Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 1 Mùa Chay – Năm C

0
540

Bài Ðọc I: Ðnl 26, 4-10

“Dân được chọn tuyên xưng đức tin”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Thầy tư tế nhận của đầu mùa từ tay ngươi và đem đặt trước bàn thờ của Chúa là Thiên Chúa ngươi, và ngươi sẽ nói trước mặt Chúa là Thiên Chúa rằng: “Tổ phụ con là Aramêô du mục đã đi xuống Ai-cập và sống ở đó như ngoại kiều với một ít người; và đã phát triển thành một dân tộc vĩ đại, hùng mạnh và đông đúc. Các người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạvà bắt chúng con làm việc nặng nhọc. Chúng con đã kêu cầu Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, và Chúa đã nghe lời chúng con, đã nhìn thấy cảnh thống khổ, cực nhọc và khốn cùng của chúng con. Chúa đã dùng bàn tay mạnh, cánh tay hùng, dùng những biến cố khủng khiếp và những dấu lạ phi thường mà dẫn chúng con ra khỏi Ai-cập. Chúa đưa chúng con đến đây, ban cho chúng con xứ này, một xứ chảy sữa và mật. Và vì thế, lạy Chúa, giờ đây con dâng tiến Chúa những của đầu mùa, hoa màu ruộng đất mà Chúa đã ban cho con”. Ngươi sẽ đem đặt nó trước mặt Chúa là Thiên Chúa ngươi và sấp mình trước tôn nhan Người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 90, 1-2. 10-11. 12-13. 14-15

Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy ở cùng con trong lúc gian truân (x. c. 15b).

Xướng: 1) Bạn sống trong sự che chở của Ðấng Tối Cao, bạn cư ngụ dưới bóng của Ðấng Toàn Năng. Hãy thưa cùng Chúa: Chúa là chiến luỹ, nơi con nương náu, lạy Chúa con, con tin cậy ởNgài. – Ðáp.

2) Tai nạn không đến gần được bạn, và oan ương không bén mảng tới nhà bạn ở. Vì Chúa ra lệnh cho các Thiên Thần Ngài săn sóc bạn, để chư vị đó gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường. – Ðáp.

3) Chư vị đó bồng bế bạn trên tay, để bạn khỏi vấp chân vào đá. Trên mình hổ mang, rắn lục bạn bước đi, bạn đạp chân trên sư tử và giao long. – Ðáp.

4) Vì người quý mến Ta, Ta sẽ giải thoát cho, Ta sẽ che chở người bởi lẽ người nhìn biết danh Ta. Người sẽ kêu cầu Ta và Ta sẽ nhậm lời, Ta sẽ ở cùng người trong lúc gian truân, Ta sẽ cứu gỡ và làm vinh dự cho người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 10, 8-13

“Kẻ tin tưởng tuyên xưng đức tin trong Chúa Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, Thánh Kinh nói gi? Lời ở kề trong miệng và trong lòng người. Ðó là lời đức tin mà chúng tôi rao giảng. Vì nếu miệng ngươi tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ được rỗi. Quả thế, tin trong lòng thì sẽ được công chính, tuyên xưng ngoài miệng sẽ được cứu rỗi. Vì Thánh Kinh đã có nói: “Hễ ai tin vào Người sẽ không phải hổ thẹn”. Bởi lẽ không có sự phân biệt người Do-thái và Hy-lạp: Vì là cùng một Chúa của mọi người, Ngài rộng rãi đói với tất cả mọi người khẩn xin cùng Ngài. Vì mọi kẻ cầu khẩn Danh Ngài, đều được cứu độ.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4,4b

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Phúc Âm: Lc 4, 1-13

“Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”. Chúa Giêsu đáp: “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa”.

Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”.

Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: “Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!” Và còn thêm rằng: “Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá”. Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!” Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.

Ðó là lời Chúa.


