TỪ ĐÓN TIẾP ĐỨA TRẺ ĐẾN ĐÓN TIẾP CHÚA CHA
Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải
Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp | Việt |
30 Κἀκεῖθεν ἐξελθόντες παρεπορεύοντο διὰ τῆς Γαλιλαίας, καὶ οὐκ ἤθελεν ἵνα τις γνοῖ·
31 ἐδίδασκεν γὰρ τοὺς μαθητὰς αὐτοῦ καὶ ἔλεγεν αὐτοῖς ὅτι ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου παραδίδοται εἰς χεῖρας ἀνθρώπων, καὶ ἀποκτενοῦσιν αὐτόν, καὶ ἀποκτανθεὶς μετὰ τρεῖς ἡμέρας ἀναστήσεται. 32 οἱ δὲ ἠγνόουν τὸ ῥῆμα, καὶ ἐφοβοῦντο αὐτὸν ἐπερωτῆσαι. 33 Καὶ ἦλθον εἰς Καφαρναούμ. Καὶ ἐν τῇ οἰκίᾳ γενόμενος ἐπηρώτα αὐτούς· τί ἐν τῇ ὁδῷ διελογίζεσθε; 34 οἱ δὲ ἐσιώπων· πρὸς ἀλλήλους γὰρ διελέχθησαν ἐν τῇ ὁδῷ τίς μείζων. 35 καὶ καθίσας ἐφώνησεν τοὺς δώδεκα καὶ λέγει αὐτοῖς· εἴ τις θέλει πρῶτος εἶναι, ἔσται πάντων ἔσχατος καὶ πάντων διάκονος. 36 καὶ λαβὼν παιδίον ἔστησεν αὐτὸ ἐν μέσῳ αὐτῶν καὶ ἐναγκαλισάμενος αὐτὸ εἶπεν αὐτοῖς· 37 ὃς ἂν ἓν τῶν τοιούτων παιδίων δέξηται ἐπὶ τῷ ὀνόματί μου, ἐμὲ δέχεται· καὶ ὃς ἂν ἐμὲ δέχηται, οὐκ ἐμὲ δέχεται ἀλλὰ τὸν ἀποστείλαντά με. (Mk. 9:30-37 BGT) |
30 và sau khi đi khỏi đó, họ đi xuyên qua Ga-li-lê, và Người không muốn ai biết,
31 vì Người đang dạy các môn đệ của Người và nói cùng họ rằng Con Người sẽ bị nộp vào tay của người ta, họ sẽ giết chết Người và sau khi bị giết chết sau 3 ngày Người sẽ phục sinh 32 nhưng họ [các môn đệ] cứ không hiểu lời đó, và họ cứ sợ không hỏi Người. 33 và họ đi vào Ca-phác-nao-um, và khi họ đã ở trong nhà, Người hỏi họ: “Anh em tranh cãi gì với nhau trên đường?” 34 Nhưng họ cứ im lặng, vì trên đường họ đã tranh cãi với nhau ai là người lớn hơn cả. 35 và sau khi ngồi xuống Người gọi nhóm Mười Hai và nói cùng họ: “Nếu ai muốn là người đứng đầu, người đó sẽ người người cuối cùng của tất cả và là người phục vụ tất cả. 36 và sau khi nhận một đứa trẻ, Người đặt nó ngay chính giữa họ và trong khi ôm nó, Người nói cùng họ, 37 bất cứ ai đón tiếp đứa một đứa trẻ như em này vì danh của Thầy là đón tiếp Thầy, và bất cứ ai đón tiếp Thầy, thì không phải đón tiếp Thầy mà đón tiếp Người đã sai Thầy. |
Bối cảnh
Đoạn văn Mc 9,30-37 được đặt ngay sau phép lạ chữa lành một người bị thần câm điếc nhập và bị bệnh kinh phong. Sau phép lạ này, các môn đệ đã hỏi lý do tại sao họ không thể trục xuất được tên quỷ này. Các ông rất quan tâm đến quyền lực trừ quỷ. Ngược lại, trong đoạn văn này khi không hiểu về lời dạy liên quan đến mầu nhiệm khổ nạn, các ông lại sợ, không hỏi Người. Khi được Người hỏi về chủ đề mà các ông tranh luận dọc đường, các ông lại im lặng. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy họ đang bị thần câm điếc nhập vào. Một lần nữa, Đức Giê-su tiền báo về Cuộc Thương Khó – Chết – Phục Sinh. Lần loan báo này đến sau sự kiện Đức Giê-su biến hình trên núi, và trừ quỷ. Ngay sau sự kiện Biến Hình trên núi, để trả lời cho câu hỏi các môn đệ liên quan đến ông Ê-li-ah, Đức Giê-su cũng nhắc đến việc “Con Người chịu nhiều đau khổ và bị khinh rẻ” (9,12). Lần tiền báo này chắc chắn nối kết chặt chẽ với lần thứ nhất (8,31) và lần thứ ba (10,32-34), nhất là với Mầu Nhiệm Khổ Nạn-Chết-Phục Sinh trong 3 chương cuối của Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng Gioan. Phản ứng tiêu cực của các môn đệ trong lần tiền báo này cũng y chang như phản ứng của họ trong hai lần tiền báo trước và sau đó. Ngoài ra, bài học phục vụ là đặc tính căn bản trong phong cách lãnh đạo của Đức Giê-su (Mc 9,35; 10,43; Mt 20,26; 23,11). Đức Giê-su khẳng định Người đến là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho muôn người (Mc 10,45; Mt 20,28); Người sống giữa các