Bài đọc: Cv 16,1-10
Tin Mừng: Ga 15,18-21
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”
Suy niệm:
MANG DANH THẦY (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Đồng, SVD)
Phát biểu tại phiên họp thứ 52 của Hội Đồng Nhân Quyền, Đức Tổng Giám mục Fortunatus Nwachukwu, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã nói rằng: “Ngày nay, cứ bảy Kitô hữu thì có một người bị bách hại.”
Người môn đệ bị bách hại chỉ vì họ mang danh xưng là Kitô hữu. Việc các tín hữu bị “thế gian ghét” và “bắt bớ” vẫn diễn ra như lời Đức Giêsu tiên báo: “Họ sẽ làm những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy” (Ga 15,21a). Trong Tin Mừng Gioan, hạn từ “thế gian” chỉ về những người không chấp nhận Đức Giêsu, từ chối tin vào Người; họ là những người ghét Đức Giêsu và thuộc về thủ lãnh thế gian. Vào thời kỳ đầu tiên của Hội Thánh, các Kitô hữu bị thù ghét bởi những người Do Thái chống đối và ngay cả với chính quyền đế quốc Rôma. Bởi vì, các Kitô hữu bị coi là phản lại truyền thống Do Thái, đồng thời có nếp sống và thực hành tôn giáo không giống như những người khác trên lãnh thổ đế quốc. Thế gian ở đây là thế lực của sự dữ, của tất cả những gì đối nghịch với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã cho các môn đệ biết trước tình trạng đó. Người an ủi họ, đồng thời dạy họ ý thức sâu xa về căn tính là người môn đệ đích thực: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy thì họ sẽ bắt bớ các con” (Ga 15,20).
Lời Chúa hôm nay mời gọi Kitô hữu chúng ta ngày nay ý thức sâu sắc về căn tính của mình. Là Kitô hữu, chúng ta thuộc về Đức Kitô, được thông phần đau khổ với Người trên thập giá, và sẽ được cùng Người hưởng phúc vinh quang trên Quê Trời. Vì thế, trước những sự thù ghét, bắt bớ của thế gian và sự dữ, chúng ta hãy lấy đó làm niềm vui vì được thuộc về Chúa Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, khi chọn bước theo Ngài sống đức tin của người Công giáo, xin cho chúng con luôn trung kiên sống theo giới răn Chúa dạy, dù phải chịu nhiều bách hại và bị đối xử bất công, để chúng con được xứng đáng là thuộc về Ngài. Amen.
ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI (Tu sĩ Tôma Nguyễn Siêu Quốc, SVD)
Ánh sáng và bóng tối là hai thái cực huyền nhiệm của cuộc sống. Nếu ánh sáng đem lại ban ngày thì bóng tối vén mở màn đêm. Nếu ánh sáng gieo mầm sự sống thì bóng tối lại rắc gieo sự chết. Hai thái cực chưa từng thuộc về nhau này vẫn không ngừng mâu thuẫn, đối chọi, loại trừ nhau.
Bài Tin Mừng hôm nay không những cho ta thấy sự đối chọi đó, mà còn buộc ta phải chọn lựa sống cho ánh sáng hay bóng tối. Đức Giêsu là hiện thân của ánh sáng, chân lý, hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu. Ngài đến với thế gian với một thông điệp rất rõ ràng: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12,46). Ngài không hề dành bất cứ sự khoan nhượng nào cho bóng tối. Ngài kêu gọi ta phải dũng cảm sống và làm chứng cho ánh sáng dù cho thế gian ghét bỏ và bách hại. Qua muôn ngàn thế hệ, lời mời gọi ấy vẫn tiếp tục được vang vọng đến tâm hồn mỗi người. Liệu rằng ta dám lựa chọn sống và làm chứng cho ánh sáng không?
Trái lại, bóng tối và thế lực thù địch cũng không dễ dàng buông tha cho ta. Chúng không chỉ tồn tại bên ngoài mà còn hiện diện ở ngay trong chính bản thân mỗi người. Ta không thể trực tiếp phản kháng lại bóng tối. Nếu muốn hành động gì đó với bóng tối, ta phải thực hiện với ánh sáng. Chẳng hạn, khi ta tắt đèn thì bóng tối sẽ hiện diện, mở đèn thì bóng tối sẽ biến mất nhưng ta lại không thể tắt hay mở bóng tối. Vậy nên, điều duy nhất ta có thể làm là “thắp lên ánh sáng”. Hãy mạnh dạn đốt lên ngọn nến, bật công tắc bóng đèn của tâm hồn mình để đón ánh sáng Phục Sinh vinh hiển ngự vào.