Bài giảng chủ đề:

MÙA CHAY – KHOẢNG LẶNG CẦN THIẾT CHO ĐỜI SỐNG CỦA MỖI KITÔ HỮU

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Hoan, SVD

Vào mỗi dịp Mùa Chay, chúng ta lại được nghe hoặc đọc đoạn Tin Mừng tường thuật lại việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ và chiến thắng Satan trong hoang địa. Qua đoạn Tin Mừng ấy, chúng ta được mời gọi hãy cùng vào hoang địa với Đức Giêsu để cùng Người ăn chay, cầu nguyện, và chịu thử thách. Bởi vì đó chính là cơ hội, là khoảng lặng cần thiết giúp chúng ta hiểu hơn về sự yếu đuối của phận người và nhận ra đâu là sức mạnh đích thực giúp chúng ta vượt qua cám dỗ.

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca nói rằng trước khi bắt đầu sứ vụ loan báo Nước Trời, “Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ” (Lc 4, 1). Sau bốn mươi ngày ăn chay và cầu nguyện, Người bắt đầu cảm thấy đói. Nhân cơ hội này, Satan đã thứ thách Người với ba cơn cám dỗ khác nhau. Là những kitô hữu, ắt hẳn chúng ta đã được nghe hoặc đọc rất nhiều lần về ba thử thách mà Đức Giêsu trải qua trong hoang địa. Đó là hóa đá thành bánh để thỏa mãn cơn đói (Lc 4, 3), là cúi lạy Satan để có được vinh hoa lợi lộc của thế gian (Lc 4, 6-7), và cuối cùng là làm theo ý đồ của Satan bằng việc gieo mình xuống từ nóc đền thờ (Lc 4, 10-11). Có thể nói rằng Satan đã dùng tất cả những gì tinh túy và hấp dẫn nhất để xúi giục Đức Giêsu thực hiện những ý đồ mà nó bày ra. Thế nhưng, trong cả ba cơn cám dỗ, Đức Giêsu đã chiến thắng Satan bằng sự khiêm nhường, lòng trung tín, và tinh thần vâng phục thánh ý của Chúa Cha. Với việc chiến thắng những cơn cám dỗ của Satan, Đức Giêsu cho thấy rằng Người không đến thế gian để tìm kiếm danh lợi hay quyền lực cho bản thân nhưng là để thi hành thánh ý của Chúa Cha bằng sức mạnh của Thánh Thần.

Hình ảnh của Đức Giêsu mặc lấy thân phận con người, đi vào hoang địa và chịu cám dỗ gợi cho chúng ta nhớ lại kinh nghiệm của dân IsraEL trong sa mạc năm xưa. Tuy nhiên, chúng ta lại thấy hai hình ảnh hoàn toàn đối lập nhau giữa dân IsraEL xưa và Đức Giêsu. Cùng chịu thử thách trong sa mạc, trong khi dân IsraEL đã sa ngã và chống lại Thiên Chúa thì Đức Giêsu đã vượt qua bằng sự vâng phục tuyệt đối. Hay nói cách khác, như dân IsraEL xưa, Đức Giêsu đã chịu thử thách trong hoang địa nhưng Người đã vượt qua vì luôn luôn tín thác vào Thiên Chúa Cha.

Ngày nay, mỗi người chúng ta cũng đang được đặt để và sống trong hoang địa cuộc đời của mình mỗi ngày nơi mà mưu chước của ma quỷ vẫn luôn vây quanh ta qua những cám dỗ về tiền tài, danh vọng và ham muốn thỏa mãn bản thân. Trong sự mỏng giòn của phận người, chúng ta dễ dàng bị lôi kéo và làm theo những kế hoạch tinh vi mà ma quỷ đã vạch sẵn. Thật vậy, bản tính con người vốn yếu đuối còn ma quỷ thì mưu mô xảo quyệt. Chúng nắm bắt được nhược điểm của con người là sự dễ dãi và thích chiều theo bản năng để từ đó chúng lợi dụng những điểm ấy đưa chúng ta vào những cạm bẫy của thế gian mà đánh mất sự sống đời đời. Qua những thử thách mà chính Đức Giêsu đã trải qua, chúng ta có thể nhận ra rằng đó cũng chính là những cám dỗ mà chúng ta cũng thường gặp phải trong cuộc sống hằng ngày. Đâu đó vẫn có những con người “không làm nhưng đòi có ăn,” hay những người bán đổi lương tâm và sự sống đời sau để có được vinh hoa lợi lộc ở đời này. Đây là minh chứng cho việc ma quỷ vẫn đang sử dụng những tuyệt chiêu mà nó đã áp dụng khi cám dỗ Đức Giêsu để dụ dỗ và lôi kéo con người xa rời Thiên Chúa.

