Tin Mừng: Mt 6,7-15
“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.
—– SUY NIỆM —–
CẦU NGUYỆN (Tu sĩ Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD)
Kinh Lạy Cha là một lời kinh do chính Chúa Giêsu dạy, lời kinh đẹp nhất và đầy đủ ý nghĩa nhất trong các lời kinh của người Kitô hữu. Khi dạy Kinh Lạy Cha là Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cầu nguyện.
Ai cũng biết về ý nghĩa của cầu nguyện là thưa chuyện và kết hợp với Chúa. Nhưng phải cầu nguyện như thế nào và cầu nguyện ra sao cho hợp ý Chúa? Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu thuật lại việc Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Lời mở đầu “Lạy Cha chúng con”, bốn từ này nói lên tâm tình con thảo thưa lên với Cha trên trời, cho chúng ta tư cách làm con Chúa và làm anh chị em với Chúa Giêsu, hơn nữa còn nối kết tâm tinh huynh đệ với nhau trong gia đình con cái Chúa.
Sau khi ngợi khen tôn vinh danh Cha, nguyện xin cho Nước Cha hiển trị, Chúa dạy chúng ta cầu xin cho những nhu cầu của con người. Nhu cầu tối thiểu nhất đó là lương thực hằng ngày, nhưng Chúa chỉ dạy xin cho đủ dùng, nếu ai cũng ý thức điều xin này thì quả thật không ai trên thế giới này phải đói khổ. Vì Thiên Chúa tạo nên mọi thứ đủ mà còn dư dật cho con người hưởng dùng. Vì thế lời cầu xin này tạo nên ý thức cho chúng ta biết quảng đại chia sẻ, biết trao ban cho anh chị em, biết đủ và không tham lam.
Ý xin tiếp theo là nhu cầu được tha và tha thứ, đây là một nhu cầu mang tính tâm linh và tâm lý tôn giáo quan trọng nhất để đem lại bình an cho tâm hồn. Vì hằng ngày con ngươi không thể tránh khỏi vấp phạm đến Thiên Chúa và anh chị em. Tuy nhiên, để được Thiên Chúa tha thứ và ban bình an, chúng ta là con cái cùng một Cha có bổn phận phải yêu thương, phải tha thứ, phải hoà giải cùng nhau. Ngoài ra, Chúa còn dạy chúng ta xin ơn để tránh và thắng được cám dỗ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nghiệm sâu sắc hạnh phúc được làm con cái Cha trên trời, để chúng con năng đến tâm sự với Cha qua đời sống cầu nguyện. Amen.
THA THỨ (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Tùng, SVD)
Người ta thường nói: “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”. Câu nói này diễn tả tâm thức luôn nuôi dưỡng sự thù ghét và không thể tha thứ của nhiều người, với chủ ý là phải đáp trả cân xứng cho những ai làm điều xấu cho mình.
Trong thời Cựu Ước, luật Môsê dạy rằng: “Mắt đền mắt, răng đền răng” (Lc 24,20). Những gì người ta gây ra cho mình thì mình sẽ đáp lại cho họ một cách tương xứng. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đến để kiện toàn điều luật đó. Người dạy các môn đệ phải biết cách tha thứ và không được nuôi thù hận, thậm chí là phải yêu mến kẻ thù. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa qua kinh “Lạy Cha”. Một trong các lời cầu nguyện đó là lời cầu xin tha thứ cho tội lỗi của mình. Dù vậy, việc Thiên Chúa tha thứ hay không lại phụ thuộc vào thái độ của mỗi người. Ta có được tha thứ hay không sẽ phụ thuộc vào việc mình có tha thứ cho anh chị em mình hay không. Nếu mình biết tha thứ cho người khác thì Thiên Chúa cũng sẽ tha thứ cho mình và nếu mình không tha thứ thì cũng sẽ không được thứ tha. Trong cuộc sống, mâu thuẫn xích mích là điều không thể tránh khỏi. Một số người với tấm lòng bao dung có thể dễ dàng tha thứ và làm hoà với người khác, nhưng cũng có những người khó có thể tha thứ. Họ sẵn sàng sống với thái độ “sống để bụng, chết mang theo”, nhất quyết không tha thứ cho người khác và sẵn sàng trả thù khi có cơ hội. Cũng vì không tha thứ cho nhau, nuôi dưỡng thù hận nên không thiếu những trường hợp đau lòng đã xảy ra. Một va chạm nhỏ người ta cũng có thể ra tay lấy đi mạng sống của người khác. Tuy nhiên, tha thứ chính là liều thuốc chữa lành, khi tha thứ cho người thì chính mình cũng được giải thoát, được gỡ đi gánh nặng trong lòng.