môn đệ như một người phục vụ (Lc 22,27). Hành động cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong đêm Tiệc Ly là một bằng chứng sống động về cung cách phục vụ của Đức Giê-su (Ga 13,2-20). Chủ đề về sự đồng hóa giữa Đức Giê-su và những người bé mọn là chủ đề nổi bật trong bài giảng về cánh chung. Phục vụ những kẻ đói, khát, trần truồng, đau yếu hay ngồi tù là phục vụ Chúa (Mt 25,44-45). Sự đồng hóa giữa Đức Giê-su và Đấng đã sai Người cũng rất phổ biến trong cả bốn Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng thứ tư (Lc 10,16; Ga 5,23; Ga 8,29; 12,44.45). Đứa trẻ đến cùng Đức Giê-su là một điều gì đó “chướng tai tai gai mắt” với các môn đệ. Khi người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su để Người chúc lành, các môn đệ đã la rầy chúng. Đức Giê-su phải can thiệp, họ mới để chúng yên (Mt 19,13; Mc 10,13). Đứa trẻ thành đối tượng căn bản cho hành vi thực thi quyền lực phục vụ của các môn đệ. Đứa trẻ cũng là một chủ đề khá phổ biến trong các sách Tin Mừng. Chúng được xem như là những người thừa kế Nước Trời (Mc 10,14; Mt 19,14; Lc 18,16).
Cấu trúc
Đoạn Mc 9,3-37 gồm hai đoạn nhỏ khác nhau nhưng nối kết chặt chẽ với nhau. Đoạn I (9,30-32): Đức Giê-su tiền báo về khổ nạn – chết – phục sinh và phản ứng của các môn đệ. Đoạn II (9,33-37): Đức Giê-su dạy dỗ các môn đệ dựa trên phán ứng tranh giành quyền lực.
I. Bối cảnh: Không gian, nhân vật, giới thiệu sự kiện (9,30)
Dạy về Thương Khó – Chết – Phục Sinh (9,31) Đáp trả của các môn đệ: Không hiểu – Sợ – Không dám hỏi (9,32) II. Bối cảnh: Không gian và nhân vật (9,33a) Câu hỏi của Đức Giê-su: “Anh em tranh cãi gì với nhau trên đường?” (9,34a) Đáp trả của các môn đệ: Im lặng vì đã tranh cãi về vị trí đứng đầu (9,34b) Dạy về quyền lực: Người đứng đầu = Người cuối cùng = Người phục vụ (9,35) Dạy về sự đón tiếp: Đón tiếp đứa trẻ = Đón tiếp Đức Giê-su = Đón tiếp Chúa Cha (9,36-37) |
Một số điểm chú giải
- Người không muốn ai biết: Sự bí mật, và riêng tư là một yếu tố khá nổi bật trong cả ba lần Đức Giê-su tiền báo về Cuộc Khổ Nạn. Lần thứ nhất, trong Mác-cô và Mát-thêu, tuy không có dấu hiệu rõ ràng về mặt ngôn ngữ cho thấy Người dẫn các ông riêng ra một nơi, nhưng cuộc đối thoại cho thấy chỉ có các môn đệ và Đức Giê-su mà thôi (Mc 8,27-33; Mt 16,21-23; Lc 9,18-22). Sau khi kết thúc mạc khải về cuộc Thương Khó, Đức Giê-su mới gọi “các môn đệ và đám đông đến mà dạy rằng: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác lấy thập giá của mình mà theo” (Mc 8,34). Trong Mát-thêu, ngay cả lời dạy này cũng dành riêng cho các môn đệ, đám đông không hề xuất hiện (Mt 16,24). Luca cho thấy dấu hiệu rõ rệt rằng hôm ấy, Đức Giê-su đang cầu nguyện một mình và các môn đệ cũng ở đó với Người (Lc 9,18). Ở lần tiền báo thứ hai, dấu hiệu về sự bí mật là quá rõ ràng “Người không muốn để ai biết” (Mc 9,30; Mt 17,22; Lc 9,44). Không gian riêng tư của các môn đệ và Đức Giê-su kéo dài từ 9,30-50. Dân chúng lại xuất hiện khi Đức Giê-su đi từ miền Giu-đê, bên kia sông Gio-đan (10,1). Đây là khoảng thời gian Đức Giê-su dành riêng để dạy các môn đệ.[1] Lần thứ ba cũng vậy, trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su dẫn các môn đệ riêng ra, rồi bật mí về cuộc Thương Khó lần thứ 3 (Mc 10,32; Mt 20,17; Lc 18,31). Như thế, mạc khải về mầu nhiệm này chỉ dành riêng cho các môn đệ, những người đã nhận ra căn tính Ki-tô nơi Đức Giê-su, tuy chưa trọn vẹn. Đó cũng là một bí mật cần được bật mí để giúp các môn đệ hiểu đầy đủ hơn về “căn tính Ki-tô” ấy, nếu không các ông cứ mãi ảo tưởng về một Đấng Ki-tô vinh quang sáng chói.