Đối mặt với những thử thách ấy, chúng ta hãy thật sáng suốt và biết tạo cho mình những khoảng lặng cần thiết; và Mùa Chay chính là khoảng lặng cần thiết đó. Hay nói đúng hơn, Mùa Chay chính là khoảng lặng tốt nhất để chúng ta hồi tâm, để gặp gỡ Chúa, và gặp gỡ thân phận yếu đuối của chính mình. Gặp gỡ Chúa để nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Người đối với mỗi người chúng ta. Gặp gỡ chính mình để nhận ra sự yếu đuối của phận người và để nhận ra rằng sức mạnh đích thực để chúng ta vượt qua các cơn cám dỗ là đến từ Thiên Chúa.

Sức mạnh ấy được cụ thể hóa qua việc ăn chay, cầu nguyện, và làm việc bác ái. Vậy nên, hãy để sự thinh lặng của Mùa Chay giúp chúng ta đi sâu vào ý nghĩa đích thực của ba việc làm ấy để chúng ta có thể “sống trọn vẹn ân sủng dồi dào của mầu nhiệm Vượt Qua.”[1]    Trong sứ điệp mùa chay 2024, Đức giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Cầu nguyện, bố thí và ăn chay không phải là ba việc làm độc lập, mà là một động tác duy nhất cởi mở và dứt bỏ giúp loại bỏ những thần tượng đang đè nặng chúng ta, loại bỏ những ràng buộc đang giam cầm chúng ta. Khi đó trái tim teo tóp và cô độc sẽ thức tỉnh. Vì thế, hãy chậm lại và dừng lại. Chiều kích chiêm niệm của cuộc sống mà Mùa Chay giúp chúng ta khám phá lại, sẽ sinh ra những nguồn năng lượng mới.”[2]    Đó là nguồn năng lượng giúp chúng ta vượt qua thử thách và sống trọn vẹn mầu nhiệm Thánh về sự chết và Phục Sinh của Đức Kitô.

Thử thách và cám dỗ vẫn luôn còn đó. Thế nhưng mỗi khi đối diện với chúng, chúng ta hãy học từ Đức Giêsu những cách thức mà Người đã dùng. Hãy để lời Chúa làm thỏa mãn cơn đói khát của chúng ta. Hãy tôn thờ một mình Thiên Chúa, Đấng là nguyên lý và là cùng đích của vạn vật, thay vì tôn sùng vinh hoa lợi lộc của thế gian. Hãy để cho kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện qua và trong đời sống của chúng ta thay vì đòi hỏi Thiên Chúa thực hiện những mục đích riêng của bản thân.

Chú thích:

[1] ĐGH Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2019 (Ngày 4 tháng 10 năm 2018), số
[2] ĐGH Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2024 (Ngày 3 tháng 12 năm 2023).

 

MÙA CHAY CƠ HỘI ĐỔI THAY

Lm. Giuse Trần Văn Huyến, SVD

Trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 9 tháng 9 năm 2020 tại Vatican sau một thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi mọi người hãy tận dụng thời gian cách ly, giãn cách là cơ hội để thể hiện tình yêu với mọi người. Ngài nhấn mạnh trong bài giáo lý với đề tài “Tình Yêu và Công Ích” rằng mọi Kitô hữu, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nên “chớp lấy thời cơ vàng” đi đến với người khác bằng tình yêu không biên giới. Mỗi người không chỉ đến với người thân, bạn bè nhưng đến với cả những người bị bỏ rơi, người thuộc mọi tầng lớp và nhất là đến với kẻ thù bằng tình yêu thương thật sự.[1] Những huấn dụ đó của Đức Giáo Hoàng Phanxicô như nhắc nhở tất cả các Kitô hữu trên toàn thế giới phải biết tận dụng thời gian đại dịch, mà nhiều người coi là “kiếp nạn”, làm cơ hội đổi thay thế giới nhờ cách sống và làm chứng về tình yêu thương Kitô giáo.

