Tin Mừng: Lc 9,18-22
Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
—– o0o —–
Suy niệm
TUYÊN XƯNG (Tu sĩ F. X Nguyễn Trí Long, SVD)
Vào thời Đức Giêsu, dân chúng nói Người là ông Gioan Tẩy Giả, ông Êlia hay một trong các ngôn sứ sống lại. Riêng ông Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,20b). Đó là mẫu gương tuyên xưng cho mỗi người chúng ta.
Dù tuyên xưng thầy là Đấng Kitô, Đấng Mêsia nhưng ông Phêrô vẫn chưa hiểu được mầu nhiệm cứu độ của thầy trong sứ mạng Mêsia. Theo ông, thầy là Đấng Mêsia đến để giải phóng dân Israel theo kiểu chính trị, làm cho nước này trở nên hùng mạnh, trở nên bá chủ địa cầu. Nhưng Đức Giêsu lại mạc khải Đấng Mêsia là Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị đánh đập, vác thập giá, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. Ngày nay, chúng ta nhận được ơn mạc khải sứ mạng Đấng Mêsia để trả lời câu hỏi: “còn anh em, anh em bảo thầy là ai” (Lc 9,20a). Đây là câu hỏi Đức Giêsu muốn chúng ta trả lời tuyên xưng hằng ngày. Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần phải có thời gian trải nghiệm, cảm nghiệm, tìm hiểu biết chân lý cùng với ơn Chúa. Từ đó, chúng ta mới xác tính và lời tuyên xưng của chúng ta mới phát xuất từ con tim. Lời tuyên xưng đó không chỉ trên môi miệng mà được thể hiện qua hành động. Hành động đó là từ bỏ để vác thập giá cùng với Đấng bị đóng đinh. Cụ thể là từ bỏ những ý riêng, cái tôi kiêu căng, tự ái, ích kỷ và lòng ham muốn danh lợi, xác thịt… để làm theo thánh ý Chúa.
Hôm nay mừng kính cha thánh Vinh Sơn, Ngài cũng là mẫu gương tuyên xưng Đức Kitô qua đời sống đức ái, giúp mọi người nhận biết khuôn mặt của Đức Kitô nơi những người đau khổ, nghèo hèn. Ngài đã tuyên xưng Đức Kitô bằng cách sống kết hiệp mật thiết với Người, rồi họa lại công việc của Người là sống hòa nhập, sống nghèo với người nghèo, năng nổ cho cuộc loan báo Lời Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con biết ý thức tuyên xưng Đức Kitô không chỉ trên môi miệng mà còn biết hành động làm chứng để lời tuyên xưng đó đem lại ơn cứu độ cho mọi người.
“KITÔ” NGHĨA LÀ… (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ (Tu sĩ G. B. Trần Anh Tuấn, SVD)
Trước những lời rao giảng và các phép lạ của Đức Giêsu, dân chúng đã nói về Người như một vị ngôn sứ. Tuy nhiên, để thử lòng các môn đệ, Chúa Giêsu đã hỏi các ông để xem họ có biết gì về Người hay không? Thay lời cho các môn đệ, ông Phêrô đã nhanh nhẹn tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Đấng Kitô là ai? Đấng Kitô là Đấng được xức dầu, Đấng được sai đến như là vị thủ lãnh của dân, giải thoát dân. Đấng mà muôn dân đang trông chờ. Đấng ấy, không ai khác chính là Đức Giêsu. Tuy vậy, không phải ai cũng nhận ra được Đức Giêsu là Đấng Kitô, mà chỉ có Phêrô, vị Tông Đồ được Chúa mạc khải mới có thể nhận ra. Chính lời tuyên xưng đức tin của ông Phêrô, Chúa Giêsu đã đặt ông làm thủ lãnh các Tông Đồ, đồng thời là tảng đá vững chắc để xây dựng Giáo Hội.
Lời tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô cũng chính là chấp nhận sống như Đức Kitô và cùng chịu đau khổ với Người. Vì thế, sau lời tuyên xưng ấy, Đức Giêsu đã tiên báo về cuộc Thương Khó của Người. Bên cạnh đó, Đức Giêsu mời gọi những ai muốn theo Người thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. (Lc 9, 22-23)
Mỗi Kitô hữu luôn được mời gọi tuyên xưng Đức Kitô trong cuộc sống hằng ngày. Bởi Người vẫn luôn hỏi: Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Chính lời thẩm vấn của Chúa Giêsu giúp mỗi người chúng ta ý thức được con đường chúng ta đang đi. Con đường ấy chính là chịu đóng đinh, chịu chết, chịu mai táng và phục sinh với Đức Kitô. (Rm 6, 3-11)
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn can đảm tuyên xưng Đức Kitô trong cuộc sống hằng ngày, ngõ hầu chúng con biết chấp nhận đau khổ như Chúa và càng ngày càng trở nên giống Chúa hơn. Amen.
SỐNG ĐỨC TIN BẰNG HÀNH ĐỘNG (Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD)
Đoạn Tin Mừng hôm nay trình thuật về việc ông Phêrô tuyên xưng đức tin. Sau khi thăm dò các môn đệ về việc “người ta nói Thầy là ai?” Chúa Giêsu đã trực tiếp trắc nghiệm đức tin của các môn đệ mà Phêrô đã đại diện anh em để trả lời “Thầy là Đức Kitô.” Quả thật, tin chính là nhìn nhận phẩm giá của người mình muốn tin. Vì thế, tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là nhận biết Chúa là Đấng nào và sứ mệnh của Người là gì.
Đức tin đòi hỏi việc nhìn nhận chân tính của Chúa Giêsu, đây phải là sự nhìn nhận của riêng cá nhân, chứ không thể nghe người khác nói. Do đó, Chúa Giêsu mới hỏi môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Sự nhìn nhận này nảy sinh từ đáy tâm hồn của từng người. Đức tin không thể là điều vay mượn của người khác, nhưng là cốt lõi cho một mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Vì thế, không ai tuyên xưng đức tin thay thế cho người khác.
Ngoài ra, một điều nữa vô cùng quan trọng về đức tin là đức tin không dừng lại ở sự hiểu biết như là lý thuyết, nhưng được thể hiện bằng chính hành động. Nhận biết chân tính và sứ mệnh của Chúa chưa đủ, ta còn phải đi theo Chúa. Điều này Chúa Giêsu thẳng thắn cho biết cái giá đắt khi ta theo Người. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).
Là Kitô hữu, khi xưng tụng Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ, chúng ta cần lắng nghe lời Người chỉ dạy. Đường Chúa đi là con đường khổ giá, là con đường sự thật để hướng tới sự sống sẽ tôi luyện đức tin chúng ta. Vì đức tin là ánh sáng soi đường dẫn chúng ta bước theo gót Chúa Kitô.
“Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” Xin cho mỗi người chúng ta luôn hướng về Chúa Kitô để sống đức tin của mình và lấy tình bác ái phục vụ anh chị em như là việc làm của đức tin. Amen.