- Người đang dạy các môn đệ của Người. Nói theo kiểu bình dân là Đức Giê-su “bật mí” mầu nhiệm cuộc khổ nạn trong “bí mật”. Trong “bí mật” vì chỉ có một mình các môn đệ biết. Nói đúng ngôn ngữ Thánh Kinh là “Đức Giê-su đang dạy các môn đệ”. Động từ dạy được nhấn mạnh độ dài về mặt thời gian khi được dùng ở thì “vị hoàn” (chưa hoàn thành). Người đã bắt đầu dạy cho các môn đệ về mầu nhiệm Khổ nạn – Tử nạn – Phục Sinh lần thứ nhất (Mc 8,31), bây giờ Người vẫn đang giảng dạy cùng một mầu nhiệm (Mc 9,31); Người lại tiếp tục dạy họ lần thứ ba nữa, khi thầy trò trên đường lên Giê-ru-sa-lem (Mc 10,32-34). Có thể nói rằng, từ lúc Phê-rô đại diện cho các môn đệ tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Người bắt đầu dạy cho các ông về mầu nhiệm Khổ-Tử nạn – Phục Sinh. Người dạy mãi cho đến sau khi sống lại và lên trời. Trong giai đoạn này, Người tiếp tục “gia cố” cho niềm tin của các môn đệ bằng cách vẫn làm những dấu lạ, đặc biệt là cuộc “Biến Hình” trên núi cao (Mc 9,2-8; Mt 17,1-8; Lc 9,28-36). Tuy nhiên, điều chính yếu là Người dạy các ông về khía cạnh “tự hủy” của Đấng Ki-tô.
- Bị nộp – giết chết – phục sinh: So sánh ba lần tiền báo, chúng ta có thể nhận thấy rằng dường như lần thứ hai là đơn giản hơn cả và lần thứ ba chi tiết hơn cả. Có hai điều không thể thiếu trong cả 3 lần. Đó là “chết” và “phục sinh”. Phục sinh luôn luôn là hành trình cuối cùng của mầu nhiệm này và có ý nghĩa quyết định soi sáng cho toàn bộ hành trình đau khổ của Đức Giê-su. Tuy vậy, các môn đệ dường như quên hẳn chi tiết đáng để ý này. Họ cũng không hiểu “từ cõi chết sống lại nghĩa là gì” (Mc 9,10) Trong cả ba lần Đức Giê-su đều tự xưng là “Con Người”.[2] Đây cũng là một trong những danh hiệu “ki-tô học” đặc trưng trong thần học Tân Ước. Đức Giê-su tự gọi mình là “Con Người” rất nhiều lần. Trong tiếng Hy Lạp, “Con Người” nghĩa là “Con trai của loài người” (ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου). Trong Cựu Ước, thuật ngữ này được dùng để chỉ loài người [בֶן־אָ֜דָ֗ם] (ben-adam): “Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm” (Tv 8,4). Đây là danh xưng được dùng trong văn chương khải huyền. Ngôn sứ Ê-dê-kiel cũng được Thiên Chúa gọi là “con người” (Ed 21,1.6; 8,8; 11,4; 12,2.18). Đặc biệt Đn 4,13 nói đến một thị kiến trong đó, ngôn sứ thấy “có ai như Con Người đang ngự giá mây trời mà đến”. Trong Tân Ước, Đức Giê-su cũng nói đến hình ảnh Con Người rất uy nghi, vinh hiển, ngự giá mây trời mà đến (Mt 24,30; Mt 16,27; 26,44; Mc 13,26; 14,62). Đó là những hình ảnh về Con Người vinh quang, đến để xét xử loài người. Tuy nhiên, ở đây chúng ta thấy một Con Người chịu nộp và chịu chết rồi mới phục sinh. Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm giống như ông Giô-na (Mt 12,40). Thánh Gioan nói đến hình ảnh Con Người được giương cao với hai ý nghĩa: (i) Treo trên thập giá; (ii) Siêu thăng lên trời (Ga 3,14; 8,28; 12,34) và sự kiện Con Người được tôn vinh (Ga 12,23; 13,31). Con Người mang hai ý nghĩa rõ nét, vừa đau khổ và vừa vinh quang. Mệnh đề “sẽ bị nộp cho người đời” trong bối cảnh này tương đương với “họ sẽ nộp Người cho dân ngoại”. Như vậy, tác nhân nộp Đức Giê-su cho “người đời” hay “dân ngoại” chính là các thượng tế và kinh sư (x. 15,1.10).[3] Lần tiền báo thứ ba còn nhắc đến Người bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Tác nhân của hành động nộp này không ai khác chính là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai (Mc 10,10-11; Mt 26,14-16; Lc 22,3-6). “Những bàn tay” thường được sử dụng cả trong các nguồn Do Thái hoặc ngoài Do Thái diễn tả quyền lực của một Người. Cụm từ “rơi vào tay của ai đó” có nghĩa là chịu sự điều khiển của người đó.[4] Nộp cho người đời là một mối nguy hiểm đáng sợ nhất. Trong Cựu Ước, sau khi vua Đa-vít phạm lỗi nặng, vì đã kiểm tra dân số, Đức Chúa giáng họa và cho ông chọn lựa 3 giải pháp: (1) Đói kém bảy năm trên toàn nước; (2) Ba tháng chạy trốn trước mặt kẻ thù; và (3) Ba ngày ôn dịch. Đa-vít đã chọn lựa giải pháp thứ ba và nói cùng ngôn sứ Gát rằng: “Thà tôi rơi vào tay Thiên Chúa thì hơn, vì lòng thương của Người bao la, ước chi tôi đừng rơi vào tay người đời” (2 Sm 24,14). Sách Huấn Ca cũng dạy rằng: “Chúng ta sẽ rơi vào tay Đức Chúa, chứ đừng vào tay người đời, vì Người cao cả thế nào thì hay thương xót như vậy” (Hc 2,18). Bị nộp vào tay người như trường hợp của Đức Giê-su quả thật là khốn đốn.