Bước vào Mùa Chay, Hội Thánh mong các tín hữu tận dụng cơ hội này để thay đổi ở tầm mức nhỏ hơn, đó là thay đổi chính mỗi người. Với mong ước như thế, nên trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại Mười Điều Răn (x. Đnl 26,4-10), nhất là bài Tin Mừng theo thánh Luca về ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu (x. Lc 4,1-13). Mục đích là, trước tiên, mỗi người nhìn vào cách ma quỷ lợi dụng cơ hội để cám dỗ Đức Giêsu mà tránh sa chước cám dỗ. Tiếp đến, mỗi người học đòi kinh nghiệm tận dụng thời cơ để vượt qua cám dỗ của Đức Giêsu, Đấng là Ađam mới. Sau cùng, mỗi người, dựa trên kinh nghiệm của Đức Giêsu, rút ra phương cách nhằm tận dụng cơ hội Mùa Chay Thánh này để thay đổi tâm can, từ bỏ tội lỗi, trở về với Chúa.

  1. Ma Quỷ – Kẻ Cơ Hội

Trước hết chúng ta nhìn vào bản chất xấu của kẻ giỏi cơ hội là ma quỷ để hiểu bản chất của chúng mà xa tránh. Theo như bài Tin Mừng, trong cơn cám dỗ đầu tiên (x. Lc 4,1-4), khi biết Đức Giêsu đã ăn chay dài ngày, quỷ lợi dụng cái đói của Người mà tấn công. Biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Người có thể dễ dàng làm mọi thứ chỉ nhờ lời phán ra, quỷ đã dụ dỗ Người nghe lời hắn mà hoá đá thành bánh để lấp đầy cái bụng. Đói thì cần của ăn, đó là điều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, ở đây quỷ muốn điều khiển Đức Giêsu, muốn lái Con Thiên Chúa làm theo những gì chúng chỉ bảo. Hắn đã tận dụng đúng lúc Đức Giêsu cảm thấy “yếu ớt sức lực nhất” để tấn công. Hắn biết rằng ai cũng muốn khẳng định mình nên đưa ra câu điều kiện gài bẫy: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” (Lc 4,3). Nếu là người thiếu suy xét, hẳn nhiên Đức Giêsu sẽ hành động để chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu biết đó là cái bẫy như là một cơ hội thể hiện mình cách hợp lý mà quỷ bày ra nhằm đưa Người vào tròng của hắn.

Quỷ quả là kẻ cơ hội và hắn rất kiên trì. Hết lần này đến lần khác hắn bám đuổi Đức Giêsu trong các cơn cám dỗ. Mục đích của hắn là lái Đức Giêsu hành động theo hắn. Hắn bắt Đức Giêsu phải sụp lạy chúng nhằm tôn vinh quyền lực (x. Lc 4,5-7) và thách thức Người làm điều quái dị là gieo mình xuống từ nóc Đền Thờ (x. Lc 4,9). Nhìn vào các cơn cám dỗ của quỷ đối với Đức Giêsu, chúng ta nhận ra khả năng “chớp thời cơ tuyệt vời” của chúng. Tận dụng đúng lúc, đúng điểm yếu với những lý do đưa ra nghe rất hợp lý và hoàn toàn nằm trong khả năng là cách quỷ đã làm với Đức Giêsu, vị Thiên Chúa làm người.

Đã là con người, hẳn ai cũng đã từng cảm nghiệm được khả năng tận dụng cơ hội của quỷ đối với mình. Dường như hắn luôn ở quanh ta và tấn công ta vào bất cứ khi nào. Thánh Phaolô đã phải thốt lên trước kẻ giỏi cơ hội là quỷ ma: “Khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay” (Rm 7,21). Kẻ cơ hội này còn lèo lái làm cho thánh nhân suy nghĩ một đằng lại làm một nẻo: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Từ kinh nghiệm của thánh Phaolô về kẻ cơ hội quỷ ma, và từ kinh nghiệm sa ngã ít nhiều của mỗi người, chúng ta càng khâm phục và mong muốn học theo Đức Giêsu, vị Ađam mới đã vượt thắng kẻ cơ hội ma quỷ.

