Tin Mừng: Mt 9,14-15
Bấy giờ, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.
SUY NIỆM
CỐT LÕI CỦA CHAY TỊNH (Tu sĩ Phêrô Lê Việt Tân, SVD)
Khi nói về chay tịnh, người ta thường nghĩ đến việc kiêng khem, hãm mình, một sự hy sinh để đền bù tội lỗi,… Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mặc khải thêm cho chúng ta về bản chất cốt lõi của việc giữ chay, đó chính là một hành vi tự do của đức tin dựa trên một tình yêu đích thực.
Trong tương quan giữa hai hay nhiều người, khi còn hiện diện bên nhau, chúng ta cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Chẳng ai ủ rũ khi được ở bên cạnh những người mình yêu quý. Nhưng khi không còn ở bên nhau nữa người ta mới cảm thấy nhớ thương, sầu muộn. Họ cầu nguyện cho nhau những điều tốt đẹp. Bản chất của việc ăn chay cũng thế, đó là một hành vi tự do trên nền tảng là sự tự nguyện hy sinh cho người mình yêu mến; càng yêu mến nhiều thì sự hy sinh đó càng có giá trị. Kiêng ăn, hãm mình, bố thí,… nếu không xuất phát từ mến Chúa và yêu người thì chẳng qua là một hành vi “sơn son thếp vàng” cho chính bản thân mình mà thôi, nó chẳng có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa cả.
Chính bởi việc ăn chay được đặt trong tình yêu, cho nên nó mang đến cho người ăn chay niềm hạnh phúc. Có điều gì hạnh phúc cho bằng làm cho người mình yêu được vui; và có điều gì cao quý hơn là bản thân mình xứng đáng để được đón nhận tình yêu Thiên Chúa? Ăn chay vừa mang lại sự hạnh phúc vừa làm cho con người trở nên xứng đáng hơn với tình yêu Thiên Chúa.
Ngày nay, người ta thường có xu hướng coi việc ăn chay là một gánh nặng hay là một hình thức để tô vẽ cho bản thân. Cả hai đều đưa đến việc xa lìa Thiên Chúa và đánh mất cảm thức về tội lỗi. Vì thế nhìn nhận đúng về bản chất và ý nghĩa của việc giữ chay giúp cho chúng ta ý thức hơn về tương quan giữa chính mình với Thiên Chúa và tha nhân.
Lạy Chúa, trong mùa Chay thánh này, xin cho con biết yêu mến nhiều hơn để con sống trọn tâm tình con thảo với Chúa và tình huynh đệ với anh chị em. Amen.
Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĂN CHAY (Tu sĩ Martinô Nguyễn Hoàng Vũ, SVD)
Ăn chay là một trong những truyền thống văn hoá của người Do Thái. Việc các môn đệ Đức Giêsu không ăn chay đã trở thành vấn đề để các môn đệ của Gioan Tẩy Giả thắc mắc và không tán thành. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã giúp cho mọi người nhận ra ý nghĩa thật sự của việc chay tịnh.
Trong đời sống đạo đức của người Do Thái, ăn chay là một sinh hoạt nhằm bày tỏ mong muốn được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của họ. Đối với Đức Giêsu, ăn chay luôn là một điều cần thiết. Người đã ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa khi chuẩn bị cho sứ vụ (x. Mt 4,1-11), cũng như dạy các môn đệ tầm quan trọng của ăn chay và cầu nguyện (x. Mc 9,28-29).
Quả thật, chay tịnh là một thực hành khổ chế quan trọng giúp con người hoán cải và canh tân bản thân mình. Nếu tội lỗi làm con người xa rời Thiên Chúa, thì ăn chay thống hối là con đường để giao hoà với Người, và hơn hết giúp con người có thể kết hiệp với Chúa. Thế nhưng, ăn chay ở đây không hệ tại hình thức, nhưng chính ở nơi tâm hồn khao khát trở về và hiệp thông với Chúa. Vì thế, các môn đệ chỉ ăn chay khi “tới ngày” chàng rể bị đem đi. Khi “tới ngày”, ngày con người nhận ra sự thiếu vắng Thiên Chúa trong tâm hồn, nhận ra bản thân đang lạc lõng và nặng nề vì tội lỗi, đó là lúc ta cần phải ăn chay. Chỉ khi ta thật sự hoán cải và muốn quay về với Chúa, thì việc ăn chay mới thật sự đúng ý nghĩa.
Lạy Chúa, bước vào Mùa Chay Thánh, đây cũng là lúc “tới ngày” chúng con bắt đầu lại tâm tình thống hối ăn năn. Xin Ngài luôn thêm sức mạnh và đồng hành với chúng con; xin giúp chúng con trong hành trình vượt thắng những yếu đuối của mình để xứng đáng được kết hiệp với Ngài. Amen.
ĂN CHAY ĐẸP LÒNG CHÚA (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)