So sánh ba lần tiền báo về cuộc khổ nạn – chết – Phục Sinh | ||
8,31 | 9,31 | 10,33-34 |
Nhất thiết là…
Con Người Phải đau khổ nhiều và bị chối bỏ Bởi các kỳ mục, thượng tế và kinh sư
Bị giết chết
Và sau ba ngày Người sẽ trỗi dậy |
Con Người Sẽ bị nộp cho người đời
Họ sẽ giết Người
Và sau ba ngày Người sẽ trỗi dậy |
Con Người
Sẽ bị nộp
Cho các thượng tế và kinh sư Họ sẽ kết án tử hình Người Nộp Người cho dân ngoại Và họ sẽ đánh Người, khạc nhổ vào Người và hành hạ Người Và họ sẽ giết Người Và sau ba ngày Người sẽ trỗi dậy |
- Cứ không hiểu lời đó: Lời này quả là khó hiểu đối với các môn đệ. Nhưng lạ thay, đây là lần thứ hai Đức Giê-su nói điều này sao các ông lại không hiểu. Thánh Mát-thêu ghi chú rằng “các môn đệ buồn phiền quá đỗi” (Mt 17,23). Điều đáng nói là dù không hiểu các ông lại sợ hỏi lại Người. Cả hai động từ “không hiểu” (ἠγνόουν) và “sợ” (ἐφοβοῦντο) đều được dùng ở thì “vị hoàn” (chưa hoàn thành). Tác giả muốn nói rằng họ không hiểu triền miên, dài lâu và họ cũng “sợ” dài lâu. Các môn đệ cứ không hiểu như thế và không dám hỏi như thế, cho đến khi Đức Giê-su bước vào hành trình thập giá. Sự không hiểu, sự sợ hãi lại biến thành hành động “bỏ trốn hết” của các môn đệ (Mc 14,50; Mt 26,56). Nỗi sợ của các môn đệ có thể là nỗi ám ảnh sẽ bị quở trách như ông Phê-rô trong lần tiền báo đầu tiên. Đức Giê-su đã quở trách Phê-rô cách nặng nề khi gọi ông là Satan. Lần này, rút kinh nghiệm, các môn đệ dù không thích, không muốn, không hiểu nhưng tốt hơn nên im lặng như không nghe thấy gì cho xong chuyện.[5] Họ có thể hy vọng điều đó không xảy ra vì nếu nó ra cho Đức Giê-su thì cũng xảy ra cho họ.[6] Sự “không hiểu” của các môn đệ trong đoạn văn này như nối dài chủ đề về “sự bất ổn trong tâm hồn” (cứng lòng) của các môn đệ được bắt đầu trước đó: “Vì họ không hiểu về những chiếc bánh, nhưng lòng họ bị cứng” (6,52); “Anh em vẫn chưa hiểu sao? Lòng anh em còn cứng vậy sao?” (Mc 8,17).[7]
- Tranh cãi xem ai là người lớn hơn cả: Trong Mát-thêu, các môn đệ hỏi trực tiếp Đức Giê-su về vị trí lớn nhất trong Nước Trời. Từ đó, Đức Giê-su dạy các ông về bài học về sự tự hạ: “Nên như đứa trẻ” (Mt 18,1-4). Mác-cô cố tình đặt câu hỏi này trong một cuộc tranh luận âm thầm giữa các môn đệ, ngay sau khi Đức Giê-su tiền báo về cuộc khổ nạn. Có một nghịch lý có chút gì đó mỉa mai trong phản ứng của các môn đệ. Sau khi nghe lời tiền báo lần thứ hai về mầu nhiệm Khổ nạn – Chết – Phục sinh, các môn đệ không những không hiểu, sợ không hỏi Người mà còn tranh luận sôi nổi với nhau về địa vị lớn nhất trong nhóm. Đó là dấu hiệu cho thấy một giấc mộng quyền lực đang len lỏi, xâm chiếm tâm hồn các môn đệ. Đây chính là phản ứng tréo ngoe, đặc trưng cho cả ba lần Đức Giê-su tiền báo về mầu nhiệm tự hủy trong Tin Mừng Mác-cô. Lần thứ nhất, Phê-rô đã kéo riêng Đức Giê-su ra và can gián Người và Đức Giê-su đã phải khiển trách Phê-rô là: “Satan! xéo đi ra đằng sau Thầy” (Mc 8,33). Lần thứ hai, trong khi Người mạc khải về mầu nhiệm tự hủy, thì các môn đệ lại tranh luận với nhau xem “ai là người quyền to hơn cả”. Lần thứ ba, cũng liên quan đến địa vị quyền chức, hai người con của ông Dê-bê-đê đến xin Đức Giê-su hai vị trí bên hữu và bên tả Người, khi Người được vinh quang (Mc 10,37). Mười môn đệ còn lại thấy mình bị lép vế thì “đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và Gioan” (Mc 10,41). Những phản ứng của các môn đệ trong cả ba lần Đức Giê-su tiền báo về mầu nhiệm tự hủy, cho thấy rằng ý định của Đức Giê-su quá khác xa với giấc mơ của họ. Họ không thể hiểu, và cũng không muốn hiểu ý định nhiệm mầu ấy, bởi họ vẫn đang theo đuổi giấc mộng quyền lực trần thế của riêng mình.[8]