  1. Đức Giêsu Là Ađam Mới Vì Biết Tận Dụng Cơ Hội Để Vượt Thắng Cám Dỗ

Ađam cũ đã không thể vượt qua những lời dụ dỗ ngon ngọt của ma quỷ, dưới hình hài con rắn, mà gây ra sự đổ vỡ tương quan với Thiên Chúa (x. St 3,1-24). Trái lại, Ađam mới là Đức Giêsu, như trong bài Tin Mừng hôm nay tường thuật, đã khởi động chương trình khôi phục tương quan bị phá vỡ thủa xưa bằng cách vượt qua ba cơn cám dỗ của quỷ. Quả thế, ba lần cám dỗ với độ khó tăng dần, nhưng Đức Giêsu đều không bị quỷ khuất phục. Người đã dùng chính những lời chép trong Kinh Thánh để đối đáp lại tên cám dỗ.

Quỷ cám dỗ Người sống theo bản năng và phô diễn mình là Con Thiên Chúa, nhưng đối lại Đức Giêsu nại vào sức mạnh của Kinh Thánh “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Đnl 8,3b) để từ chối sử dụng quyền Con Thiên Chúa, và nhân đó nói cho quỷ biết Người đủ kiên cường để chống ngự bản năng. Còn trong cơn cám dỗ tiếp theo, quỷ muốn Đức Giêsu sụp lạy hắn để được trao quyền bá chủ thế gian, nhưng Người không muốn lời lãi cả thế gian theo cách đó. Xác định như vậy, nên Người lật ngược lại quỷ với lời đáp: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi…” (Lc 4,8). Đức Giêsu nhân cơ hội đó bắt quỷ trở về vị trí của mình, không được thách thức Thiên Chúa mà chính hắn phải sụp lạy Người vì Người là Thiên Chúa của hắn. Còn trong cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đánh vào danh vọng. Nếu Đức Giêsu làm theo hắn thì Người sẽ trở thành ngôi sao giữa thành Giêrusalem tráng lệ, tuy nhiên, Đức Giêsu từ chối danh vọng hão huyền đó. Một lần nữa Người từ chối quảng diễn quyền năng của mình như ý quỷ muốn. Cuối cùng, sau ba lần thất bại, biết không thể khuất phục được ý chí kiên cường của Đức Giêsu nên quỷ bỏ đi dù vẫn nuôi ý định rình chờ cơ hội khác (x. Lc 4,13).

Vượt qua ba cơn cám dỗ cách tuyệt hảo, Đức Giêsu chính thức mở ra cơ hội vàng, cơ hội bước vào con đường mới, con đường thiết lập lại hoàn toàn tương quan với Thiên Chúa. Chiến thắng đầu tiên này tạo ra một bước đệm quan trọng để Đức Giêsu chiến thắng ma quỷ trong những lần cám dỗ trên hành trình cứu độ nhân loại. Nó cũng là bản lề nhằm mở ra cơ hội chiến thắng cám dỗ cho các Kitô hữu. Quả thật, nếu không dựa trên kinh nghiệm chiến thắng ma quỷ của Đức Giêsu, con người sẽ không có, dù chỉ một phần trăm cơ hội, vượt qua ma quỷ.

  1. Mùa Chay – Cơ Hội Để Đổi Thay

Ma quỷ là kẻ chống lại Thiên Chúa và là thù địch của con người. Chúng như sư tử đói ăn, ngày đêm gầm thét, rảo quanh tìm cơ hội cắn xé con người (x. 1 Pr 5,8) như đã tận dụng cơ hội cám dỗ Đức Giêsu. Chính vì thế, chúng ta hãy học theo Đức Giêsu chống lại ma quỷ bằng cách không tạo cho chúng cơ hội đưa ta vào tròng. Để làm được như vậy chúng ta cần tận dụng cơ hội quý báu vào Mùa Chay để thay đổi. Phương cách đổi thay được Đức Giêsu đề nghị là ăn chay và cầu nguyện. Quả thật, để chiến thắng được ba cơn cám dỗ của ma quỷ, Đức Giêsu đã cần một thời gian dài, bốn mươi ngày (x. Lc 4,2) để ăn chay và cầu nguyện. Ăn chay kết hợp cầu nguyện đã tạo cho Đức Giêsu sức bật thoát quỷ ma. Người biết chỉ ăn chay và cầu nguyện mới tiêu diệt được ma quỷ (x. Mc 9,28).

