LỜI SỐNG (Thứ Bảy sau Lễ Tro, Mùa Chay)

0
527

Tin Mừng: Lc 5,27-32

Sau đó, Đức Giêsu đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lêvi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.

Ông Lêvi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. Những người Pharisêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giêsu rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” Đức Giêsu đáp lại họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”

—– SUY NIỆM—–

TỪ BỎ (Tu sĩ  G. B. Nguyễn Văn Thuyên, SVD)

Đời sống đức tin của con người là hành trình đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Sự đáp lại của con người được thể hiện ngang qua cuộc sống, tức là biết thay đổi và từ bỏ lối sống đang ngăn cản họ đến với ân sủng của Người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca đã thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu kêu gọi ông Lêvi, đây là một câu chuyện đẹp của sự từ bỏ và thay đổi. Tin Mừng đã mô tả khá rõ ràng về bối cảnh của sự đáp lời “Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người” (Mt 5,28). Đây là một thái độ từ bỏ dứt khoát của ông Lêvi trước lời mời gọi của Chúa Giêsu. Ông đã chọn từ bỏ những thứ mình đang có, là tiền tài, danh vọng và địa vị. Đây không đơn thuần là sự từ bỏ vinh hoa đời này nhưng còn là sự từ bỏ tội lỗi. Nhờ đó, một kẻ bất chính đã trở nên công chính và được giao hòa với Thiên Chúa.

Trong cuộc sống thường nhật, con người thường tất bật trong guồng quay của gánh nặng mưu sinh. Xã hội càng phát triển thì gánh nặng mưu sinh lại càng lớn. Họ mải mê làm việc và tìm kiếm của cải vật chất, vì chúng giúp con người trang trải cho các nhu cầu của cuộc sống. Con người nghĩ rằng, khi cuộc sống đầy đủ thì họ mới có thể phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Thế nhưng, khi con người quá tập trung vào việc giải quyết các vấn đề của đời sống, cũng là lúc họ lãng quên Thiên Chúa, lãng quên cuộc sống hạnh phúc ở đời sau. Và họ cũng không nhận ra Thiên Chúa, Đấng vẫn hằng kiên nhẫn chờ đợi họ. Ngang qua bài Tin Mừng hôm nay, con người được nhắc nhở hãy tỉnh thức để nhận ra Thiên Chúa và biết từ bỏ những điều khiến họ xa rời Người.

Lạy Chúa, chúng con thật yếu đuối. Xin Ngài ban cho chúng con sức mạnh của Thần Khí. Nhờ đó, chúng con nhận ra và can đảm từ bỏ những điều ngăn cản chúng con có được hạnh phúc nước trời mai sau. Amen.


BỎ ĐƯỜNG TỘI LỖI VÀ THEO CHÚA (Tu sĩ Micae Trần Quốc Thạch, SVD)

Đức Giêsu là Đấng nhân từ, Người luôn mở rộng trái tim để yêu thương và đón nhận tất cả mọi người, đặc biệt là các tội nhân. Tôi cũng là tội nhân, tôi đã sẵn sàng trở về với Thiên Chúa chưa?

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32). Đức Giêsu đã đi bước trước đến với tội nhân để gặp gỡ và sống thân tình với họ và gọi đích danh từng người. Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Chúa gọi ông Lêvi, một người thu thuế tội lỗi. Ngay sau khi được Chúa gọi, ông đã đứng dậy, rời khỏi bàn tội lỗi và đi theo Người. Ông đứng lên và đi theo Đức Giêsu, nghĩa là ông can đảm rời bỏ tội lỗi, từ bỏ mọi sự, rũ bỏ con đường cũ, hoàn toàn phó thác để đi theo, sống cùng và sống với Chúa.

Nhìn lại hành trình ơn gọi của mình, chúng ta nhận thấy Chúa cũng đang đi tìm và gọi chúng ta mỗi ngày. Chúa gọi ta từ bỏ ý riêng để sống cho thánh ý Chúa. Chúa gọi ta nơi cuộc sống thường ngày, nơi những người mình gặp gỡ, những người đang sống quanh ta, để rồi Người muốn mỗi chúng ta từ bỏ và lựa chọn. Có khi Chúa gọi ta âm thầm nơi Nhà Tạm; Người gọi ta đến để được Người an ủi mỗi khi cuộc đời mang đến cho ta những sóng gió và biến động. Những khi đó, chỉ có sức mạnh, tình yêu và quyền năng của Chúa mới giúp ta có đủ nghị lực để tiếp tục vượt thắng và bước đi theo Người.

Lạy Chúa, xin ánh sáng Tin Mừng của Chúa soi chiếu tâm hồn chúng con, để chúng con nhận ra con người thật của mình; để từ đó, chúng con can đảm rũ bỏ, bước đi theo Chúa trong phó thác, tin tưởng và cậy trông vào Chúa. Amen.