- Cứ im lặng: Động từ thinh lặng được chia ở thì vị hoàn, diễn tả một sự thinh lặng dài lâu. Đó là một sự thinh lặng vì xấu hổ, bởi cách nghĩ của họ còn quá khác với Thầy của mình. Sự im lặng này có chút liên hệ đến quỷ câm làm cho cậu bé phải im lặng trong phép lạ trước đó (Mc 9,25). Các môn đệ đã không trừ được tên quỷ này, và theo Đức Giê-su, lý do là vì họ thiếu sự cầu nguyện. Sự thinh lặng của các môn đệ cũng liên hệ gần gũi đến sự thinh lặng không hỏi Đức Giê-su, về mầu nhiệm mà Người vừa mạc khải. Đó là một thái độ mâu thuẫn của các môn đệ. Điều cần phải nói thì họ không nói, điều không nên nói thì họ lại tranh luận sôi nổi. Tuy vậy, sự im lặng biểu lộ sự xấu hổ ở đây, suy cho cùng vẫn nhẹ hơn cách mà Gia-cô-bê và Gioan đến xin ngồi bên tả và bên hữu, sau khi Đức Giê-su tiền báo cuộc thương khó lần thứ ba, hay là phản ứng cách trực diện như Phê-rô trong lần thứ nhất. Sự thinh lặng của các môn đệ trong bối cảnh này, có thể gợi nhớ đến sự im lặng ngượng ngùng của dân chúng nơi hội đường Ca-phác-nao-um, nơi Đức Giê-su đã hỏi họ về việc được phép làm điều tốt vào ngày Sa-bát hay chăng (Mc 3,4).[9]
- Người đứng đầu – Người phục vụ. Đứng trước phản ứng tiêu cực của các môn đệ, Đức Giê-su lại tìm cách sửa dạy họ. Trong lần tiền báo thứ nhất, khi Phê-rô can gián Đức Giê-su, Người đã quở trách ông cách nặng nề. Hơn nữa, Người dạy cho các môn đệ và dân chúng thấy sự cần thiết phải từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá của mình mà theo Chúa. Đích điểm cuối cùng là “sự sống đời” cả hồn lẫn xác. Muốn có sự sống này, sự hy sinh là một điều gì đó tất yếu phải có dành cho những người theo Chúa. Lần này, các môn đệ tranh nhau về quyền làm thủ lãnh. Đức Giê-su lại dạy họ phải thi hành quyền bính thế nào. Đức Giê-su không phủ nhận việc phải có kẻ dưới người trên trong một cộng đoàn. Điều quan trọng là “người đứng đầu” (πρῶτος) phải là “người cuối cùng” (ἔσχατος) của mọi người và là “người phục vụ” (διάκονος) của tất cả mọi người. Đây có thể được gọi là “quyền lực không quyền lực”. Một cách tương tự, trong lần tiền báo thứ ba về cuộc khổ nạn, đối lại với ước mong ngồi bên hữu bên tả của các môn đệ, Đức Giê-su cũng dạy họ về bài học phục vụ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ (δοῦλος) mọi người” (Mc 10,43-44). Danh từ “đầy tớ” còn có nghĩa mạnh hơn về sự thấp kém so với người “phục vụ”. Đây chính là danh xưng mà Đức Maria dùng để tự xưng mình trước mầu nhiệm cao cả của Chúa: “Này tôi là tôi tớ của Chúa, xin Chúa hãy làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38; cf. 1,48). Người môn đệ của Chúa không nhắm đến quyền lực cho bằng sự hy sinh phục vụ người khác. Điều này khác hẳn với văn hóa “ăn trên ngồi trốc”, “kẻ làm lớn thì có quyền làm láo” trong xã hội xưa nay. Đối với cộng đoàn môn đệ của Đức Giê-su thì không phải thế. Đức Giê-su đã cho biết mục đích của Người là đến để phục vụ, chứ không phải để được người ta phục vụ (Mc 10,45; Mt 20,28). “Người ở giữa các môn đệ như là một người phục vụ” (Lc 22,27).[10] Hình ảnh sống động nhất cho sứ vụ phục vụ của Đức Giê-su là hình ảnh Người cúi xuống rửa chân cho tất các Tông Đồ trong bữa tiệc ly. Tuy nhiên, mức độ cao nhất của hành động phục vụ của Đức Giê-su chính là “hiến dâng mạng sống mình vì muôn người”. Thánh Phao-lô diễn tả mầu nhiệm tự hạ của Đức Giê-su như là Người đã tự hóa ra không, khi mặc lấy hình dáng của một “tôi tớ” (Pl 2,7).