Dựa trên kinh nghiệm nền tảng vượt thắng quỷ ma của Đức Giêsu, mỗi người Kitô hữu nên tận dụng thời gian Mùa Chay thánh để luyện tập ăn chay, cầu nguyện và làm việc bố thí nhằm biến đổi mình cách tận căn. Bởi chỉ ăn chay và cầu nguyện mới giúp con người thoát khỏi cơn cám dỗ về bản năng – dục vọng; chỉ có ăn chay và cầu nguyện mới có thể giúp con người khiêm nhường nhìn nhận khả năng của mình và khiêm tốn xin Chúa trợ giúp đứng vững trước sự rình mò, quậy khuấy của ma quỷ. Vì thế, cách thức đổi mới trong Mùa Chay mà Hội Thánh mời gọi mỗi người là: ăn chay – cầu nguyện và thực thi giới răn yêu thương qua những việc làm bác ái như chính Đức Giêsu đã làm.

Ước mong rằng việc ý thức mình là thụ tạo yếu đuối nên luôn bị ma quỷ rình chờ và tìm mọi cơ hội để lôi cuốn chúng ta về phía hắn sẽ giúp mỗi người tỉnh thức hơn. Tuy nhiên, đôi khi quỷ vẫn lợi dụng cả những điều chúng ta ý thức như là cơ hội để tấn công chúng ta, vì vậy, chúng ta cần nhìn lên Đức Giêsu, Đấng đã vượt thắng ba cơn cám dỗ cách huy hùng, và nại vào kinh nghiệm của Người mà vượt thắng cám dỗ. Quả thế, kinh nghiệm ăn chay và cầu nguyện cùng việc thực thi Lời Chúa của Đức Giêsu sẽ là nguồn lực chính giúp mọi người biến đổi con người: từ con người yếu đuối, buông mình theo bản năng, danh vọng, quyền lực thành một con người khiêm nhường, vị tha và yêu thương với mọi người. Nếu đổi thay được như vậy, chắc chắn tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Cha sẽ khắng khít biết dường bao!

[1] X. Hồng Thuỷ – Vatican News, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Đối phó với đại dịch bằng tình yêu không giới hạn và vì công ích”, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-dai-dich.html. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2021.


THỰC HIỆN TÌNH YÊU CỨU ĐỘ

Lm. Giuse Nguyễn Đức Hoà, SVD

Khởi đầu cho chương trình cứu chuộc, Chúa Giêsu đã ăn chay và cầu nguyện bốn mươi đêm ngày đồng thời chịu quỷ cám dỗ. Hàng năm, Giáo Hội dành một thời gian để sống và tưởng nhớ lại chương trình ấy, thời gian đó được gọi là Mùa Chay. Mùa Chay không chỉ là thời gian ăn chay, sám hối, hãm mình và cầu nguyện mà còn là để con người khám phá lại tình yêu Thiên Chúa ban cho nhân loại.

Khởi đầu Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa để làm khí giới chiến đấu chống lại những cám dỗ và thử thách. Đây cũng là tâm tình mà dân Israel đã có được khi Thiên Chúa đưa họ vào sa mạc để huấn luyện, để chuẩn bị cho chương trình cứu chuộc. Bài Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay cho thấy lòng trung tín của Đức Giêsu Kitô đối với Thiên Chúa Cha qua việc Người bị quỷ cám dỗ và đã chiến thắng. Đây cũng là tâm tình mà mỗi người chúng ta cần có và phải có để xứng đáng lãnh nhận hồng ân cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho con người. Hồng ân cứu chuộc là một chương trình xuyên suốt qua hai mốc thời gian: chuẩn bị và hành động.

