cấp trên cũng đã gây ra biết bao đau khổ cho những người cấp dưới, đặc biệt trong các môi trường giáo dục và đào tạo. Đáng lẽ đó là những môi trường tốt để con người được giáo dục và phát triển các khả năng, nhân cách, đạo đức, thì hiện nay những nơi này ngày càng xuống cấp và mất uy tín bởi những đánh giá của cấp trên có sự lệch lạc và chủ quan, dựa vào cảm tính, yếu tố vật chất, thành kiến cố hữu, lợi ích nhóm … Đó là hình ảnh của những Pharisêu thời đại mới đang hiện hình. Việc đánh giá thiếu khách quan có thể làm tổn thương rất lớn đến đời sống tinh thần, tâm lý và cuộc sống của người khác.

Lạy Chúa, xin Ngài soi sáng cho con để mỗi lần con đánh giá những anh em khác bằng một trái tim khoan dung, nhân hậu và với một tinh thần xây dựng chân thành để giúp nhau thăng tiến và hoàn thiện chính mình. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 4 MC)
Bài tiếp theoCHÚ GIẢI TIN MỪNG CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – NĂM B (Ga 12,20-33)