- Một đứa trẻ (παιδίον): Một đứa trẻ là một sinh linh bé bỏng không đáng kể trong cái nhìn của các môn đệ.[11] Chính vì thế, khi thấy người ta đem trẻ em đến với Đức Giê-su, các môn đệ đã không ngần ngại la rầy chúng trước mặt Đức Giê-su (Mc 10,13; Mt 19,13). Đức Giê-su đã đáp trả rằng: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mc 10,14; Mt 19,14; Lc 18,16). Người còn nói rằng: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với một tâm hồn trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào” (Lc 18,17; Mc 10,15). Trong bối cảnh này, đứa trẻ là một người tiêu biểu để minh họa cho đối tượng mà các môn đệ phải phục vụ, nếu muốn có quyền lực cao. Một đối tượng mà người ta xem thường thì lại được Đức Giê-su coi trọng. Đó là triết lý tình yêu của Đức Giê-su.
- Dây chuyền đón tiếp: Đón tiếp đứa trẻ – Đón tiếp Đức Giê-su – Đón tiếp Chúa Cha. Đón tiếp một đứa trẻ vì danh Đức Giê-su là biểu hiện căn bản cho hành động phục vụ của một người muốn làm lớn. Đức Giê-su đồng hóa chính mình với một người bé nhỏ nhất, có địa vị thấp kém nhất trong xã hội. Hành động “ôm lấy đứa trẻ” có thể là một hành động biểu tượng của một sự nhận làm con nuôi, bởi vì những sự nhận con nuôi thời xưa đôi khi bao gồm cử chỉ nhấc đứa bé lên, ôm lấy nó, hoặc mang nó vào sự tiếp xúc với cơ thể của cha mẹ nuôi.[12] Đức Giê-su cũng đồng hóa chính mình với các môn đệ khi Người bảo đảm rằng: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40; Ga 13,20). Đối lại với thói quen coi trọng người có quyền thế, khinh người nghèo hèn, hay còn gọi là lối ứng xử “thượng đội hạ đạp”, “cá lớn nuốt cá bé”, Đức Giê-su dùng lối nói dây chuyền “bộ ba” đối tượng để nối kết từ người thấp kém nhất trong xã hội cho đến Chúa Cha. Hay nói cách khác, những người bé mọn nhất trong xã hội chính là hình ảnh của chính Chúa. Đức Giê-su đã có lúc tạ ơn Chúa Cha, vì đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời không phải cho những người khôn ngoan thông thái, nhưng cho đứa bé (người đơn giản, ngây thơ) (Mt 11,25; Lc 10,21). Người cũng khuyên các môn đệ chớ “khinh thường một ai trong những kẻ bé mọn này [đứa trẻ], vì Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18,10). Người cũng cảnh báo rằng: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn [những đứa trẻ] đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn” (Mc 9,42; Mt 10,6). Cuối cùng, ví dụ sống động nhất cho việc đồng hóa giữa Đức Giê-su và những người cùng khổ là hình ảnh cuộc phán xét do Mát-thêu ghi lại, trong đó, cho người đói ăn, cho người khát uống, tiếp đón khách lạ, mặc cho người trần truồng, thăm người bệnh và tù nhân được xem như là những hành động của người công chính dành cho chính vị quan tòa Giê-su (Mt 25, 31-40). Ngược lại, chối bỏ, làm lơ trước những đau khổ của những người cùng khổ này chính là chối bỏ chính Chúa (Mt 25,41-46).