 

CÁI NHÌN BAO DUNG (Tu sĩ Phanxicô Nguyễn Quốc Vương, SVD)

Tin Mừng hôm nay thuật lại, khi Đức Giêsu trông thấy một người thu thuế, tên là Lêvi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi” (Lc 5,27). Chúng ta tự hỏi, tại sao Đức Giêsu lại dứt khoát gọi một người thu thuế đi theo Người khi chỉ vừa trông thấy? Cái nhìn của Chúa có sức hút thế nào mà Lêvi đã bỏ tất cả để đi theo Người?

Trong cái nhìn của dân chúng, nghề thu thuế thời Chúa Giêsu là tay sai cho đế quốc Rôma để bóc lột và ức hiếp dân mình. Bởi thế, dân chúng xem người thu thuế là hình ảnh của những kẻ xấu xa nhất, tội lỗi nhất và đáng khinh miệt nhất.

Nhưng, cái nhìn của Chúa Giêsu với người thu thuế Lêvi thì thật khác xa với cái nhìn thông thường của dân chúng. Người bỏ qua sự khinh chê, dèm pha hay luận tội của dân chúng để đến với người tội lỗi trong cái nhìn bao dung. Trước mặt Chúa, Lêvi là một người đang cần đến sự bao dung, ơn chữa lành và lòng thương xót của Chúa. Chính cái nhìn bao dung của Chúa với lời kêu gọi, đã làm cho Lêvi thức tỉnh và nhận ra tình yêu của Chúa. Chính cái nhìn bao dung ấy mà Lêvi đã can đảm, dứt khoát từ bỏ tội lỗi của mình để hoàn toàn vâng theo ý Chúa.

Thật vậy, Chúa không nhìn quá khứ tội lỗi của Lêvi, nhưng nhìn ông với lòng bao dung để mở cho ông con đường trở về với Chúa. Qua đó, Chúa mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn bao dung với mọi người. Đừng chỉ biết sống ích kỷ, nhỏ nhen và bắt lỗi người khác trong cái nhìn đầy ác cảm. Hãy nhận ra sự yếu đuối của mình và đón nhận mọi người trong cái nhìn bao dung để cùng trở về với lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết học nơi Chúa có cái nhìn bao dung và không thành kiến với tất cả mọi người. Amen.


 

ĐỨNG DẬY! (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

BỮA TIỆC VUI BUỒN (Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD)

Nét đặc trưng nhất của văn hóa ăn uống là tính cộng đồng. Nghĩa là con người có cơ hội ngồi cạnh nhau, cùng nhau dùng bữa nhằm thể hiện tình cảm thắm thiết, nối lại tình thân hữu. Bởi thế, họ thường tổ chức các bữa tiệc lớn, tiệc nhỏ; tiệc vui, tiệc buồn. Tiệc buồn để chung chia nỗi buồn, làm cái buồn của gia chủ vơi đi; tiệc vui nhằm nhân rộng niềm vui, để cái vui đó được lan tỏa. Bữa tiệc mà ông Lê-vi đãi hôm nay lại rất đặc biệt, bởi nó có cả vui cả buồn xen lẫn nhau.

Số là ông Lê-vi, người thu thuế, được Đức Giê-su gọi đi theo Người. Ông vui lắm, mừng lắm vì được làm đệ tử của một người nổi tiếng, làm nhiều điều kỳ lạ gây sửng sốt trong dân. Vì lý do đó, ông quyết định làm tiệc lớn đãi Thầy và bà con bằng hữu. Ông là người hào phóng khi quyết định như vậy; cũng phải thôi, bởi ông có nhà riêng, có nghề nghiệp, thu nhập ổn định. Những lời mời ông đã gửi đi, khách được mời đã tụ đến. Bữa tiệc được diễn ra ở tư gia ông, thực khách hiện diện đủ thành phần: có đông đảo người thu thuế và quan khách thân hữu. Có hai nhóm thượng khách quan trọng là: Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài. Nhóm thứ hai gồm những người Pha-ri-sêu và các kinh sư.

Tiệc lớn, tiệc vui chắc hẳn ai cũng vui, mở đầu bữa tiệc sẽ có những lời chúc, sẽ có những lời mừng; mừng cho Lê-vi, mừng cho gia chủ, mừng vì những cuộc gặp gỡ. Khi mà đông đảo thực khách đang chung vui với nhau, bỗng những người Pha-ri-sêu, các kinh sư lẩm bẩm trách học trò Đức Giê-su rằng: “sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi ?” Niềm vui bữa tiệc bị cắt ngang bởi một câu hỏi gây hoang mang, hàm ý phân biệt và chia rẽ. Pha-ri-sêu và các kinh sư là những lãnh đạo đền thờ. Họ thừa hiểu giáo lý của cha ông dạy “phải yêu người thân cận như chính mình”. Nhưng tại sao họ lại có những lời phân bì, khinh miệt như vậy? Các ông coi những người cùng ăn cùng uống với mình là “quân, là bọn tội lỗi”. Họ chẳng phải là những người thân cận với các ông, đang cùng chấm chung một chén nước chấm hay sao? Lại nữa, các ông ấy nói vậy, xem như tự coi mình không có tội, là trong sạch. Một câu nói làm bầu khí bữa tiệc chuyển từ bức tranh sáng qua gam màu tối, từ vui nhộn trở nên trầm lắng. Câu hỏi gây buồn lòng, chia lòng người làm hai: một bên sạch, một bên tội; một bên đục, một bên trong. Một câu nói làm tan nát tình người. Tiệc chưa tàn mà tình người vội tan. Họ ăn chung mà lòng thở dài, ngồi cạnh nhau mà tình xa vạn lý.

