LỜI SỐNG (21/9, Lễ kính Thánh Mátthêu – Tác giả sách Tin Mừng)

0
631

Bài đọc: Ep 4,1-17.11-13

Tin Mừng: Mt 9,9-13

Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! ” Ông đứng dậy đi theo Người.

Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy? ” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”


 

Suy niệm

HÃY THEO TA (Tu sĩ Antôn Trần Văn Lai, SVD)

 Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ kính thánh Mátthêu, người có ơn gọi khá đặc biệt trong số mười hai Tông Đồ và là tác giả của sách Tin Mừng Mátthêu.

Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu kêu gọi Mátthêu, một người có địa vị và tiếng tăm trong xã hội Do Thái thời đó. Theo Kinh Thánh, Mátthêu là một người làm nghề thu thuế. Công việc của ông là thu các loại thuế của người dân. Và những số tiền thuế ông thu được sẽ nộp lại cho chính quyền Rôma. Là một người làm việc cho đế quốc La Mã, ông luôn bị người Pharisêu cũng như dân Do Thái xem là kẻ bán nước và tội lỗi. Nhưng trong con mắt của Chúa Giêsu thì ông là một con người xuất chúng. Vì vậy, Chúa đã gọi ông đi theo Người chỉ với ba từ đơn giản của Chúa Giêsu “hãy theo ta”. Lập tức, Mátthêu đứng lên và bước đến với Chúa Giêsu một cách không do dự. Ông đã cương quyết rời bỏ địa vị và buông bỏ tất cả mọi thứ để trở thành môn đệ. Khi nghe được tiếng Chúa gọi mời, Mátthêu đã không phân vân hay do dự. Bởi, ông nhận thấy tình yêu thương và sự tha thứ nơi Đấng Thiên Sai. Ông đã nhìn thấy một ánh mắt nhân từ của Chúa Giêsu. Ông đã cảm nhận từ tận đáy lòng một sự thôi thúc dứt bỏ con đường tội lỗi để đi tìm lại phẩm giá và ý nghĩa của cuộc đời.

Trong thời đại kim tiền, buông bỏ danh vọng và địa vị để đáp trả tiếng Chúa như Máttthêu năm xưa là điều không mấy ai có thể làm được. Con người thường tìm kiếm sự thoải mái và tiện nghi. Người ta thích đi trên những con đường thênh thang và rộng rãi. Còn lối đi chật hẹp của con đường theo Chúa làm cho nhiều người cảm thấy bức bối và khó chịu.

Lạy Chúa, qua mỗi bậc sống khác nhau, chúng con luôn được Chúa mời gọi lên đường đem Tin Mừng đi khắp thế gian. Xin cho mỗi người chúng con luôn cảm nhận và đáp trả tiếng gọi yêu thương của Chúa để biết rao truyền tình thương cho mọi người. Amen.


ƠN GỌI TÔNG ĐỒ (Tu sĩ Phêrô Phan Thái Hiền, SVD)

Đối với dân Do Thái xưa, người thu thuế bị xem là  kẻ  tội  lỗi,  kẻ  phản quốc vì họ làm tay sai cho đế quốc Rôma và làm giàu trên sự bất hạnh của đồng bào. Thế nên, họ bị khinh ghét và xa lánh. Đức Giêsu không nhìn họ dưới nhãn quan đó, Ngài không xa lánh họ. Với phương châm “tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Đức Giêsu đã kêu gọi ông Mátthêu, một người thu thuế, trở thành Tông Đồ.

Lời mời gọi của Đức Giêsu xảy đến với thánh Mátthêu khá bất ngờ và nhanh chóng, thế nhưng, nó lại đạt được kết quả mỹ mãn. Điều này được thánh Mátthêu thuật lại rằng: Đức Giêsu bảo ông: “‘Anh hãy theo tôi!’ Ông đứng dậy đi theo Người” (Mt 9,9). Theo lẽ thường, trước những biến cố quan trọng, con người sẽ cần phải suy nghĩ trước sau, phân vân giữa cái được và cái mất. Tuy nhiên, với thánh Mátthêu, trước lời mời gọi của Đức Giêsu, thánh nhân đã chẳng hề phân vân nhưng đã mau mắn đáp trả. Vì gặp được lý tưởng và lẽ sống của đời mình, ông đã đứng lên và theo Đức Giêsu. Về sau, thánh nhân đã trở thành một trong những tác giả sách Tin Mừng, trở thành người loan báo và chứng nhân cho Lời của Thiên Chúa.

Học nơi thánh Mátthêu, chúng ta cũng cần “đứng lên và đi theo” Chúa. Mỗi người được mời gọi đứng lên và đi ra khỏi những đam mê và tội lỗi, những điều bất chính và lòng ích kỷ. Chúng ta cũng được mời gọi can đảm dấn thân bước theo lời mời gọi của Chúa “hãy theo tôi”, sẵn sàng nhận lãnh sứ vụ mà Chúa trao ban. Đồng thời, chúng ta hãy luôn tin rằng với ơn Chúa, dù chúng ta có tội lỗi, yếu đuối, bất toàn thế nào, Thiên Chúa vẫn gọi mời và ban ơn cho chúng ta. Bởi thế, chúng ta đừng chán nản và thất vọng về bản thân mình nhưng hãy luôn tin tưởng vào Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố cuộc đời và luôn biết đáp lại lời mời gọi tình yêu của Ngài như thánh Mátthêu. Amen.