Bình luận tổng quát
Lại một lần nữa Đức Giê-su dạy các môn đệ về mầu nhiệm khổ nạn-chết-phục sinh. Đức Giê-su đi riêng với họ, không cho ai biết, để trong không gian riêng tư, Người dạy cho các ông hiểu mầu nhiệm quan trọng. Tuy nhiên, mặc cho Người cố tạo bối cảnh nghiêm túc, riêng tư, lại một lần nữa các môn đệ tỏ ra thờ ơ, và mù tối với mầu nhiệm quan trọng mà Người đang dạy dỗ. Họ không hiểu gì cả, nhưng lại chẳng hỏi Người. Mà họ cũng chẳng mấy quan tâm. Thầy vừa tỏ mình sáng láng trên núi cao cùng với Ông Mô-sê và Ê-li-a. Thầy cũng vừa mới trừ quỷ câm điếc gây ra bệnh kinh phong, phép lạ mà họ không thể làm được. Thầy của họ quyền năng như thế, thì việc “thăng quan tiến chức” chẳng bao lâu sẽ xảy ra. Vậy thì, điều quan trọng lúc này là phân chia quyền lực cho rõ ràng: Ai lớn hơn và ai nhỏ hơn trong nhóm của họ là điều đáng quan tâm nhất. Đức Giê-su trở nên cô đơn, lạc lõng trong lời dạy của mình, bởi vì trong khi Thầy nói một chuyện, trò lại bàn về chuyện khác, mặc dù trên con đường ấy chỉ có Thầy-trò đồng hành bên nhau. Đức Giê-su đoán biết họ đã thảo luận sôi nổi về chuyện gì trên đường đi, mặc dù họ cứ thinh lặng, như bị quỷ câm ám khi Đức Giê-su hỏi họ. Người lại tiếp tục dạy họ về cách sử dụng quyền bính. Chắc họ phải cảm thấy xấu hổ, vì Thầy của họ đã khám phá ra chuyện bí mật tranh giành quyền lực giữa họ. Quyền lực của người môn đệ của Đức Giê-su là thứ “quyền lực không quyền lực”. Thực thi quyền lực đồng nghĩa với việc phục vụ người khác. Ai càng có quyền lớn thì càng phải phục vụ nhiều. Ai muốn đứng đầu thì phải trở thành người nhỏ nhất. Eo! Vậy thì giành quyền để mà làm gì? Các môn đệ có lẽ nghĩ thầm như thế. Đúng thế, trong cộng đoàn của Đức Giê-su chỉ có những con người “đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”, những con người “ở giữa anh em như một người tôi tớ”. Nếu Đức Giê-su cũng ham mê quyền lực như họ, thì Người đã không tự hủy ra không để mặc lấy thân tôi tớ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Mức độ phục vụ của Người là phục vụ cho đến chết và chết trên thập giá. Các môn đệ phải tập sống mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm tự hủy bằng cách đón nhận tất cả mọi người, bắt đầu từ người có vị trí thấp kém nhất, những người mà họ cho là không đáng để đến cùng Đức Giê-su. Đó là những đứa trẻ, những kẻ bé mọn. Có nghĩa là họ phải đón tiếp tất cả mọi người nhất là những người bé mọn bằng cả tấm lòng của mình. Họ phải chuyển từ giấc mơ quyền lực thành giấc mơ được phục vụ. Chỉ trong những hành vi phục vụ như thế, họ mới gặp gỡ chính Thầy của mình và gặp gỡ chính Chúa.
Đại dịch Cô Vy đã tước đi nhiều sinh mạng nhưng cũng làm hồi sinh biết bao con tim biết nghĩ, biết lo, biết thổn thức, biết nghĩ đến người khác, để rồi cách này, cách khác họ ra sức hành động vì người khác, những người đau khổ vì bệnh tật, những người “đói cơm thiếu áo”, vì dây chuyền những chỉ thị cách ly bất chấp dài dằng dặc chưa có hồi kết. Có những người hy sinh vì bổn phận nghề nghiệp, vì tương quan người thân, xóm làng. Tuy vậy, cao cả nhất, đẹp đẽ nhất, thơ mộng nhất vẫn là những người đã và đang hy sinh vì nghĩa vụ tình người. Họ có thể chẳng có chuyên môn nghề nghiệp, họ cũng chẳng có ràng buộc nào về nghề nghiệp, cũng không ràng buộc máu mủ ruột thịt, bạn bè, bà con, xóm làng. Mối giây ràng buộc duy nhất và bền chặt nhất là tình người. Họ cố gắng duy trì nối kết từ một trái tim đến một trái tim khác, không cần nghĩ người đó là ai, hay ở đâu, làm gì. Trong hành trình nối kết từ trái tim đến trái tim ấy đã có biết bao người hy sinh. Một nữ tu chi hơn 30 tuổi đời đã bỏ lại quãng đời tu thơ mộng thánh thiêng để về với Chúa, sau khi đã đi đến cuối hành trình nối kết tình yêu. Đó chỉ là một hình ảnh tượng trưng cho biết bao nhiêu con người đã và đang liều mình đi vào chốn hiểm nguy, vì yêu thương những người bé mọn. Hơn bao giờ hết, bài học tự hủy để phục vụ của Đức Giê-su trở nên thiết thực và gần gũi với mỗi con người, nhất là những ai muốn dấn thân theo Người.