Lạy Chúa, chính Ngài đã là mẫu gương tha thứ cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết noi theo Ngài mà tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng con. Amen.
THA THỨ (Tu sĩ Phanxicô X. Đinh Duy Thiên, SVD)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện với Kinh Lạy Cha và Người còn hướng các ông đến việc thực thi sự tha thứ.
Tha thứ là điều mà mỗi người luôn cần đến. Bởi lẽ trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng có những va vấp và cần được tha thứ; có khi người khác lỗi phạm đến ta và có khi ta lại là người lỗi phạm tới người khác. Nhất là trong tương quan với Thiên Chúa, hơn bao giờ hết chúng ta luôn cần đến sự tha thứ của Người. Về điều này, ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 10.04.2019 đã nhắc nhở các tín hữu rằng: “Tất cả chúng ta đều là tội nhân và cần sự tha thứ. Như chúng ta cần lương thực hàng ngày thế nào thì chúng ta cũng cần được tha thứ như thế. Chúng ta nợ Thiên Chúa về mọi sự chúng ta có, như là quà tặng đến từ Người: sự sống, cha mẹ, bạn hữu, vũ trụ,…”
Tha thứ nghe có vẻ đơn giản và dễ dàng, nhưng khi thực hành lại chẳng dễ dàng chút nào. Để được tha thứ, chúng ta cũng phải có sự khiêm nhường đủ lớn để tìm đến xin sự thứ tha. Còn để có thể tha thứ cho người khác, chúng ta cũng cần phải có một tình yêu đủ lớn, một tấm lòng đầy nhân hậu. Hơn thế nữa, chỉ khi nào chúng ta biết ý thức về thân phận yếu đuối, khiếm khuyết và dễ sa ngã của mình thì chúng ta mới có thể cảm thông và tha thứ cho người khác. Ước mong rằng Mùa Chay này là cơ hội tốt để mỗi chúng ta cảm nghiệm sự tha thứ của Chúa và qua đó chúng ta cũng biết tha thứ cho nhau.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức về sự giới hạn của bản thân để biết cảm thông và tha thứ cho những lỗi phạm của nhau, để nhờ đó, chúng con biết sống yêu thương nhau hơn và làm lan toả tình yêu của Chúa đến với mọi người. Amen.
TẤT CẢ LÀ ANH EM (Tu sĩ Giuse Phạm Duy Thạch, SVD)
Thứ Bảy, ngày 03 tháng 10 năm 2020, tại mộ của thánh Phanxicô Assisi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký và ban hành thông điệp “Fratelli Tutti” (tất cả là anh em). Được gợi hứng từ những từ ngữ mà thánh Phanxicô Assisi gửi đến cho anh chị em đồng môn của ngài, Đức Thánh Cha suy tư về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội trong thế giới hiện nay.
Tình huynh đệ chính là giá trị Tin Mừng hết sức quan trọng mà Chúa Giêsu muốn truyền tải. Trong đoạn Tin Mừng nói về việc cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ phải gọi Chúa là Cha.
Người cho các môn đệ biết Chúa Cha là cha của các môn đệ khi Người nói rằng: “Khi cầu nguyện hãy vào phòng đóng kín cửa lại và cầu nguyện với cha của anh”… “và cha của anh, Đấng thấu suốt những sự kín đáo” (Mt 6,7); “vì Cha của anh em đã biết rõ anh em cần gì” (Mt 6,8). Hơn nữa, Người còn dạy họ phải gọi Chúa là Cha: “Lạy Cha của chúng con là Đấng ngự trên trời” (Mt 6,9). Những lời đầu tiên của Kinh Lạy Cha, “Lạy Cha của chúng con” có khả năng nối kết cả chiều ngang và chiều dọc. Theo chiều dọc, tiếng gọi “Lạy Cha” nối kết chúng ta với chính Thiên Chúa. Theo chiều ngang, đại từ sở hữu ngôi thứ nhất số nhiều “của chúng con” nối kết tất cả những ai cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha lại với nhau. Nhìn nhận Chúa là cha của chúng ta cũng có nghĩa là nhìn nhận người khác là anh, là chị, là em, là người thân ruột thịt của chúng ta, vì chúng ta có cùng một Cha.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người trong chúng con, hiểu rõ giá trị của Kinh Lạy Cha, và mỗi khi cầu nguyện với lời kinh ấy, chúng con nối kết khăng khích với Chúa và đối xử tử tế với bất kỳ ai chúng con gặp gỡ trên đường đời vì họ là anh, chị, em; là người thân của chúng con. Amen.
ĐẸP Ý CHA (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)