SAO LẠI LÀ MÁTTHÊU? (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

TIẾNG GỌI (Tu sĩ Đaminh Trần Vĩnh Trung, SVD)

Qua từng giai đoạn, mỗi người đều được mời gọi để lên đường sống cho một sứ mạng của riêng mình. Như khi xưa, Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ, …thì hôm nay, Người cũng cất tiếng gọi một người tội lỗi biết trở lại ăn năn.

Trình thuật Tin Mừng cho chúng ta thấy Mátthêu là một người làm nghề thu thuế, cái nghề kiếm chác bất chính qua việc vơ vét những đồng tiền lao động nặng nhọc, nơi những người cùng đồng bào với ông. Vì vậy, ông bị người đời liệt vào hàng tội lỗi và xấu xa. Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy tấm lòng nhân hậu của Đức Giêsu ngang qua ánh mắt cảm thông với tiếng gọi đầy yêu thương: “Anh hãy theo tôi!”. Matthêu liền đứng phắt dậy khi ông nghe tiếng gọi của Chúa Giêsu. Hẳn tiếng gọi ấy đã lay động, và khơi gợi nơi ông niềm khao khát hướng thiện. Tiếng gọi ấy giải thoát ông khỏi những ràng buộc của vật chất. Vì thế, ông sẵn sàng bỏ lại bàn thu thuế phía sau để đi theo và làm môn đệ Đức Giêsu. Qua đó cho thấy, tiếng gọi của Người chứa đựng một tình thân ái và đầy tràn sự cảm thông. Người thương những ai bị gạt ra lề xã hội, thương những người bơ vơ, vất vưởng. Đặc biệt, Chúa Giêsu luôn kiếm tìm những người bất hạnh như vậy, Người cất tiếng gọi họ bởi Người muốn đến để cùng sẻ chia nỗi thống khổ và đồng hành với họ.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay như lời mời gọi ta phải có lòng sám hối như Matthêu, có lòng vị tha như Chúa Giêsu. Điều mà chính Người đã thực hiện nơi Matthêu hôm nay. Ngài đã đi bước trước để ngỏ lời cùng ông, và đã mở ra cho ông một con đường trở về với nẻo chính đường ngay.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết sống khiêm tốn, để nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn mà chúng con đang mang, xin đỡ nâng và dẫn đưa chúng con mỗi ngày theo thánh ý Ngài. Amen.


 

ƠN CỨU ĐỘ (Tu sĩ Phêrô Phan Thái Hiền, SVD)

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy dung mạo đích thực của Thiên Chúa. Người đến đem lại niềm hy vọng cho những người tội lỗi. Họ sẽ được Chúa thương yêu và được hưởng ơn cứu độ, vì chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Đối với người Do Thái, người thu thuế là hạng người bị liệt vào danh sách tội lỗi. Vì thế, ông Mátthêu cũng được kể là người tội lỗi. Nhưng với phương châm “người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần.” Chúa Giêsu đã cứu vớt ông Mátthêu và các bạn bè của ông khỏi tình trạng tội lỗi này. Nhưng đối với Mátthêu, cách đặc biệt, Người muốn chọn ông làm Tông đồ của Người nên trực tiếp gọi ông. Và hành động đáp trả của ông không làm Chúa Giêsu thất vọng “ông đứng dậy đi theo Người.” (Mt 9,10) Hành đông đứng dậy này thể hiện sự dứt khoát với quá khứ tội lội của ông và quyết tâm theo Chúa Giêsu để bắt đầu một cuộc sống mới.

Sau khi gọi và chọn Mátthêu, Chúa Giêsu lại tỏ tình thương đối với các bạn của ông bằng cách Người ngồi ăn chung với họ. Hành động ngồi đồng bàn với người nào là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện với người đó. Qua hình ảnh ngồi đồng bàn với những người thu thuế và người tội lỗi này, Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, dù họ đang trong tình trạng nào đi nữa. Và Ngài cũng muốn trình bày một hình ảnh Thiên Chúa luôn chia sẻ cuộc sống với con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.

Lạy Chúa, Ngài đã chủ động mang ơn cứu độ cho ông Mátthêu và các bạn bè của ông để giải thoát các họ khỏi tình trạng tội lỗi. Xin cho con biết nhận ra và đón nhận ơn cứu độ của Ngài mỗi khi con là tội nhân. Đồng thời, xin cho con biết mau mắn đáp trả lời mời gọi của Ngài như ông Mátthêu. Amen.

Bài trướcLiên tu sĩ Gp. Nha Trang họp mặt lần thứ 7 (21/9/2024)
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Chúa Nhật XXV Thường Niên – Năm B (Mc 9,30-37)