Sự đón tiếp và phục vụ tất cả mọi người từ những người bé mọn nhất, không có địa vị xã hội, là biểu hiện của quyền lực tình yêu. Trong các mối tương quan thường ngày, người ta thường “nhất bên trọng, nhất bên khinh”; hay “chọn lựa và loại trừ”. Người ta chỉ chọn lựa tương giao đón tiếp những ai mang lại lợi ích cho họ, hoặc những người đem đến niềm vui cho họ. Họ xây những hàng rào khoanh vùng những nhóm người trong tương quan của mình. Đó là luận lý dựa trên lợi ích và cảm xúc. Luận lý tình yêu thì không phải thế, bởi trong tình yêu người ta được mời gọi mở rộng con tim để đón tiếp tất cả mọi người nhân danh Đức Ki-tô. Mỗi người đều được mời gọi đem đến niềm vui và lợi ích cho người khác thay vì mong chờ lãnh nhận niềm vui hay lợi ích mà người khác mang lại. Luận lý tình yêu xem ra ngược đời và khó thực hiện, nhưng nó lại là lý tưởng cao sâu nhất cho tương quan tình người, tình gia đình Thiên Chúa. Cộng đoàn của các môn đệ xưa kia, và của các ki-tô hữu ngày nay phải là một cộng đoàn của một dây chuyền phục vụ lẫn nhau. Ước gì mỗi cá nhân đều mang nơi mình ý muốn phục vụ và trao chính thân mình cho người khác. Giả như một cộng đoàn (dòng tu, gia đình, giáo xứ…) bao gồm tất cả các thành viên như thế thì quả là “Nước Cha đã trị đến” và mang hạnh phúc viên mãn cho thế gian rồi.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Chú thích:
[1] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 283.
[2] X. R.H.F, “son of man”, The HarperCollins Bible Dictionary (ed. P.J. Achtemeier) (New York 1996) 1053-1054.
[3] J.R. Donahue – D.J. Harrington cho rằng tác nhân của động từ bị động “bị nộp” này chính là Giu-đa. Tuy nhiên, cách hiểu này xem ra không hợp lý, bởi Giu-đa chỉ nộp Đức Giê-su cho các thượng tế và kinh sư, chứ không nộp cho người đời. Người đơi đây rất có thể ngụ ý là tổng trấn Phi-la-tô. J.R. Donahue – D.J. Harrington cũng đề nghị một tác nhân về mặt thần học cho động từ này. Đo chính là Thiên Chúa. Đức Giê-su bị nộp theo kế hoạch của Thiên Chúa như đã được nói trong Is 53,6.12 (J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 283); “in Dan 7:25–27 LXX, in which “the holy ones of the Most High,” who are linked with the “one like a son of man,” are “turned over to the hands” of their enemy until the moment of eschatological vindication” [J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII A, 667].
[4] J. Marcus, Mark 8–16, 667.
[5] R. France claims that “their reluctance on this occasion because they could guess that the answer would be one they would not want to hear, especially after the alarming response which followed Peter’s questioning of the previous such pronouncement” [R.T. France, The Gospel Of Mark. A Commentary on The Greek Text (NIGTC; Grand Rapids 2002) 372].
[6] Being afraid to ask him “suggests that they did not want to hear about Jesus’ being handed over and killed. If he is handed over and killed, the same could happen to them” [A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 441].
[7] J. Marcus, Mark 8–16, 670.
[8] Xem thêm J.P.D. Thạch, “Kẻ Cô Đơn Trên Con Đường Thập Tự”, [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (ῥήματα ζωῆς αἰωνίου): KẺ CÔ ĐƠN TRÊN CON ĐƯỜNG THẬP TỰ (josephpham-horizon.blogspot.com)] (Truy cập 15/09/2021)
[9] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 284.
[10] Các Giáo Hoàng từ thời Giáo Hoàng Gregory I (590-604), gần nhất là giáo hoàng Gioan Phao-lô II, thường gọi mình là “servus servorum Dei” (Tôi Tớ của các tôi tớ Chúa). Trong một buổi đọc Kinh Truyền Tin 22/08/1999, Đức Gioan Phao-lô II đã nói rằng bổn phận của giáo hoàng là phục vụ Giáo Hội và nhân loại, đó là lý do tại sao mà từ xưa ngài được biết đến như là “Servus Servorum Dei” [Angelus, 22 August 1999 | John Paul II (vatican.va)].
[11] “In first-eentury Palestinian society a child would symbolize not so much innocence or unspoiledness as lack of social status and legal rights. A child was a “non-person” totally dependent on others for nurture and protection, and of course one could not expect to gain anything either socially or materially from kindness to a child.” (J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 285); “The child represents the lowest order in the social scale, the one who is under the authority and care of others and who has not yet achieved the right of self-determination” (R.T. France, The Gospel Of Mark, 374).