Lạy Chúa, xin cho chúng con dám sống và làm chứng cho Ngài vì chỉ có Ngài là nguồn ánh sáng đích thực và ơn cứu độ đời cho chúng con. Amen.
“BỊ THẾ GIAN GHÉT” (Suy niệm của Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
CON ĐƯỜNG GIÊSU (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Căn, SVD)
Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em… (Ga 15,20). Chưa gặp thập giá, chưa nên giống Đức Kitô. Là người môn đệ của Đức Kitô, muốn nên giống Người và đạt được vinh phúc Thiên Đàng với Người thì phải đi trên con đường Người đã đi.
Đức Kitô đã đến thế gian, đã sống trọn kiếp người giống như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Người đã nếm trải mọi thăng trầm trong cuộc sống, chịu khó khăn thiếu thốn, chịu sự hiềm khích ghét ghen và cuối cùng bị giết chết một cách trần trụi trên thập giá. Dưới con mắt người đời, đó quả là một sự thất bại ê chề và đáng hổ thẹn. Nhưng đối với Thiên Chúa, chính lúc con người tưởng nghĩ đó là thất bại lại là lúc Công Trình Cứu Độ được viên mãn; chính lúc bị giết chết lại là lúc Người tiêu diệt thần chết và phục hồi cho nhân loại phẩm giá cao quý vốn có của mình.
Chúng ta chỉ có thể đến được với Chúa Cha ngang qua Chúa Giêsu. Và Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta một con đường tưởng chừng nghịch lý nhưng lại là con đường đưa đến sự sống đời đời – con đường kinh qua đau khổ của thập giá. Dám sống, dám yêu, dám bị ghét, dám bị hiểu nhầm vì Nước Trời là một thách đố mà nếu không có ơn Chúa thì với sức riêng mình, con người không thể nào làm được. Cho nên, người nào tin tưởng, tín thác và bền chí đến cùng thì mới đạt được phần thưởng mà Người đã dọn sẵn cho họ ở phía cuối cuộc lữ hành mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, theo Chúa là chọn con đường hẹp và chông gai, xin Chúa thêm ơn bổ sức để con biết kiên định đến cùng trong cuộc chiến cam go dai dẳng này; để ngày sau, con được liệt vào hàng những người được Chúa chọn. Amen.
MANG DANH THẦY (Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD)
V iệc ta mang danh một ai đó sẽ tạo nên giữa ta và người đó một mối tương quan đặc biệt. Cũng vậy, khi ta mang danh Giêsu, giữa ta và Giêsu cũng có một mối tương quan mật thiết: ta chấp nhận cuộc sống như Người và có trách nhiệm làm cho danh của Người ngày càng rạng rỡ, vinh quang hơn.
Mang nơi mình danh của Thầy Giêsu, ta cũng chấp nhận một cuộc sống như Thầy. Cuộc sống mà Thầy đã trải qua đó là cuộc sống của khinh khi, chối bỏ, đau đớn, thập giá. Thầy bị đối xử làm sao, trò cũng bị như vậy. Trong cuộc sống, người tín hữu chúng ta vẫn thường bị kỳ thị, loại trừ. Thế gian loại trừ chúng ta không vì cá nhân ta cho bằng là vì danh Giêsu nơi chúng ta: họ chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy. Chấp nhận những sự chống đối thù nghịch của thế gian là chúng ta đang chứng thực cái danh mà mình đang mang: danh Thầy Giêsu.
Mang nơi mình danh của Thầy Giêsu, chúng ta cũng có trách nhiệm làm cho danh đó được rạng rỡ, vinh quang hơn. Thực tế nhiều khi ta chưa sống đúng với danh Giêsu nơi mình. Chúng ta chưa sống đúng với ơn gọi và phẩm giá của người Kitô hữu. Không những không làm cho danh Thầy được rạng rỡ hơn, nhiều khi ta còn làm cho danh đó bị lu mờ, hoen ố đi. Để cho danh Thầy Giêsu được vinh quang hơn, thiết tưởng cần phải sống “chính danh”, nghĩa là làm cho cái “danh” và cái “thực” thống nhất với nhau. Ai sống trong bậc nào, hãy sống “chính danh” trong bậc đó: giáo sĩ sống đúng với căn tính giáo sĩ, tu sĩ sống đúng với căn tính của tu sĩ và giáo dân sống đúng với căn tính của giáo dân. Sống chính danh trong bậc sống của mình, mọi người sẽ làm cho danh Chúa được vẻ vang, rạng rỡ hơn.
Lạy Chúa! Xin cho chúng con là những người được mang danh Ngài biết sống như Ngài đã sống; đồng thời cũng biết góp phần làm cho danh Ngài được vẻ vang, vinh quang hơn. Amen.