Một chương trình với hai thời điểm: Cựu Ước và Tân Ước. Thời Cựu Ước là thời gian chuẩn bị cho chương trình cứu chuộc. Dân Israel được dẫn vào sa mạc bốn mươi năm, ở đó họ được huấn luyện, được nuôi dưỡng và được yêu thương hết tình. Được huấn luyện cần đến thử thách, thế nhưng họ đã nhiều lần sa ngã; được yêu thương nhưng họ đã bội ơn mà đi vào con đường tội lỗi; được nuôi dưỡng, nhưng nhiều lần họ đã phản bội, bất trung. Thời Tân Ước là lúc Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, thực hiện chương trình cứu độ. Người là Thiên Chúa nhưng vâng lời để trở nên người phàm như mọi con người, ngoại trừ tội lỗi. Người không mang tỳ vết tội lỗi lại phải gánh tội cho người khác. Người là Con Thiên Chúa nhưng phải chịu thử thách và cám dỗ.

Một chương trình nhưng hai cách thể hiện khác nhau giữa con người và Thiên Chúa. Con người quá mỏng giòn yếu đuối. Con người vương phải tội lỗi và trở nên yếu hèn. Con người chỉ thấy được thực tại cho nhu cầu cuộc sống, và dân Israel là minh chứng cho các điều đó. Họ đã chống báng Thiên Chúa khi gặp khó khăn đói khát. Họ chạy theo các thần ngoại bang như các dân xung quanh. Nói tóm lại, họ đã quỵ gã trước những thử thách. Nhưng khi Thiên Chúa thực hiện chương trình thì hoàn toàn khác: Con của Ngài mang bản tính con người nhưng đã vượt thắng mọi cám dỗ, đau thương tủi nhục, gian lao vất vả. Nhờ luôn kết hợp mật thiết với Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ nhờ ăn chay và cầu nguyện; nhờ đó, Người đã hoàn tất công trình cứu độ mà Thiên Chúa giao phó.

Thánh Luca thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay: “Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn ngươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2). Đức Giêsu Kitô là Con của Thiên Chúa và Ngài là Thiên Chúa, nhưng vì mang bản tính con người nên quỷ đã tiến hành cám dỗ Ngài. Đức Giêsu đã chịu cám dỗ và đã vượt thắng. Người vượt thắng vì luôn kết hợp với Thiên Chúa Cha. Ngài vượt thắng vì Ngài không bám víu vào của cải vật chất, tiện nghi văn minh. Ngài không bỏ rơi Thiên Chúa để làm vua chúa trần gian theo sắp đặt của ma quỷ. Mỗi người chúng ta đừng để cho của cải vật chất và tiện nghi làm trở nên phụ thuộc, vì khi phụ thuộc là lúc dễ sa ngã vào đường tội lỗi, vào vòng tay quỷ dữ.

Thánh Luca thuật lại ba giai đoạn Đức Giêsu chịu thử thách. Đầu tiên là nhu cầu cần thiết mà mỗi con người cần đến là lương thực. Bốn mươi đêm ngày chay tịnh trong hoang địa, đối với con người chắc hẳn điều cần và mong muốn đạt tới để thỏa mãn cho nhu cầu thể xác sẽ là thức ăn và nước uống. Chúa Giêsu đã vượt thắng vì Người không chịu phụ thuộc mà vấp ngã. Đành rằng lương thực cần cho thể xác, nhưng không vì thế mà Chúa Giêsu nghe lời và bị phụ thuộc ma quỷ. Con người ngày nay dễ bị phù hoa tiện nghi vật chất lôi cuốn, nếu không trông cậy vào Thiên Chúa thì dễ rơi vào vòng xoáy cám dỗ của ma quỷ.