Tuy nhiên, điều bất thường lại nằm ở chỗ, có câu hỏi mà không có lời đáp; thắc mắc gửi đi mà hồi âm không về; nghe lời khiển trách đó, các môn đệ của Đức Giê-su không có bất kỳ phản ứng nào. Họ làm thinh, không nói. Họ không nói, nghĩa là không có gì để nói hay không dám nói. Họ được ăn được học cơ mà! Thật lạ, tự hỏi tại sao? Lẽ ra họ phải nói cho ra lẽ phải trái, chỗ nào đúng chỗ nào sai chứ. Họ cần thể hiện quan điểm, nói lên tiếng lòng của mình. Tại sao họ lại làm thinh lạ lùng như thế? Hay là họ mải ăn mải uống? Hay là sợ các lãnh đạo kia? Họ đang đi theo chân Đức Giê-su cơ mà. Lẽ nào họ theo Người vì chiếc áo màu danh? Lẽ nào họ sợ liên lụy? Lẽ nào … lẽ nào … Không khí bữa tiệc xem ra nặng nề, niềm vui chưa đặng thì bầu khí chùng xuống. Những lời chúc vui chưa dứt, chuyện buồn đã miên man.

May mắn thay, trong khi các môn đệ lưỡng lự chưa biết phải ăn nói thế nào với các lãnh đạo đền thờ, thì Đức Giê-su cất lời: “Tôi đến kêu gọi người tội lỗi sám hối”. Rất từ tốn mà đanh thép, lời nhẹ nhàng nhưng đánh động lòng người. Những lời lẩm bẩm không còn nữa. Cả phòng tiệc im lặng. Gia chủ, quan khách, tất cả đều lặng im. Vì điều gì? Tôi không rõ, có lẽ vì hai từ “tội lỗi”, cũng có khi họ bị đánh động bởi từ ‘sám hối’ chăng? Thời gian trôi đi, bầu khí bữa tiệc vẫn thế. Gia chủ, các quan khách không ai nói với ai câu nào. Có lẽ giờ đây, họ không buồn ăn buồn uống nữa. Họ giật mình; chột dạ; cúi xuống. Họ nhìn vào lòng. Họ soi tâm họ, tự hỏi phải chăng là tôi, là người mà Chúa vừa nhắc đến, một kẻ tội lỗi. Ai là kẻ tội lỗi? người thu thuế hay các môn đệ, là lãnh đạo đền thờ hay quan khách dự tiệc? Chúa muốn nhắm đến ai? Con người nào? Con người nhân loại ư? cũng có thể, người thế gian nỏ ai sạch tội cả đâu. Tội to tội nhỏ, tội nặng tội nhẹ. Người già, người trẻ, người lớn người bé không vấp váp lúc này, cũng lỗi phạm lúc kia; con người trần gian mà, càng sống lâu càng nhiều tội, tuổi càng cao lỗi phạm càng dày theo năm tháng. Vậy nên, con người cần đấm ngực mỗi ngày, sám hối từng giờ theo bước chân của cuộc đời dương thế.

Bữa tiệc đến thời điểm này, thực khách no chưa không biết? Rượu thịt còn không cũng không hay! Không ai lên tiếng nữa, có lẽ cuối tiệc rồi. Vậy là, câu nói của Đức Giê-su khép lại bữa tiệc. Câu nói xua đi nổi u ám, níu niềm vui ở lại lòng người. Câu nói hàn gắn những vết thương lòng; là cánh cửa mở ra niềm hy vọng cho con người thế gian. Bữa tiệc tại tư gia ông Lê-vi đã diễn ra như thế. Mở đầu bằng một câu hỏi, kết thúc bằng một câu nói. Một câu hỏi làm tan nát tình người (của những người Pha-ri-sêu); một câu nói (của Chúa Giêsu) làm tan chảy lòng người.

Ông Lê-vi thân mến, tôi cảm ơn ông đã đãi tiệc lớn. Qua bữa tiệc của ông mà tôi hiểu tôi, tôi hiểu người, tôi hiểu Chúa hơn. Rất tiếc, tôi không thể tham dự bữa tiệc đó. Tôi kiêng rượu, kiêng thịt, cơ thể thừa uric bác sĩ bảo tôi phải kiêng. Nhưng mà hôm nay tôi phá lệ, tôi kính vọng ông một ly rượu mừng. Chúc mừng ông đã trở thành con người mới, môn đệ của Đức Giê-su, Thầy chúng ta. Trên trời cao, ông vui lòng cầu nguyện cho tôi, để một ngày tôi cũng được như ông, biết nghe tiếng Chúa mà trở về. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu sau Lễ Tro, Mùa Chay)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm B