CONGO, ĐẤT NƯỚC TÔI “CHƯA BIẾT”

0
214

Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe câu “vô tri bất mộ”, có thể hiểu là không biết thì không yêu mến. Vậy muốn yêu mến thì trước hết phải biết, phải hiểu. Muốn biết muốn hiểu không cách nào nhanh hơn bằng đến, dấn thân, tìm hiểu, sống với và ở cùng. Trong hành trình trở thành môn đệ truyền giáo cũng thế, muốn yêu mến sứ vụ truyền giáo thì phải biết, phải cảm nếm, và trải nghiệm.

Khi nói đến nước Cộng hòa Dân chủ Congo, chúng ta thường nghe thấy rằng đây là nước nghèo khổ, nội chiến, chính trị bất ổn, hay “bao giờ đến tết Congo”. Mặc dù nghe những điều đó nhưng Congo vẫn là một trong ba lựa chọn đăng kí OTP (Overseas Training Program) của tôi. Để rồi ngày 30/10/2021, tôi và thầy GB. Cao Xuân Tiến lên đường để đến thực tập mục vụ truyền giáo tại Congo.

Trước hết là đôi nét tổng quan về đất nước Congo.  Nằm ở phía trung của Châu Phi, Congo là nước nghèo thứ 11 của Thế Giới[1], diện tích 2.345.410 km2 (lớn thứ ba ở Châu Phi, gấp 7 lần diện tích Việt Nam), dân số khoảng 96 triệu người[2]. Congo là nước đa tôn giáo với 50% Công Giáo, 20% Tin Lành, Giáo hội Kimbaguist 10% (một nhóm Tin Lành được sáng lập tại Congo), Hồi Giáo 10%, tôn giáo khác 10%.

Ngôn ngữ hành chính ở đây là tiếng Pháp, bên cạnh đó có 4 ngôn ngữ quốc gia: tiếng Lingala; tiếng Swahili; tiếng Kilongo; tiếng Tshiluba và khoảng 400 ngôn ngữ  nhỏ khác. Kinshasa là thủ đô của nước Congo. Là một nước rộng lớn, Congo có nhiều đất để canh tác, khí hậu khá thuận lợi cho nông nghiệp. Thế nhưng nền công nghiệp còn thô sơ, kĩ thuật lạc hậu, người dân không mấy siêng năng nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước rất lớn, đặc biệt là ở thủ đô. Nạn phá từng, đất xói mòn, săn bắn trái phép, khai thác khóang sản quặng coltan và kim cương khiến cho nước này càng nghèo khổ. Chiến tranh xung đột về kinh tế với cá nước láng giềng phía đông cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo nơi đây. Hệ thống giáo giục chưa phát triển do cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu giáo viên, đường xa đi lại xa và khó khăn.

Đến với Congo, tôi đã sống 8 tháng tại thủ đô Kinshasa. Tại đây, tôi sống tại CFC (Catholic Formation Center) – Cộng đoàn Thần học của Tỉnh dòng Ngôi Lời Congo. Trong quãng thời gian ấy, tôi học tiếng Pháp, đồng thời học hỏi văn hóa, phong tục, tập thích nghi với môi trường sống mới. CFC là cộng đoàn quốc tế, với khoảng trên dưới 35 thành viên là sinh viên thần học Ngôi Lời (SVD – Societas Verbi Divini) đến từ các nước khác nhau trong khối Châu Phi. Có lúc tôi thấy có hàng chục quốc gia khác nhau: Balan; Congo; Kenia; Ghana; Angola; Togo; Beni; Zambia; Zimbabue;  Madagasca; Indonesia; Vietnam… Mặc dù lúc đầu tôi không biết tiếng Pháp, nhưng với chút vốn tiếng Anh, tôi vẫn có thể dễ dàng giao tiếp với anh em và nhanh chóng hội nhập với cuộc sống cộng đoàn. Mặc dù khá nhanh để hội nhập, nhưng sự khác biệt đồ ăn, nước uống, nên thời gian đầu tôi và thầy Tiến đau bụng liên miên. Sau vài tháng đầu tiên, dù không ăn kiêng, tôi đã giảm được vài kilogram.

