LỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 10 TN)

0
370

Tin Mừng: Mt 5,20-26

“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.


 

Suy niệm

TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH (Tu sĩ Phanxicô X. Dương Hữu Công, SVD)

Trở nên công chính luôn là điều được Thiên Chúa đòi hỏi đối với mỗi người Kitô hữu. Để làm được điều đó, người Kitô hữu không những cần chu toàn việc giữ luật, nhưng hơn thế nữa, việc giữ luật đó cần phải được phát xuất từ tình yêu.

Mở đầu bài Tin Mừng, Đức Giêsu cảnh báo: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, những kinh sư và người Pharisêu là những người chuẩn mực trong việc giữ luật. Họ giữ luật một cách tỉ mỉ theo từng chấm từng phết của luật. Thế nhưng, để trở nên công chính như Thiên Chúa muốn thì cần nhiều hơn thế nữa. Luật dạy rằng đừng giết người, Chúa đòi hỏi không chỉ xúc phạm anh em trong hành động nhưng ngay cả trong tâm tưởng và lời nói cũng đáng bị trừng phạt. Luật yêu cầu dâng lễ vật để giao hoà với Thiên Chúa, Chúa đòi hỏi trước hết phải làm hoà với anh em. Đối với luật, thì “răng đền răng, mắt đền mắt”, còn đối với Chúa thì phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho người bách hại anh em (x. Mt 5,44). Có thể thấy, Chúa đòi buộc mỗi người sống theo luật triệt để nhưng bằng một tinh thần trọn vẹn tình yêu thương. Trong cuộc sống thường ngày, việc giữ luật của con người nhiều lúc chỉ dựa trên mặt chữ và theo hình thức bề ngoài. Chính điều đó khiến việc giữ luật trở nên bó buộc, cứng nhắc và nặng nề. Thiên Chúa muốn con người sống luật với tinh thần mới: tinh thần của luật tình yêu. Bởi lẽ, chỉ trong tình yêu, con người sẽ có thể tự do để sống một mối tương quan bền chặt và khăng khít với Chúa cũng như những người bên cạnh.

Lạy Chúa, những hình thức bên ngoài mà chúng con thể hiện hay những lễ vật chúng con dâng không phải điều Ngài đòi hỏi, nhưng Ngài muốn chúng con trở nên công chính bằng một đời sống tràn đầy tình yêu thương dành cho Chúa và cho tha nhân. Amen.


 

CÔNG CHÍNH HƠN (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

ĐỪNG GIẬN GHÉT (Tu sĩ Phêrô Phan Thái Hiền, SVD)

Yêu thương hay giận ghét là điều bình thường nơi mỗi con người. Hai loại cảm xúc này thường đan xen lẫn nhau, có khi đang yêu thương hết mình lại chuyển sang giận ghét tột độ và ngược lại. Thế mà, trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đưa ra một bản án chung dành cho tội giết người và việc giận ghét người khác. Bản án đó là bị đưa ra toà.

Đối với luật Do Thái, ai giết người sẽ bị đưa ra toà. Còn đối với Đức Giêsu, chỉ cần giận ghét người khác cũng sẽ bị xử ra toà (x. Mt 5, 21-22). Vậy điều gì khiến Đức Giêsu so sánh việc giận ghét người khác ngang với tội giết người? Tôi thiết nghĩ, nó có một mối liên hệ gần với nhau. Chúng ta biết rằng giết người là hành động tước đoạt sự sống trên thân xác của một ai đó. Và chúng ta kinh nghiệm rằng khi giận ghét người khác thì ta muốn cắt đứt mối liên hệ với họ, không quan tâm đến bất kì điều gì về họ. Thậm chí, ta còn mong những điều tồi tệ nhất sẽ đến với họ để thoả lòng căm ghét của ta. Như thế, một cách nào đó, chúng ta đã giết chết tương quan giữa ta với người khác, coi người khác đã chết trong lòng của ta, coi họ không còn hiện diện trong cuộc đời của ta nữa. Vì lý đó, chúng ta hiểu được nguyên do Đức Giêsu đưa ra cùng một bản án cho tội giết chết về thân xác với việc giận ghét là khởi nguồn của việc giết chết người khác trong tinh thần của chúng ta.

Lạy Chúa, qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng con nhận thức được sự nghiêm trọng của việc giận ghét người khác vì giận ghét người là nguyên nhân của việc giết chết tương quan giữa chúng con với nhau trong Đức Kitô. Xin Chúa dạy chúng con thay vì giận ghét nhau thì biết yêu thương, tha thứ cho những người làm tổn hại đến mình. Amen.


 

NGƯỜI CÔNG CHÍNH ( Tu sĩ Phêrô Phan Văn Thắng, SVD)

Trong Cựu Ước, tổ phụ Ápraham được gọi là người công chính vì lòng yêu mến và sự vâng phục tuyệt đối trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Ông đã buông mình để thánh ý Chúa được thể hiện trong cuộc đời của mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu”. Ta biết rằng, các biệt phái và luật sĩ thời bấy giờ cũng được mệnh danh là người công chính. Thế nhưng, sự công chính của người biệt phái hệ tại ở chỗ giữ luật cách tỉ mỉ, máy móc, hình thức, không chút tâm tình. Nhìn bề ngoài, họ là những con người đạo đức vì đã chu toàn lề luật, nhưng chính vì giữ luật một cách máy móc nên luật lệ không làm biến đổi con người họ trở nên tốt hơn, trái lại bên trong con người đó toàn sự mục nát. Theo Chúa Giêsu, một người sống công chính không hệ tại bởi những hành động hình thức bên ngoài nhưng bằng sự yêu mến và sự vâng phục. Người công chính không phải cứ dâng nhiều lễ vật lên Chúa là đủ mà trước hết phải sống hiền hòa và yêu thương anh em.

Ngang qua bài Tin Mừng hôm nay, tôi tự tra vấn và đặt mình trước lời mời gọi của Chúa là hãy “sống công chính”. Khi nhìn vào thâm sâu lòng mình, tôi phải chân nhận rằng tôi đang đi ngược lại với đường lối công chính của Chúa. Lắm lúc, tôi đã lạm dụng cái mác “thầy” để cho phép bản thân chìm đắm trong vẻ hào nhoáng, muốn được người khác cung phụng. Cũng biết bao lần, tôi tự mặc cho mình một chiếc áo giả tạo của sự công chính, đạo đức trong khi thực hiện những công việc thờ phượng Chúa như là thói quen, nhàm chán. Cũng có lúc sống vui vẻ với anh em nhưng bên trong lại đầy sự ghen ghét, đố kỵ. Lời Chúa hôm nay giúp tôi kịp thời lột xác và chỉnh đốn lại những thiếu sót của bản thân để mỗi ngày sống công chính và trở nên giống Chúa hơn.

Lạy Chúa, xin ban cho con sự can đảm để con dám bước ra khỏi cái vỏ bọc của những việc làm hình thức để sống thật với Chúa, với tha nhân. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 10 TN)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu – Năm A