Thử thách thứ hai là quyền lực. Trong bản tính con người, quyền lực luôn có phần: quyền trên người khác, quyền để hưởng lợi, quyền để sung sướng; đó là niềm khát khao. Nhưng quyền đến từ ma quỷ chắc chắn sẽ là cái bẫy và là hố sâu dẫn đến địa ngục. Chúa Giêsu đã chiến thắng cám dỗ này, vì đối với Người, Thiên Chúa mới là tất cả vì Ngài là Đấng tạo thành mọi sự. Ngài là Đấng ban phát quyền lực cho con người và con người phải quy phục Đấng Tạo Thành. Tôn thờ Thiên Chúa là bổn phận của loài thụ tạo. Đừng vì quyền lực chớp nhoáng hư vô mà đánh mất linh hồn.

Thử thách thứ ba là danh vọng. Con người ai cũng có cái tôi, tự cao tự đại, cậy tài háo danh. Những gì quỷ nói với Đức Giêsu đều đụng chạm đến cái tôi. Chúa Giêsu thừa quyền năng để làm điều đó, nhưng làm vì lời thách thức của quỷ là nghe lời chúng. Thay vào đó, Đức Giêsu đã trách mắng quỷ vì dám thử thách Thiên Chúa. Kiêu căng tự phụ dễ dẫn đến xa rời Thiên Chúa. Tự phụ, tự cao, hám danh tham lợi là đường lối dẫn vào cám dỗ dễ dàng. Tin tưởng và tín thác là điều cần để luôn trung tín với Thiên Chúa.

Ba thử thách trên cũng là bài học cho chúng ta. Con người bản tính yếu hèn nếu không trông cậy, tín thác vào Thiên Chúa dễ dẫn đến bị cám dỗ. Cám dỗ sẽ dễ đến hơn khi nhu cầu cấp thiết cần cho cuộc sống lôi kéo. Nhưng nếu sống mà từ bỏ Thiên Chúa chạy theo ma quỷ thì sống được gì? 

Thế giới ngày nay là thời đại của những thành tựu khoa học vượt bậc và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, đầy những thành tựu và phát minh. Thế nhưng, thế giới văn minh không chỉ có thành tựu phát minh tiên tiến mà còn nảy sinh nhiều hệ lụy cho xã hội. Lối sống hưởng thụ thực dụng tràn lan. Nhiều cá nhân rơi vào đời sống trụy lạc, nhân tính bị đánh mất, lương tâm trở nên chai lì và tình yêu thương bác ái bị thay thế bằng vô cảm. Đời sống nhiều gia đình và dân tộc bị phong hóa. Đức tin nhiều người Kitô hữu lung lay và bị đánh mất. Tất cả chỉ vì thiếu đời sống kết hợp với Thiên Chúa. Tất cả chỉ vì quá coi trọng và tham lam của cải vật chất, ham thích quyền chức danh vọng, ham thích hưởng thụ. Những điều đó dễ là “đường rộng bậc to” dẫn xuống vực sâu của Xatan.

Tiền, quyền, danh là những thứ dễ làm con người say mê và ham muốn. Quỷ vẫn luôn chờ đợi và lợi dụng để thực hiện việc dụ dỗ. Nếu không có đức tin vững mạnh, không có tinh thần bác ái yêu thương, đặc biệt không có Chúa ở cùng và không sống cùng Chúa sẽ bị cám dỗ và sa ngã.

Chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa đã được thiết lập, đã qua thời gian chuẩn bị và đã được thực hiện. Chương trình ấy đã đến và đã đi qua cuộc đời của mỗi người chúng ta. Ơn cứu chuộc chúng ta đã được ban đến, nhưng vấn đề đón nhận được hay không còn do chúng ta. Sống theo Lời Chúa dạy, tỉnh thức sẵn sàng, ăn chay cầu nguyện trong Mùa Chay thánh sẽ là phương cách hữu hiệu để chống lại cám dỗ của ma quỷ. Chúa Giêsu đã chịu cám dỗ và Ngài đã chiến thắng. Vậy cả chúng ta nữa, chúng ta cũng sẽ bị cám dỗ và sẽ chiến thắng nếu chúng ta luôn bước đi cùng Chúa và luôn có Chúa đi cùng.

 

Bài trướcCONGO, ĐẤT NƯỚC TÔI “CHƯA BIẾT”
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 1 MC-C)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.