 

Lúc khởi đầu ê a đánh vần tiếng Pháp, một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ với chúng tôi, nó làm anh em chúng tôi có đôi chút mệt mỏi và nản lòng. Thế nhưng khi bập bẹ nói được vài câu, nghe được vài chữ, và với sự khích lệ, chỉ dẫn của anh em trong cộng đoàn, từng chút từng chút một, chúng tôi giao tiếp bằng tiếng Pháp, đọc kinh cầu nguyện trước-sau bữa ăn, hướng dẫn kinh trong giờ Kinh phụng vụ, đọc Sách thánh…

Trước một văn hóa xa lạ, bao điều ngạc nhiên đã đến với tôi. Cách thức chào hỏi thân tình, có thể bắt tay, áp má, cụng đầu. Cách hỏi thăm sức khỏe của nhau hàng ngày: mỗi khi nhìn thấy nhau anh em hay hỏi “Comment ça va?” (bạn có khỏe không?). Mỗi ngày, không kể thời gian, dù là sáng, trưa, chiều hay tối, ngay khi thấy bạn họ đều chào hỏi bạn như vậy. Cách thức ăn uống – ăn bằng tay. Giờ giấc thì luôn trễ. Văn hóa nói nhiều hơn làm, nói và hứa thì rất hay nhưng thực tế thì thường là ngôn hành bất nhất.

Sau khi có thể giao tiếp căn bản, chúng tôi được một Cha đồng hành trong vòng ba tuần để tìm hiểu sâu hơn lịch sử nước Congo, tìm hiểu về văn hóa, tham quan một số nơi, đi đến nhà giáo dân ở để trải nghiệm cuộc sống của họ. Trong thời gian này, tôi được đến ở 4 ngày trong nhà một người dân ở tỉnh phía nam của Congo.  Tại đây tôi đã trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của họ. Điều tôi khám phá ở gia đình này là họ chỉ ăn ngày hai bữa: sáng và tối. Cuộc sống vùng này khá nghèo nên trẻ em ít được đi học. Sáng sáng, họ đi đến mạch suối lấy nước về dùng, rồi vào rừng để nhặt củi về nấu ăn… Dù nghèo khó nhưng họ sống rất vui vẻ và lạc quan, phó thác vào Thiên Chúa.

Là một nước với nhiều ngôn ngữ địa phương, mà ngôn ngữ lại là chìa khóa để giao tiếp và mục vụ, anh em chúng tôi được gửi đi đến một cộng đoàn để học tiếng Kikongo – một trong số những ngôn ngữ lớn.

Chín tháng thực tập mục vụ tại giáo xứ Saint Paul để lại cho tôi biết bao trải nghiệm. Nơi đây tôi được thấy cách thức một giáo xứ vận hành: các sinh hoạt của giáo xứ, các đoàn thể, việc quản trị và chăm sóc đoàn chiên… Các sinh hoạt của giáo xứ thường chỉ diễn ra ban ngày với thánh lễ  ban sáng, các giờ cầu nguyện, tập hát của hội đoàn buổi chiều. Vì an ninh không đảm bảo nên buổi tối không có sinh hoạt gì trừ tối Thứ Bảy có thánh lễ thay cho Chúa Nhật.

Thánh lễ Chúa Nhật nơi đây  thường kéo dài từ ba cho đến bốn tiếng. Với Phụng vụ theo phong cách sống động, giáo dân tham dự thánh lễ rất sốt mến. Giáo dân đàn, hát, nhún nhảy thậm chí còn có cả hò hét. Mặc dù thánh lễ dài như thế nhưng họ rất vui vì họ được tham dự tích cực vào thánh lễ, được ca tụng Thiên Chúa bằng tất cả những gì họ có, những gì họ là. Với họ, ngày Chúa nhật là ngày của Chúa, ngày dành cho Chúa, họ nghỉ việc làm đồng áng, buôn bán để dành thời gian đến nhà thờ. Thế nhưng có một nghịch lý nho nhỏ, nếu  trời mưa thì mặc định họ không đến nhà thờ. Hay trong  Mùa Vọng và Mùa Chay tỉ lệ giáo dân đến nhà thờ sẽ ít hơn. Lý do là vào hai mùa này thì đàn, hát sẽ ít hơn, thánh lễ không sinh động, ít nhún nhảy nên họ cũng ít đến nhà thờ.

Ở giáo xứ, tôi được Cha xứ trao phó quản lý tiền bạc thu chi trong xứ và chợ búa bếp núc trong cộng đoàn. Qua đó tôi mới thấy cảnh khó khăn về kinh tế của một vùng truyền giáo. Giáo dân nơi đây có xin lễ, thế nhưng tiền xin lễ hầu như không có, hoặc nếu có thì với mệnh giá rất nhỏ. Nếu Chúa Nhật mưa thì giáo dân không đi lễ và cũng đồng nghĩa với không có tiền lắc giỏ, không có tiền cho chi phí sinh hoạt của cha xứ. Thế nhưng với ơn Chúa, tất cả cũng trôi qua tốt đẹp.

Trong suốt hành trình thực tập OTP của tôi, tôi không được đi tham quan nhiều nơi các cộng đoàn, giáo xứ, vùng truyền giáo của SVD vì lý do an ninh, nội chiến, các bộ lạc đánh nhau, các nhóm cướp bóc hoành hành khiến cho việc di chuyển rất khó khăn. Thậm chí có giai đoạn đường bộ bị dừng hoạt động, các tỉnh bị cô lập vì lý do an ninh.

Mặc dù có nhiều điểm thuận lợi trong suốt hành trình OTP, thế nhưng cũng không thiếu những khó khăn. Sự khác biệt về thực phẩm khiến anh em chúng tôi nhiều phen bị “Tào Tháo” rượt. Đối diện vơi một ngôn ngữ hoàn toàn mới – tiếng Pháp- cũng làm cho chúng tôi gặp chút khó khăn lúc khởi đầu. Văn hóa xin-cho nên nhiều khi chúng tôi hay bị xin tiền, bị làm phiền khi đi đường. Mặc dù khá cẩn trọng trong việc tránh muỗi, thế nhưng tôi vẫn bị muỗi chích khiến tôi phải bốn lần trải nghiệm cơn sốt rét Phi Châu. Thế nhưng với ơn Chúa giúp qua việc cầu nguyện liên lỉ, lần chuỗi Mân Côi, những thử thách ấy không làm khó cho tôi mà là dịp để tôi học hỏi, nhìn nhận lại yếu đuối mỏng giòn  của phận người.

Sau hành trình sống với ở cùng, tôi thấy rằng Congo là một nước hiếu khách. Mặc dù những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội không mấy ổn định thế nhưng người dân nơi đây rất niềm nở và hiếu khách. Họ rất vui và hạnh phúc khi được anh em ghé thăm nhà, dùng bữa hay ở lại với họ. Giáo hội Công giáo ở Congo là một Giáo hội sống động. Nơi đó Lời Chúa đã và đang thấm nhuần vào đời sống, vào tư tưởng và hành động của Kitô hữu. Giáo dân tham dự thánh lễ và các giờ cầu nguyện một cách chủ động và sốt mến. Sau hơn 70 năm hiện diện, Tỉnh dòng Ngôi Lời Congo là một tỉnh dòng có truyền thống và vững mạnh trong khối Phi Châu, với khoảng hơn 50 thành viên và có vị thế và tiếng nói lớn trong Giáo hội Công giáo Congo.

Qua chương trình hực tập OTP, tôi có thể hiểu biết hơn, có cái nhìn đa chiều hơn về đất nước và con người Congo. Từ những trải nghiệm thực tế, tôi cảm thấy yêu mến sứ vụ truyền giáo nơi đây. Quả vậy “vô tri bất ngộ”- không biết không yêu mến, muốn yêu mến thì trước hết cần hiểu biết, muốn hiểu biết thì không cách nào nhanh hơn bằng đến, sống với ở cùng. Qua sự hiểu biết và yêu mến đó, một ngày trong tương lai gần tôi lại theo lời mời gọi của Đức Giêsu đến với cánh đồng truyền giáo tại Congo – Phi Châu.

✍️ Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Xuyên, SVD

(Thực tập mục vụ 2021-2023 tại Congo)

___

Chú thích:

[1] Nguồn Visual Capitalist, tháng 3/ 2023.

[2] Nguồn Wimipedia, https://vi.m.wikipedia.org/wiki/C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a_D%C3%A2n_ch%E1%BB%A7_Congo, truy cập 14h30p ngày 28/9/2023

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy sau Lễ Tro, Mùa Chay)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 1 Mùa Chay – Năm C